Biên tập sách của Nguyễn Huy Thiệp

Tạ Duy Anh

2-12-2022

(Nhân việc Nguyễn Huy Thiệp (NHT) được trao giải thưởng Nhà nước. Trích hồi kí “LÁCH QUA LUẬT NGẦM”, có lược bớt so với nguyên bản).

Tôi không nhiều kỉ niệm với Nguyễn Huy Thiệp. Có thể là do số phận. Khi ông nổi danh như cồn, thì tôi đang nằm chết dí ở thị xã Lào Cai hoang tàn, ăn mắm tôm khô đến thối cả ruột. Tôi biết đến ông lần đầu qua truyện ngắn “Muối của rừng”, đọc ngay trên chốt canh địch. Tờ báo Văn nghệ đã bị tôi làm cho nhàu nát, chỉ vì truyện của ông. Thực sự tôi đã bị sốc, bởi lần đầu tiên được đọc một thứ văn đẹp và sâu sắc như vậy do người Việt viết.

Kỉ niệm thật sự, cực kỳ hiếm hoi giữa Nguyễn Huy Thiệp và tôi, thì lại dậy lên chút mùi cay đắng. Đó là khi tôi nhận được bản thảo tiểu thuyết “Tuổi hai mươi yêu dấu” của ông. Hồi đó, bất cứ điều gì Nguyễn Huy Thiệp viết ra, cũng là vàng mười, luôn sẵn sàng trở thành sự kiện truyền thông. Vì thế, không khó hiểu khi tôi mang “Tuổi hai mươi yêu dấu” về nhà và đọc ngấu nghiến, hình như chỉ trong một đêm, phần do tò mò, phần vì nó cũng ngắn. Hôm sau tôi đem lên trình Tổng biên tập Nguyễn Khắc Trường. Ông tác giả của “Mảnh đất lắm người nhiều ma” không vồ vập như tôi tưởng, mà vừa cười vừa hỏi: “Nó viết có được không?”

Tôi chưa kịp nói gì thì Nguyễn Khắc Trường cười hề hề, tay vuốt đùi, bảo:

– Tớ chả tin Thiệp viết tiểu thuyết. Những tay viết truyện ngắn hay, thường viết tiểu thuyết cóc ra gì. Lão Nguyễn Công Hoan là trường hợp thấy rõ nhất.

Tôi bảo:

– Anh cứ mang về đọc đi đã. Có vài chỗ hơi gai, em đã đánh dấu, tùy anh quyết định. Bên đối tác muốn in sớm.

– Ờ, để tớ đọc.

Vài hôm sau, vừa nhìn thấy tôi, Nguyễn Khắc Trường tủm tỉm:

– Tớ nói chỉ có đúng, “Tuổi hai mươi yêu dấu” rất thường, phải nói rõ là rất thường, thế mới chán.

Nguyễn Khắc Trường cười thành tiếng, nói bâng quơ:

– Khó lắm, không dễ đâu.

Sau đó, khi bàn vào việc, ông bảo tôi:

– Bảo Thiệp bỏ đi mấy câu về Quốc hội*, câu vè của thằng Trần Đăng Khoa**, gây hấn thế chả đáng. Bỏ đi mấy câu ấy thì cho in, in được. Không hay nhưng cũng nhiều người sẽ quan tâm. Thiệp nó có được cái đó. Nó viết gì bây giờ cũng có người quan tâm. Chứ tớ với cậu thì còn lâu nhé hề hề…

Chả hiểu có thần linh đưa đường hay sao mà mấy ngày sau Nguyễn Huy Thiệp bất ngờ xuất hiện ở phòng làm việc của tôi, lúc đó cả phòng văn học trong nước vẫn ngồi chung. Hóa ra ông và mấy người sắp có chuyến đi Thụy Điển, thành phần có cả Lê Minh Khuê và họ đến chỉ để gặp chị Khuê, bàn về chuyến đi. Trong tình thế đó, tôi thành ra vô duyên. Sau khi chào ông, được ông chiếu cố gật đầu, tôi lại cắm mặt xuống bàn để đọc. Mọi người bàn rôm rả ngay bên cạnh về chương trình gặp gỡ, thăm thú, quà tặng… khiến tôi có chút phân tâm và nói thật cũng thấy chạnh lòng. Tôi bèn tìm cách ra ngoài. Trước khi đi, có lẽ để đỡ gây đột ngột, tôi nói với Nguyễn Huy Thiệp ý kiến của Tổng biên tập, nếu tác giả đồng ý thì có thể đem đi in. Nguyễn Huy Thiệp chả mấy quan tâm, nhưng cũng hờ hững đáp:

– Ông nói với ai thế thì được, chứ không thể nói như vậy với một nhà văn danh tiếng như tôi. Chả in tiếng Việt thì tôi in bằng tiếng Anh. Cuốn đó của tôi mà không in được trong nước, thì khối thằng lãnh đạo cỡ bộ trưởng mất chức chứ đùa, tôi nói trước cho mà biết.

Suýt nữa thì tôi bật cười, không phải do câu nói đầy kiêu ngạo, mà vì cái sự ngây thơ, không biết là thật hay giả vờ của Nguyễn Huy Thiệp. Nếu ông nghĩ thật rằng sách của ông mà không in được trong nước khối thằng lãnh đạo sẽ mất chức, thì có vẻ ông đang sống trên cung trăng. Nhưng chả hiểu sao tôi lại nói với ông thế này:

– Em nghĩ cắt đi câu đó cũng chả hại gì đến tác phẩm. Anh nên đồng ý để in tiếng Việt cho bạn đọc trong nước đọc trước đã. Tiếng Việt mới quan trọng. In tiếng Anh trước làm quái gì, liệu được mấy người quan tâm. Bọn Tây nó vẫn đọc anh em mình bằng tâm thế thực dân, chứ nó chả coi ra gì đâu.

Tôi vẫn luôn nghĩ như vậy, như một quan điểm cá nhân. Khi nói chuyện với sinh viên viết văn, tôi bảo với họ rằng tiếng Việt, với gần một trăm triệu người dùng, xứng đáng là một ngôn ngữ lớn để chúng ta sống chết với nó cả đời. Nhà văn hay bất cứ ai, trước hết phải phấn đấu trở thành người có tiếng nói quan trọng với dân tộc mình cái đã.

(Khi thầy Hoàng Ngọc Hiến còn sống, tôi đã kịp nói ý nghĩ về “tâm thế thực dân của bọn Tây” cho thầy nghe. Thầy nhìn tôi chăm chú hồi lâu rồi hỏi: “Em nghĩ như vậy từ bao giờ?” Tôi đáp: “Em luôn nghĩ thế, càng tin thế khi tiếp xúc với một vài người ngoại quốc, kể từ Đại sứ trở đi”. Thầy Hiến chồm người qua bàn, nắm lấy tay tôi, nói: “Chúc mừng em!” Tiện thể thầy hỏi: “Có phải vì thế mà em không thích đi nước ngoài”? Tôi đáp: “Em có thích chứ, nhưng em chỉ muốn đi với tư cách khách du lịch”. Lần này mắt thầy Hiến sáng rực: “Cậu quá tỉnh táo. Nhiều nhà văn của mình tưởng bở là mình quan trọng, thành ra bị ê chề, chết dở với tư cách khách mời. Nói thế chứ Tây nó vẫn nhìn cánh mình bằng nửa con mắt”.

Sau này tôi tiếp tục mang ý nghĩ của mình tâm sự với nhà phê bình Thụy Khuê nhân chuyến đưa bà về thăm mộ Nam Cao và Tú Xương, thì bà nói luôn: “Tụi nó vẫn thế đấy”).

Trở lại chuyện đang kể. May phúc gặp được “người khổng lồ”, tôi chỉ định tiện thể giãi bày điều nung nấu ấy như một tâm sự gan ruột của đồng nghiệp đàn em, cũng là thay cho lời chào trước khi ra chỗ khác để mọi người đỡ thấy bất tiện. Nào ngờ hôm đó tôi đã khiến Nguyễn Huy Thiệp nổi giận đến mức ông sửng cồ lên với tôi. Ông hướng vào tôi bằng vẻ mặt có phần khinh thường, nói một thôi bằng thứ giọng phẫn nộ thành ra lắp bắp:

– Ông nói y hệt thằng A25 (công an văn hóa). Ông viết thì cũng được nhưng tôi không ngờ ông ăn nói chả khác gì công an. Không ai nghĩ ông lại là người vẫn giữ đầu óc kỳ thị như vậy. Ông làm tôi thất vọng quá. Nhà văn danh tiếng như tôi in đâu mà chả được. Một chữ tôi cũng không cắt.

Tôi đã định nói rằng, người Việt làm gì có quyền kì thị ai, kể cả Lào, nhưng quyết định chấm dứt cuộc chuyện ở đó. Khi ông đang nóng lòng muốn đến thăm quan trước nơi ông tuyệt đối tin tưởng sẽ sớm đặt chân, là Phòng Khánh tiết của Viện Hàn lâm Thụy Điển, thì những lời nói của tôi đúng là còn hơn ếch ngồi đáy giếng lại dám lí sự với trăng sao!

Hôm sau tôi truyền đạt lại nguyên văn lời Nguyễn Huy Thiệp cho Nguyễn Khắc Trường. Ông Tổng biên tập ngồi nghe, tủm tỉm cười, bảo: “Thôi, Thiệp nó kiêu thế thì đành chịu”.

Rồi vỗ đùi cười ầm lên. Ai đã từng quen với kiểu cười đó của Nguyễn Khắc Trường, đều sẽ hiểu ra ông định nói gì.

Từ bấy, Nguyễn Huy Thiệp và tôi hầu như không mặn mà với nhau. Gặp ông tôi vẫn một mực giữ lễ của bậc đàn em “bé tí”. Về phần mình, ông cũng tỏ ra đã “thể tất’ cho tôi phần nào. Tuy thế không bao giờ tôi có mặt trong số những người vây quanh ông.

“Tuổi hai mươi yêu dấu” không in được trong nước mà chả ai bị kỉ luật, mất chức như lời tác giả của nó cảnh báo! Nhưng Nguyễn Huy Thiệp cũng đúng một phần: nó được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh để in ở những nước có nền văn hóa và xuất bản khổng lồ. Thật đáng đời cho những kẻ ngăn cản tiểu thuyết của ông xuất bản nguyên vẹn trong nước! Đáng đời hơn nữa khi một lần tôi thấy Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) giới thiệu trang trọng về “Tuổi hai mươi yêu dấu”, trong đó trích đọc bài đăng trên báo Le Monde. Bài báo ca ngợi tiểu thuyết như một tiếng nói phản biện sâu sắc, mạnh mẽ về các vấn đề chính trị, xã hội nhức nhối ở Việt Nam. Nếu ai chưa biết tí gì về tờ báo Le Monde, thì tôi xin trích hầu một đoạn giới thiệu lấy trong từ điển: “Là một nhật báo bằng tiếng Pháp buổi tối với số lượng phát hành mỗi số đến thời điểm năm 2004 là 371.803 bản. Tờ báo này được xem là báo chuẩn mực Pháp và thường được mọi người rất kính trọng, luôn là tờ báo tiếng Pháp duy nhất có thể mua dễ dàng ở các quốc gia không phải thuộc khối Pháp ngữ”.

Ở trên tôi có nhắc đến hai chữ số phận, khi gắn với mối quan hệ giữa Nguyễn Huy Thiệp và tôi. Nếu bạn nào còn nghi ngờ, cho rằng tôi làm phách, thì nên biết nốt đoạn cuối sau đây: Gần 15 năm năm sau, khi đã lang thang khắp thế giới, “Tuổi hai mươi yêu dấu” lại về nằm hiền lành trên bàn biên tập của tôi. Tôi giữ nguyên những gì từng biên tập, không can thiệp thêm mảy may. Trước khi kí duyệt vào bản thảo để đưa in, nhớ lại lần bị ăn mắng té tát trước đây, tôi bèn đem ra kể với người đại diện của NHT cũng là biên tập viên Công ty Nhã Nam, để bày tỏ chút ngại ngần, thì cô ấy bảo với tôi:

– Anh Thiệp bây giờ khác rồi anh ạ. Anh ấy không chờ giải Nobel nữa đâu. Anh ấy đang bệnh tật, in sách chỉ vì cần có tiền. Nếu bắt buộc phải cắt cứa gì thêm, anh cứ theo ý anh đi.

Tự dưng tôi buồn ủ rũ và chỉ muốn khóc, không hẳn vì thương ông nhà văn lớn gặp bước đường cùng về cơm áo, mà nghĩ cám cảnh cả cho cái kiếp văn nhân ở xứ này, trong đó có mình. Đúng là đời chả biết đằng nào mà lần. Người dám mơ đến giải Nobel mà còn thế, huống nữa là mình.

Đường xa ngẫm nỗi sau này mà kinh!

* Trong sách nhân vật tôi bảo 460 đại biểu quốc hội là 460 kẻ ngu dốt.

** Câu vè bị nghi là của Trần Đăng Khoa (trong nguyên bản cũng nói rõ như vậy): NGỒI BUỒN CỞI CÚC XEM CHIM/CÒN HƠN VÀO RẠP COI PHIM NƯỚC MÌNH.

Sau này có dịp, tôi hỏi Trần Đăng Khoa có phải ông là tác giả, thì ông Khoa không công nhận nhưng cũng không bác bỏ, chỉ cười.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Cách cai trị dân của cs là bóp chết mọi suy nghĩ tự nhiên trong người dân. Sau khi lừa những người nhẹ dạ nghe theo chúng gây rối loạn trong miền Nam, khi đó chính quyền VNCH không thể tiêu diệt triệt để mầm loạn này vì quan niệm nhân sinh, nên đã phải thua cuộc cs. Chúng bắt đầu chính sách bóp bụng, bỏ đói người dân bằng mọi cách tàn ác nhất có thể làm được mục đích không còn sức để so sánh khác biệ́t giữa hai miền Nam/Bắc. Thời thế hiên nay đã đổi khác, chúng chuyển sang chính sách bóp chết mọi ưu tư về tương lai cuộc sống trong dân, bằng mọi thủ đoạn đảo lộn tất cả nếp sống thường ngày, và nhốt suy nhĩ trong dân vào cái lồng: không khổ sở vất vả kiếm sống hàng ngày chỉ chết mà thôi, trong khi bọn lợn cs thì phè phỡn, thừa mứa.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây