Về thói khôn vặt của chúng ta

Trà Đoá

4-12-2022

Có lẽ khôn vặt, láu cá,… là “bản sắc thực sự” của dân tộc ta, hay ít ra, đó cũng là tập quán trong tư duy của phần đông dân ta. Nói như vậy không phải để miệt thị, mà cốt để xới xuống tận đáy tâm thức lưu cữu của chúng ta, để rồi hy vọng có thể đổi thay.

Tâm thức của một dân tộc chứa đựng trong các khía cạnh văn hóa của dân tộc ấy, đặc biệt là trong ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ. Trong bài viết này tôi thử phân tích một vài câu ngạn ngữ nổi tiếng trong kho tàng dân gian để thấy được cái tâm thức đó.

Câu ngạn ngữ đầu tiên mà tôi muốn nói đến chính là câu rất nổi tiếng “im lặng là vàng”.

Câu này mới nghe có vẻ “minh triết”, nhưng suy ngẫm một chút sẽ nhận ra cái chất cơ hội của nó. Tôi không biết câu này xuất phát từ đâu và “cái ngữ cảnh mà từ đó nó xuất hiện” là như thế nào, nhưng khi nó được trích dẫn độc lập như một câu độc nhất như trên thì nó hoàn toàn là một thứ ứng xử cơ hội.

Tôi từng có ít nhất hai “kinh nghiệm đau khổ” vì cái câu này. Lần thứ nhất là khi còn học phổ thông. Trong một lần họp lớp, chúng tôi, một nhóm nhỏ, quyết tâm phản đối cái gì đó. Để rồi khi giáo viên chủ nhiệm hỏi có ai phản đối không, tôi giơ tay, và chờ đợi đám bạn kia giơ tay. Nhưng hỡi ôi, chúng im thin thít, và chỉ còn mình tôi chịu trận. Bọn kia đã chọn im lặng.

Lần thứ hai cũng tương tự nhưng trong một cuộc họp ở công ty. Và cuối cùng cũng chỉ mình tôi phản đối. Và… chịu trận.

“Im lặng là vàng” nghĩa là bạn cho rằng bạn cứ im lặng và hưởng lợi từ sự lên tiếng của người khác. Một sự hưởng lợi rất an toàn và… đểu giả, nếu không đểu cũng hèn hạ.

“Khởi thủy là lời” và chung cuộc cũng là lời. Thế giới sẽ thế nào nếu không còn ai nói? Người ta chỉ không nói khi họ không có/còn gì để nói, hoặc không có trách nhiệm phải nói.

Cho nên, im lặng chẳng bao giờ là vàng. Đó là sự thối thác, sự hèn nhát, hay ít tệ hơn, sự vô trách nhiệm.

Câu ngạn ngữ thứ hai là một câu mà chất cơ hội của nó vô cùng trơ trẽn. Thật lạ khi nó lại phổ biến trong dân gian đến vậy, như một châm ngôn.

“Ăn giỗ đi trước, lội nước theo sau”.

Chắc chẳng cần phải phân tích phân tiếc làm gì cái câu này. Nó quá tệ, nó phản ảnh một tâm thức láu cá đến tồi bại.

Khi đọc câu này, bạn sẽ hiểu tại sao dân tộc ta lại hiếm khi có cái gì mới. Bởi cái mới là thứ đầy rủi ro (giống như lội nước vậy) nó đòi hỏi phải dám làm và dám thất bại đến cay đắng thì mới hy vọng thành công. Nếu không dám rủi ro làm gì có phát kiến.

Suốt cả ngàn năm chúng ta chẳng làm được gì đã đành, nhưng cũng chẳng học được gì cho ra trò. Nho giáo cũng chỉ là thứ bề ngoài lớt phớt để thi cử làm quan. Cả dân tộc chẳng có ai có tư tưởng riêng, chẳng ai dám nói cái gì lệch khỏi cái đã ghi trong sách. Đến kiến trúc cũng không có lấy một cái gì mới, xây rập khuôn như Tàu, nhưng nhỏ và xấu hơn. Hội họa thì trống trơn. Từ vua đến dân chủ yếu thích tử vi, bói toán.

Tuyệt vời làm sao cho một nền văn hiến mấy ngàn năm.

Giảm dần và thay đổi cái tật láu cá của một dân tộc nên là chiến lược quốc gia, bắt đầu từ giáo dục. Một nền giáo dục khai phóng sẽ là phương thuốc hiệu nghiệm. Rồi sau đó hẵn nói đến khai dân trí. Bởi cốt lõi của dân trí không ở tri thức/kiến thức, mà chính là phương thức tư duy. Khai dân trí chẳng là gì ngoài việc thay đổi thói quen tư duy thuần cảm tính, để tập dần thói quen tư duy có chiều sâu. Mọi thứ chỉ thay đổi khi thói quen tư duy thay đổi.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ngụy biện,cũng tùy trường hợp chứ ! Không biết thứ “im lặng sấm sét” hay sao? Bị công an tra tấn,im lặng không khai báo cơ sở hoạt động thì không phải là “vàng” sao?

  2. Tác giả viết:
    Câu ngạn ngữ đầu tiên mà tôi muốn nói đến chính là câu rất nổi tiếng “im lặng là vàng”.

    Tác giả bao nhiêu tuổi?
    Câu này có gốc Pháp

Leave a Reply to Cong Anh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây