Nông sản màu… hồng nhưng với ai?

Blog VOA

Trân Văn

1-12-2022

Nông dân tập trung tại Hà Nội để phản đối nạn tịch thu đất đai bừa bãi. Những vụ tranh chấp đất đai với chính quyền địa phương là một vấn đề ngày càng trở nên căng thẳng ở Việt Nam. Hình minh họa. Nguồn: AFP

Chuyện hồi đầu năm nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền… “không nghe, không thấy” và… “không làm gì cả”, bỏ thí hàng chục ngàn gia đình nông dân ở Long An, Tiền Giang từng dốc tất cả mọi thứ họ có…

Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN PTNT) vừa công bố thêm một số dữ liệu tích cực liên quan đến nông sản, chẳng hạn: Tháng này, xuất cảng rau trái của Việt Nam thu về khoảng 340 triệu Mỹ kim, tăng khoảng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Bộ NN PTNT loan báo đã phê duyệt “Quyết định phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030”. Theo quyết định này, Việt Nam sẽ tập trung phát triển 14 loại cây ăn trái có kim ngạch xuất cảng cao (thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa – khóm, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh dây, bơ và mãng cầu – na) [2].

Những dữ liệu như vừa đề cập dễ tạo cảm giác lạc quan về tương lai dường như sẽ tươi sáng của nông nghiệp – nông dân – nông thôn song nếu để ý kỹ hơn thì những dữ liệu dường như… nhuốm hồng ấy không đủ để che khoảng tối do nhiều dữ liệu khác tạo ra: Trong 11 tháng vừa qua. Việt Nam – quốc gia đã chi vài trăm ngàn tỉ cho chính sách tam nông (hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng phát triển) và đang còn chi nhiều hơn nữa – chi 1,87 tỉ Mỹ kim để nhập cảng rau trái của Mỹ, Úc, Trung Quốc,… So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay, nhập cảng rau trái từ Mỹ tăng 13,6%, từ Úc tăng 17%,.. và riêng từ Trung Quốc tăng 83%.

Khi trò chuyện với tờ Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, giải thích, sở dĩ nhập cảng rau trái từ Trung Quốc tăng đến mức gây ấn tượng sâu đậm như vậy là vì: “Điều kiện thông quan vào nước ta dễ dàng. Đặc biệt, nhờ giá rẻ và chất lượng có sự cải thiện, các loại trái cây như lựu, nho, lê, táo…hay rau củ như cà rốt, hành tây, hành, tỏi…của Trung Quốc đang được bày bán nhiều trên thị trường(2)… Chúc mừng nông dân Trung Quốc vì sự nghiệp của họ ổn định hơn nông dân Việt Nam, không phải vừa trồng vừa hồi hộp không rõ xuất cảng có bị nghẽn hay không và tất nhiên không phải vừa gạt nước mắt, vừa thi nhau đổ bỏ rau trái vì nông sản đột nhiên bị chặn đường sang Trung Quốc (3)!

Thỉnh thoảng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam lại bày tỏ sự sung sướng như hóa rồ khi qua cuộc khảo sát này, chỗ xếp hạng kia xác nhận “chỉ số hạnh phúc” ở Việt Nam nằm trong nhóm “dẫn đầu thế giới”, tuy nhiên đó không phải là chuyện để bàn vào lúc này. Nếu nhìn “hạnh phúc” ở góc độ nông dân – nông sản không mất giá, đầu ra không chỉ ổn định mà còn tăng không ngừng – thì nông dân Campuchia cũng “hạnh phúc” hơn nông dân Việt Nam. Những dữ liệu thống kê mới nhất do Hải quan Việt Nam công bố cho thấy, năm nay, Việt Nam đã chi cả tỉ Mỹ kim để nhập cảng nông sản Campuchia (gạo bắp, tiêu điều, khoai mì, cao su,…) [4].

Khi nhập cảng nông sản vừa nhiều, vừa đa dạng như thế thì nông dân Việt Nam làm gì sau vài thập niên thực hiện “chính sách tam nông”? Cứ nhìn vào thực tế ắt sẽ thấy nông dân Việt Nam có nhiều… lựa chọn: Ly nông, ly hương để làm công nhân hoặc bán ruộng, bán vườn để đi làm thuê ở ngoại quốc. Từ xưa đến nay, dưới gầm trời này, có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất vừa liên tục chi hết chục ngàn tỉ này đến chục ngàn tỉ khác để thực hiện “chính sách tam nông”, hoàn tất mục tiêu “xây dựng nông thôn mới”, vừa khẳng định “xuất khẩu lao động” – đưa nông dân và con cháu đi làm thuê ở nước ngoài là phương thức đúng đắn, hiệu quả để “góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương”!

***

Các viên chức hữu trách trong lĩnh vực NN PTNT đang huyên thuyên về triển vọng xuất cảng nông sản bởi đã tìm ra con đường “xuất khẩu chính ngạch vào những thị trường khó tính” và “dư địa” cho rau trái Việt Nam còn rất lớn nếu làm thế này, đạt yêu cầu kia (5). Cứ lấy từng loại trái cây trong danh sách 14 loại cây ăn trái được xác định là có… “kim ngạch xuất cảng cao” trong “Quyết định phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030” mà Bộ NN PTNT công bố tháng trước rồi gõ vào Google kèm thêm hai chữ “đổ bỏ” hoặc “mất giá”, tự nhiên sẽ thấy kết quả tổng hợp về chuyện nông dân khốn khổ, khốn nạn thế nào khi từng thi nhau trồng chúng!

Chuyện hồi đầu năm nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền… “không nghe, không thấy” và… “không làm gì cả”, bỏ thí hàng chục ngàn gia đình nông dân ở Long An, Tiền Giang từng dốc tất cả mọi thứ họ có (sức lực, vốn liếng) vào 20 héc ta thanh long, cuối cùng thanh long “chín đỏ đồng” nhưng không bán được, phải cho… bò ăn (6) hoàn toàn không… mới! Xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng XHCN có thể khiến “chính sách tam nông” và “nông sản” ửng hồng nhưng đã có bao giờ sắc thái đó trở thành màu chủ đạo cho nông nghiệp – nông dân – nông thôn?

Chú thích

(1) https://danviet.vn/14-cay-an-trai-chu-luc-cua-viet-nam-duoc-chon-tap-trung-phat-trien-den-nam-2030-la-cay-gi-20221028093349895.htm

(2) https://tienphong.vn/rau-qua-trung-quoc-my-o-at-vao-viet-nam-post1490707.tpo

(3) https://vietnamnet.vn/trung-quoc-an-hang-dang-phai-do-bo-bat-ngo-dat-hang-nong-dan-lai-dam-2021493.html

(4) https://thesaigontimes.vn/trai-cay-chu-luc-cua-viet-nam-thi-truong-la-yeu-to-quyet-dinh/

(5) https://thanhnien.vn/20-000ha-thanh-long-chin-do-cay-khong-ai-mua-nong-dan-keu-cuu-ngay-dem-so-mat-tet-post1418336.html

(6) https://thanhnien.vn/20-000ha-thanh-long-chin-do-cay-khong-ai-mua-nong-dan-keu-cuu-ngay-dem-so-mat-tet-post1418336.html

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. HỌC GIẢ NGUYỄN DUY.

    Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)

    Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
    nhân dân đây
    cái gốc quốc gia này.

    Bán mặt cho đất
    bán lưng cho trời
    nhân dân mẹ cha
    nhân dân ông bà
    nhân dân tổ tiên
    nhân dân nguồn cội
    hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.

    Mảnh đất truyền đời
    chát mồ hôi
    đắng máu
    lớp lớp anh hùng áo vải
    lớp lớp xác người giữ đất
    vẫn nhân dân.

    Sao nên nỗi người cày không có ruộng
    luật hoang vu hoang hóa nhân tình?

    Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
    ăn quả trên cành tè axit gốc cây?

    Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
    ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?

    Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
    nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?

    Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
    tự biến thành thù địch trước nhân dân?

    Lai tỉnh
    hỡi lương tri
    lai tỉnh!

    (*) Lật thuyền mới biết dân là nước
    (Quan hải, Nguyễn Trãi)

    Nguồn Mạng.

  2. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đúng là phần lớn thường sai, well, nói bậy thì đúng hơn, nhưng không phải không có những lúc ngài tiến sĩ thông minh đột xuất . 1 trong những lúc (cực kỳ) hiếm hoi đó là ông mong muốn lãnh đạo Đảng & đất nước cần có tính quyết đoán mạnh mẽ

    Tớ mong muốn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng & những lãnh đạo cao cấp của Đảng cần có những tư duy đột phá để cái dental floss gọi-là biên giới -1 khái niệm rất “dễ xa nhau”- không còn là rào cản, để mọi thứ, kể cả nông sản trong trường hợp này, luôn được lưu thông dễ dàng giữa nhà & quê hương . Chỉ những lãnh đạo thật sự có tính quyết đoán mạnh mẽ như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu mong muốn mới có thể làm được chuyện này

Leave a Reply to CÁI GỐC Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây