Độ trễ lịch sử

Nguyễn Ngọc Chu

23-11-2022

Đã hơn 14 năm kể từ ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tạ thế (11/6/2008). Trái với lẽ thường, càng cách xa ngày mất, không phải thêm nhạt đi, mà tầm vóc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dường như lại càng hiện ra lớn hơn. Trong con người của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tích hợp nhiều tính cách quý tạo nên tầm vóc to lớn của Ông. Có thể quan sát cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ nhiều phương diện. Dưới đây chỉ là một góc nhìn.

1. TẦM NHÌN SÁNG SUỐT

Thành tố đầu tiên góp phần xây dựng nên tầm vóc to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là tầm nhìn sáng suốt. Không thể liệt kê hết bằng chứng ở đây, bởi vì trong suốt 70 năm bền bỉ hoạt động (1938 -2008), trên nhiều cương vị (Bí thư tỉnh, uỷ viên trung ương, uỷ viên bộ chính trị, thủ tướng…) ông Võ Văn Kiệt đã đưa ra những quyết định thể hiện một tầm nhìn sáng suốt trong các tình huống rất phức tạp.

Một trong những quyết định như vậy là quyết định không cho phép tàu Trung Quốc vào cảng Sài Gòn sau 30/4/1975. Quyết định này đầy sóng gió vì đi ngược với ý kiến cho phép của Hà Nội. Trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ đã đề cập đến sự đồng ý của TBT Lê Duẩn để gây sức ép lên ông Võ Văn Kiệt. Nhưng ông Vỗ Văn Kiệt đã không lùi bước, và thông báo đã cho rải mìn phong toả. Đi xa hơn, ông Võ Văn Kiệt chất vấn lại: “Nếu họ vào không chịu ra thì các anh đuổi bằng cách nào”? Có lẽ lúc đó ông Võ Văn Kiệt đã nhớ đến bài học mà cụ Hồ phải đuổi 20 vạn quân Tưởng. TBT Lê Duẩn đã đồng ý với quyết định của ông Võ Văn Kiệt là đúng.

2. CÔNG ĐẦU ĐỔI MỚI

Các quyết định “cởi trói”, “xé rào” của Bí thư Thành uỷ HCM Võ Văn Kiệt đã đưa TP.HCM từng bước thoát khỏi cảnh khó khăn của thời bao cấp. Tầm nhìn “cởi trói” “xé rào” dẫu rất khó khăn vì liên quan đến sinh mệnh chính trị của người “cởi trói” “xé rào”, nhưng lại góp phần mở đường cho công cuộc cải cách kinh tế trên toàn quốc. Khi đã là người đứng đầu Chính phủ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt càng có nhiều quyết định đầy dấu ấn, đưa công cuộc đổi mới triển khai trong thực tiễn. Trong số nhiều công trình đặt nền móng trải đường cho quá trình đổi mới có đường dây 500kV Bắc-Nam, cải tạo Đồng bằng sông Cửu Long, bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ… được hậu thế ghi nhận. Nếu Đại hội 6 là mở đường lý thuyết của chính sách đổi mới, thì cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có công lớn nhất về triển khai chính sách đổi mới trong thực tiễn.

3. QUYẾT ĐOÁN VÀ HÀNH ĐỘNG MẠNH MẼ

Sáng ngày 6/11/2022, phát biểu về tình trạng thiếu thuốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện sự quyết liệt ‘ai không dám làm thì xin nghỉ’, ‘ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm’ (https://vnexpress.net/thu-tuong-giai-quyet-dut-diem-thieu…). Yêu cầu quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính làm nhiều người nhớ đến tính quyết đoán và hành động mạnh mẽ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Lãnh đạo thì phải quyết đoán. Quyết đoán rồi thì phải hành động mạnh mẽ. Không quyết đoán và không hành động mạnh mẽ như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì đã không có đường dây 500 kV Bắc Nam dài 1487 km được hoàn thành chỉ trong 2 năm (5/4/1992-27/5/1994). Nếu quyết đoán và hành động mạnh mẽ như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi xây dựng đường dây 500kV Bắc Nam, thì sân bay Tân Sơn Nhất đã được mở rộng mà chưa cần đến khởi công sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đã chẳng thể còn đang nằm trên giấy.

Quyết đoán và hành động mạnh mẽ là bản lĩnh của thủ lĩnh. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tấm gương cho những nhà lãnh đạo muốn trở thành thủ lĩnh. Muốn trở thành thủ lĩnh thì trước hết phải có bản lĩnh quyết đoán và hành động mạnh mẽ.

4. TIẾP NHẬN CHỈ TRÍCH-LẮNG NGHE Ý KIẾN TRÁI CHIỀU-TẬP HỢP TRÍ TUỆ TINH HOA

Điều gì đã giúp cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngoài những tố chất trời phú, có tầm nhìn thêm sáng suốt, có quyết định thêm dứt khoát và có hành động thêm quyết liệt? Đó là do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt biết tiếp nhận chỉ trích, biết lắng nghe ý kiến trái chiều, biết quy tụ trí tuệ quần chúng.

Không biết tiếp nhận chỉ trích, không biết lắng nghe ý kiến trái chiều, chỉ thích nghe lời a dua, luôn cho ý kiến mình là đúng thì không biết được sự thật, không biết sửa sai, không thể tự mình hoàn thiện. Không chỉ thế, nếu đi xa hơn lại quy cho những ý khác biệt là chống đối thì sẽ không tránh được các hậu quả tai hại. Thật may mắn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt biết tiếp nhận góp ý của nhân sĩ, chịu tìm nghe sự thật khó nghe từ các nhà thơ, trí thức về những mặt trái mà các cấp lãnh đạo không được nghe hoặc không chịu nghe. Vì biết nghe lời chỉ trích, muốn nghe điều trái chiều, nên khi một số trí thức miền Nam muốn rời đất nước sau ngày 30/4, từ những lời rút ruột của họ, ông Võ Văn Kiệt đã quyết tâm níu giữ: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa nếu tình hình không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra sân bay”.

Bởi biết tiếp nhận chỉ trích, bởi biết lắng nghe ý kiến khác biệt, nên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã huy động được một phần trí tuệ tinh hoa. Chính một phần trí tuệ tinh hoa này đã giúp cho Ông tìm ra lời giải cho những vấn đề phức tạp, bất chấp xuất phát điểm trước đó từ nông dân, cả cuộc đời chỉ đi kháng chiến mà không được học qua các trường lớp chính quy.

Biết sử dụng trí tuệ của người khác là thuộc tính của những nhà lãnh đạo tài năng. Sau năm 1986, có thể nói, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là lãnh đạo chịu tiếp nhận các chỉ trích nhất, chịu lắng nghe những ý kiến trái chiều nhất, và tập hợp được nhiều trí tuệ quần chúng nhất.

5. THỦ TƯỚNG THỰC ĐỊA

Điều tiếp theo góp phần làm to lớn thêm tầm vóc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là tính cách thực tiễn. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người lăn lộn thực địa ở mọi lĩnh vực, từ đi khảo sát xây dựng kênh dẫn nước, cho đến mục kích các công trình nhà máy, cầu đường… Ở mọi nơi cần thiết, Ông đều đích thân tận mắt nhìn thấy, tìm hiểu, trao đổi, thảo luận, tháo gỡ vướng mắc để đưa ra quyết định. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo thực địa, chứ không phải là một thủ trưởng văn phòng. Điều này giúp cho Ông có được các quyết định đúng đắn và làm Ông khác biệt với nhiều lãnh đạo tiền nhiệm cũng như hậu thế.

6. TÍNH CÁCH QUÂN TỬ

Không thể không đề cập đến tính cách ‘quân tử’ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tính ‘quân tử’ của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thể hiện qua nhiều lần tuyên bố nếu những người hành động vì dân mà bị bỏ tù thì Ông sẽ mang cơm nuôi. Ông nói điều này với bà Ba Thi khi giao nhiệm vụ mua gạo cứu đói cho TP.HCM. Ông đã làm điều này với Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải bị ngồi tù trong công trình đường dây 500kV. Ông luôn nhắc điều này với nhiều người khi phải quyết định “xé rào” vì lợi ích cộng đồng.

7. HẾT LÒNG VÌ DÂN

Hết lòng vì dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong mọi suy nghĩ và hành động. Khi quyết định “xé rào” cứu đói cho dân, liên quan đến vận mệnh chính trị, ông đã tuyên bố: “Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?”

Câu nói mang đầy tính cách Võ Văn Kiệt làm cho chúng ta trăn trở vì hiện nay không có ai dám chọn mất chức vì dân.

8. TRUYỀN NHÂN VÀ NHIỆM VỤ LỊCH SỬ

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn có nhiều tính cách cao đẹp nữa, cũng như có nhiều quan niệm đổi mới nữa mà không thể liệt kê hết ở đây vì hạn chế dung lượng bài viết. Nhưng nói nhiều về mặt tích cực không có nghĩa là mọi thứ hoàn hảo. Như mọi con người, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có những điều nuối tiếc. Không ai biết hết được các nuối tiếc thực sự của Ông. Nhưng có một nuối tiếc mà nhiều người mến mộ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có thể tìm được tiếng nói chung. Đó là Ông không để lại được “truyền nhân”.

Tại sao một người sáng trí, giàu lòng mến mộ nhân tài như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại không tìm được “truyền nhân”?

Câu trả lời nằm ở các rào cản mà Ông đã nhiều lần “xé rào” nhưng chưa đủ thời cơ và tiềm lực để xé đi những rào cản cốt lõi nhất. Chắc chắn là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy điều này. Nhưng Ông để lại nhiệm vụ lịch sử này cho hậu thế.

9. ĐỘ TRỄ LỊCH SỬ

Tầm vóc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thêm một lần nhắc nhở chúng ta ghi nhớ về cách thức đánh giá vai trò lịch sử cá nhân để mà hành xử.

Đứng sát trước núi, khó biết núi cao bao nhiêu, càng không thể so sánh được với các núi khác. Đi xa khỏi núi, mới có thể nhìn thấy tầm vóc của núi. Cũng như vậy, đứng trong rừng không biết được độ lớn của rừng. Phải đi xa khỏi rừng mới biết rừng lớn hay nhỏ.

Tương tự là cách đánh giá vai trò lịch sử cá nhân. Càng xa đương thời càng khách quan. Xa đương thời là thoát được ảnh hưởng thời thế, bớt được cảm tính cá nhân, có điều kiện để xếp hàng so sánh với các đối tượng lịch sử khác. Cùng một nhân vật lịch sử, mà đánh giá về vai trò sau 100 năm và sau 1000 năm là rất khác nhau. Không ít những nhân vật lịch sử khi cầm quyền, được đương thời ngợi ca vĩ đại, nhưng ngay sau khi chết lại bị lên án là tội đồ. Ngược lại, có những người đương thời bị quy kết là tội đồ, nhưng hậu thế lại tôn vinh. Đó là do “độ trễ lịch sử”. “Độ trễ lịch sử” là thước đo khách quan về các sự kiện lịch sử, bao gồm vai trò cá nhân. Hiểu được “độ trễ lịch sử” nên những bậc anh minh khi cầm quyền thì tránh xa lời ngợi khen mà tiếp nhận lời chỉ trích, lơ đãng ý kiến a dua mà lắng nghe ý kiến trái chiều.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhân vật chịu được thách thức của “độ trễ lịch sử”. Sau năm 1986, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là thân hình chính trị lớn nhất trên chính trường Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. Cho phép tớ đóng góp 2 hào kẹo mè xửng ở đây

    Tán thành cái tựa “Độ Trễ của Lịch sử”, nhưng như những bài khác của Ts Nguyễn Ngọc Chu, … Uh, thế nào nhẩy . Không ít thì nhiều, thường là rất nhiều, bài nào cũng như bài nấy của Ts NNC thường có nhiều những lập luận chỉ có ở những người chuyên nghiên cứu mệnh giời, thay vì toán . i mean trí thức XHCN, WTF you expect. Bài này không phải là ngoại lệ . Đọc cái tựa tưởng là sẽ đi tới đúng điểm rơi của lịch sử như 4 ông đầu rau Lân-Lê-Tấn-Vượng vẫn làm, nhưng ở đây ts mệnh giời NNC lại bỏ quên 1 cách tội lỗi phần đáng nhớ nhất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông (còn) là người Cộng Sản chân chính

    Ở đây tớ muốn nói đến thời chống Mỹ hào hùng . Với dân tộc các bác, có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất . Mỗi con người, mỗi cá nhân khi tham gia chống Mỹ chợt cao đẹp hẳn lên, du côn hóa trí thức, khủng bố hóa anh hùng . Là trùm T-4 phụ trách các hoạt động nội thành của cả Biệt động thành lẫn đám du côn sau này các bác tôn lên làm trí thức, Sáu Dân Võ Văn Kiệt trở thành Public Enemy Numero Uno của Ngụy . Trân Văn đã kể lại những chiến công làm nức lòng dân các bác dưới sự lãnh đạo của Sáu Dân Võ Văn Kiệt . Những buổi họp hướng đạo bị các chiến sĩ anh hùng liệng lựu đạn, trường học bị pháo kích, chợ bị lựu đạn, xe lam bị SKZ hoặc B40 cướp của Mỹ làm nổ tung, Đào Hiếu kể về thảy bom vào đồn cảnh sát và tự hào về điều đó … đều có dấu ấn của trùm T-4 Sáu Dân liệng lựu đạn vào dân Võ Văn Kiệt . Thời gian này, có thể nói không ngoa, ông, Võ Văn Kiệt, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh .

    Nhưng Ts NNC đã có tội trước vong linh của ông khi đã không nhắc tới thời này . Đã vậy còn nhắc lại cái thời mà, theo nhận định của nhiều người, trong đó có tớ, Võ Văn Kiệt đã trở thành 1 đứa học trò hổng những cá biệt, mà còn lêu lổng, ngỗ nghịch, lừa thầy phản bạn, nếu hổng muốn nói thẳng ra là mất dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    “Có lẽ lúc đó ông Võ Văn Kiệt đã nhớ đến bài học mà cụ Hồ phải đuổi 20 vạn quân Tưởng”

    Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất của những kẻ tớ xem là “thoái hóa”, đó là bẻ cong quẹo tới mức xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh . Chỉ khuyên thế này, nếu không hiểu thì nhận là không hiểu, rồi ngồi xuống mà học . Đừng có hiểu theo kiểu nghe hơi nồi chõ rồi đi truyền bá những điều bậy bạ là có tội với Cụ Hồ .

    Tại sao tớ lại phải giảng tư tưởng Hồ Chí Minh cho ông tiến sĩ mệnh giời ? Trí thức XHCN, WTF you expect.

    Chỉ nói thế này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có kiến thức rất sâu rộng về chủ nghĩa Mác-Lê, và quyết định của Cụ Hồ bao giờ cũng dựa trên tinh thần giai cấp . Quân Tưởng nó tương đương với Ngụy, đuổi đi là phải . Nhưng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã băng rừng lội suối để đi gặp Mao Chủ tịch, với mục đích mời cố vấn, các tướng lãnh quân sự cùng chí nguyện quân giúp Việt Nam Dân Chủ Cộng Đồng các bác đánh đuổi thực dân Đế quốc . Tóm lại, Tàu Tưởng Bad, No Bueno. Tàu Cộng thì Mucho Bueno, ve ri gút, Bồng Bồng tré biêng . Hiểu chưa ông tiến sĩ ?

    “TẬP HỢP TRÍ TUỆ TINH HOA”

    Ừ thì như 1 còm trên tiếng dân này nhận xét, tinh hoa là gộp chung của linh tinh & ba hoa . Nếu tớ nhớ không lầm, những chuyện tiếu lâm kiểu “sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng” có điểm xuất phát từ thời gian này . Huy Đức cũng chỉ rõ “hành lang pháp lý” cho cái bể phốt nền kinh tế thị trường đụng đâu cũng sắp bục, sắp bung ngày nay cũng do đồng chí liệng lựu đạn vào dân khởi đầu . Nhóm i đê ớt … Need i say more? May quá có được Tiến sĩ Nguyễn Quang A, công đầu trong thiết lập cloning system sản xuất hàng loạt những tay tư bản man rợ đang xé toang nền kinh tế, nếu có, của Việt Nam các bác . Công lao nữa của Tiến sĩ Nguyễn Quang A là giữ rịt quyền dân . Nếu có 1 điểm son của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể là đã nhận ra bản chất linh tinh & ba hoa của nhóm trời đánh này, và đã đá đít thẳng cẳng . Lúc đó Ts NQA mới nổi khùng lên “ăn không được thì tao phá”, nảy ra ý định đòi quyền dân, cái thứ mình giữ rịt thời còn được sủng ái . Tất nhiên, những nhóm i đê ớt sau này noi gương đám linh tinh & ba hoa OG mà giữ rịt quyền dân cho Đảng

    Thôi thì cũng khách quan mà nói, vài chục ông bà trí thức như tiến sĩ mệnh giời Nguyễn Ngọc Chu & ông cựu viện trưởng viện khoa học xã hội bị Đảng đá đít có thể xem ông Sáu Dân liệng lựu đạn vào dân Ngụy -nói cho rõ- Võ Văn Kiệt là nhân tài của đất nước . Triệu người khác có thể xem ổng là tội đồ của dân tộc, một đứa học trò lêu lổng, ngỗ nghịch, lừa thầy phản bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh . Cứ xem đây là sự thật, đừng có tốn giấy mực và công sức để bàn cãi nữa nhá.

    Chỉ thắc mắc, công lao của ông Võ Văn Kiệt rất lớn, nếu quên sẽ mắc tội & lỗi hệ thống . Tại sao chỉ nêu những tội lỗi của ông ra ? Tụi này áp dụng “khen cho mày chết” với cả Võ Văn Kiệt ? Yêu nhau thế bằng mấy phụ nhau

  2. Hãy nghe chính những thế hệ thành phần giỏi thực sự của Việt Nam Cộng Hòa nói về CS tại Sài Gòn sau ’75 đến ngay bây giờ:

    “Một đám dốt và phá”

    Và về giới GS đào tạo ngoài Bắc (trừ phần con (đến đời cháu thì hết) các quan nhà Nguyễn giới khoa bảng thấm nhuần văn hóa VN kẹt hay theo Viet Minh)):

    “Một đám tào lao”

  3. Cả nửa tháng nay báo chí lề đảng liên tục ca ngợi công đức của ông Kiệt. Rồi tới bài này ( của một tác giả báo lề dân, nhưng gốc là cs đã tỉnh ngộ!) .
    Theo tôi chẳng có gì phải ra sức khen ngợi một TT ở xứ này. Vì các việc ông ấy làm cũng không gì xuất sắc so với một thủ tướng ở các quốc gia khác, mà có lẽ những ông kia còn đáng ngợi khen gấp nhiều lần. Vì suy cho cùng ở một xứ bị đảng cầm quyền kềm hãm mọi mặt từ rất lâu đột nhiên có một ông làm hơi khác và hơi có ích cho đất nước thì được xem như của quý!
    Nên nhớ sau lưng ông K là bà vợ cũng rất nổi tiếng vì kiếm chác! Đi ca ngợi một đảng gần 100 năm chẳng giúp được quốc gia bao nhiêu mà chỉ ăn tàn phá hại ( đó là quan chức họ nói chứ không phải tôi) thì có một đảng viên làm một số việc như thế mà ca với ngợi. Ông ta cũng là một cs mà cs thì mọi người đã biết thế nào! Tác giả này dù có sáng mắt nhưng lòng vẫn tối tăm nên mới hy vọng những người cs khác làm như ông K thì gọi là vì dân?! Thật ấu trĩ! Tôi đọc rất nhiều bài của nhiều người đã từng là cs nay đã bỏ đảng nhưng cũng rất hy vọng cái đảng này nó có những con người đàng hoàng lãnh đạo, thật không thể tin nổi! Chẳng qua bao năm hồi thời ông K lên TT vì đất nước quá tệ hại về kinh tế, người dân sống trong đói nghèo sợ hãi, thế giới hất hủi cô lập nên ông ấy phải tìm cách cứu cái đảng của họ chứ cứu dân đâu mà ca ngợi!
    Ở đây cũng nói luôn những người ở Mỹ hay ở Việt Nam nếu ông Trump hay ông Biden mà làm tốt thì cũng đừng đưa lên mây cái đảng cầm quyền CH hay DC. Vì như thế là ấu trĩ tư tưởng! Không có đảng phái nào sinh ra người tốt chỉ có nhân dân mới chọn được người tốt cai trị đất nước đó là sự thật ở các nước dân chủ.
    Và cũng không lạ khi BBC đưa tin cả đoàn lãnh đạo đã và đang cầm quyền: Triết, Sang, Dũng, An, Ngân, Chính và bà vợ Cầm của ông ấy đã có mặt tưởng nhớ.
    Cũng đúng thôi vì nhờ ông mà các ông bà sau này mới vinh quang giàu có nhà cửa huy hoàng con cái là những công dân hạng một sống xa hoa ở nước ngoài, còn gì mà không ca ngợi công đức của một đồng chí có tầm nhìn chơi với bọn tư bản giãy chết để cho con cháu họ được dịp giãy tưng tưng ở nước ngoài!?

  4. VN Cho chăn bò, thợ sơn, công an, chưa học xong lớp 4, cai đồn cao su, dạy Văn, nông dân….lên làm thủ tướng, bộ trưởng…toàn loại ít học hay loại đa nghi chuyên bắt bớ….thì làm sao lèo lái kinh tế phát triển. Lãnh đạo nước khác có bài bản rèn luyện mấy chục năm. Đang bình yên tự dưng làm cách mạng phá tan hoang dân chết đói rồi làm mấy chuyện quá tầm thường để khỏi chết đói đâu đáng tung hô lên dzậy.

  5. Chế độ CS như một sa mạc khô cằn thiêu hủy sự sống xanh tươi nên tìm được một cây xanh nhỏ như VVK rất khó khăn và hiếm hoi. Vấn đề của VN không phải là đi tìm một vài cây nhỏ trong sa mạc để ca tụng và “tự sướng” mà phải biết chọn một con đường khác thoát khỏi sa mạc.

  6. Dù có ca ngợi ông Kiệt thế nào đi nữa, ông ta cũng chưa xứng đáng vì dân. Vì sao? Ông ta vẫn là cs và bằng chứng là sân sau của ông ta là bà vợ cũng dựa quyền thế mà kiếm chác. Và lẽ đương nhiên dân tộc này cho đến hôm nay vẫn còn đang bị chế độ cs cầm tù cai trị hà khắc thì đừng có mà ca ngợi bất cứ ai nhân danh cs phụng sự tổ quốc!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây