Thủ tướng Scholz yêu cầu Việt Nam có một quan điểm rõ ràng

Tagesschau

Lưu Thuỷ Hương, dịch

13-11-2022

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính thăm hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội tối 13/11. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Thủ tướng Scholz đã kêu gọi Việt Nam đưa ra lập trường rõ ràng chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine. Chính quyền Hà Nội cho đến nay vẫn tránh né điều này và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga.

Thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi Việt Nam có lập trường rõ ràng trước cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga. Sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại thủ đô Việt Nam, ông Scholz cho biết ông mong muốn chính quyền Hà Nội có “quan điểm rõ ràng” về vấn đề này. “Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Các nước nhỏ không còn có thể an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn của họ”.

Thủ tướng cũng nói rằng, chuyện này liên quan đến Trung Quốc, nước đang tranh giành các đảo, đá ngầm và vùng biển ở Biển Đông với Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. Chính quyền ở Bắc Kinh cũng tuyên bố lãnh thổ ở cách xa hơn 800 km – mặc dù tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague vào năm 2016 đã bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc vì nó trái pháp luật. “Sức mạnh của luật pháp cũng phải được áp dụng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chứ không thể là, lẽ phải thuộc về kẻ mạnh hơn”, ông Scholz nhấn mạnh.

Ý thức đối trọng trong chuyến viếng thăm Trung Quốc

Với chuyến đi 4 ngày đến Đông Nam Á – chuyến đi dài nhất trong nhiệm kỳ của ông – Scholz hiện muốn thiết lập quan điểm đối phó.

Thông điệp: Châu Á không chỉ là Trung Quốc

Mục tiêu: Giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Đức vào Trung Quốc và mở rộng quan hệ đối tác với các nước Châu Á.

Không giống như những người tiền nhiệm của mình, Scholz đã chọn Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên trong khối G7 để đến thăm – và mãi đến nửa năm sau ông mới đến thăm nhà nước độc tài Trung Quốc. Bên cạnh đó, cuộc tham vấn của chính phủ đã được tổ chức tại Berlin vào tháng 5 dành cho Ấn Độ, quốc gia mạnh thứ hai về kinh tế ở châu Á.

Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là một trong những nền kinh tế quốc dân phát triển nhanh nhất trên thế giới và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức ở Đông Nam Á. Ông Scholz nhấn mạnh tại Hà Nội, do hệ quả từ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine, Đức cần phải mở rộng thị trường thương mại, chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu và địa điểm sản xuất. “Sự hợp tác với Việt Nam đóng một vai trò rất, rất trung tâm.”

Mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Moscow

Tuy nhiên, đất nước do cộng sản lãnh đạo này vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ ở Moscow. Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Việt Nam. Cả hai nước cũng đang hợp tác khai thác các mỏ khí và mỏ dầu ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Ngoài ra, có hơn 150 dự án đầu tư vào Việt Nam với sự tham gia của các công ty Nga.

Trong tình cảnh đó, không như đại đa số các thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam đã không lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine qua việc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong các chuyến công du và trong các cuộc hội đàm tại Berlin, Scholz đã nhiều lần cố gắng thay đổi suy nghĩ của những quốc gia như vậy.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. “tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague vào năm 2016 đã bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc vì nó trái pháp luật”

    Tôi không định viết nhưng thấy rất nhiều người hiểu lầm ở điểm này. Nhiều người thường nói năm đó Philippines kiện thắng Trung Quốc mà phải nhịn, hay như tác giả bài này nói tòa Hague bác này nọ của Trung Quốc. Ta nên nhìn nhận vấn đề chính xác để biết mình còn cần giải quyết khúc mắc chỗ nào, không nên lầm lẫn bám vào một cái luận điểm pháp lý yếu.

    Thực tế là tòa Hague chả phán ai thắng thua gì cả vì đâu có ai kiện ai. Philippines đã ký Luật Biển Liên Hợp Quốc, còn Trung Quốc – và cả Mỹ – thì đều không ký nên về mặt lý lẽ thì Trung Quốc và Mỹ đều không bị Luật Biển LHQ ràng buộc. Ông Philippines mang ra tòa hỏi kiểu chiếu theo Luật Biển thì thế này thế kia đúng không. Tòa bảo ừ, hiểu vậy là đúng trong khuôn khổ Luật Biển, tức là giữa các nước có ký Luật Biển với nhau. Trung Quốc cười khì vào đó bảo thằng Philippines hiểu đúng hiểu sai chả liên hệ gì đến tui vì tui đâu có ký Luật Biển, cũng như Ronaldo không đá cho Arsenal thì không thể nói chuyện Ronaldo vi phạm hay không vi phạm nội quy của Arsenal. Không có tòa án nào nói Trung Quốc sai hay bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc.

    Tóm lại, việc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc về chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông là cần thiết, nhưng phải chúng ta tỉnh táo phân biệt luận điểm nào dùng được, luận điểm nào không dùng được. Đừng hăng hái lắp đạn giả vào súng.

  2. Các lãnh đạo CSVN hay nói đến “đại cục” nay chính thủ tướng Đức đã chỉ rõ cho họ thấy ĐẠI CỤC rất rõ ràng cho VN. Vậy CSVN đã thức tĩnh hay chưa ?

  3. Các lãnh đạo CSVN hay nói đến “đại cục” nay chính thủ tướng Đức đã chỉ rõ cho họ thấy ĐẠI CỤC rất rõ ràng cho VN. Vậy CSVN đã thức tĩnh hay chưa ?

Leave a Reply to Long Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây