Họ chỉ có vinh quang và vĩ đại, không gì khác nữa

Thái Hạo

27-10-2022

Ảnh: FB tác giả

Cây bưởi này trái rất sai và ngon, là cái ngon của vị chua ngọt cay nồng của giống bưởi ta ngày xưa, chứ không phải cái ngọt lịm của bưởi lai sau này. Cây đã đứng đây suốt mấy chục năm qua, nhưng chẳng mấy ai biết về nguồn cội của nó.

Chú tôi xin nó về từ nhà ông bà bác của thím tôi. Ông đã chết hơn 30 năm rồi, chết bằng cách tự tử.

Ông đi bộ đội, tham gia kháng chiến chống Pháp, sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ thì phục viên, về quê cày cuốc nuôi vợ con. Ông rất thích trồng cây trái, nhà cửa 4 mùa đều sum sê.

Ông có người bạn chiến đấu là người xã bên, cả hai coi nhau như anh em ruột thịt, vào sinh ra tử ở chiến trường. Trong thời bao cấp, vì nhà đói, ông bạn ấy phải nhảy tàu ra các tỉnh phía Bắc đi buôn, cũng chỉ là vài cân thuốc lào hay mấy cân lạc mỗi bận. Thời ấy ngăn sông cấm chợ, người ta không cho buôn bán, tất cả là mậu dịch quốc doanh. Nhưng vì đói quá, vợ con nheo nhóc, ông phải đánh liều mà đi.

Bị nghi ngờ, công an điều tra, truy lùng, ông bạn ấy được bác rể của thím tôi (là chủ nhân của giống bưởi này) cưu mang. Nhưng mà cũng chẳng thoát. Ông bác của thím tôi vốn là đảng viên, nên bị đưa ra họp kiểm điểm ngày này qua tháng nọ, bị theo dõi và sỉ nhục triền miên. Lúc ấy, bí thư chi bộ là người trong họ, nhà lại ở sát vách nhau. Liên tục bị theo dõi, bóng gió, chửi bới, đấu tố bởi ông bí thư chị bộ là họ hàng mình; ngày mồng 1 Tết năm đó ông làm cơm cúng gia tiên xong thì qua bên hàng xóm, là nhà ông bí thư chi bộ ấy, tự đâm dao vào cổ, và chết trên gốc rơm.

Chuyện này tôi nghe bà thông gia của ông nội tôi kể lại, chính là em vợ kể chuyện về anh rể mình. Bà nói, thời bao cấp đói khổ, nhục nhã lắm cháu ạ. Một cái ngọn khoai cũng của hợp tác xã, đói mà móc trộm một củ khoai để ăn sống cũng bị kiểm điểm, sỉ nhục. Kinh lắm. Nhục quá người ta không sống được, nên phải chết.

Lúc ông cụ ấy chết, người con út mới 5 – 6 tuổi, vợ thì ốm yếu. Người chị cả của 2 đứa em vì thương mẹ một mình khổ nhọc gánh vác nên đã không lấy chồng, ở vậy nuôi mẹ, nuôi em. Nay thì tất cả đã lên ông, lên bà. Câu chuyện tưởng đã thuộc về quá khứ, nhưng không, vẫn sừng sững đứng đó, trong mỗi phận người.

Cây bưởi già này đã đi ra từ một gia đình bi thảm mà những kẻ gây nên nỗi đau thương ấy chưa từng một lần nhận sai, chưa từng một lần sám hối. Họ chỉ có vinh quang và vĩ đại, không gì khác nữa. Nó đứng đây như một chứng tích, hút từ trời đất của xứ sở này tất cả những khắc nghiệt và đau thương, làm thành những ngọt đắng theo năm tháng đời người.

Đời cây cũng như đời người, trôi lăn mãi trong vòng luân hồi của một thứ nghiệp chướng tai ác cứ bám riết lấy số phận của nòi giống trên mảnh đất mênh mông bể khổ này…

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. ng gia tiên xong thì qua bên hàng xóm, là nhà ông bí thư chi bộ ấy, tự đâm dao vào cổ, và chết trên gốc rơm
    Tội ghê à!
    Ngon đâm vô cổ thằng đó không đâm, tự đâm vô cổ mình. Nghe mấy lời rên rĩ này riết phát ớn!
    VN thằng nào cũng giống cha này, mãn kiêp lưu vong phải rồi!!

  2. Cần hàng trăm cuốn sách dày mô tả lại cái thời tập thể hóa dưa dân vào bể khổ trầm luân
    Thủ phạm: CS

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây