Khi ý thức hệ thắng cuộc

Tạ Duy Anh

25-10-2022

(Sau 10 năm đọc lại “Bên thắng cuộc”)

Một thập kỉ đã trôi qua,* “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức (mà từ đây tôi sẽ gọi ông là “Người ghi chép lớn về thời đại”) vẫn cho tôi ấn tượng về một tác phẩm đồ sộ bậc nhất, phản ánh một giai đoạn phức tạp nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại. Sẽ mất công vô bổ khi tranh cãi cuốn sách là tác phẩm báo chí hay lịch sử, nếu chúng ta bỗng ngộ ra rằng, lịch sử thực chất chỉ là những sự kiện, những câu chuyện cứ nối nhau trôi qua một cách liên tục và không ngừng nghỉ. Chúng ta đang sống từng giây từng phút và cũng từng giây từng phút chúng ta thuộc về lịch sử!

Bao quát hầu hết các sự kiện lớn, có tác động sâu rộng, thậm chí mang tính quyết định, mang tính định mệnh gắn với số phận của đất nước này trong trọn cả thế kỷ, “Bên thắng cuộc” rõ ràng nuôi tham vọng lớn vẽ lại chân dung thời cuộc, một thời cuộc mà những bộ phận cấu thành quan trọng của nó chủ yếu vẫn chìm trong bóng tối.

Thông thường, bất kể sự ghi chép mang tính lịch sử nào cùng thời với tác giả của nó, ông/bà ta thường phải tìm cách né tránh phần lớn sự thật “đương triều”, chủ yếu vì để bảo toàn chính mạng sống của mình và gia đình mình. Vì thế, một điều tưởng như nghịch lý nhưng lại là sự thật: Người đương thời luôn biết về họ ít nhất. Đó cũng là lý do các nhà sử học được chế độ chăm nuôi trở thành không đáng tin. “Bên thắng cuộc”, ở phần ghi điểm quan trọng, đã vượt qua được nỗi sợ truyền kiếp này. Mọi sự thật, hoặc tác giả tin là sự thật, đều được phơi bày tối đa, bằng thứ thủ pháp báo chí ở tầm lão luyện. Lần đầu tiên chúng ta biết một cách hệ thống (trong khuôn khổ gần 1000 trang sách), tiến trình hình thành nên những sự kiện thay trời chuyển đất của người Việt trong suốt thế kỉ 20, những sự kiện mà tác động của nó, cả tích cực lẫn tiêu cực, tới từng người Việt chắc chắn chưa dừng lại.

Ngoài sự kì công khảo cứu, sưu tầm tài liệu bằng những bí quyết và bí mật nghề nghiệp có thể nói là vô song cho tới thời điểm này, việc trình bày nó trong một cuốn sách, để bạn đọc có thể theo dõi và bị hút theo từng sự kiện, ghi nhớ từng tiểu tiết quan trọng, hình dung ra từng chân dung các nhân vật nhưng không bị bứt khỏi tổng thể đồ sộ đến mức rất dễ gây chóng mặt, ngộp thở với một số người, là một nỗ lực ghê gớm của người viết. Điều này thường chỉ làm được bởi những người có khả năng khác thường. Dễ dàng nhận ra tính toán nghiệt ngã trong từng lần tác giả hạ bút mở đầu mỗi chương, cũng như kết thúc nó vào thời điểm nào.

Việc đưa các lời kể của nhân vật, nhân chứng mang tính minh họa cho vấn đề nào đó vào phần note, in chữ nhỏ dưới chân trang, mà nếu tính chi li có thể chiếm tới ¼ dung lượng cuốn sách, là thủ pháp không mới nhưng vẫn là một tính toán cao tay của tác giả cho trường hợp “Bên thắng cuộc”. Những lời kể, những lời chứng ấy giống như nỗ lực “vượt tường lửa” vào phần cấm kị luôn được bảo vệ bởi những hàng rào an ninh kiên cố và khắc nghiệt. Tác giả cố tình đứng tách ra, không chịu trách nhiệm về giá trị lịch sử của những thông tin ấy, nhưng bạn đọc thì có cơ hội để suy tưởng, đối chiếu với những biến cố mà mình chứng kiến hoặc thu nhận được. Và nếu không có thông tin nào bị thời gian và nhân chứng bác bỏ, điều mà tác giả luôn trông đợi, thì nó mặc nhiên là một phần lịch sử được kể lại.

Chỉ riêng cái phần note này, đáng là một cuốn sách lịch sử, sau khi nó được thời gian kiểm chứng. Và nhờ nó, chúng ta có thể vẽ lại hầu hết những chân dung đã định hình, đã ăn sâu trong trí nhớ chúng ta suốt cả thế kỉ qua. Để ít nhất rút ra hai điều: Lịch sử mà chúng ta vẫn học và vẫn miệt mài dạy con cháu cần phải được nghiêm túc và nghiêm khắc viết lại; và, chúng ta có khả năng tự mình trả về đúng với vị trí lịch sử dành cho từng nhân vật ấy. Trên thực tế, ngoài những hồi kí (kí ức cá nhân đã thành văn), sẽ chẳng có ai còn cơ hội ghi chép lại khá nhiều lời kể có mầu sắc và chất lượng lịch sử, bởi nhiều nhân vật sở hữu nó đã mất hoặc không còn khả năng nhớ lại. Nếu cần ghi một điểm quan trọng nữa cho tác giả thì chính là ở chỗ này.

Nhưng tất cả những gì vừa nói chưa phải là điều quan trọng đáng kể mà cuốn sách đem lại cho bạn đọc. Bóng tối, kể cả đêm dài đen kịt thì rồi cũng có lúc phải tan. Mọi sự kiện có thể không được bạch hóa hết, nhưng từng sự thật trong đó thì trước sau cũng lộ diện. Nhiều tư liệu lịch sử quý giá tác giả chỉ là người dịch, chép lại, biên tập, lọc ra một cách có chủ ý rồi đặt chúng vào đúng chỗ mà nó cần có mặt. Nghĩa là nếu ông không làm, thì rồi sẽ có người khác làm.

Tuy nhiên, dấu ấn của tác giả vẫn vô cùng sâu đậm ngay cả ở chính những gì chúng ta vừa nói, khi ông đã dụng công bố cục cuốn sách theo hướng làm nổi bật lên nguồn gốc sâu xa của bi kịch lớn mà dân tộc này phải trải qua. Ông cho chúng ta thấy một cách thuyết phục hoặc rất khó bác bỏ rằng, ở những bước ngoặt định mệnh của người Việt, lợi ích dân tộc, quốc gia luôn bị lợi ích đảng phái, lợi ích giai cấp, lợi ích gắn với vô sản quốc tế đẩy xuống hàng thứ yếu. Giả sử trật tự đó được hoán đổi, có thể mỗi người Việt hôm nay đã có một gương mặt khác.

Chữ “nếu” của lịch sử trong đa số trường hợp chỉ được thốt ra đầy tiếc nuối sau khi sự lựa chọn trước đó đã có đáp án. Đáp án mà tác giả muốn chúng ta nhớ là hàng loạt sự trả giá. Đó là hàng thập kỉ máu xương lênh láng của cả triệu người; đó là nhiều thập kỉ chia rẽ Bắc-Nam; đó là không biết bao nhiêu cơ hội phát triển bị bỏ lỡ, không biết bao nhiêu bi kịch đau thương không đáng xảy ra nhưng đã mãi mãi trở thành một phần u tối trong hàng triệu gia đình Việt; đó là cuộc tháo chạy hãi hùng bằng thuyền nan qua các đại dương với trùng trùng hiểm họa với hàng trăm ngàn người thành mồi cho cá; đó là khối nguyên khí tích tụ từ hàng ngàn năm bị làm cho thui chột, bị ruồng rẫy, bị bức tử.

Nhưng điều nguy hiểm là có vẻ như sự trả giá cho sự thắng cuộc của ý thức hệ chưa dừng lại, mà vẫn đang diễn ra ở ngay cả những gì chúng ta vẫn tự hào coi là thành tựu! Sự trả giá thậm chí sẽ còn kéo dài tới các thế hệ con cháu.

“Ý thức hệ” là một sản phẩm ngoại lai, được tuồn vào Việt Nam qua đường “tiểu ngạch”. Trong một không gian chính trị ẩm thấp, tranh tối tranh sáng, có phần còn hoang dã, nó bắt rễ và sinh trưởng nhanh chóng. Nó lập tức biến thành một thứ ma túy được bọc bằng cái vỏ triết học và tư tưởng tiến bộ. Sự thắng cuộc của nó, chính là nguyên nhân của mọi thảm kịch đã nói, mà sẽ khó có thể tìm thấy ở đâu sự lý giải đáng tin cậy và logic hơn “Bên thắng cuộc”.

Tác giả rõ ràng không muốn làm một việc dễ nhất là phán xét quá khứ. Không ít nhân vật lịch sử, sau khi biết rõ hơn nhiều sự thật về họ, chúng ta có thể giảm đi sự tôn sùng, nhưng không thể không cảm phục họ. Họ đã không hề cố ý đưa đất nước đến những khúc cua nguy hiểm bằng sự lao tâm khổ tứ đầy ngập lòng yêu nước, thương nòi. Nhiều người khi tự biến mình thành cái lô cốt cản trở sự phát triển của đất nước, lại luôn tin rằng họ đang hy sinh cho lý tưởng cao đẹp. Nhưng chính vì thế mà tấn bi kịch kinh người nào do họ gây ra cũng kèm theo cả yếu tố hài, kèm theo cả sự đáng thương.

Tôi tin rằng “Bên thắng cuộc” sẽ còn là cuốn sách đồng hành lâu dài với người Việt. Nó khó mà không can dự vào những lựa chọn của thế hệ tương lai, cũng như giúp họ định hình vững chắc một cái nhìn bao dung hơn về quá khứ. Ở khía cạnh nào đó nó chính là liều thuốc giải độc được/bị tích tụ lâu dài bởi sự thù hận và thất bại.

Nếu như vết thương nào cũng cần được làm lành, được hàn gắn, thì không thể từ chối liệu pháp phải một lần rạch nó ra, cạo đi phần hoại tử trước khi tìm cho nó loại thuốc thích hợp. Và cũng cần cho nỗi đau được dịp cất lên tiếng thét ai oán cuối cùng của nó, trước khi đón những nụ cười trở lại để không bao giờ đất nước rơi trở lại thảm cảnh chỉ có “một bên” thắng cuộc.

*Tác phẩm này ra mắt năm 2012, tại Hoa Kỳ và thật tiếc là nó lại chỉ có thể in ở nước ngoài, bởi đây là cuốn sách dành riêng cho người Việt, rất cần cho người Việt và chỉ thực sự quan trọng với người Việt.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. dưới ngọn giáo
    mang tên ý thức hệ,
    đất nước bị cầm tù

    ý thức hệ,
    đấu tố cha ông,
    bỏ tù mọt gông,
    bất cứ trái tim nào dám sống

    ý thức hệ độc tài,
    bội phản lẽ nhân sinh

    ý thức hệ,
    đẻ ra những điêu linh,
    biến bệnh họạn hóa ra lẽ thường tình
    người câm điếc hóa ra người biết sống
    quỳ gối, khom lưng ra kẻ ấy thiên tài
    đất nước tôi không còn thấy những hình hài,
    nói dõng dạc tiếng Con Người,
    thuở ấu thơ mẹ dạy.

    Tội đấy phần ai,
    ngoài mi,

    ý thức hệ độc tài.

    Trích: Tập thơ chính luận “Hãy Ngẩng Mặt” của người thơ Nguyễn Đắc Kiên.

  2. Cho tớ được phép đồng tình với bài này, vì tư duy trong bài rất thích hợp cho 1 tương lai sáng lạn của Việt Nam các bác . Tuy vậy cũng có vài điểm

    “các nhà sử học được chế độ chăm nuôi trở thành không đáng tin”

    i beg to differ. Bộ tứ Lâm-Lê-Tấn-Vượng vẫn còn là những giants trong ngành sử học xã hội chủ nghĩa các bác

    “Bóng tối, kể cả đêm dài đen kịt thì rồi cũng có lúc phải tan”

    Tan rồi, ngày 30/4 1975. Hiện giờ các bác đang sống dưới ánh nắng chói chang của chân lý cụ thể

    “Lịch sử mà chúng ta vẫn học và vẫn miệt mài dạy con cháu cần phải được nghiêm túc và nghiêm khắc viết lại”

    Nghiêm túc & nghiêm khắc mà nói, không nên xét lại lịch sử . Lịch sử là thứ các bác hoặc tôn vinh hoặc khép lại cho bọn Ngụy tức chơi . Thế là đủ

    “lợi ích dân tộc, quốc gia luôn bị lợi ích đảng phái, lợi ích giai cấp, lợi ích gắn với vô sản quốc tế đẩy xuống hàng thứ yếu”

    Không đúng . Những thứ đó được trí thức nhà mềnh dâng hết cho Đảng nhậu

    “nhiều thập kỉ chia rẽ Bắc-Nam; đó là không biết bao nhiêu cơ hội phát triển bị bỏ lỡ”

    Rất đúng, nhưng chưa quá trễ . Hiện giờ ta vẫn có thể tạo sự đoàn kết Bắc-Nam, và nếu đoàn kết Bắc-Nam chắc chắn sẽ đưa tới thống nhất đất nước . Lúc đó thì chả có cơ hội phát triển nào bị bỏ lỡ cả

    “Ý thức hệ” là một sản phẩm ngoại lai”

    Hmm, tớ nửa thích nửa không thích 2 chữ “ngoại lai”. Thích vì rõ ràng “ngoại lai” in this context là 1 thứ xấu xa, không thích vì không phải tất cả những thứ “ngoại lai” đều xấu xa . Ví dụ như tư tưởng Mác-Lê . Về mặt tích cực, chủ nghĩa Mác-Lê đã làm được công cuộc khai dân trí cho phần dân tộc xã hội chủ nghĩa, và bây giờ, phần dân tộc xã hội chủ nghĩa đang tự gánh vác trách nhiệm khai dân trí phần dân còn lại . All in all, its not that bad.

    “không thể từ chối liệu pháp phải một lần rạch nó ra, cạo đi phần hoại tử trước khi tìm cho nó loại thuốc thích hợp”

    Not really. Đây là y học thời Hoa Đà, bây giờ có cả ngàn cả triệu cách chữa từ drug therapy tới non-evasive ops. Chuột chạy cùng sào mới phải rạch nó ra . Những chuyện này không thể nóng vội như tác giả, từ từ rôi khoai cũng nhừ thôi

    “để không bao giờ đất nước rơi trở lại thảm cảnh chỉ có “một bên” thắng cuộc”

    Rất đúng . Nếu thống nhất đất nước, sẽ là win-win, có tới 2 bên, ai cũng “thắng cuộc” cả . Trước hết phải xây dựng & bảo vệ cho được tình đoàn kết Bắc-Nam

  3. Một bài viết tuyệt vời cần đọc lại vài lần để thấu cảm những nhận xét và diễn tả tinh tế, cùng nỗi lòng của một người Việt chân chính đã cộng hưởng được với tâm huyết trí tuệ tác giả đã gửi gấm trong cuốn sách.

    Tuy nhiên, trong đoạn văn dưới đây…có 2 câu chưa tách bạch về ý nghĩa, khả dĩ có thể gây hiểu lầm:
    1/
    “Ở khía cạnh nào đó nó chính là liều thuốc giải độc được/bị tích tụ lâu dài bởi sự thù hận và thất bại.”
    * câu này có thể bị hiểu: “…liều thuốc (giải độc) được/bị tích tụ lâu dài…” > liều thuốc là chủ ngữ (subject) cho được/bị tích tụ…
    Trong khi, theo tôi nghĩ, “độc” mới là thứ tác giả muốn làm subject cho được/bị tích tụ.

    Vì chữ “độc” quá cộc lốc, sẽ bị người đọc bỏ qua để chỉ nhớ chữ “ liều thuốc” rõ hơn.
    Do đó, nếu tác giả đồng ý như tôi nghĩ, cần phải thêm một “đồng cách từ” (appositive: sau 1975 gọi là từ đồng vị) để lặp lại chữ “độc”, gây ấn tượng mạnh để người đọc dễ kết nối với ý sau.

    Câu rõ nghĩa hơn sẽ là:
    “Ở khía cạnh nào đó nó chính là liều thuốc giải độc – một thứ nhiễm độc được/bị tích tụ lâu dài bởi sự thù hận và thất bại.”
    2/
    “Nếu như vết thương nào cũng cần được làm lành, được hàn gắn, thì không thể từ chối liệu pháp phải một lần rạch nó ra, cạo đi phần hoại tử trước khi tìm cho nó loại thuốc thích hợp.”

    * Về y khoa khách quan, không thể rạch/ cạo vết thương rồi mới đi “tìm cho nó loại thuốc thích hợp”
    Nên chăng viết lại như sau:
    “…phải một lần rạch nó ra, cạo đi phần hoại tử rồi mới điều trị nó bằng loại thuốc thích hợp”.

Leave a Reply to HuePhan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây