Bà Trương Mỹ Lan và con đường trở thành tỷ phú (Phần 7)

Trần Đình Triển

20-10-2022

Tiếp theo Phần 1Phần 2Phần 3Phần 4Phần 5 và Phần 6

Kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra BCA và Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 2) đều kết luận: Bà Linda nhận uỷ quyền của ông Ted, đã được bà Trương Mỹ Lan trả nợ 2 triệu USD bằng tài sản là lô đất số 1 và số 2 tại 102 Cống Quỳnh, Quận I; nhưng bà Linda không chuyển trả cho ông Ted, mà chiếm đoạt số tiền đó của bà Trương Mỹ Lan.

Mặc dù, trong quá trình làm việc với Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát, tôi đã đưa các chứng cứ chứng minh: Ông Ted chưa bao giờ uỷ quyền cho bà Linda, bà Trương Mỹ Lan biết rõ điều đó. Nhưng bà Lan tự nại ra ông Ted uỷ quyền cho bà Linda là thủ đoạn, có dự mưu. Hai lô đất ở 102 Cống Quỳnh bà Linda mua của bà Lan với giá 1,6 triệu USD và đã thanh toán cho bà Lan 20 tỷ VND qua ngân hàng, có đầy đủ chứng từ.

Như vậy, nếu theo Kết luận điều tra và Cáo trạng thì 2 lô đất tại 102 Cống Quỳn,h bà Linda phải trả 2 lần tiền (1,6 triệu đô tiền mua và 2 triệu đô gọi là nhận cho ông Ted). Mà giả sử có cam kết bà Linda nhận hộ ông Ted, thì tài sản của bà Linda cả dự án lớn tại Đồng Nai vẫn đủ khả năng thanh toán. Mặt khác, bà Linda có địa chỉ cư trú rõ ràng, không bỏ trốn;… Từ những căn cứ đó, không có dấu hiệu cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với bà Linda. Có căn cứ oan và bỏ lọt tội phạm mà kẻ lừa đảo chính là bà Trương Mỹ Lan. Thế nhưng Cơ quan điều tra vẫn ra Kết luận và Viện Kiểm sát vẫn ra Cáo trạng.

Bà Linda tại ngoại, đã tìm được văn bản chốt nợ và nhận nợ của bà Trương Mỹ Lan đối với bà Linda 100 tỷ VND chưa thanh toán. Tôi trưng cầu giám định và kết luận chữ ký và chữ viết trên giấy vay tiền này là chữ viết và chữ ký của bà Trương Mỹ Lan. Tôi cung cấp chứng cứ này cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tối cao và Toà án ND TP Hồ Chí Minh. Đây là chứng cứ chứng minh: Ai nợ ai? Ai lừa đảo và ai chiếm đoạt tài sản của ai?

Với hồ sơ vụ án “lởm khởm” như trên, chứng cứ thể hiện oan sai,… nên Toà án TP Hồ Chí Minh trả hồ sơ cho Viện kiểm sát tối cao điều tra bổ sung, vì chưa đủ chứng cứ chứng minh các yếu tố cấu thành tội phạm. Viện Kiểm sát tối cao chuyển hồ sơ về Cơ quan An ninh điều tra BCA để tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu của Toà án.

Đến giai đoạn này, đột nhiên tôi nhận được văn bản của Cơ quan an ninh điều tra thu hồi “Giấy chứng nhận người bào chữa” do Cơ quan ANĐT đã cấp cho tôi bào chữa cho bà Linda từ giai đoạn điều tra. Với lý do “Vì tôi đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Ted trong vụ án tranh chấp thương mại liên quan 6 triệu đô tại Toà Kinh tế; nên không được bào chữa cho bà Linda trong vụ án này.

Tôi ngạc nhiên quá, đúng là “cả vú lấp miệng em”, tôi làm đơn khiếu nại, chỉ rõ quy định của pháp luật: “Luật sư không được bào chữa cho 2 người trong cùng một vụ án mà quyền lợi của họ đối lập nhau”. Như vậy vụ án tranh chấp thương mại và vụ án hình sự là hai vụ án chứ không phải một vụ án; mặt khác toàn bộ vụ việc này thì ông Ted và bà Linda không có quyền lợi đối lập nhau, mà đều cùng là nạn nhân của bà Trương Mỹ Lan.

Tôi không nhận được trả lời khiếu nại của Cơ quan ANĐT, mà nhận được trả lời của Vụ 2 Viện KSNDTC là “Cơ quan ANĐT thu hồi Giấy Chứng nhận bào chữa đã cấp cho luật sư bào chữa cho bà Linda trong vụ án này là có căn cứ”, căn cứ gì và quy định tại điều luật nào thì không nêu trong văn bản.

Ngay sau đó, được thông báo “Vụ án được ra Quyết định đình chỉ điều tra” căn cứ vào nội dung và quy định nào của pháp luật thì không rõ.

Tôi gặp bà Linda, được bà Linda cho biết: “Chị sợ lắm rồi, chị cố gắng giải quyết các dự án đầu tư để trả nợ ngân hàng, bạn bè và gia đình,… để về Hồng Kông sống những năm tháng cuối đời cho bình yên”; gia đình ông Ted không dám vào VN vì sợ cấm xuất cảnh. Từ đó đến nay, tôi không gặp ai trong gia đình ông Ted và bà Linda; nên việc ông Ted đòi 6 triệu đô tiền gốc và 1,9 triệu đô tiền lãi, bà Linda có đòi được 100 tỷ VND đối với bà Trương Mỹ Lan tôi không được rõ. Còn phí luật sư trong cả 2 vụ này thì tôi chưa nhận một đồng nào. Vậy nhưng sau đó, tôi bị ồn ào dư luận “tôi là luật sư phản động, cấm báo chí truyền hình, phỏng vấn tôi bất cứ nội dung gì, tôi đang bị cơ quan theo dõi”.

Trong khi, tôi nghĩ rằng không nhiều Đảng viên có lòng yêu Đảng, yêu nước, yêu nhân dân, trung thực và can đảm bảo vệ sự trong sáng của pháp luật như tôi.

Còn việc ông Dương Chí Dũng khai tại toà về khoản tiền 1 triệu đô bà Trương Mỹ Lan đưa cho ông Phạm Quý Ngọ. Tôi là luật sư bào chữa cho ông Dương Chí Dũng trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải VN. Tôi khẳng định rằng trong vụ án này sai lầm lớn nhất của ông Dương Chí Dũng là nghe hai vị “xúi” trốn ra nước ngoài – việc này ông Dương Chí Dũng khó giải thích với Đảng, Nhà nước, nhân dân và công luận.

Còn tội của ông Dương Chí Dũng “Cố ý làm trái…” là đúng. Còn tội tham ô 10 tỷ VND trong tổng 1,5 triệu đo tiền hoa hồng lại quả mua Ụ nổi do ông Go (thương gia Singapore) người môi giới chi trả là hoàn toàn không đúng. Với tài liệu có trong hồ sơ vụ án và sau khi xét xử phúc thẩm tôi có đủ chứng cứ chứng minh: 1,5 triệu USD mà ông Go gửi vào tài khoản ngân hàng đứng tên Trần Hải Sơn tại VN là tiền ông Go gửi vào góp vốn thành lập doanh nghiệp (quá trình điều tra chưa có tài liệu về doanh nghiệp này, sau khi xét xử, tôi mới xác minh làm rõ) với Trần Hải Sơn để đầu tư vào một bãi container và sửa chữa tàu thuỷ. Vì vậy, vụ án căn cứ lời khai của Trần Hải Sơn (lời khai ban đầu chính Trần Hải Sơn khai ông Dương Chí Dũng không biết và Sơn không đưa tiền cho Ông Dũng) cũng như những người khác trong Tổng Công ty Hàng hải bị kết tội tham ô là có dấu hiệu oan sai.

Vụ việc này đã có Kết luận của Thanh tra Chính phủ và đã xử lý. Việc mua bán Ụ nổi đã khảo sát ba Ụ nổi nhưng giá cao và không phù hợp. Ụ nổi này mua của Nga, có sự chấp thuận của Thủ tướng (Hai văn bản của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải) và chấp thuận của Bộ GTVT. Các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng Ụ nổi là tàu thuỷ để quy kết trách nhiệm là không đúng với Công ước quốc tế và Luật hàng hải VN (việc này đã tranh tụng tại phiên toà); giá cả là phù hợp, nếu được sửa chữa đưa vào sử dụng sửa chữa tàu trong nước không phải đưa ra nước ngoài thì hiệu quả kinh tế rất cao (không phải như dư luận cho rằng là đống sắt vụn).

Bà Trương Mỹ Lan (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) muốn làm chủ đầu tư xây dựng công trình chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn-Khánh Hội, liên quan đến 1 triệu đô mà ông Dương Chí Dũng khai tại Toà bà Lan chuyển cho ông Phạm Quý Ngọ. Việc này, tôi cũng đã báo cáo cho ông Nguyễn Bá Thanh (khi đương nhiệm Trưởng Ban Nội chính Trung ương) trong buổi làm việc tôi được ông Bá Thanh mời đến trao đổi một số vấn đề cải cách tư pháp, trong đó có vụ việc này.

Có lẽ cả cuốn sách dày chưa nói hết chuyện, nhưng vì hiện nay ông Nguyễn Bá Thanh và ông Phạm Quý Ngọ đã mất, tôi không muốn nêu lại vụ việc. Mặt khác, bà Trương Muội (Trương Mỹ Lan) đã bị bắt thì mọi vấn đề tôi tin tưởng Cơ quan điều tra BCA sẽ làm sáng tỏ.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây