Nước Nga phải chịu trách nhiệm về sự tàn phá ở Ukraine

Trương Nhân Tuấn

23-9-2022

Putin ban bố lệnh “động viên từng phần”, mục đích gom đủ 300 ngàn quân (trừ bị) để bổ sung vào chiến trường Ukraine, đồng thời đe dọa sử dụng bom hạt nhân nếu lãnh thổ Nga bị xâm phạm. Vấn đề là hôm nay, thứ sáu 23-9-2022 các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ở các vùng Đông và Đông Nam Ukraine nhằm sáp nhập các vùng lãnh thổ (mà Nga chiếm trong chiến dịch) vào nước Nga. Tức là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin, kể từ ngày mai trở thành cuộc chiến “vệ quốc”, bảo vệ lãnh thổ.

Báo chí hai ngày qua đã đăng nhiều bài phân tích, bình luận về tính “thuyết phục” trong sự răn đe hạt nhân của Putin.

Từ đầu, trước khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” được thi hành (ngày 24-2-2022), Putin cũng có bài diễn văn với lời lẽ răn đe NATO (Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân) nếu liên minh quân sự này can thiệp. Nhiều lần trong quá khứ Putin cũng có những tuyên bố đại khái rằng sự phồn thịnh của thế giới này không có nghĩa lý gì nếu Nga bị loại ra ngoài.

Tinh thần chiến đấu anh dũng của các quân dân Ukraine đã ngăn chặn được bước tiến xâm lược của quân Nga. Nhưng các chiến thắng của phe tự vệ đã không “huy hoàng” như đã thấy, đến đỗi đã dồn Putin vào chân tường, nếu không có sự trợ giúp vũ khí của Mỹ và các quốc gia EU.

Ta nhận thấy rằng Putin đã không làm gì được trước các hành vi cô lập kinh tế đồng thời viện trợ quân sự cho Ukraine của Mỹ và EU. Ta có cảm tưởng rằng (việc cô lập kinh tế và) viện trợ vũ khí của Mỹ và EU luôn “ở dưới mức đỏ” mà Putin đã đặt ra (không can thiệp quân sự trực tiếp và không viện trợ cho Ukraine vũ khí có thể tấn công qua lãnh thổ Nga). Lời lẽ của Mỹ và EU đối với Nga luôn “chừng mực”, không khiêu khích. Nước Pháp tuyên bố không tuyệt giao với Nga mà vẫn luôn giữ một “kênh” để hai vị tổng thống Macron và Putin tiếp tục nói chuyện.

Câu hỏi đặt ra là “lằn ranh đỏ” của Putin có thể “co giãn” hay là cách viện trợ (vũ khí) của Mỹ và EU cho Ukraine “khéo léo” quá, lằn ranh đỏ đã vượt qua từ lúc nào mà Putin không hay biết?

Dầu thế nào thì câu hỏi đó đã là quá khứ, không cần thiết phải trả lời.

Vấn đề hôm nay là Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân (ở các vùng lãnh thổ vừa sáp nhập) hay không?

Putin nói là “không tha thứ” nếu lãnh thổ Nga bị tấn công.

Ta đã thấy phi trường Crimée bị tấn công, một số quan trọng chiến đấu cơ của Nga trong dịp này bị tiêu diệt. Ukraine cũng mở các cuộc không kích (và du kích) phá hủy các đơn vị hậu cần ngay trên lãnh thổ Nga. Vũ khí HIMARS của Mỹ viện trợ cho Ukraine đã vô cùng hữu hiệu. Dĩ nhiên tầm bắn của HIMARS, tùy địa điểm, mà nó có thể đánh qua nước Nga hay không.

Ta đã thấy Putin không có phản ứng gì.

Theo tôi, vụ huy động 300 ngàn quân sẽ không làm thay đổi cục diện chiến tranh. Không đủ vũ khí phù hợp, không được huấn luyện đúng mức, 3 triệu quân cũng không làm được gì.

Thống kê từ Thế chiến thứ II cho thấy Mỹ sản xuất năm 1939 khoảng 2.000 chiến đấu cơ. Năm 1944 sản xuất đến hơn 96.000 chiếc. Trong khi sản xuất của Đức từ 8 ngàn (1939) đến 40 ngàn chiếc (1944).

Ta thấy hiện nay Nga đã cầu cứu đến Iran và Bắc Hàn. Ngay cả các quốc gia này đoàn kết một lòng với Nga thì Nga vẫn không đủ xe tăng, trọng pháo, hỏa tiễn, đạn dược… phù hợp cho chiến trường.

Tức là Nga trên đà “thua cuộc” và diễn tiến này không thể đảo ngược. Sản xuất vũ khí của Nga bị ngưng trệ vì thiếu đủ thứ nguyên vật liệu, từ thép cho đến những con chíp điện tử.

Không có vũ khí thì 3 triệu quân bổ sung cũng trở thành bia đỡ đạn mà thôi.

Với những thủ thuật “trưng cầu dân ý” và răn đe sử dụng vũ khí hạt nhân, Putin có thể bảo vệ thành quả của mình hay không?

Theo tôi, Putin có thể lợi dụng mùa đông sắp tới, quân Ukraine có thể phải đóng quân “dồn cục”. Các vị trí này có thể trở thành mục tiêu của các đầu đạn hạt nhân “chiến thuật” của Nga.

Dĩ nhiên trong đầu các chiến lược gia của Mỹ, EU và Ukraine đã có các phương án đối đầu. Nhưng trái banh vẫn ở trong chân TT Biden.

Theo tôi, TT Biden cần có những lời lẽ mạnh mẽ thích hợp để đáp trả (hành vi trưng cầu dân ý và đe dọa hạt nhân của Putin). Kiểu tất cả các quốc gia thành viên NATO đều có thể vịn quyền “tự vệ chính đáng” để can dự sâu rộng vào chiến tranh. Ngay cả Mỹ cũng có quyền can dự vào cuộc chiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Thử tưởng tượng khi vũ khí hạt nhân được sử dụng trong mục tiêu xâm lược. Ta có thể nói rằng tất cả các quốc gia không hạt nhân đều cảm thấy bị đe dọa bởi các đại cường hạt nhân. Dĩ nhiên các quốc gia này tìm đủ cách để (thụ đắc kỹ thuật và) vũ trang hạt nhân nhằm tự vệ chính đáng. Các kết ước quốc tế về vũ khí nguyên tử sẽ vô hiệu lực.

Con chó bị dồn vào đường cùng nó sẽ cắn lại. Rõ ràng Putin (qua các cuộc trưng cầu dân ý dỏm) đã dồn Ukraine vào đường cùng. Nhưng Putin vẫn ngụy biện rằng Nga là nạn nhân, bị Mỹ và EU dồn vào đường cùng.

Chiến tranh xảy ra trên lãnh thổ Ukraine và biên giới Ukraine luôn mở rộng để quân Nga rút về.

Putin tự mình qua sông đục lổ thuyền. Bây giờ thuyền sắp chìm. Lỗi không lẽ là của thế giới?

Theo tôi Putin không chỉ là kẻ phạm tội ác chiến tranh, kẻ gây tội ác diệt chủng trên lãnh thổ Ukraine. Putin đã đem quân qua Ukraine tàn phá đất nước này. Dĩ nhiên Putin phải bị dẫn độ ra trước một tòa án hình sự đặc biệt để trả lời những tội ác của mình, như ý kiến của TT Zelensky nói tại diễn đàn LHQ hôm qua. Nước Nga phải chịu trách nhiệm về sự tàn phá ở Ukraine. Người dân Nga có trách nhiệm phải bồi thường cho Ukraine, vì dân Nga đại đa số ủng hộ Putin.

Sử dụng vũ khí hạt nhân Putin sẽ đưa liên bang Nga vào con đường “giải thể”. Thế giới sẽ phát triển trở lại mà lần này không còn nước Nga nữa.

Hiện hữu hay bị tiêu diệt là quyết định của chính người dân Nga.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. -Xét từ đầu cuộc chiến, so sánh tiềm lực quân sự giữa nước Nga và nước Ukraine thì quân đội Nga vượt trội hơn hẳn quân đội Ukraine. Nhưng vì sao quân đội Nga buộc phải rút khỏi mặt trận phía Bắc rồi lần lượt đến Đảo Rắn và nay lại bị đuổi khỏi mặt trận phía Đông Bắc, co cụm về phòng thủ tại 04 tỉnh: Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia ??? Ban đầu Nga tập hợp hơn 200.000 quân nhân và nay tuyển thêm 300.000 quân nhân xem như gấp 1.5 lần, cùng khí tài quân sự xem như cho rằng cũng gấp 1.5 lần so với ban đầu thì chắc hẳn quân Nga cũng không bao giờ thay đổi được cục diện cuôc chiến, Nga phải bại trận. Vì sao? Quân Nga thua là bởi hàng ngũ tướng tá Nga lãnh đạo kém. Mà hàng ngũ tướng tá Nga lãnh đạo kém là do thể chế độc tài Putin đã sản sinh ra hoặc là những tướng tá mang tư tưởng độc tài, suy nghĩ hoang tưởng tư đại, suy nghĩ 01 chiều, chủ quan, duy chí (như mấy ông tướng tá CS bình luận sai trật lất về cuộc chiến Nga-Ukraine trên đài) hay cũng chỉ là những tướng tá bất tài lên chức do tham nhũng, chạy chức. Và tướng tá Nga lại được đào tạo theo kế hoạch tác chiến cổ điển, cứng nhắc đã lỗi thời, không còn phù hợp với chiến tranh hiện đại trong thời đại công nghệ thông tin toàn cầu. Cuôc chiến là cuộc đấu trí kế hoạch tác chiến giữa Bộ tổng tham mưu Nga với Bộ tổng tham mưu Ukraine; kế hoạch tác chiến giữa quân nhân Nga với quân nhân Ukraine của Bộ tham mưu quân đoàn, Phòng tham mưu sư đoàn, lữ đoàn, Ban tham mưu trung đoàn, tiểu đoàn… Kế hoạch tác chiến tốt nhưng ra thực chiến còn phải có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, linh động trong tấn công, phòng thủ giữa các quân binh chủng và công tác tiếp vận, hậu cần, cứu thương, ….Tướng tá Nga điều binh khiển tướng rối như canh hẹ khiến binh sĩ Nga mất niềm tin vào lãnh đạo, tinh thần xuống cấp trầm trọng, giảm ý chí tiến công, nghiêng về phòng thủ hay rút lui.
    -Nếu quân đội Nga bị quân đội Ukraine đánh đuổi phải rút về lại vị trí như trước ngày 24.2 thì lúc đó, không nhẽ cuộc chiến của bạo chúa Putin phát động là 01 trò hề? Chẳng đạt được gì, dân Nga còn xem Putin ra gì? Không được. Putin tuyên bố sẽ dùng ‘hàng nóng’ với khẳng định: “đây không phải là một lời đe dọa suông.” . Giờ đây, phương Tây xem xét có câu trả lời rõ, chi tiết một vài câu hỏi như: Thời điểm nào Putin phóng ‘hàng nóng’? Putin phóng 01 quả, hay 02 quả, hay 03 quả…’hàng nóng’ vào những thành phố nào của Ukraine? Phương Tây sẽ hành động đáp trả lại Putin ngay lập tức như thế nào khi bạo chúa đã phóng ‘hàng nóng’? Sau khi Phương Tây có hành động đáp trả lại Putin ngay lập tức thì Putin có lại phóng tiếp ‘hàng nóng’????

  2. Thế nào thì thế, tên và lịch sử của một quốc gia không thể bị thanh toán, thủ tiêu…trừ phi nó bị xâm lược và làm thịt, sáp nhập, xoá sổ quốc hiệu.
    LHQ không cho phép và tập quán văn minh cùng công pháp quốc tế cũng không cho phép lối hành xử đó.
    Bất chấp chuyện long trời lở đất gì có thể xảy ra, rốt cuộc Nước Nga vẫn cứ còn là nước Nga, trên đó 130 triệu dân Nga tiếp tục sống sau khi bị xử lý xong toàn bộ thành phần trung thành với chế độ putin và tội phạm chiến tranh,
    với một chế độ cai trị hoàn toàn mới do thế giới văn minh thiết kế theo ý nguyện chính đáng của cử tri Nga bầu lên, loại trừ hoàn toàn tàn tích CS độc tài Putin và bè lũ.
    Nước Nga thất trận vẫn sẽ tồn tại, với ít nhất là phần lãnh thổ truyền thống của mình, gồm Vùng Liên bang Trung tâm, Vùng Liên bang phía Nam và Vùng Liên bang phía Tây Bắc, với tổng dt hơn 2 triệu 700 N km2, trong đó còn đủ cả Moscow, Rostov trên sông Dong và Saint Petersburgh…

    Nước Nga làm sao “tan biến” được theo nghĩa đổi thay quốc hiệu;
    với một ngoại bang khác sẽ quản lý nó và đặt cho nó một tên khác,
    nghĩa là xoá Nga khỏi bản đồ thế giới ?!

    Sẽ có ngay câu hỏi : ai sẽ chiếm Nga?
    Hiến Chương LHQ không cho phép điều đó!

    Phần bao la lãnh thổ còn lại ở Ural, Siberi và Viễn Đông…có thể mỗi vùng sẽ do dân bản địa tự ý muốn biến thành quốc gia độc lập hay gì gì khác, chưa ai có thể biết.

    Chứ bảo…
    “…Thế giới sẽ phát triển trở lại mà lần này không còn nước Nga nữa.”
    là phải hiểu theo kiểu thế nào là “không còn”?

  3. “Con chó bị dồn vào đường cùng nó sẽ cắn lại. Rõ ràng Putin (qua các cuộc trưng cầu dân ý dỏm) đã dồn Ukraine vào đường cùng. Nhưng Putin vẫn ngụy biện rằng Nga là nạn nhân, bị Mỹ và EU dồn vào đường cùng.”
    “đã dồn UKRAINE vào đường cùng”???

    Vậy ông muốn ví và hiểu Ukraine là con chó?

Leave a Reply to HuePhan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây