‘Không làm được’ thì đã rõ nhưng có… ‘được làm không’?

Blog VOA

Trân Văn

19-9-2022

Câu trả lời là tuy có, thậm chí rất nhiều nhưng vì không được đảng tín nhiệm, không được đảng lựa chọn nên những người có đủ tri thức, kinh nghiệm, tâm huyết “không được làm”…

Tuần trước, sau khi ông Phạm Minh Chính tuyên bố: Ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm (1), tới lượt ông Vương Đình Huệ tuyên bố: Dự án yếu kém, không làm được thì phải để người khác (2)!

Phải chăng Thủ tướng – nhân vật đứng đầu hệ thống hành pháp – đang… “thi đua” với – Chủ tịch Quốc hội – nhân vật đứng đầu cơ quan lập pháp và cũng là cơ quan giám sát hoạt động của hệ thống hành pháp – về… mức độ trung thực?

Có thời nào, ở xứ nào mà lãnh đạo cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền lại… “thi đua” thừa nhận sự bất lực của Chủ tịch Quốc hội, của Thủ tướng cũng như của toàn hệ thống do họ quản lý, điều hành trước vấn nạn… “không làm được”?

Là Thủ tướng, nhận thức rất rõ vấn nạn “mua sắm thuốc men, vật tư y tế ‘đủng đỉnh’ không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân tính bằng giờ, bằng phút” càng ngày càng nghiêm trọng nhưng không những ông Chính và chính phủ do ông lãnh đạo không biềt phải làm sao, mà cả ông lẫn chính phủ của ông còn không biết… “ai” đã… “không làm được”. Cũng vì vậy, ông Chính chỉ có thể… “làm được” điều duy nhất là đưa ra… tuyên bố như vừa đề cập!

Tương tự, là Chủ tịch Quốc hội, nhận thức rất rõ vấn nạn “thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tiếp tục lún sâu vào trạng thái… “không làm được” nhưng không những ông Huệ và quốc hội do ông lãnh đạo không biềt phải làm sao, mà cả ông lẫn quốc hội của ông cũng không biết… “người nào” đã… “không làm được”. Điều duy nhất mà ông Huệ… “làm được” là kêu gọi “người nào”… “không làm được” thì nên… “để người khác làm”!

Khoan bàn liệu Thủ tướng như thế, Chủ tịch Quốc hội như thế thì có phải là những cá nhân… “không làm được” công việc của họ hay không (?), bởi đó chưa phải là chuyện đáng bận tâm nhất. Điều quan trọng nhất nằm ở chỗ, chính phủ cũng như quốc hội – cơ quan vừa đảm trách vai trò lập pháp, vừa thực thi trách nhiệm giám sát hoạt động của hệ thống hành pháp – được tổ chức ra sao, vận hành thế nào mà chỉ có thể nhìn nhận thực trạng chứ không biết phải làm sao, không xác định được… “ai”… “không làm được”?

Chẳng riêng ông Chính… “thi đua” với ông Huệ, chính phủ… “thi đua” với quốc hội trong chuyện không xác định trách nhiệm, xử lý những cá nhân… “không làm được”. Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng CSVN, kiểu… “thi đua” ấy đã có từ lâu.

Ít nhất là từ giữa năm 2019! Hồi đó, tại Kỳ họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng – chống tham nhũng, sau khi nhấn mạnh chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là… “yêu cầu của cách mạng, yêu cầu – tình cảm của Nhân dân, mong muốn của đảng ta”, ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, khi ấy còn kiêm nhiệm cả vai trò Chủ tịch Nhà nước – tuyên bố: Trong chúng ta có ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo, xin tự thôi đi! Phải quyết tâm như thế, và truyền tinh thần này xuống dưới (3).

Trước khi “tinh thần” lên án, phê phán chung chung, không vạch mặt, chỉ tên cá nhân nào dù phòng – chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được… “truyền xuống dưới”, tinh thần này đã được… “chuyền ngang” rất… nhịp nhàng.

Ví dụ, sau đó, khi đến Đồng Nai kiểm tra tiến độ dự án xây dựng phi trường Long Thành, trong vai trò Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc dõng dạc chỉ đạo: Ai không làm thì đứng sang một bên (4)!

Nhìn một cách tổng quát, cả người đứng đầu đảng CSVN lẫn những người đảm nhận vai trò điều hành nhà nước, quốc hội, chính phủ, chẳng “ông” nào ưu tư suy tính biện pháp giải quyết các vấn nạn kinh tế – xã hội, cũng chẳng “ông” nào thấy việc phải truy tìm – xác định trách nhiệm những cá nhân “không làm được” để xử lý, chấn chỉnh, khiến hệ thống hữu dụng hơn là nghĩa vụ của họ. Lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ chỉ cần đưa ra các tuyên bố như đã dẫn là đã… “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”!

***

Trong quá trình sắp đặt nhằm duy trì vài trò độc quyền lãnh đạo toàn diện Việt Nam, kiểu nhận thức, lối hành xử chỉ thừa nhận… “không làm được” nhưng chẳng xác định… “ai” dù quái gở nhưng đã chuyển từ… lập ngôn sang… “lập qui”!

Vài ngày trước khi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình huệ… “thi đua” lập ngôn về chuyện… “không làm được” thì…. “đứng sang một bên” hay… “để người khác làm” – ông Võ Văn Thưởng (cũng là Ủy viên Bộ Chính trị như ông Chính, ông Huệ nhưng giữ vai trò Thưởng trực Ban Bí thư của BCH TƯ đảng CSVN) công bố Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật (5).

Cho dù chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm vẫn được lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam khẳng định là… “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” nhưng theo thông báo do ông Thưởng thay mặt Bộ Chính trị phát hành thì giới lãnh đạo đảng chỉ khuyến khích những cán bộ bị “khiển trách, cảnh cáo” từ chức, không chịu từ chức thì “cấp có thẩm quyền mới xem xét, miễn nhiệm theo qui định”!

Việc xử lý các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bị “khiển trách, cảnh cáo” cũng được qui định hết sức… chặt chẽ! Ví dụ, bất kể viên chức “tự nguyện từ chức” hay bị “xem xét, miễn nhiệm” thì vẫn phải “bố công tác phù hợp theo từng trường hợp cụ thể” đúng “qui định của đảng và pháp luật của nhà nước”. Hai năm sau có quyền yêu cầu “xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương”!

“Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật giúp lý giải, tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại vận hành theo hướng không xác định được… “ai”… “không làm được” dù… “không làm được” là thực trạng nhức nhối và bất kể nhức nhối đến đâu, gây ra thiệt hại cả hữu hình lẩn vô hình lớn đến mức nào thì “không làm được” cũng chỉ bị yêu cầu… “đứng sang một bên”… “để người khác làm”!

Những vấn nạn trầm kha về kinh tế – xã hội ở Việt Nam đã từng là nguyên nhân nảy sinh thắc mắc, chẳng lẽ không có ai trong số cả trăm triệu người Việt… “làm được” những chuyện thiên hạ đã cũng như đang làm rất tốt. Câu trả lời là tuy có, thậm chí rất nhiều nhưng vì không được đảng tín nhiệm, không được đảng lựa chọn nên những người có đủ tri thức, kinh nghiệm, tâm huyết “không được làm”, thậm chí tình nguyện gánh vác những chuyện đảng viên “không làm được” còn chuốc… vạ!

Chú thích

(1) https://tienphong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-ai-khong-lam-thi-dung-sang-mot-ben-cho-nguoi-khac-lam!-post1469278.tpo

(2) https://vietnamnet.vn/chu-tich-quoc-hoi-du-an-yeu-kem-khong-lam-duoc-thi-phai-de-nguoi-khac-2060006.html

(3) https://plo.vn/phat-bieu-quan-trong-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post534689.html

(4) https://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-ai-khong-lam-thi-dung-sang-mot-ben-20200721213858042.htm

(5) https://laodong.vn/thoi-su/bo-chinh-tri-khuyen-khich-can-bo-bi-ky-luat-uy-tin-giam-sut-xin-tu-chuc-1090587.ldo

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bọn lãnh đạo cao cấp Việt Nam chỉ giỏi trộm cướp , bớt xén của đất nước của người dân . Không là nên trò trống gì ngoài ăn và phá .

Leave a Reply to Van Hoang Dang Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây