“Tôi muốn toà xử nhanh để tôi còn về cho sớm chợ”

Nguyễn Văn Miếng

29-8-2022

Ảnh dưới đây chụp phiên tòa phúc thẩm xét xử nhà báo Phạm Đoan Trang vào sáng ngày 25/08/2022. Người chụp ảnh này là một trong hai phóng viên đã cố ý chụp bằng được ảnh chân dung cô Đoan TrangẢnh: TTXVN

Phiên tòa phúc thẩm xét xử nhà báo Đoan Trang diễn ra chỉ trong vòng không đầy 4 tiếng đồng hồ ngày 25/8/2022 đã đi vào lịch sử.

Địa điểm mở phiên tòa là Phòng xét xử số VI – Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, nơi chuyên xét xử các vụ án an ninh, chính trị.

Tất cả các thiết bị điện tử phải gửi lại bên ngoài, và bên trong tòa không được trang bị máy tính để các luật sư tác nghiệp.

Vụ án được xét xử công khai nhưng không ai được vào trừ những người tham gia tố tụng và công an, an ninh làm nhiệm vụ.

Đại diện các cơ quan ngoại giao tại Hà Nội như Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu, Đức, Hà Lan, Séc,… không được vào phiên tòa mặc dù họ đã làm thủ tục đăng ký trước ngày mở phiên tòa đã lâu, tại cổng họ được yêu cầu phải đăng ký tham dự phiên tòa tại Bộ Ngoại giao.

Mẹ và anh trai Đoan Trang đi cùng với vợ và em gái ông Trịnh Bá Phương cũng bị chặn tại cổng cùng với các nhà ngoại giao. Và vì thế họ chỉ chụp một vài bức ảnh kỷ niệm rồi về.

Bà Bùi Thị Thiện Căn ( mẹ chị Phạm Đoan Trang), gia đình và các ĐSQ các nước ( Mỹ, Cộng Hoà Séc, Đức, EU, Thụy Sĩ ) không được vào dự phiên toà. Ảnh: FB Thu Đỗ

Hội đồng xét xử gồm có:

Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Ông Đặng Đình Lực

Các Thẩm phán: Ông Mai Anh Tài và Ông Nguyễn Vũ Đông

Thư ký ghi biên bản phiên tòa: Ông Ngô Ngọc Hưng

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Ông Phạm Văn Hòa và Bà Trần Thị Ngọc (trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 5/8/2022 chưa có tên hai vị này).

Chủ tọa hỏi Đoan Trang có muốn thay đổi ai trong Hội đồng xét xử không? Đoan Trang nói: “Không thay đổi ai vì điều đó không làm thay đổi được gì.”, “Tôi muốn tòa xử nhanh nhanh để tôi còn về cho sớm chợ.”

Bộ máy giám định viên tập thể gồm 5 người của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã được Tòa triệu tập nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt: Tổ trưởng Nguyễn Thị Mai Hương, hai Tổ phó Trần Thị Mai Dung và Nguyễn Thị Minh Phương, hai Tổ viên Đinh Thu Hiền và Phạm Quang Nghĩa.

Ba bản kết luận giám định về tư tưởng của 5 giám định viên Sở 4T này là căn cứ để truy tố Đoan Trang ra trước tòa với tất cả các điểm a, b, c của khoản 1 Điều 88 BLHS cũ về tội tuyên truyền chống nhà nước.

Hai người chụp hình và quay phim như đang tham gia một đội hình tác chiến bài binh bố trận hai bên tả hữu để chụp hình và quay phim bằng được Đoan Trang đã bị Đoan Trang xua đuổi: “Yêu cầu người kia không được chụp hình tôi!”, “Tôi yêu cầu hai người chụp hình và quay phim ra ngoài”. Chỉ đến khi luật sư Đặng Đình Mạnh yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân về hình ảnh, không chụp hình, không đăng tải, Chủ tọa mới yêu cầu hai tay săn hình cụp máy ra ngoài.

Bào chữa cho bà Đoan Trang có 4 luật sư: Ngô Anh Tuấn, Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng.

Các luật sư tham gia bào chữa cho Phạm Đoan Trang. Ảnh: FB tác giả

Đoan Trang trong suốt phiên tòa giữ quyền im lặng, chỉ ngồi, không đứng. Hội đồng xét xử đã cho phép Đoan Trang được ngồi, nhưng ông Kiểm sát viên lại yêu cầu chủ tọa buộc Đoan Trang đứng khi trả lời ông, chủ tọa đã bác yêu cầu này.

Chủ tọa cần mẫn hỏi Đoan Trang: “Đây nhá…”, “Thế bây giờ Tòa hỏi tiếp nhá…” cho đến khi Đoan Trang lên tiếng: “Tôi không có nhu cầu nói gì nữa.” thì chủ tọa mới xuống nước: “Bị cáo có quyền im lặng.”

Ông Kiểm sát viên hỏi vài câu như:

– Bị cáo xác định bị cáo là nhà báo hay nghề tự do, đó là nghề nào?

– Bị cáo có cái gì nhà nước hay cơ quan nhà nước cấp phép về tôn giáo, môi trường?

– Bị cáo có được phép đánh giá nhân quyền ở Việt Nam hay không?

(Tòa đề nghị kiểm sát viên tập trung vào nội dung vụ án)

– Bị cáo có được phép tuyên truyền về tự do tôn giáo ở Việt Nam không?

– Bị cáo có được phép đánh giá về bầu cử ở Việt Nam không?

Đoan Trang đã trả lời: “Không có ai cho phép cả. Luật nào cấm công dân làm những điều ấy?”

Bà Kiểm sát viên đối đáp về việc vi phạm thời hạn xét xử phúc thẩm 8 tháng thay vì 90 ngày như pháp luật quy định đã trả lời ngon lành: “Do đỉnh dịch Covid 19”. Và bản án của Tòa cũng ghi nhận câu nói bất hủ này. Trong khi từ phiên tòa sơ thẩm vào trung tuần tháng 12 năm trước, lệnh cấm vận Covid đã được tháo dỡ.

Lời nói sau cùng của Đoan Trang tôi nghe được ba câu, khi nói đến câu: “Bất kỳ một người dân Việt Nam nào có lương tri, đều không thể không…” Thẩm phán yêu cầu Đoan Trang không nói nữa và cảnh sát bảo vệ đã tắt mico.

Hội đồng xét xử vào nghị án, 20 phút sau ra tuyên một bản án dài y án sơ thẩm. Đoan Trang mỉm cười, quay qua nhìn các luật sư cám ơn và chào tạm biệt.

Cơn mưa buổi sáng để lại nhớp nhúa những con đường.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Điều đáng ghê tởm nhất là đàn bò đỏ như Hồng vệ binh bên Tàu thời Mao (gần 10
    ngàn dlv.đâu có ít) thọt ra những lời lẽ mất dạy, vô văn hóa v.v.đối với cô P.Đ.Trang
    để được đảng biết bọn họ… ngu trung đến thế là cùng ! Họ bị nhồi sọ và tẩy não
    đến mức không muốn làm người tử tế nhưng chỉ muốn làm… chó sủa người ?

  2. Khi đã còng tay và ném người ta vào nhà lao nhưng đảng vẫn còn run sợ, đảng hèn ơi là hèn, bây giờ mà toàn dân Miền Nam xuống đường biểu tình chống việt cộng thì chúng nó vác giò lên cổ mà chạy về bắc kkk.

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây