“Giải cứu” ngành sư phạm!

Mạc Văn Trang

14-8-2022

Thầy Chu Mộng Long, giảng viên trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: “Ngành sư phạm bị đẩy xuống vực thẳm“.

Thông tin Trường Đại học Quy Nhơn lấy điểm sàn 28,5 điểm cho 6 ngành sư phạm (Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý) làm cho báo chí mỉa mai, rằng trường “tỉnh lẻ” mà chảnh. Chữ “tỉnh lẻ” gây sốc vì mang tính kì thị, trong khi Trường Đại học Quy Nhơn xưa nay trực thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tôi cũng thấy sốc mà viết bài phê phán báo. Nhưng khi đọc trả lời của nhà trường, tôi giật mình. Không thấy sốc mà đau. Đau nhói.

Đau không phải vì cái nhà trường mình đang dạy bị miệt thị mà đau cho cả ngành sư phạm đã bị đẩy xuống vực thẳm. Lâu nay tuyển sinh vào ngành sư phạm đã là “chuột chạy cùng sào”, nhưng dẫu sao vẫn còn cây sào cho chuột đeo bám. Theo cách tuyển sinh như hiện nay thì… cả ngành sư phạm rơi tự do xuống vực sâu của sự yếu kém cùng cực!

Vì sao điểm sàn lên chót vót 28,5 điểm, cao hơn cả “nhất kỹ sư, nhì bác sĩ”, tức hàng đỉnh, mà tôi lại bảo là bị ném xuống vực thẳm của sự yếu kém?

Là bởi thế này. Trong 6 ngành sư phạm, thế mạnh gần 50 năm truyền thống của Trường Đại học Quy Nhơn, khoảng 10 năm nay chỉ tuyển sinh được 8 đến 13 em/một ngành. Có ngành không tuyển sinh được em nào, mặc dù có lúc điểm sàn hạ xuống tận đáy. Nay tăng điểm sàn lên 28,5 điểm, cũng đồng nghĩa không tuyển sinh chính quy nữa. Chỉ đào tạo hệ vừa làm vừa học!”.

Tình hình trên thật bi đát. Mà hiện nay tình trạng giáo viên bỏ nghề đang diễn ra ở nhiều nơi, dẫn đến thiếu giáo viên trầm trọng. Riêng Bình Dương cho biết thiếu hơn 3.000 giáo viên trong năm học mới.

“Giải cứu” ngành sư phạm thế nào?

1. Về đào tạo, nên bỏ hệ đào tạo giáo viên “vừa học vừa làm” đi. (Còn chuyện giáo viên vừa dạy, vừa học nâng cao là chuyện khác). Bây giờ nguồn học sinh tốt nghiệp THPT rất dồi dào, cần tuyển chọn không chỉ về thi mấy môn mà còn tuyển xem có nói ngọng, nói lắp hay có tật gì đó không thích hợp với nghề giáo viên. Tóm lại cần tuyển người PHÙ HỢP NGHỀ SƯ PHẠM. Phù hợp nghề mới giúp họ yêu nghề, học nghề, hành nghề hiệu quả và làm nghề lâu dài… Không làm được điều này thì đào tạo giáo viên hỏng ⅓.

2. Các trường tuyển sinh ngành sư phạm quá ít sinh viên không đủ để đào tạo, như ĐH Quy Nhơn, thì không tuyển sinh nữa. Sinh viên sư phạm tập trung vào một số Trường sư phạm, Khoa sư phạm đào tạo tốt, tập trung nguồn kinh phí vào đó. Các Trường và Khoa Sư phạm này cần được củng cố cho xứng đáng là “Mô phạm”, những địa chỉ danh tiếng đào tạo giáo viên có chất lượng. Nhà nước cần đầu từ tập trung vào các cơ sở này, và không để đào tạo giáo viên tản mát, vật vờ như ĐH Quy Nhơn hiện nay nữa.

3. Quản lý giáo viên đang là vấn đề nhức nhối, khiến nhiều giáo viên bức xúc, căng thẳng, chán nghề, bỏ nghề. Hiệu trưởng nhiều trường như “lãnh chúa”, quản lý bằng quyền uy độc đoán, đối xử không công bằng với giáo viên và tham nhũng đủ thứ! (Tôi thường nhận được những thông tin phản ánh từ giáo viên, nhiều hiệu trưởng hiện nay vì tiền mà làm bậy ghê quá). Giáo dục là hệ thống con, nằm trong hệ thống mẹ, nó không thoát được tình trạng chung; nhưng giáo dục cần chủ động cải cách hệ thống và phong cách quản lý nhà trường hiện nay. Nó quá tệ rồi.

4. Lương giáo viên thấp khiến họ luôn tìm cách kiếm thêm để mưu sinh, nhất là “ăn vào học sinh” là điều tệ hại. Mấy đời Bộ trưởng đã hứa tăng lương để giáo viên sống được bằng lương, yên tâm hành nghề, nhưng đây vẫn là vấn đề nan giải. Nhà nước, các nhà quản lý giáo dục phải thấy tình trạng tệ hại này mà cố gắng thoát dần ra, không thì càng ngày càng chìm sâu thêm.

5. Thử xem kinh nghiệm của Pháp giải quyết tình thế vấn đề thiếu giáo viên. Họ đăng tin, tuyển những người đã tốt nghiệp Đại học các ngành, gần với chuyên môn của giáo viên, nộp đơn (với một số điều kiện phù hợp) xin làm ứng viên, qua phỏng vấn. Rồi qua một kỳ thi tuyển với một số câu hỏi, bài tập và lấy những người đạt điểm chuẩn (có tỉnh 300 người thi, lấy được 100). Những người này được “đào tạo sư phạm cấp tốc” và đi dạy Tiểu Học hay THCS vẫn rất tốt. Những người này có ưu điểm: Họ đã trưởng thành, tự nguyện vào nghề tức là có cân nhắc phù hợp nghề; họ có kinh nghiệm sống phong phú; chỉ cần đào tạo sư phạm vài tháng rồi có sách, chương trình tự học thêm, phần lớn sẽ dạy tốt.

Mấy ý kiến xin góp với “trên” để xem xét.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thôi thì chỉ mong thế này . No Star cả & cũng chả Star Where, mọi người không cần nóng vội, sẽ sinh ra vô học dẫn tới cực đoan . Cứ từ từ rùi khoai cũng nhừ thui, vì thế hổng nên nóng vội . Tớ thì chỉ mong mọi người noi gương trí thức các thế hệ trước, với địch/độc tài aka Mỹ-Ngụy thì không khoan nhượng, nhưng với Ta thì tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ Đảng giao phó . Tức là mọi người hãy nên cống hiến hết khả năng mình có thể . Chỉ chờ tới khi về hưu mới nên phản biện cái đống bầy hầy mà mình tự hào đã đóng góp để tạo ra, & cứ thế mà xoay tua . Nhưng nếu có phản biện để (còn) được xem là trí thức, các vị nhớ dùng ngôn ngữ ôn hòa, có học … nói chung là phải đạo mạo, đễ dễ giấu cốt nông dân . Nhớ, Việt Nam mình rất tôn trọng những thứ cổ kính, càng cổ càng kính, chỉ cổ mới kính, & không cổ thì đừng hòng kính . Không giữ được nét cổ để được kính, đek ai nghe đâu

  2. Thập niên 80 xưởng sản xuất ngành sư phạm chỉ cần 9+3 hay 10+2 làm hỏng cả thế hệ…chỉ yêu cầu biết vâng lời. Nên hôm nay mẹ nó, sợ gì!

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây