Loa phường chứng minh cả hệ thống chẳng cần vì ai!

Blog VOA

Trân Văn

28-7-2022

Một cụm loa phường ở Hà Nội. Nguồn: Zing

Tuần này, không chỉ cư dân thành phố Hà Nội mà nhiều triệu người Việt khác cũng chưng hửng khi chính quyền thành phố Hà Nội loan báo sẽ tái lập hệ thống loa truyền thanh đến tận tổ dân phố, thôn nhằm “nâng hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội”.

Việc tái lập hệ thống loa truyền thanh đến tận tổ dân phố, thôn mà dân chúng vẫn ví von là “loa phường” nằm trong kế hoạch gọi là “Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội”. Trong “chiến lược” ấy còn có việc thiết lập mạng lưới tin điện tử cấp phường – xã, mạng lưới bảng tin điện tử công cộng, (1)…

Sau một thoáng ngạc nhiên, cảm xúc của công chúng chuyển sang thất vọng và bất bình. Có thể vì cùng tâm trạng nên những người chăm sóc diễn đàn điện tử của các cơ quan truyền thông chính thức không xóa bình luận nào về sự kiện vừa kể. Ví dụ, trong 44 bình luận về ý tưởng tái lập hệ thống “loa phường” của chính quyền Hà Nội trên tờ Tuổi Trẻ, chỉ có hai độc giả tán thành, số còn lại cùng cho rằng đó là một giải pháp lạc hậu, là nỗ lực gieo rắc ô nhiễm tiếng ồn, là một trong những nỗi đau ám ảnh họ cả cuộc đời…

Trên mạng xã hội, Đào Tuấn nhắc lại chuyện cuối thập niên 2010, sau khi tổ chức thăm dò dư luận trên Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội về “loa phường” và nhận lại kết quả là 89,67% không tán thành, Chủ tịch Hà Nội lúc đó đã quyết định xóa bỏ hệ thống “loa phường”, rồi so với kế hoạch tái lập hệ thống “loa phường” mới được công bố và ngậm ngùi tỏ bày: Chẳng có hình thức tra tấn nào đã man hơn “loa phường” thế mà chúng mình phải nộp thuế để trả tiền cho việc bị tra tấn (2).

Với suy nghĩ theo hướng đó, Mai Quốc Việt nhận định, tuyên bố tái lập hệ thống “loa phường” là một kiểu “dọa dân” và “lâu lâu tụi nó dọa một phát kiểu này kể ra cũng kinh” (3). Giống như nhiều người khác, Đoàn Bảo Châu nêu ra hàng loạt lý do phản đối “loa phường”: Tái lập hệ thống thông tin như cách này vài chục năm để làm gì khi mỗi điện thoại di động đã như radio, TV, máy tính. Nhu cầu và sinh hoạt của mỗi người mỗi khác không thể cưỡng bức mọi người theo cùng một kiểu. Đáng lưu ý là Đoàn Bảo Châu nhấn mạnh đề nghị mà gần như ai cũng muốn… đệ đạt: Vị nào đưa ra “sáng kiến” này nên ra mặt để nhân dân thủ đô “trân trọng cảm ơn” (4).

Do “Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội” được công bố ngay sau khi ông Trần Sỹ Thanh trở thành Chủ tịch Hà Nội, nhiều người tin rằng đó là món quà mà ông mang ra chào sân. Cũng vì vậy, có người như Lê Đức Dục làm ngay một bài thơ: Anh về không lẽ im re. Phải có chi đó để nghe ồn ào. Tiền nhiệm nó làm dư lào (như thế nào). Thì nay ngược lại thế nào cũng hay. Loa phường bỏ năm năm nay. Thì chừ khôi phục có ngay ồn ào. Ồn ào thì cũng chẳng sao. Người ta bàn tán với nhau: Ối giời! Rứa là anh thành công rồi. Cõi phây rầm rộ hướng nơi loa phường. Quên tất tần tật đoạn trường. Đu trend anh tạo, loa phường muôn năm (3).

Từ kinh nghiệm cá nhân, Nguyễn Ngọc Huy nghĩ khác nhiều người: Thật ra hệ thống loa phát thanh tại những nơi có thể đối diện với những rủi ro về thiên tai, biến cố môi trường, dịch bệnh,… là cần thiết. Ông Huy nêu thảm họa kép hồi tháng 3 năm 2011 ở khu vực Đông Bắc nước Nhật (động đất rồi sóng thần) như một ví dụ minh hoạ.

Do động đất làm Internet, mạng điện thoại di động tê liệt, hệ thống loa phát thanh tại Nhật đã góp phần cứu mạng hàng trăm ngàn người – thúc giục họ di tản 30 phút trước khi sóng thần cao hàng chục mét tràn vào bờ. Song giống như nhiều người, ông Huy khẳng định: Hệ thống loa phát thanh phải được dùng đúng mục đích chứ không nên lạm dụng. Theo ông Huy, được nghe âm thanh giống như một loại quà tặng nhưng phải nghe thứ âm thanh và thông điệp không muốn nghe thì đó là sự tra tấn (6).

***

Dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã rút ra được nhiều “kinh nghiệm sâu sắc” từ việc công bố các dự án, kế hoạch, công trình,… bị dân chúng phản đối kịch liệt vì đã vô bổ còn tốn kém, cuối cùng, không ít dự án, kế hoạch, công trình,… phải tạm ngưng triển khai hay đình chỉ vĩnh viễn, gần đây, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chỉ công bố các dự án, kế hoạch, công trình,… nhưng giấu tiệt chi phí (ví dụ Tượng đài Cảnh sát nhân dân).

Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội” là một ví dụ khác. Không ai biết dân chúng phải trả bao nhiêu cho… “phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền, phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở để gia tăng hiệu quả tuyên truyền”, chỉ có thể đoan chắc, với những “mục tiêu” kiểu đó, chi phí đầu tư và duy trì… “chiến lược” sẽ lên tới hàng ngàn tỉ. Chẳng lẽ Hà Nội không còn mục tiêu nào phải đạt trong phục vụ dân sinh? Chẳng lẽ có thể dùng tiền như rác và xem dân ý như một loại rác khác nên chỉ cần quan trên… thích, cả hệ thống sẽ cùng… nhích?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/ha-noi-lai-phu-song-loa-phuong-202207260947085.htm

(2) https://www.facebook.com/tuan.dao.9828/posts/pfbid02Bk2h4LYqreRsGLWZ3pXiFt9cSKStMseAVUckCpuXubQ4yuioP5HMXWSErcEDkTKol

(3) https://www.facebook.com/quocviet.mai.7568/posts/pfbid022coDzD6zyaaPADEusUToVvLfyYiSxx8sk2X8e6HaNRBHKJuejtJUwCkwd9wkj4TCl

(4) https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165/posts/pfbid02UAT8VobNAiLTg6QbMwi5YLXfQ3UFHqp8c1yDamJybKhi6Pc2WsK8xnxkoJHjAG5Wl

(5) https://www.facebook.com/1146679112/posts/pfbid02MPjNVmvhuofSprvXZtrrWJTwNiVf9s7KNamSEXn1fqVbowUWphAw8QMs1TKibVJCl/

(6) https://www.facebook.com/huy.nguyen.5439087/posts/pfbid02ydv6fhBQFzDpZMLxwiyc1jUHEzQzTvdtSMCqh2MQxQWmtuNgsGAe3tdJ2pgRFHHfl

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Thái Bá Tân

    Xã hội của một nước
    Phát triển thấp hay cao
    Phụ thuộc vào dân trí
    Ở nước ấy thế nào.

    Còn ta thì sao nhỉ?
    Dẫu văn hiến, anh hùng,
    Mà tôi thấy dân trí
    Hơi điên điên, khùng khùng.

    Cả đêm ngày, mưa nắng,
    Ông ổng bên vệ đường.
    Dân trí của ta đấy.
    Dân trí cấp loa phường.

    Mấy chục năm ông ổng,
    Cứ như đấm vào tai.
    Cũng một dạng tra tấn
    Theo kiểu không giống ai.

    Người dân khó chịu lắm,
    Nhưng rồi dần phải quen.
    Quen có người nghĩ hộ,
    Quen chỉ nghe chính quyền.

    Quen “thi đua”, “chiến dịch”,
    Rồi “đồng loạt ra quân”
    “Năm tốt” và “bảy đẹp”,
    Rồi “vì dân”, “do dân”.

    Quen ta luôn chính nghĩa.
    Quen tư bản đáng khinh.
    Đến mức ai nói trái
    Là diễn biến hòa bình.

    Chừng ấy từ sáo rỗng
    Của văn hóa cái loa,
    Đã trở thành dân trí
    Của nước Việt Nam ta.

    Mà người nghĩ ra nó,
    Ai đấy ở trung ương,
    Giỏi thì cũng giỏi thật,
    Nhưng văn hóa loa phường.

    Nguồn Mạng.

  2. Từ thời phong kiến, tại các làng xã phía Bắc có một “chức sắc” không bổng lộc bị dân làng khinh rẻ nhưng không thể thiếu trong hệ thống công quyền đó là mõ làng. Cũng không biết mõ làng xuất hiện từ khi nào bởi lịch sử chính thống ở ta bị giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh hủy hoại khi chúng tràn vào kinh thành Thăng Long. Nhưng với những gì biết được qua bài thơ của vua Lê Thánh Tông khen ngợi vai trò của thằng mõ

    “Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
    Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi.
    Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi,
    Kim thanh rền rĩ khắp đòi nơi.
    Trẻ già chốn chốn đều nghe lệnh,
    Làng nước ai ai phải cứ lời.
    Trên dưới quyền hành tay cắt đặt,
    Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.”
    ta có thể coi mõ làng xuất hiện ít ra cách nay cũng vào khoảng 600 năm.

    Đến thời thực dân, các đô thị được điều hành theo cách của người Pháp nhưng tại các làng xã vẫn điều hành giống thời phong kiến nên vào thời này mõ làng chỉ có ở vùng thôn quê mà không có ở các đô thị, đấy là tôi biết vậy. Sau năm 1954 trên đất Bắc, tầng lớp bị làng xã xem thường và khinh rẻ là mõ làng và cố nông trở thành cốt cán, họ được chính quyền tin tưởng, con cháu địa chủ khi gặp họ còn phải cúi đầu chào. Vai trò của mõ làng chấm dứt thay vào đó là các nhóm tuyên truyền viên dùng loa làm bằng tôn hoặc sắt tây truyền đạt những chủ trương của chính quyền xã và các cấp cao hơn tới dân.

    Loa phường có lẽ xuất hiện vào năm 1964 khi Mĩ bắt đầu ném bom miền Bắc, khi đó gọi là loa khu phố chứ từ phường mới xuất hiện ở phía Bắc khoảng 30 năm gần đây. Chức năng chính của loa phường thời đó là thông báo cho dân biết máy bay Mĩ đang ở đâu và cảnh báo lúc nào người dân cần vào hầm trú ẩn để tránh bom, đôi khi nó cũng được tiếp âm của đài tiếng nói Việt Nam và các đài truyền thanh địa phương. Thời trước năm 1975, nông thôn miền Bắc hầu như không có điện nên khi đó có lẽ rất ít xã có loa truyền thanh. Sau năm 1975 hệ thống loa truyền thanh được thiết lập tại nhiều phường xã trong cả nước, mục đích chính của hệ thống loa truyền thanh này là thông báo tình hình và các quy định của phường xã để người dân thực hiện. Ngoài chức năng trên loa phường, xã còn tiếp âm hệ thống truyền thanh của tỉnh thành và trung ương cho tới trước thời mở cửa. Có thể nói, loa phường đã làm tròn phận sự của mình kể từ khi nó xuất hiện tới thập niên cuối cùng của thế kỷ 20.

    Ngày nay, tại các đô thị lớn, các phương tiện truyền thông nào là truyền thanh, truyền hình, nào là Internet đã mò tới từng nhà, hệ thống quan chức công quyền có mặt tới tổ dân phố, lẽ nào nhiều người vẫn thích sử dụng loa phường, một hình thức truyền thông của khoảng 70 năm trước để làm sứ mệnh nâng cao nhận thức của người dân hay sao? Ngày nay, cư dân ở các đô thị đang sống trong một môi trường ô nhiễm không khí, ô nhiễm ánh sáng và ô nhiễm tiếng ồn, phải chăng người chủ trương tái lập lại loa phường không sợ rằng mình đã góp phần gây ô nhiễm trong các khu dân cư hay sao? Hơn nữa một chính quyền của dân, do dân và vì dân khi quyết định một vấn đề liên quan tới dân lại không hỏi ý kiến dân mà lại áp đặt ý của lãnh đạo là sao?

    Với quyết định lập lại loa phường, một phương tiện truyền thông đã làm tròn vai trò lịch sử của mình và quá lạc hậu so với nhiều phương tiện truyền thông khác là một điểm trừ đối với tân thị trưởng Trần Sĩ Thanh. Lẽ nào bước khởi đầu cho quyết tâm thay đổi cách điều hành của người đứng đầu thủ đô là khôi phục lại loa phường, một tiểu tiết mà nếu hỏi sẽ có tới 90% công dân thủ đô phản đối. Mõ làng tồn tại hơn 500 năm, nó từ bỏ vai trò lịch sử của mình để nhường chỗ cho loa truyền thanh. Loa phường cũng đã làm tròn vai trò lịch sử của mình, đừng vì suy nghĩ thiển cận mà khôi phục lại cái mà đa phần người dân phản đối. Lập lại trật tự giao thông, quản lý tốt quy hoạch đô thị, mạnh tay loại bỏ các công chức vô cảm, tham nhũng, lập thêm nhiều trường học và các khu dân cư cho người có thu nhập thấp là việc đáng làm hơn việc lập lại loa phường, thưa ông chủ tịch Hà Nội.

    FB Vinh Le

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây