Sống tử tế?

Thái Hạo

19-7-2022

Ông Huỳnh Văn Sơn phát biểu tại lễ tốt nghiệp sáng 17-7 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: Ngọc Trung/TT

Đêm qua, ngồi đọc những lời phát biểu của hiệu trường trường ĐH Sư phạm TP.HCM Huỳnh Văn Sơn trong lễ tốt nghiệp của năm nghìn cử nhân sư phạm, không hiểu sao cứ buồn mãi…

Còn nhớ, cách đây một tháng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp của sinh viên, và tôi đã nổi nóng trước những giáo điều về hi sinh, về an phận, về sự coi khinh tiền bạc… trong những giáo huấn của ông. Hôm nay thì chỉ buồn, dù bài viết ấy hết lòng răn dạy về sự tử tế.

Đã từ lâu tôi cũng tự hỏi về hai chữ ấy, hai chữ “tử tế”. Tra từ điển xưa – nay, tìm đọc những danh nhân, cốt sao để hiểu cho đúng về tử tế. Trên hành trình đi tìm nghĩa của chữ, rủi thay, tôi thường thất vọng. Cũng như hôm nay đã thất vọng về cách thế đối với cái được gọi là tử tế trong bài phát biểu của hiệu trưởng một trường đào tạo giáo viên lớn nhất miền Nam. Ông bảo rằng: Tử tế, “Đó chính là kiểu sống có trước, có sau, kiểu ứng xử thấu tình đạt lý, văn minh”.

Thì đúng rồi. Nhưng ta có thể thêm vào đó một danh sách rất dài nữa những tính từ miêu tả về các phẩm chất tốt đẹp mà một con người cần có, nên có. Nào là cần kiệm liêm chính, nào là thương yêu chia sẻ, nào là đồng cảm gắn bó, nào là vị tha nhân ái, nào là hi sinh cống hiến, nào là khiếm tốn thật thà dũng cảm… Kể làm sao cho xiết! Tử tế, hay bất kỳ giá trị nào, phải xét trong từng hoàn cảnh, từng thời đại; và ở thời này, thời của những suy vi đảo lộn, tử tế không thể chỉ là làm “con chim chiếc lá” để mà hót mà xanh, bất chấp cánh rừng đang bị đốn hạ mà không kêu thét lên một tiếng.

Tôi lại nhớ “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Mở đầu bộ phim, cái bộ phim mà sau đó đã mang đến cho ông nhiều tai ương, lời bình vang lên: “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại nỗi đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình”.

Chuyện tử tế trong bộ phim ấy rốt cuộc là chuyện gì? Tác giả chua chát nói rằng từ trước đến nay chúng tôi vẫn chỉ làm những bộ phim khiến cho bề trên vui lòng. Đó là những lời ngợi ca, và lờ tịt đi cuộc sống đói khổ, đau buồn, bất công của hàng triệu người dân. Hôm nay, ông và những cộng sự của mình muốn làm một thước phim tử tế, nó sẽ nói về những ngang trái, giả dối, lầm than, rách rưới trong cái xã hội mà các ông đang sống. Các ông muốn nói thật. Nói thật là chân tủy của lòng tử tế.

Ừ, tử tế với Trần Văn Thủy là như thế đó: Nói thật, đứng về phía nhân dân tối tăm lao khổ mà nói. Nói cho hết những thiệt thòi của họ, nói cho hết những bất công và bất bình của họ. Nói cho được những xấu xa, đổ nát của một xã hội chỉ thích nghe những lời xu nịnh tâng bốc… Đó là tử tế.

Và tôi đã chọn cái nghĩa ấy của hai chữ tử tế trong thời này.

Tôi đã ước rằng các vị hiệu trưởng ấy sẽ nói trước những người giáo viên tương lai của mình rằng: Ngày mai các em sẽ bước lên giảng đường và đừng quên từ đó mà nhìn vào xã hội nhiễu nhương của chúng ta rồi cất tiếng thật lớn; từ giảng đường đó, các em hãy dạy cho học sinh của mình về lòng trung thực, về sự nghèo đói, về rừng khô biển chết, về sông suối nhiễm độc, về những cánh đồng bị san lấp; hãy dạy cho học sinh biết rằng nền giáo dục đang bị tàn phá, đạo đức xã hội đang suy vi, chạy chức chạy quyền khắp nơi, người dân muốn yên ổn làm ăn thì phải chung chi, muốn yên thân thì phải im lặng; hãy dạy cho học sinh của các em biết rằng muốn có một xã hội tốt đẹp thì phải cùng nhau tranh đấu, cùng nhau lên tiếng. “Chủ nhân tương lai của đất nước” không phải là những kẻ chỉ biết nghe lời và im lặng làm theo; càng không thể thỏa hiệp với cái xấu cái ác. Nếu muốn dạy cho học sinh về lòng tử tế thì chính các em phải là những người tử tế: đứng thẳng lên mà sống, không khoan nhượng, không khuất phục trước bạo quyền bè phái, không chạy theo thành tích giả dối, không vô cảm trước xã hội đầy rẫy tai ương và bất công… Đó chính là lòng tử tế của những người làm thầy trong thời đại chúng ta.

Tôi đã ước như thế…

Nhưng đôi khi, “sự tử tế” thật đáng buồn, và đáng sợ. Không ai nói đến những điều ấy cả. Phải chăng họ không thấy, không biết? Không, họ thấy và biết lắm, nhưng họ chỉ muốn làm người tử tế – vô can. Họ không dám dạy về lòng trung thực, về tinh thần công lợi, về trách nhiệm công dân…

Chẳng ai có quyền yêu cầu quý vị sống tử tế theo cách Trần Văn Thủy đã nói và làm cả, nhưng đó là với tư cách con người cá nhân chứ không phải con người xã hội đang có một cương vị và vai trò to lớn đối với đất nước này. Khốn thay, nếu sống tử tế theo cách ấy thì thường thiệt thòi nhiều lắm, chi bằng ta cứ nói về tử tế nhưng né hẳn những điều có thể phương hại đến lợi quyền của ta?

Ngành giáo dục và người giáo viên là nơi làm ra con người, nhưng khi họ không nói về lòng tử tế trên tư cách công dân thì chúng ta mãi mãi không có công dân.

Không có công dân (mà chỉ có thần dân) thì không có gì cả, không có công bằng, không có văn minh, cũng chẳng có đi có lại đâu, vì lúc đó toàn bộ đời sống của mỗi người chỉ là cái vỏ ốc của chính anh ta. Mỗi người một vỏ ốc, trong cái đầm lầy mênh mông đầy những vỏ ốc…

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Thái Hạo đừng xúi dại nhá ! . Sinh viên ĐHSP mới ra trường, ước mơ, lý tưởng của họ còn cao vời vợi . Họ hăm hở đi “trồng người”. Nhưng khổ thân họ ! Họ chỉ có thể làm việc vun trồng này dưới những cây gậy của người chỉ huy chứ không theo được ước mơ trong sáng của họ .

  2. Từng là GV, bạn biết có một yêu cầu cuối bài giảng là “Liên hệ thực tế” ( LHTT). Ai không liên hệ là thiếu sót ( ?! ) . Tất nhiên, ai cũng hiểu LHTT là lấy những sự kiện ngoài xã hội để tăng tính thuyết phục cho bài giảng . Đồng thời, ai cũng hiểu chỉ được lấy những gì có thể “bốc thơm” chế độ . Tiết mục này, nó khôi hài ở chỗ đó.
    Bài của Đặng Bích Phượng có tựa :”Tử tế thì có hạn, khốn nạn thì vô biên” .
    Đố cha anh, chị nào dám lấy cái “khốn nạn vô biên” đó để liên hệ !!
    Bạo gan làm thử đi, sẽ phải kiểm điểm lên bờ xuống ruộng. Rồi nhận kỉ luật . Nghiêm trọng hơn, CA bảo vệ văn hóa sẽ ra vào liên tục ấy chứ . Cuối cùng, có thể là buộc thôi việc vì tội bôi bác chế độ ??!! Hài vãi ra chứ nhỉ !

  3. “tử tế với Trần Văn Thủy là như thế đó: Nói thật, đứng về phía nhân dân tối tăm lao khổ mà nói. Nói cho hết những thiệt thòi của họ, nói cho hết những bất công và bất bình của họ”

    Trích lại 1 lời nói thật của 1 người có tử tế hay không tùy cách nhìn “nông dân bỏ cuốc cầm bay. Đi muộn về sớm, làm việc cẩu thả, trốn việc như chớp, lãng phí vật liệu, câu giờ siêu hạng… chủ yếu là nghe thấy tiếng chửi: chồng chửi vợ, mẹ chửi con, chung vè chửi nhau, thậm chí còn vác đòn gánh rượt nhau chạy khắp đồng”

    Đặc biệt, người đó viết về những anh/chị trí thức xuất phát từ nông dân “Cái căn tính nông dân trong người trí thức Việt làm thành một hình ảnh rất kỳ dị: khôn khéo, tinh ranh mà ít trí tuệ; liều lĩnh mà ít lòng dũng khí, giữ lợi riêng mà im lặng trước các vấn đề xã hội, tranh luận thì nặng lời miệt thị”

    “chi bằng ta cứ nói về tử tế nhưng né hẳn những điều có thể phương hại đến lợi quyền của ta?”

    Thats what youse been doin fo the longest time. Tử tế hiện nay là giữ hòa khí với mọi người, ngay cả khi đạp lên họ để tiến thân .

    “Không có công dân (mà chỉ có thần dân) thì không có gì cả, không có công bằng, không có văn minh, cũng chẳng có đi có lại đâu”

    Nếu tính Mai Quốc Ấn, Việt Nam có công dân đấy chớ . Nhưng để chứng minh tính “công dân” của mình bằng cách nộp dân cho công an … GET OUT! Nếu không, mấy người muốn làm công dân sẽ nộp mình cho công an one way or another. Nếu nộp Đặng Văn Hiến cho công an được xem là tử tế, để chứng minh lòng tin của mình vào công lý … everyone else, GET OUT.

    “hãy dạy cho học sinh của các em biết rằng muốn có một xã hội tốt đẹp thì phải cùng nhau tranh đấu”

    Dạy rùi . Nguyên Ngọc viết Cao Huy Thuần đã tranh đấu chống độc tài, chương trình được duyệt cũng dạy chống cái thứ độc tài mà Cao Huy Thuần chống . Ta chỉ cần chống cái thứ độc tài mà Cao Huy Thuần chống thì xã hội này sẽ tốt đẹp lên thôi .

    “Chủ nhân tương lai của đất nước” không phải là những kẻ chỉ biết nghe lời và im lặng làm theo; càng không thể thỏa hiệp với cái xấu cái ác”

    Chủ nhân hiện tại thì tha hồ . Và để lại những tấm gương sáng cho các “chủ nhân tương lai” noi theo . Tớ đã đưa ra 1 ví dụ là con Thái Hạo có thể noi gương bố mình, trích sách của bố trong project về tư tưởng Hồ Chí Minh . What you gonna do, ghét bỏ con mình hay tôn trọng nó ?

    No Star Where. Cứ sống “tử tế” the best way ya know how. Oh, và nhớ đọc Cao Huy Thuần để chống the sêm độc tài mà Cao Huy Thuần đã chống nhá

  4. Tử tế, nói rất nhiều về sự tử tế, nói rất hay về sự tử tế, đó là các đầu lĩnh cộng sản Ba đình từ Trọng lú, Phúc nghẹo cho đến những Tô Lâm, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Hồng Diên…
    Nhưng chúng không làm những việc tử tế, từ các vụ cướp đất ở Đồng Tâm, Văn Giang, Dương Nội, Thủ Thiêm đến những Formosa, đại dịch covid, sách giáo khoa… Chúng chỉ gây ra những tội ác chất chồng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây