Ngành Y Việt Nam: Cần sự “đồng cảm” hay “thấu cảm” của người dân?

Huỳnh Wynn Trần

17-7-2022

Câu chuyện quyền Bộ Y tế VN đang hot trên mạng xã hội với những bình luận về dân ngoại đạo có nên lãnh đạo ngành Y hay không. Riêng tôi thì quan tâm đến câu nói của bà Đào Hồng Lan là “Chúng tôi rất cần sự đồng cảm” của người dân trên báo VNexpress.

Mới đọc tựa đề, tôi chưa hiểu ý của bà là muốn người dân “Đồng cảm” hay “Thấu cảm” khó khăn của ngành Y. Bà nói “ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn, cần sự động viên, chia sẻ của Đảng, nhà nước và sự đồng cảm của người dân.”

Trong y khoa, hai khái niệm “Đồng cảm” (Sympathy) và “Thấu cảm” (Empathy) là khác nhau và thường bị dùng nhầm lẫn.

Hình minh họa từ Saraalrumikhani

Đồng cảm là khả năng hiểu được hoàn cảnh của người khác từ chính góc nhìn của mình, hiểu người khác đang trải qua những khó khăn dựa trên hiểu biết, hoàn cảnh, hay kinh nghiệm cá nhân của mình. Ví dụ như quý vị thấy đồng cảm khi thấy người bạn có người cha vừa mất vì bệnh ung thư mình cũng đã vừa mất cha không lâu do căn bệnh này. Đồng cảm còn có thể hiểu là sự đồng ý với những cảm xúc, những mất mát, và chia buồn với người khác.

Thấu cảm là khả năng hiểu được hoàn cảnh của người khác thông qua sự hiểu biết, khả năng kết nối, và cảm nhận với người đó, chứ không hẳn từ kinh nghiệm cá nhân. Ví dụ như một BS sản khoa nam giới có thể thấu cảm nỗi đau đớn thể xác khi rặn đẻ sinh con của người mẹ mặc dù anh ta chưa bao giờ sinh con. Thấu cảm không nhất thiết là đồng ý với những cảm xúc hay cảm giác của người khác.

Ngành Y Việt Nam cần sự đồng cảm hay thấu cảm của người dân?

Người dân nên hiểu những khó khăn của BS ngày đêm túc trực bệnh viện để cấp cứu những ca tai nạn giao thông do uống rượu hay cãi lộn chém gió. Người dân cần hiểu những khó khăn của những BS đi học gần 10 năm mà lương vài triệu đồng không đủ sống ở Sài Gòn. Người dân cần hiểu rõ những rủi ro mắc bệnh truyền nhiễm hay bị người thân bạo hành khi hành nghề bác sĩ.

Dĩ nhiên, một người dân bình thường, và kể cả bà quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, không phải là nhân viên ngành y, càng không phải là BS nên người dân khó hiểu những kinh nghiệm như chữa bệnh Covid-19 trong bộ đồ nóng kín mít, từng bị người nhà chém đánh, hay từng bị trả lương thấp. Vì vậy, người dân thường khó mà đồng cảm với nhân viên ngành Y được.

Thay vào đó, người dân có thể thấu cảm được những khó khăn của nhân viên ngành y khi tìm hiểu những khó khăn của nhân viên y tế hoặc thử đặt mình vào hoàn cảnh của người BS.

Trong Y khoa, dùng từ ngữ chính xác là yêu cầu cơ bản khi giao tiếp. Dùng một khái niệm sai có thể dẫn đến chẩn đoán và chữa trị sai.

Thấu cảm là sự hiểu biết một cách sâu sắc, trọn vẹn, đầy đủ người khác bao gồm cả cảm xúc lẫn lý trí. Thấu cảm có thể hiểu là một cung bậc cảm xúc cao hơn so với đồng cảm.

Đọc hết bài phỏng vấn, tôi nghĩ ý của bà quyền bộ trưởng y tế là cần sự thấu cảm của người dân chứ không phải sự đồng cảm.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Có người cho rằng, quan chức cao cấp nước nhà không hiếm người tài, điều đó đúng hay sai? Nói đúng cũng không sai, nói sai cũng đúng.

    Các cụ từ thuở xa xưa từng đúc kết “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để nói giỏi một nghề thì ấm thân. Thế nhưng, nhiều quan chức trong vòng hơn chục năm thay đổi tới chục cương vị ở những ngành nghề khác nhau nhưng đều được đánh giá là hoàn thành suất sắc nhiệm vụ và được thăng chức đều đều, ai dám nói họ không tài. Cứ nhìn sơ yếu lý lịch được liệt kê của những vị được bổ nhiệm vào ghế mới sẽ thấy những người này quả là tài. Thế nhưng, khi ai đó ngã ngựa vì vướng vào vòng lao lý, qua báo chí và các phương tiện truyền thông chính thống mới thấy rằng những người này chẳng tài giỏi gì. Những Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Phương Minh Hoà, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và rất nhiều quan chức đã ngã ngựa khác đã chỉ ra cho ta thấy họ không có tài, bởi thể chế nhìn người sai khi dùng họ nên họ đã gây họa không nhỏ cho dân cho nước. Cũng có người nói nhiều quan chức nước nhà quá liều nhưng khi đã ngã ngựa những người này lại quá hèn.

    Nhiều người tự thấy năng lực mình có hạn, khi được thể chế giao cho trọng trách không hợp với năng lực và chuyên môn của mình nhưng họ vẫn nhận thì những người này phải nói là quá liều. Không hiểu quyền bộ trưởng bộ y tế có phải là người quá liều khi dám đảm nhận chức vị này hay không? Ở các nước phương Tây, bộ trưởng một bộ có thể không được đào tạo bài bản về ngành mà người đó nắm giữ, chẳng hạn bộ trưởng y tế và phúc lợi hiện tại của Mĩ không phải là bác sĩ. Thế nhưng, các vị bộ trưởng ở trời Tây chỉ quản lý về mặt nhà nước theo hiến pháp quy định. Họ không nắm quyền điều hành các doanh nghiệp nhà nước, các bệnh viện công như ở ta. Còn ở ta, nếu bộ trưởng không vững chuyên môn sẽ dễ bị cấp dưới qua mặt, nhất là ngành y, bộ trưởng nên là người có kiến thức rộng về y học. Còn nói rằng nhiều quan chức ngã ngựa quá hèn và thiếu nhân cách quả không sai. Nhìn cảnh Trịnh Xuân Thanh khóc trước toà, xin lỗi người này người kia, thấy Nguyễn Đức Chung trưng hơn 80 bằng, giấy khen, trưng giấy chứng nhận ủng thư bước sang giai đoạn di căn hay nhiều vị khác kể lể công lao, nêu mẹ già cần người chăm sóc để xin giảm án thì là người tử tế, ai chả cho rằng họ hèn và thiếu nhân cách.

    Người đứng đầu Hà Nội không phải là người do công dân Hà Nội bầu, họ là những người được đảng cử thông qua hội đồng nhân dân thành phố bầu một cách hình thức. Nhưng hai chủ tịch Hà Nội gần đây là Nguyễn Đức Chung và Chu Ngọc Anh đang phải hầu toà hoặc sắp phải hầu toà. Còn chủ tịch Nguyễn Thế Thảo có thể cũng theo gót hai vị chủ tịch đàn em. Liệu vị được đảng cử sắp được hội đồng nhân dân bầu làm chủ tịch của Hà Nội có làm cho Hà Nội thay đổi xứng đáng là thủ đô của đất nước hay không? Mong tân chủ tịch trong tương lai đừng nối gót những người tiền nhiệm Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh hay Nguyễn Thế Thảo.

    FB Vinh Le

Leave a Reply to Người được quyền bổ nhiệm đã đọc FB của Vinh Le chua? Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây