Những vết thương rách nát

Lưu Trọng Văn

2-7-2022

Năm 1972 tại Sài Gòn chàng trai 24 tuổi Phan Ni Tấn viết bài thơ “Bài hát Học trò” mà mỗi chữ, mỗi câu tứa ra từ bi kịch thời đại: Chiến tranh – Thân phận người Việt.

Hãy đọc thật chậm và lắng ngân:

Kính thưa thầy đây bài chính tả của con

bài chính tả viết về nước Mỹ

con viết hai lần sai chữ America

con viết hai lần sai chữ Communist

con viết hai lần sai chữ Liberty

làm sao được, làm sao được, bởi anh con vừa chết

Kính thưa thầy, đây bài luận triết của con

Một căn nhà và một trái phá

Một đám cưới hồng bên cạnh một đám ma

Một nếp sống tàn bên cạnh người no ấm

Ôi tiếng hát nào bên lệ em tuôn mau

làm sao thuộc bài con học để vinh thân đời sau

Kính thưa thầy đây là bài toán của con

Những đường cong đường thẳng đều có gài mìn

đường vào thành phố có bar, có Mỹ, có con gái học trò

đường vào làng có hầm hố cá nhân

đường vào đời có đao kiếm căm hờn

Con đã chứng minh nhiều lần

đường ngằn ngoèo qua Mỹ, qua Paris thật ngắn

nhưng không thể nối liền Sài gòn – Hà Nội

nhưng không thể nối liền thành phố với làng quê

Con không đậu tú tài để đi sĩ quan Đà lạt

Con không đậu tú tài để làm bác sĩ kỹ sư

Kính thưa thầy đây bài thuộc lòng của con

Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến

Một trăm năm Pháp thuộc

hai mươi năm đọa đày

Làm sao con thuộc được truyện Kiều Nguyễn Du

Kính thưa thầy đây là quyển vở của con

suốt một năm không hề có chữ

con để dành ép khô những giòng nước mắt

của cha con, của mẹ con, của chị con, và của

…chính con

Phan Ni Tấn, 1972.

***

Phan Ni Tấn cái tên quá xa lạ với đa số người Việt trong nước và đương nhiên quá xa lạ với những Vòng tay học trò hôm nay.

Phan Ni Tấn sinh năm 1948 tại Ban Mê Thuột. Tốt nghiệp Đại Học Khoa Học Sài Gòn năm 1969. Tốt nghiệp Võ Bị Thủ Đức tháng 1/1970 và chính thức phục vụ Quân Lực VNCH tại Pleiku năm 1971. Tham gia Phong trào Du ca Ban Mê Thuột năm 1972. Sau sự kiện 30/4/1975, ông bị đi cải tạo tại Trại cải huấn Ban Mê Thuột. Vượt biên cuối tháng 11/1979 tới Thái Lan. Từ năm 1980 tới nay định cư tại Toronto, Canada.

Cũng năm 1972 ấy tại phố cổ Hà Nội, Lưu Quang Vũ giã từ vũ khí, lang thang kiếm sống và làm thơ. Cũng về cái bi kịch của Đất nước – Chiến tranh và Thân phận người Việt.

Thơ “Bài ca Học trò” của Phan Ni Tấn khi làm ra đã được lan truyền trong giới học trò, sinh viên khắp Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Nhưng hầu hết thơ của Lưu Quang Vũ phải ẩn giật như chính Lưu Quang Vũ.

Lại thêm một bi kịch nữa từ cách ứng xử với Lịch sử này, để đến tận hôm nay- 50 năm sau, vết thương của bi kịch ấy vẫn chưa thể lành khi ca khúc “Gia tài của mẹ” còn rạch đường dao chính tuyến.

Năm 1972 Lưu Quang Vũ viết:

Tên những con chó hoang, những quả bom, những đứa giết người, những thằng lừa dối

Tên những dãy phố nghèo u tối…

Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu

Tiếng bán mua tiếng cãi chửi ồn ào

Những nhà cửa nhỏ nhoi những mặt người bụi bẩn

Chúng mình chẳng nhận ra nhau

Đứng giữa hai ta là những người đã chết

Bóng họ che đen sì cả mặt

Những vết thương rách nát

Những nụ cười từ lâu đã tắt

Như tuổi trẻ sớm tàn trong cay cực của ta

Lưu Quang Vũ cũng sinh năm 1948 như Phan Ni Tấn, cũng năm 1972 viết:

Chúa của tôi ngồi ở bên đường

Ngủ gục trên nắp hầm trú ẩn

Chúa của tôi bom thiêu cháy xém

Chúa của tôi hát xẩm trên tàu điện

Chúa của tôi bới gạch vụn tìm con

Chúa của tôi đêm nay lang thang

Không cửa không nhà vật vờ đói rét

Điều quá chua xót rằng những gì mà Trịnh Công Sơn, Phan Ni Tấn, Lưu Quang Vũ viết 50 năm rồi mà hôm nay vẫn làm giật mình thời đại.

Sao con tàu thời đại cứ rì rì lết trên đường ray nhấp nhổm mãi thế này?

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. NẾU LÃNH ĐẠO VN CÓ TƯ TƯỞNG NHƯ VINH LÊ THÌ ĐÂT NƯỚC ĐÂU CÓ BÊ BỐI NHƯ BÂY GIỜ!

    Người Việt ta có một thói quen xấu đó là, thích quay đầu về quá khứ để phán xét về một con người hay một vấn đề nào đó. Một triết gia người Đức có nói “Quá khứ thuộc về cái chết còn tương lai là của chúng ta”, câu nói trên có thể không hoàn toàn đúng bởi “không biết và nhớ về quá khứ thì không phải là con người” như ai đó đã nói. Nhưng ở đời, vạn vật luôn thay đổi kể cả tư duy của con người, lẽ nào nhiều người không biết.

    Tôi không phải là fan của nhạc Trịnh và cũng chưa từng nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh kể từ khi bà bước
    sang tuổi lục tuần. Dẫu vậy, với những người thuộc thế hệ tôi, những người sinh ra và lớn lên vào thời đất nước bị chia cắt, ít ra cũng đã từng một lần nghe Khánh Ly ca những bài ca về tình yêu, về phản chiến của Trịnh Công Sơn vào thời trẻ. Phần nhạc của Trịnh Công Sơn nghe buồn buồn, đều đều, không chau chuốt như Phú Quang và cũng không uyên bác như Văn Cao nhưng ca từ trong các bài hát của họ Trịnh có sức mê hoặc lòng người, nhất là lớp trẻ sống trong thời bom đạn. Cho tới nay, chắc nhiều người cũng đồng ý với tôi, Khánh Ly trước 1975 hát nhạc Trịnh là hay nhất và hợp nhất. Sau 1975, Trịnh Công Sơn ở lại, Khánh Ly bỏ nước ra đi nhưng giọng ca của Khánh Ly hát nhạc Trịnh dù công khai hay lén lút cũng có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm trên mảnh đất hình chữ S. Người Việt bỏ nước ra đi trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 có những lời nói chống đối thể chế không phải là hiếm, Khánh Ly là một trong lớp người này. Nguyễn Cao Kỳ từng nói không đội trời chung với cộng sản, thế nhưng ông Kỳ đã thay đổi tư duy và là một trong những người Việt tích cực kêu gọi Việt kiều tại Mĩ về đầu tư tại quê nhà. Nhà nước hoan nghênh những đóng góp của ông Kỳ trong hoà giải và hoà hợp dân tộc, lẽ nào vẫn còn một bộ phận người Việt lại ác cảm với lời nói trong quá khứ của ca sĩ Khánh Ly rồi nặng lời lăng mạ ca sĩ này. Hoà giải và hoà hợp dân tộc lẽ nào lại khó tới vậy! Nhà nước chủ trương gác lại quá khứ, xoá bỏ hận thù bắt tay với người Pháp, người Mĩ, người Nhật, người Hàn kể cả người Trung Quốc lẽ nào nhiều người Việt chúng ta vẫn giữ trong lòng những lời nói không hợp với suy nghĩ của mình để rồi phê phán, xỉ vả ai đó về những sai lầm của họ trong quá khứ hay sao? Nếu đem so lời nói trong quá khứ của Khánh Ly với việc làm của Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Sơn, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và hàng trăm tướng lĩnh, quan chức đang ngồi tù ai có hại cho dân cho nước hơn? Với Trịnh Công Sơn, nhạc của ông được lớp trẻ miền Nam thời Việt Nam Cộng Hoà ưu ái, sau 1975 có một thời nhiều bài bị cấm đoán cho tới thời mở cửa. Sau thời mở cửa, nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn được công khai lưu diễn và được nhiều lớp người từ bình dân tới sinh viên, trí thức thích nghe, thích hát những ca khúc của ông. Đến nay, có lẽ còn duy nhất bài Gia Tài Của Mẹ vẫn chưa được phép lưu hành công khai trên lãnh thổ Việt Nam chỉ bởi trong ca từ có câu “hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Nhiều người muốn đổi hai từ “nội chiến” cũng như nhiều người muốn đổi một câu trong Quốc ca của Văn Cao nhưng tác giả không còn nữa nên ý muốn này là điều không thể. Bài thơ Đường Sang Nước Bạn của Tố Hữu có câu “Bên ni biên giới là mình/ Bên kia biên giới cũng tình quê hương” nghe thấy sai sai nhất là ai đã từng chứng kiến cuộc chiến tranh 10 năm chống Trung Quốc cũng như thấy hàng rào dây thép gai khoảng 1400 km trên biên giới Việt Trung, vậy mà bài thơ này đâu có bị cấm đoán.

    Chính trị hoá văn học, nghệ thuật dễ dẫn đến sai lầm mà bài học về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm là một ví dụ điển hình. Ai đó thích quay về quá khứ tìm sai sót của người khác để chê bai và phán xét nên soi lại chính mình. Hãy coi mình là người Việt Nam máu đỏ da vàng khi đó người Việt chúng ta dù chính kiến khác nhau, ý thức hệ khác nhau vẫn có thể nắm tay nhau tiến về phía trước để chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

    FB Vinh Le

  2. Lưu Trọng Văn đưa ra hình ảnh 2 nhà thơ, 1 người ở miền Nam tư bửn, lai căng & bị Mỹ đô hộ, người kia ở miền Bắc Dân Chủ Cộng Hòa . Tuy sống ở 2 nơi nhưng họ đều làm thơ chống Mỹ . Tại sao không đưa thơ chống Mỹ của bố mình ra để làm mẫu luôn thể ? Lưu Quang Vũ mà làm thơ chống Mỹ như Lưu Trọng Lư thì đã vinh quang không kém bố Lưu Trọng Văn rùi

    Chống Mỹ có thể đem ra làm 1 tiêu chỉ của hòa giải hòa hợp . Hễ người nào chống Mỹ là dân xã hội chủ nghĩa các bác sẵn sàng bắt tay .

  3. Tôi thiển nghĩ những tác giả trên mỗi người viết với chủ ý và động cơ khác nhau,
    nên bỏ chung vào một giỏ như LTVăn thì giống như ăn cơm có… hạt sạn ?
    Bạn thân của TCS.là những Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân
    v.v.đều hoạt động cho VC.trong “phong trào đô thị” chống VNCH. tức thuộc mặt
    nổi, công khai nên TCS.ít nhiều cũng bị áp lực của họ nhưng ông ta “khôn khéo”
    tách ra khỏi họ để “luồn lách” trong âm nhạc là sở trường của ông ta ?
    PNT. chỉ bày tỏ tình cảm chán chuờng của cá nhân mình trước cuộc chiến nên có
    lẽ muốn “làm dáng” như nhiều người trẻ miền Nam đấy lý tưởng khác rồi sau đó
    nhảy qua lãnh vực âm nhạc khi ra hải ngoại ?
    LQV. muốn nói thay cho đồng bào miền Bắc với bài thờ ông ta làm để trút những
    bình của ông ta lên một phiá khi bi quan thấy cuộc chiến khốn nạn này không biết
    bao giờ mới kết thúc ?

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây