Nhà nước pháp quyền, làm luật và biến báo của hội thảo

Ngô Huy Cương

14-6-2022

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại một cuộc Hội thảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Chúng ta đều không lạ gì những cuộc hội thảo tổ chức ra để tiêu tiền, để gặp gỡ bù khú với nhau hay để nghỉ dưỡng… Đây là những biến báo thường gặp.

Có những biến báo của hội thảo mà chúng ta ít chú ý hơn. Đó là tổ chức hội thảo để bảo đảm qui trình hay để minh chứng về sự ủng hộ cho cơ quan tổ chức hội thảo hay để mời quan khách lấy danh tiếng…

Có một vấn đề quản lý nào đó bị phàn nàn nhiều, cơ quan quản lý liên quan tổ chức hội thảo, mời toàn những người có tiếng nói ủng hộ tới, rồi tập hợp ý kiến báo cáo lừa cấp trên.
Cần khuếch trương gì đó cho tổ chức của mình, người ta cậy cục mời bằng được một quan khách rất cao cấp nào đó tới hội thảo để quay phim ư, chụp hình ư, quảng bá ư và có thể đưa “chi phí” vì có tham gia phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội thảo… Còn hội thảo để bảo đảm qui trình thì khỏi nói về thực chất.

Điều đáng ngại nhất là những hội thảo mang tầm cỡ quốc gia nhiều khi có qui trình lộn ngược và thiếu chất khoa học ghê gớm.

Thông thường những vấn đề chính sách hay luật lệ đang được soạn thảo thì các chủ thể quản lý được thảo luận chán chê, mê mỏi, rồi mới tới đối tượng bị quản lý, đối tượng bị tác động (dân) mới có cơ may được hỏi tới.

Thế nhưng siêu đề án xây dựng “Nhà nước pháp quyền” thì đối tượng bị tác động lại được bàn luận trước.

Nói tới Nhà nước pháp quyền là người ta nói tới nhà nước bị ràng buộc bởi pháp luật. Bản thân thuật ngữ tiếng Anh “the Rule of Law” đã cho thấy ý tưởng pháp luật cai trị chứ không phải con người cai trị. Nó khác với nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa (mà Hiến pháp 2013 đã bỏ đi).

Nhà nước pháp quyền có một mục đích chủ yếu là bảo vệ quyền tự do của cá nhân con người vì cá nhân con người luôn yếu hơn trước quyền lực của nhà nước.

Vì vậy lý thuyết về nhà nước pháp quyền chủ trương đặt nhà nước xuống dưới pháp luật (nên các học giả Miền Nam trước kia gọi nhà nước pháp quyền là “quốc gia thượng pháp”), và coi công dân ngang bằng với nhà nước (nên công dân mới có thể kiện nhà nước; hiện chúng ta đã có kiện hành chính).

Và lý thuyết này đặt ra tiêu chuẩn cho pháp luật là phải bảo đảm cho các quyền tự nhiên của con người và pháp luật được làm ra phải tuân thủ Hiến pháp (một đạo luật của nhân dân và chứa đựng các nguyên tắc về quyền tự nhiên của con người; hiện Hiến pháp năm 2013 của nước ta cũng vậy) cả về nội dung lẫn hình thức.

Với nội dung chủ yếu đó của nhà nước pháp quyền nói chung, các cơ quan nhà nước và các công chức nhà nước là đối tượng bị ràng buộc (khác với pháp chế xã hội chủ nghĩa), là đối tượng bị tác động. Ngược lại nhân dân là chủ thể đặt ra phương thức ràng buộc nhà nước. Vậy mà đối tượng bị tác động lại được bàn trước với nhau xem mình nên bị ràng buộc như thế nào? Tôi cho rằng những người tổ chức hội thảo chưa nắm rõ về bản chất của nhà nước pháp quyền hoặc muốn “dịu dàng” hơn với các cơ quan nhà nước.

Điều cốt tử của nhà nước pháp quyền là làm thế nào để nhà nước bị ràng buộc bởi pháp luật.

Thế giới họ gần như thống nhất hoàn toàn với nhau từ lâu rồi về vấn đề này. Đó là các cơ quan công quyền phải bị giám sát bởi tư pháp.

Hiến pháp năm 2013 của chúng ta có qui định về cơ chế bảo vệ Hiến pháp để ràng buộc nhà nước phải tuân thủ Hiến pháp. Nhưng cho tới nay Quốc hội vẫn chưa làm luật về vấn đề này, có nghĩa là chưa thi hành đầy đủ Điều 119 của Hiến pháp năm 2013. Nếu không tổ chức được tư pháp độc lập, chân chính, có năng lực và hiện đại thì không thể có nhà nước pháp quyền.

Đương nhiên thi hành Hiến pháp năm 2013 tức là tuân theo đường lối của Đảng vì Hiến pháp này thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng.

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. Khái niệm chủ thể trong mối quan hệ pháp luật không thuộc phạm vi quản lý (kinh tế), cũng không có loại đối tượng bị quản lý hay đối tượng bị tác động.
    Các chủ thể pháp luật là một khái niệm khách quan và trừu tương nên cũng không có cá loại cảm xúc thường tình như “chán chê, mê mỏi, hay dịu dàng”

  2. “Điều cốt tử của nhà nước pháp quyền là làm thế nào để nhà nước bị ràng buộc bởi pháp luật.”
    Sai rồi, phải nói là: “Điều cốt tử của nhà nước pháp quyền là làm thế nào để Đảng và nhà nước bị ràng buộc bởi pháp luật.”.
    Hiện nay, Đảng đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật, đó là vấn đề cốt tử. Không có luật về sinh hoạt Đảng, Đảng không đăng ký để hoạt động mà lại còn sử dụng ngân sách quốc gia và kêu gọi tất cả phải tuân hành pháp luật. Quyền này ờ đâu mà có? Vấn đề này tác giả chắc chằn là biết mà không dám nêu lên.

  3. “Thông thường những vấn đề chính sách hay luật lệ đang được soạn thảo thì các chủ thể quản lý được thảo luận chán chê, mê mỏi, rồi mới tới đối tượng bị quản lý, đối tượng bị tác động (dân) mới có cơ may được hỏi tới.”
    Tôi đoán mò các khái niệm chủ thể quản lý, đối tượng bị quản lý, đối tượng bị tác động trong ngữ cảnh này và thử biên tập lại, hy vọng là đúng ý tác giả.
    Trong tiến trình quy định các vấn đề chính sách pháp luật hay soạn thảo các văn kiện lập pháp và lập quy, trước tiên, các cơ quan chuyên trách sẽ thảo luận trong nội bộ tất cả các khía cạnh của chủ đề, sau đó, họ sẽ mời các thành phần có liên quan hay dân chúng bị ảnh hưởng để tham khảo ý kiến.

  4. “ (nên các học giả Miền Nam trước kia gọi nhà nước pháp quyền là “quốc gia thượng pháp”)”
    Xin vui lòng nêu tên các học giả này là ai và viết trong sách nào? Hãy cố tìm trong các sách Luật của các giáo sư Vũ văn Mẫu, Vũ Quốc Thúc, Nguyễn văn Bông và các sách khác của miền Nam trước 1975 để nhận ra một sự thật là không có khái niệm nhà nước pháp quyền và quốc gia thượng pháp. Nếu tìm không ra thì nên vào Sài gòn và tìm các sinh viên học Luật trước 1975 để kiểm chứng xem họ đã học hành như thế nào.

  5. Tiên Sinh Thái Bá Tân

    Quyết định tất tần tật
    Mọi cái ở Việt Nam
    Là đảng, chỉ mình đảng.
    Đảng cộng sản Việt Nam.

    Trong tất tần tật ấy
    Chỉ có mười mấy người,
    Nắm quyền sinh quyền sát
    Chín mươi triệu con người.

    Vậy họ là ai nhỉ,
    Chắc phải rất phi thường?
    Tôi tìm hiểu và thấy
    Hóa ra cũng bình thường.

    Giỏi mưu mô thì có,
    Chứ thực tài thì không.
    Sơ sơ, cũng có học,
    Chủ yếu học thuộc lòng.

    Cái tầm của các vị
    Không cao, cũng không xa.
    Ngang tầm đái ngọn cỏ
    Của mấy mụ đàn bà.

    Vậy mà họ, thật tiếc,
    Nắm quyền sát, quyền sinh
    Chín mươi triệu người khác,
    Thời đại này quang vinh.

    Nguồn Mạng.

  6. “nên các học giả Miền Nam trước kia gọi nhà nước pháp quyền là “quốc gia thượng pháp”), và coi công dân ngang bằng với nhà nước (nên công dân mới có thể kiện nhà nước; hiện chúng ta đã có kiện hành chính).”
    Trong bất cứ một cuốn sách Luật giáo khoa nào của Miền Nam trước 1975, không bao giờ có ai sử dụng “khái niệm nhà nước pháp quyền”. Không ai gọi miền Nam là “quốc gia thượng pháp”, mà chỉ nêu cao “tinh thần thượng tôn pháp luật”.
    Miền Nam không coi công dân ngang bằng với nhà nước. Nhà nước và công dân là hai phạm trù pháp lý riêng biệt. Người dân miền Nam được hưởng tố quyền hiến định, có nghĩa là, có thể khởi động tố quyền khi nhà nước vi phạm. Tố quyền này dựa trên của quy định của hiến pháp. Đó là sự khác biệt khi so với Hiến pháp hiện nay, chỉ nêu cao giá trị mà không cho phép người dân khởi tố trực tiếp.

  7. Lẽ ra, rao bán hàng giả phải là một trọng tội.
    Nhưng hàng giả về chính trị ở nước ta thì ĐCS có thẩm quyền rêu rao.
    Đó chính là thực chất của cái thứ “thị trường định hướng XHCN”

  8. “nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa (mà Hiến pháp 2013 đã bỏ đi)”

    Need i say more? Đảng “cộng sản” -cho cười cái, Hahahaha- thoái hóa là đây chớ là đâu nữa

Leave a Reply to HỌ LÀ AI? Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây