Nhớ lại

Đỗ Duy Ngọc

7-6-2022

Thời gian trước cách đây một năm là những ngày bắt đầu cơn đại dịch bi thương quét qua thành phố Sài Gòn. Những đau thương, mất mát xuất hiện từ những ngày này. Những biện pháp phong toả, giãn cách rồi giới nghiêm. Những khu vực cách ly kẽm gai, chướng ngoại vật giăng đầy phố và những con hẻm. Những cuộc gom dân vào những khu vực thu dung, F0, F1, F2 nhưng không có biện pháp và hướng điều trị cụ thể. Tất cả xoay như chong chóng từ những chỉ thị đến các quyết định.

Người dân sống trong âu lo và khi dính dịch chỉ biết chờ chết. Đỉnh dịch vào cuối tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Người chết không kịp thiêu chất đống trong xe lạnh. Khói nghi ngút cháy suốt ngày đêm ở lò thiêu. Trong các bệnh viện và trung tâm thu dung, các bác sĩ và nhân viên y tế đành bất lực nhìn người bệnh lần lượt ra đi. Gia đình người chết nhận những hũ tro cốt. Thành phố trở thành thành phố chết, những tiếng còi hụ của xe cứu thương như tiếng gọi của tử thần. Con số người chết oan ức tức tưởi lên đến hàng chục ngàn. Tiếng khóc bi thương vang tràn các ngõ xóm, các con đường.

Đã qua một năm, cuộc sống đã hồi sinh ở thành phố nhưng những nỗi đau, nỗi mất mát của từng gia đình không thể nào nguôi. Những người đã chết không thể sống lại được, thân xác đã thành tro trong những hũ sành. Người thành phố sống sót qua cơn đại dịch cũng không thể nào quên những tháng ngày hãi hùng đã trải qua. Hậu quả không những ở hàng chục ngàn người đã chết mà còn để lại biết bao di chứng hậu Covid ở hàng triệu người đã từng mắc phải.

Cho đến giờ, sau những biến cố ngồi nhìn lại, đã thấy rõ nguyên nhân của những hậu quả bi đát đó. Đã có lắm sai lầm nguy hại. Đã có những biện pháp chết người. Thế nhưng chẳng có ai dám đứng ra nhận trách nhiệm, chẳng có ai dám mở lời tạ lỗi với những người đã khuất và cả những người sống sót sau cơn đại dịch với những ngày tháng kinh hoàng đã trải qua.

Trong thời gian khủng khiếp đấy lại có lũ người có quyền lực lợi dụng cơ hội cấu kết với nhau để làm giàu. Chúng bàn bạc, chia chác nhau từ những que thử. Chúng ăn chia nhau hàng ngàn tỷ đồng từ những chuyến bay gọi là giải cứu. 2000 chuyến, mỗi chuyến bỏ túi vài tỷ, con số lên đến bao nhiêu? Chúng ban hành lệnh chọc ngoáy bất kể giờ giấc, bất kể ở đâu để thu lợi. Chúng lợi dụng quyền lực để bòn rút ngân sách, hút máu đồng bào. Tội lỗi của chúng không thể xoá bỏ và tha thứ được.

Hôm nay đã có vài tên bị nêu danh, bị cảnh cáo, bị khai trừ đảng. Nhưng tội lỗi của chúng không thể chỉ trừng trị từng đó. Phải đưa chúng ra toà án, tịch biên gia sản với cái án thật nặng nề. Dù biết rằng làm thế vẫn chưa hết sự khốn nạn, tàn nhẫn, vô lương của chúng.

Nếu tin vào tâm linh, tin vào thế giới khác chắc hẳn những oan hồn của những người đã chết sẽ có lúc báo oán những kẻ đã khiến họ phải chết oan ức. Và những kẻ vô lương kia sẽ bị đền tội vì những tội ác của chúng.

Một năm đã qua đi, ký ức vẫn còn đọng lại và chắc hẳn thời gian sẽ chẳng bao giờ xoá được những ngày bi thảm của thành phố Sài Gòn. Nhắc lại để nhớ. Nhắc lại để khắc sâu những tội lỗi của lũ người táng tận lương tâm. Nhắc lại để rút ra bài học xử lý những biến cố tránh những lúng túng, những biện pháp duy ý chí sai lầm đưa đến những hậu quả khủng khiếp không lường được.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Lúc nào cũng “tự hào”, lúc nào cũng “ngạo nghễ” nên họ không bao giờ nhún nhường để xin lỗi ai đâu ạ . “Hở môi ra cũng thẹn thùng” đấy mà(Kiều – ND )
    Ai chết thì mặc xác họ, ghế của ta, ta vẫn ngồi cao là tốt nhất rồi.

  2. Thảm họa covid-19 tại Sài Gòn là hậu quả của cái gọi là “chống dịch như chống giặc”, của cái “thần tốc xét nghiệm trên diện rộng” để tiêu thụ thật nhiều kit test của Việt Á. Tội đầu trò rõ ràng thuộc về Phạm Minh Chính. Tội tày trời như vậy, tại sao không ai dám động đến lông chân hắn ?

Leave a Reply to Lu Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây