Ivan Bạo chúa và Stalin: Putin tuyên truyền khủng bố nhà nước như một truyền thống quốc gia

NTV

Hubertus Volmer trò chuyện với Dina Khapaeva

Vũ Ngọc Chi, chuyển ngữ

29-5-2022

Matryoshkas (búp bê lồng nhau) với hình ảnh Stalin và Putin trong một cửa hàng ở St.Petersburg. Nguồn: AP

Nhà khoa học văn hóa Nga, Dina Khapaeva cho biết: “Niềm đam mê về phương Tây là cốt lõi của bản sắc Nga. Điều này không có nghĩa tích cực: “Nếu không có sự khước từ phương Tây, bản sắc Nga không tồn tại”.

Khapaeva nói đến chính trị tưởng nhớ của Putin, có mục đích “khôi phục đế chế, quân sự hóa dư luận và tuyên truyền khủng bố nhà nước như một truyền thống quốc gia lớn”. Bà nói: “Bởi vì Putin và lũ bạn của ông ta không có dự án nào cho tương lai, họ chỉ có thể nhìn lại lịch sử và bắt chước quá khứ”.

***

Nhà khoa học văn hóa đề cập đến một cuốn tiểu thuyết của Nga xuất bản năm 2006 phù hợp “hoàn toàn với chính trị tưởng nhớ của Putin”. Lấy bối cảnh tương lai, cuốn sách mô tả cách Nga khuất phục châu Âu. Trong đó, việc xây dựng đế chế Nga bắt đầu bằng cuộc chiến chống lại Ukraine.

Trong cuốn tiểu thuyết này, nước Nga bị cai trị và khủng bố bởi một lực lượng quân cảnh. Theo quan điểm của Khapaeva, nước Nga ngày nay đang trên đường đi đến một hệ thống như vậy: “Những gì chúng ta đang thấy ngày nay là nhu cầu về  khủng bố nhà nước”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn với ntv.de. “Thật không may, một bộ phận đáng kể dân chúng tin rằng khủng bố nhà nước, khi nó xảy ra, là vì lợi ích của nước Nga”.

Dina Khapaeva là giáo sư tại Trường Ngôn ngữ Hiện đại, thuộc Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ). Bà vừa hoàn thành một cuốn sách đề cập đến chính trị tưởng nhớ tân trung cổ của Putin và quá trình tái Stalin hóa (Nguồn riêng của NTV)

Ntv.de: Vài năm trước, bà đã viết trong một cuốn sách về “Lịch sử các quốc gia” rằng cốt lõi của lịch sử Nga là “sự mê hoặc thường xuyên đối với phương Tây, cùng với sự thôi thúc vượt qua nó để tránh ảnh hưởng của nó”. Nghe giống như một mối quan hệ yêu-ghét.

Dina Khapaeva: Ý tưởng của phương Tây là trọng tâm của bản sắc Nga. Nếu không có sự khước từ phương Tây, bản sắc Nga không tồn tại. Điều này làm cho họ rất khác biệt so với các nền văn hóa châu Âu khác. Sự say mê về phương Tây là cốt lõi của bản sắc Nga. Đó không chỉ là một mối quan hệ yêu – ghét: Nga không thể tưởng tượng ra được mình nếu không so sánh mình với phương Tây và không từ chối phương Tây. Đó là một nền văn hóa rất đặc biệt về mặt đó.

Ntv.de: Làm thế nào để Nga và phương Tây có thể có một mối quan hệ hòa bình bình đẳng?

Sau cuộc chiến ở Ukraine, tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra. Theo tôi, cuộc chiến này là kết quả của một chính sách tưởng nhớ mà Putin đã theo đuổi rất nhất quán trong ít nhất hai mươi năm. Chiến tranh cũng là kết quả của việc không sẵn sàng chịu trách nhiệm về những tội ác của chủ nghĩa Stalin. Rất có thể Nga sẽ bị đánh bại về mặt quân sự trong cuộc chiến này. Nếu sau đó nó không còn tồn tại như một quốc gia, nó có thể giúp xóa bỏ tham vọng đế quốc của mình.

Ntv.de: Nga nên chấm dứt là một quốc gia?

Tôi nghĩ rằng rất có thể vì cuộc chiến này mà Liên bang Nga sẽ ngừng tồn tại và tách ra thành một số quốc gia độc lập. Ở Liên bang Nga có nhiều đơn vị quốc gia có thể trở thành quốc gia độc lập.

Ntv.de: Nhưng ý bà không phải là phương Tây nên tấn công và giải thể Nga?

Tất nhiên là không rồi. Tôi hy vọng rằng chế độ này sẽ sụp đổ sau thất bại ở Ukraine. Tôi cũng hy vọng rằng phương Tây sẽ hỗ trợ quân sự kiên quyết hơn cho Ukraine. Sau chiến tranh, phương Tây sẽ không bị lừa một lần nữa bởi luận điệu của Điện Kremlin rằng Nga cần “công nhận”, “bị xúc phạm” và phải “vương dậy”. Vào năm 2007, khi tôi và gia đình vẫn còn sống ở Nga, người bạn thân yêu của chúng tôi, Hans Ulrich Gumbrecht đã đến thăm chúng tôi …

… trí thức người Mỹ gốc Đức và giảng viên đại học.

Ông ấy đến thăm chúng tôi ở St. Petersburg. Chúng tôi rất quan tâm đến hướng đi của đất nước và ông ấy nói với chúng tôi rằng tạp chí Time vừa đặt tên cho Putin là “Người đàn ông của năm”. Việc đề cử Putin là “Người đàn ông của năm” là hoàn toàn không phù hợp: các cuộc tấn công của chế độ nhằm vào các tổ chức nhân quyền và tự do dân chủ đang diễn ra rầm rộ. Bây giờ khi tôi đọc được rằng các chính trị gia phương Tây đang hành hương đến Moscow để gặp Putin, hoặc rằng Macron dành hàng giờ để nói chuyện với Putin, tôi thấy điều đó thật đáng xấu hổ. Khi các chính trị gia phương Tây giao tiếp với tội phạm chiến tranh này trên cơ sở bình đẳng, họ phá hoại nền dân chủ ở chính quốc gia của họ. Một nhà nước mafia nên được đối đãi như những kẻ lừa đảo mafia.

Ntv.de: Vào ngày 9 tháng 5, trong bài phát biểu tại Moscow, Putin nói rằng Nga là “một quốc gia có tính cách khác biệt”. “Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ tình yêu đối với quê hương, niềm tin vào các giá trị truyền thống, phong tục của tổ tiên của chúng tôi và tôn trọng tất cả các dân tộc và các nền văn hóa”. Ông ta muốn nói gì qua điều đó?

Câu trả lời cho câu hỏi này có hai khía cạnh. Đầu tiên, tôi không nghĩ rằng quá trình suy nghĩ của Putin đủ phức tạp để chúng ta phải bận tâm phân tích nó. Tôi nghĩ những gì ông ấy nói chủ yếu là những gì mà đội ngũ nghiên cứu chính sách KGB của ông ấy sản xuất ra. Người ta không được quên: Putin không phải là Napoléon hay Alexander Đại đế. Đây chỉ là một kẻ lừa đảo của KGB, một cách tình cờ hay may mắn, đã vươn lên đứng đầu quốc gia rộng lớn này. Tôi không phủ nhận khả năng nắm và giữ quyền lực của ông ấy, nhưng chúng ta không nên cho rằng ông ấy có những ý tưởng phức tạp. Khi ông ta và băng đảng của mình lên nắm quyền, họ không quan tâm đến hệ tư tưởng. Họ muốn cướp của đất nước.

Tới một thời điểm nào đó, họ tin rằng Nhà thờ Chính thống sẽ cung cấp cho họ một loại tính hợp pháp, nhưng Nhà thờ đã không thể làm như vậy. Vì vậy, phe cực hữu của Nga bắt đầu cung cấp cho Putin và những kẻ lừa đảo khác những ý tưởng đơn giản nhất về nước Nga và lịch sử Nga. Và bởi vì Putin và bạn bè ông ta không có dự án nào cho tương lai, họ chỉ có thể nhìn lại quá khứ và mô phỏng quá khứ: hãy làm giống như tổ tiên của chúng ta, hãy gắn bó với những giá trị bảo thủ! Các sự kiện lịch sử yêu thích của họ bao gồm chủ nghĩa Stalin và Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như thời Trung cổ của Nga, đặc biệt là thời kỳ của Ivan IV “Bạo chúa”, 1565-1572. Đây là hai thời kỳ khủng bố nhà nước ở Nga. Theo phe cực hữu ở Nga, những thời điểm này được coi là nền tảng cho việc xây dựng đế chế Nga. Sự tôn vinh hai trường hợp trị vì khủng bố này được phản ánh rất rõ ràng trong cái mà tôi gọi là nền chính trị tưởng nhớ thời tân trung cổ và nền chính trị của thời kỳ tái Stalin hóa mà Putin đã theo đuổi trong hai mươi năm qua.

Ntv.de: Putin cũng cho biết, Nga sẽ hỗ trợ đặc biệt cho con em của các binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine. “Cái chết của mỗi quân nhân và sĩ quan của chúng ta là một nỗi đau cho tất cả chúng ta và là một mất mát không thể thay thế đối với gia đình và bạn bè của họ”. Về khả năng thuyế t phục, điều đó không khác gì cách các chính trị gia Mỹ nói về những người lính đã ngã xuống, phải không?

Khi Putin nói về “sự tôn trọng đối với tất cả các dân tộc và nền văn hóa”, ông ấy sử dụng ngôn ngữ phương Tây. Đây là tầng cấp thứ hai cần được xem xét để hiểu những phát biểu của Putin: Công chúng và các chính trị gia phương Tây nghe ông ta nói và nghĩ rằng ông ta có vẻ giống họ. Nhưng họ không nên nghe lời ông ta mà hãy nhìn vào hành động của ông ta: Cuộc chiến khủng khiếp ở Ukraine đã diễn ra hơn ba tháng nay – ông có thiệt nghĩ như vậy khi nói “tôn trọng tất cả mọi người”? Dân thường Ukraine bị khủng bố, các thành phố bị tàn phá, quân đội Nga sử dụng nhà hỏa táng di động cho chính binh lính của mình. Thi thể của binh sĩ Nga bị bỏ lại. Những người đàn ông trẻ tuổi, lớn hơn một đứa con trai một chút, được đưa vào một cuộc chiến vô nghĩa, đôi khi không có thẻ xác nhận. Khi họ chết, họ thậm chí không thể được xác định, vì vậy mẹ của họ sẽ không bao giờ biết số phận của họ. Đó là mức độ giễu cợt mà tôi không thể tưởng tượng có được ở các chính trị gia Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, nhiều binh sĩ chết ở Ukraine còn quá trẻ để có con. Vì vậy, không có gì to tát khi Putin nói rằng ông sẽ hỗ trợ các con của họ.

Điều này làm tôi nghĩ tới những tuyên bố thông thường của Putin về sự độc đáo của nước Nga. Đối với tôi, điều đó giống như sự khởi đầu của chủ nghĩa phát xít ở Đức và Ý. Ý tưởng rằng Nga khác biệt, rằng nó là duy nhất: Điều này rất quan trọng đối với Putin và các hệ tư tưởng của ông, nó giúp họ loại bỏ Nga khỏi các chuẩn mực quốc tế và tuyên bố rằng Nga có phiên bản dân chủ của riêng mình và phương Tây không thể phán xét nếu nhân quyền hay tự do dân chủ bị vi phạm ở Nga. Điện Kremlin tuyên bố có quyền làm theo ý mình vì Nga là một nơi độc nhất.

Ntv.de: Gần đây, bà đã viết một bài báo trên tạp chí “The Atlantic“, trong đó bà đã cho là một cuốn tiểu thuyết không tưởng từ năm 2006 là một hình mẫu cho chính sách đối ngoại của chủ nghĩa đế quốc Putin: “Đế chế thứ ba” của Mikhail Yuriev. Trong cuốn tiểu thuyết này, một nhà cai trị người Nga tên là “Vladimir II”. lập nền tảng cho một đế chế bao gồm cả châu Âu. Sự mở rộng này bắt đầu với một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Có bằng chứng nào cho thấy Putin biết cuốn sách này không?

Năm 2014, nhật báo Vedomosti của Nga gọi cuốn tiểu thuyết này là “cuốn sách yêu thích của Điện Kremlin” và viết rằng có tin đồn rằng nhiều thành viên trong chính quyền tổng thống, bao gồm cả Putin, đã đọc cuốn sách.

Ntv.de: Mikhail Yuriev là ai vậy?

Yuriev là một trong những nhà tư tưởng của phe cực hữu Nga, người đã cung cấp Putin với những tư tưởng tân phát xít của họ. Trước khi qua đời vào năm 2019, Yuryev thuộc về cái được gọi là – trong ngoặc kép – “giới tinh hoa chính trị”. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã cố gắng gây ảnh hưởng đến Putin. Năm 2004, ông xuất bản một tập sách nhỏ có tựa đề “Pháo đài nước Nga. Một khái niệm cho Tổng thống” – một năm sau khi nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky bị bắt và bỏ tù vì tội trốn thuế và biển thủ. Khodorkovsky đã tìm cách ủng hộ phe đối lập với Putin, và việc ông bị bắt giam là một phần trong quá trình chuẩn bị cho việc Putin tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Đây là lúc nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, bao gồm cả Yuryev, bắt đầu đưa ra các khái niệm tư tưởng của họ cho Putin.

“Đế chế thứ 3” phát hành 2006. (Ảnh bìa)

Yuryev là một trong những tác giả ẩn danh của bộ sách “Dự án nước Nga”, bộ sách cổ vũ tư tưởng của phong trào tân Âu-Á. Cùng một hệ tư tưởng chứa đựng trong cuốn sách Đế chế thứ ba của ông: Nga nên trở lại thời Trung cổ, Nga nên là một xã hội phụ hệ do một sa hoàng thần thánh lãnh đạo, Nga nên chinh phục phần còn lại của thế giới, phương Tây là kẻ thù không đội trời chung của Nga và phải bị phá hủy. “Dự án nước Nga” đã được gửi đến tất cả các cơ quan cao cấp trong chính phủ Nga vào năm 2005. Vài năm sau, nó được xuất bản thành sách bởi một trong những nhà xuất bản lớn nhất của Nga.

Ntv.de: Nghe có vẻ có ảnh hưởng khá lớn

Để cho bạn biết Yuriev thuộc nhóm quyền lực bên trong như thế nào, vào năm 1996, ông trở thành Phó Chủ tịch Duma. Cùng năm, Putin bắt đầu sự nghiệp của mình ở Moscow, trong chính phủ Yeltsin. Yuryev từng là thành viên ban điều hành của Đảng Á-Âu do “Rasputin của Putin” Alexander Dugin, một trùm phát xít khét tiếng, thành lập. Ông đã làm ăn với những người thân tín nhất của Putin: cùng với Alexander Voloshin, thành viên chính phủ của Putin từ năm 1999 đến 2003, và Roman Abramovich, một trong những nhà tài phiệt của Putin, Yuriev là nhà đầu tư vào công ty Ethane Company của Mỹ. Người bạn thân và cũng là người bảo trợ của Yuriev, Mikhail Leontyev, một nhà tuyên truyền khét tiếng có chương trình trò chuyện Odnako phát sóng vào khung giờ vàng trên Channel One, đã được CEO Igor Sechin của Rosneft bổ nhiệm làm phó chủ tịch công ty. Sechin thân thiết với Putin từ những ngày còn ở St. Petersburg và có lẽ là một trong những người có ảnh hưởng nhất xung quanh ông.

Ntv.de: Bìa cuốn sách của Yuryev cho thấy một thế giới được chia thành năm nước. Sự phân chia thế giới này có phải là kết cục của cuốn tiểu thuyết?

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu với việc Nga chinh phục thế giới và khuất phục châu Mỹ và châu Âu. Nhưng đó không phải là chủ đề chính của cuốn sách. Hai phần ba quyển sách nói về trật tự xã hội mới ở Nga. Nó mô tả sự cai trị của oprichniks, một lực lượng quân cảnh do Ivan Bạo chúa thành lập vào thế kỷ 16. Cuốn sách tuyên truyền một chương trình xã hội tân trung cổ: Nga là một đế chế thần quyền và một xã hội giai cấp, trong đó mọi người sống theo tầng lớp xã hội kế thừa của họ. Các oprichniks cai trị đất nước với khủng bố trắng trợn, mà Juriev mô tả chi tiết đẫm máu. Họ có tất cả quyền lực chính trị. Hai giai cấp khác – các giáo sĩ chính thống và giai cấp thứ ba, bao gồm phần còn lại của dân chúng – không có bất kỳ quyền chính trị nào.

Ntv.tv: “Đế chế thứ ba” có phải là một phần chính trị tưởng nhớ mà bà đã đề cập đến không?

Cuốn sách hoàn toàn phù hợp với chính sách tưởng nhớ của Putin, việc Điện Kremlin chỉnh sửa ký ức lịch sử của người Nga, đã được thực hiện trong hơn hai mươi năm qua. Toàn bộ ý nghĩa  chính trị tưởng nhớ của Putin là làm cho người Nga tin rằng nước Nga thời trung cổ là một xã hội tuyệt vời, một sự thay thế tuyệt vời cho nền dân chủ, tốt hơn nhiều so với nền dân chủ. Mục tiêu của chính trị tưởng nhớ này là khôi phục đế chế, quân sự hóa dư luận xã hội và tuyên truyền khủng bố nhà nước như một truyền thống quốc gia vĩ đại.

Ntv.tv: Stalin có vai trò gì đối với hệ tư tưởng này và đối với công chúng Nga?

Có hai xu hướng quan trọng trong chính sách tưởng nhớ của Nga bổ sung cho nhau. Một là sự trở lại thời Trung cổ, được hỗ trợ bởi các bộ phim, phim truyền hình và các tượng đài. Xu hướng thứ hai là tái Stalin hóa: cam kết cởi mở với chủ nghĩa Stalin, đặc biệt là chủ nghĩa quân phiệt. Việc quân sự hóa công chúng thông qua việc sùng bái chiến thắng trong Thế chiến thứ hai là một khía cạnh quan trọng của quá trình tái Stalin hóa. Theo thông tin chính thức của Điện Kremlin, sự khủng bố của chủ nghĩa Stalin đã làm cho nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn và giúp đạt được một đế chế Liên Xô của Nga. Vì vậy, khủng bố là tốt.

Ntv.tv: Người Nga trung bình không biết rằng Stalin phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu người sao?

Có chứ. Có nhiều cuộc thăm dò dư luận – bao gồm cả cuộc thăm dò ý kiến ​​mà tôi đã thực hiện với Nikolay Koposov – cho thấy rằng người Nga được thông báo đầy đủ về mức độ của cuộc đàn áp.

Ntv.tv: Và họ vẫn thích ông ấy? Tưởng điều đó đóng một vai trò quan trọng.

Người ta có thể mong đợi điều đó, nhưng nó không xảy ra. Xã hội này chưa bao giờ bận tâm đến những câu hỏi về trách nhiệm lịch sử. Những gì chúng ta đang chứng kiến ​​ngày nay là nhu cầu khủng bố nhà nước, được xây dựng từ thời hậu Xô Viết thông qua chính trị tưởng nhớ. Thật không may, một bộ phận đáng kể dân chúng tin rằng khủng bố nhà nước, khi nó xảy ra, là vì lợi ích của nước Nga.

Ntv.tv: Có hai cách để dịch tiêu đề cuốn sách của Yuryev sang tiếng Đức, “The Third Imperium” hoặc “The Third Reich”. Đó có phải là một bản dịch bất công cho cuốn sách?

Ồ không, đó là một bản dịch tuyệt vời. “Đế chế thứ ba” gợi lên một ý nghĩa lịch sử rất phù hợp, đặc biệt là vì Yuriev – giống như nhiều nhà tư tưởng cực hữu khác của Nga – công khai nói rằng Đức Quốc xã đưa ra những mô hình tuyệt vời cho chính trị Nga. Càng nực cười hơn khi Putin và bộ máy tuyên truyền của ông ta gọi người Ukraine là “Quốc xã” – một dân tộc đã chọn dân chủ thay vì chủ nghĩa toàn trị của Putin.

Ntv.tv: Đó không phải là một kết luận đặc biệt đáng khích lệ cho cuộc phỏng vấn này.

Thời đại chúng ta đang sống và cuộc chiến ở Ukraine không đáng khích lệ. Thật không may, cho dù bạn có ở cách nước Nga bao xa, cho dù bạn có viết bao nhiêu bài chống lại chủ nghĩa Putin, thì khi bạn sinh ra trong nền văn hóa này như tôi, đều có ý thức trách nhiệm khủng khiếp này về cuộc chiến ở Ukraine, về tội ác của chủ nghĩa Putin, mà chúng tôi không thể ngăn cản được.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Câu trả lời cho câu hỏi này có hai khía cạnh. Đầu tiên, tôi không nghĩ rằng quá trình suy nghĩ của Putin đủ phức tạp để chúng ta phải bận tâm phân tích nó. Tôi nghĩ những gì ông ấy nói chủ yếu là những gì mà đội ngũ nghiên cứu chính sách KGB của ông ấy sản xuất ra. Người ta không được quên: Putin không phải là Napoléon hay Alexander Đại đế. Đây chỉ là một kẻ lừa đảo của KGB, một cách tình cờ hay may mắn, đã vươn lên đứng đầu quốc gia rộng lớn này. Tôi không phủ nhận khả năng nắm và giữ quyền lực của ông ấy, nhưng chúng ta không nên cho rằng ông ấy có những ý tưởng phức tạp. Khi ông ta và băng đảng của mình lên nắm quyền, họ không quan tâm đến hệ tư tưởng. Họ muốn cướp của đất nước.

    ĐÃ MÔ TẢ RẤT ĐƠN GIẢN CON NGƯỜI THỰC CỦA PUTIN
    NGA THEO CHẾ ĐỘ “KGB TRỊ” , CŨNG Y HỆT NHƯ “CÔNG AN TRỊ” CỦA VIET NAM

  2. Chính trị tưởng nhớ hoặc ăn mày dĩ vãng thì chúng đều được đẻ ra từ chủ nghĩa cộng sản.

  3. Như bà Khapaeva suy luận,thì Putin quả thực ghê và gớm.Không nghĩ được cái gì mới,thì ăn mày dĩ vãng(như tên một tiểu thuyết VN).Đi vực dậy những cái cũ,dù ác đức vô luân,nhưng nắm được quyền lực tối đa,khuất phục được thiên hạ,tạo lập được một đế quốc vĩ đại theo ảo tưởng.Đó là cách nghĩ cách làm của những tên nghèo nàn về tư tưởng nhưng đầy cuồng vọng như Putin và nhiều tên khác ở một số nước,những hung thần đã,đang và sẽ tạo nên nhiều thảm hoạ cho loài người.Nhân loại phải hết sức đề cao cảnh giác,như nữ thủ tướng Estonia từng tuyên bố”không để Putin thoát”.

Leave a Reply to Le pathetlao Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây