Nguồn gốc “Tư tưởng Hồ Chí Minh”: Luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lenin

Trần Trung Đạo

20-5-2022

Mỗi năm đến ngày 19 tháng 5 hay đầu tháng 9, các loa tuyên truyền ở VN thường rêu rao khẩu hiệu “tư tưởng HCM”.

Tư tưởng và lý luận quyết định hướng đi của một tổ chức chính trị và của một quốc gia. Biết rõ vai trò tư tưởng, những kẻ độc tài dù cướp quyền và cai trị bằng bạo lực khủng bố cũng phải nặn ra “tư tưởng” làm chỗ dựa tinh thần. Muammar Gaddafi có Sách Xanh (Green book), Mobutu Sese Seko có “tư tưởng Mobutu”, các nước CS có tư tưởng Marx Lenin.

Tháng Chạp năm 1991, ý thức hệ Marx-Lenin chính thức cáo chung tại châu Âu. Để cứu vãn, Đặng Tiểu Bình đưa “tư tưởng Mao” vào hiến pháp. Cộng sản Việt Nam sao chép nguyên văn cách thức của họ Đặng, đưa “tư tưởng Hồ Chí Minh” vào “hiến pháp 1992”.

Điểm chính của “tư tưởng HCM” theo cách giải thích của đảng là “tư tưởng độc lập dân tộc”.

Những người có nhận thức chính trị và lịch sử Việt Nam căn bản cũng biết đó là cách ăn cắp ngay giữa ban ngày các giá trị lịch sử của dân tộc đã được hun đúc từ nhiều ngàn năm trước. Nếu Việt Nam không có “tư tưởng độc lập dân tộc” thì đã là tỉnh Việt Nam của Trung Quốc hai ngàn năm trước, chứ không đợi tới nay.

Ngày 22 tháng 4 năm 1960, Hồ Chí Minh cũng nhắc lại trên báo Nhân Dân: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: ‘Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta’!

Mới đọc câu văn đó của Hồ Chí Minh, nhiều người dễ lầm tưởng mục đích tối hậu của Lenin là giúp cho các nước thuộc địa giải phóng dân tộc của họ.

Không phải. Lenin chẳng hề thương xót gì số phận của các dân tộc đang chịu đựng dưới gót giày thực dân.

Sau Cách mạng CS Nga 1917, Liên Xô, nhà nước CS đầu tiên đang trong tình trạng bị bao vây. Để giải tỏa áp lực, Lenin nghĩ đến chiến lược xuất cảng cách mạng CS đến các quốc gia khác. Lenin thực hiện âm mưu quân sự hóa các đảng CS châu Âu như Đức, Hungary v.v…

Ngoài ra, ông ta còn nhắm đến các nước thuộc địa và dùng xương máu họ như những bàn đạp, phên dậu, tiền đồn chống lại khối dân chủ tư bản.

Bản tiếng Anh luận cương của Lenin có tựa đề “Draft Theses on National and Colonial Questions For The Second Congress Of The Communist International” được Lenin soạn vào ngày 5 tháng 6 năm 1920 gồm 12 điểm chính. Văn bản được in trong Tuyển Tập Lenin do nhà xuất bản Tiến Bộ in tại Moscow 1965, các trang 144-151.

Trong dự thảo bảy trang này, Lenin dùng phần lớn phân tích điều kiện chính trị châu Âu và sự phản bội của những người CS mang tư tưởng nước lớn đã ủng hộ chiến tranh trong Thế chiến Thứ Nhất (1914-1918).

Ngoài ra, Lenin cũng nhấn mạnh đến sự liên minh giữa tầng lớp vô sản và quần chúng lao động tại các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chung để lật đổ thành phần địa chủ và tư sản. Trong đoạn thứ 5 của tiêu đề 5, Lenin cho rằng Quốc Tế CS nên ủng hộ các phong trào dân chủ tư sản với điều kiện vẫn giữ các đặc tính CS độc lập mà không bị hòa hợp vào các phong trào này.

Ngày 19 tháng Bảy năm 1920, trong Báo Cáo Về Tình Hình Quốc Tế Và Nhiệm Vụ Căn Bản của Quốc Tế CS ( Report On The International Situation And The Fundamental Tasks Of The Communist International) đọc trước Hội Nghị Lần Thứ Hai của Đệ Tam Quốc Tế, Lenin lần nữa nhấn mạnh đến sự liên minh giữa giai cấp vô sản và quần chúng tại các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống “Chủ nghĩa đế quốc”.

Sự liên minh giữa các đảng chính trị trong cuộc đấu tranh chung, lẽ ra không phải là một vấn đề mà còn là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, với đảng CS, mục tiêu không dừng lại ở điểm giành độc lập mà là đưa đất nước vào chế độ độc tài toàn trị CS.

Nguyễn Tấn Hưng, trong tạp chí Triết Học, tháng 9 năm 2007, tóm tắt nội dung chính trong Sơ Thảo Luận Cương Lenin theo quan điểm của đảng CSVN: “Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc là một phạm trù của cuộc cách mạng vô sản, vì vậy những người cộng sản phải ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, rằng, với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, giai cấp vô sản ở các nước chậm tiến, sau khi hoàn thành nhiệm vụ dân tộc dân chủ có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”.

Theo nội dung đó, luận cương chỉ ra hai giai đoạn không tách rời: (1) giải phóng dân tộc và (2) tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiền đề của chủ nghĩa CS, không thông qua chủ nghĩa tư bản.

Lý luận này cũng được giải thích phù hợp với quan điểm đột biến trong triết học duy vật biện chứng của Friedrich Engels.

Tai họa cho Việt Nam cũng bắt đầu từ lý luận không tưởng và mang tính áp đặt đó.

Nghị quyết của đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương do Trần Phú chủ trì năm 1930 và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương phê chuẩn vào tháng 4 cùng năm, ghi rõ: “Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc cách mạng; hai giai đoạn cách mạng từ cách mạng tư sản dân quyền chống đế quốc và phong kiến nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng và sau đó chuyển sang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa”.

Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN vừa rồi cũng lần nữa khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam“.

Mục đích “tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” đã trở thành kim chỉ nam cho hầu hết các chiến lược và chính sách của đảng CSVN.

Qua gần một thế kỷ với bao nhiêu lớp vỏ, bao nhiêu chiêu bài, mục đích nhuộm đỏ VN không hề thay đổi. Mục đích đó là một bộ phận trong chủ trương bành trướng chủ nghĩa CS của Mao tại Đông Nam Á châu dẫn đến việc Trung Cộng chiếm Hoàng Sa và một phần lớn Trường Sa.

Bản chất của cuộc chiến Việt Nam ngay từ ngày 19 tháng 7 năm 1920, khai mạc Quốc Tế CS tại Moscow cho tới nay đã xác định cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa CS và Tự Do. Đó không phải kết án mà khẳng định, không chỉ từ những người quốc gia, dân chủ mà cả đảng CS cũng không phủ nhận mục đích tối hậu của họ là CS hóa Việt Nam.

Pháp là đế quốc thực dân hàng thứ hai thế giới chỉ sau Anh, nhưng ngày nay, tất cả nước cựu thuộc địa Pháp đều được độc lập, tự do và dân chủ tại các mức độ khác nhau. Việt Nam là nước duy nhất vẫn còn chịu đựng độc tài và lạc hậu cũng chỉ vì Luận Cương Dân Tộc Và Thuộc Địa mà Hồ Chí Minh mang về. Nếu không có Hồ và không có luận cương của Lenin, Việt Nam, một quốc gia phong phú tài nguyên và dân số, ngày nay đã một quốc gia thống nhất và hiện đại hàng đầu Á Châu.

Bộ máy tuyên truyền của đảng lý luận rằng không có đảng CS, Việt Nam làm gì có được thống nhất, độc lập, tự do. Lý luận trẻ con nhưng không ít người tin.

Trên con đường máu nhuộm, từ khi viên đại bác của Rigault de Genouilly bắn vào Sơn Chà, Đà Nẵng sáng ngày 1 tháng 9 năm 1859 cho tới hôm nay, nhiều triệu người Việt đã hy sinh vì độc lập, tự do dân tộc.

Bao nhiêu phong trào yêu nước và đảng phái đã lần lượt ra đời. Phong Trào Cần Vương, Phong Trào Văn Thân, Phong trào Đông Du, Phong trào Duy Tân, Việt Nam Quang Phục Hội, Tân Việt Cách mạng Đảng, Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt Quốc dân Đảng, Đại Việt Dân chính, Dân Xã Đảng, Đảng Lập hiến, Đại Việt Duy dân và nhiều tổ chức, phong trào không Cộng sản khác.

Họ thành công và thất bại. Họ hy sinh trong công khai và chết trong âm thầm. Những Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn An Ninh và vô số anh hùng dân tộc đã ngã xuống. Xương máu họ đọng thành những viên gạch vô cùng rắn chắc lót đường cho thế hệ sau tiến bước.

Đảng CS chỉ là một nhóm rất nhỏ, và chỉ ra đời vào tháng 3 năm 1930. Cộng Sản thắng chỉ vì họ có mục đích thống trị rõ ràng, dứt khoát, kiên trì và bất chấp mọi phương tiện dù phi nhân và sắt máu bao nhiêu để hoàn thành mục tiêu đã vạch ra. Các chính sách của đảng từ 1975 đến nay một lần nữa chứng minh điều đó.

Đánh giá cuộc chiến Việt Nam phải bắt đầu từ cội nguồn của cuộc tranh chấp thay vì từ những hậu quả hay các hình thức tham gia của các bên liên hệ.

Chủ nghĩa CS đã sụp đổ trên phạm vi thế giới. Tại Việt Nam, mục tiêu CS chỉ còn trong sách vở nhưng hai phương tiện mà đảng CS dùng là tuyên truyền tẩy não và bạo lực trấn áp vẫn đang ngày đêm áp dụng.

Tháo gỡ cơ chế CS với hai phương tiện giết người độc hại đó trở thành mục tiêu đầu tiên của tất cả các lực lượng yêu nước trong tiến trình cách mạng dân chủ và phục hưng toàn diện Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. “Bản chất của cuộc chiến Việt Nam ngay từ ngày 19 tháng 7 năm 1920, khai mạc Quốc Tế CS tại Moscow cho tới nay đã xác định cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa CS và Tự Do. Đó không phải kết án mà khẳng định, không chỉ từ những người quốc gia, dân chủ mà cả đảng CS cũng không phủ nhận mục đích tối hậu của họ là CS hóa Việt Nam.”
    1920? Chưa có ai tại Moscow quan tâm VN thì làm sao xác định là có cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa CS và Tự Do? Thực tế chứng minh là cho đến giữa thập niên 1950, Liên Xô không quan tâm đặc biệt đến Đông Dương, mà trọng điểm chiến lược là phát huy thanh thế tại Đông Âu và giải quyết các đe dọa của Mỹ và khối NATO, trong khi những vấn đề Berlin và Đức đang là sôi bỏng hơn tại châu Á. Khi Trung Hoa đang chiếm ưu thế chính trị tại châu Á sau 1949, thì vấn đề tương lai của Việt Nam cũng như phát triển chủ nghĩa Cộng sàn tại khu vực là ngoài tầm kiểm soát của Liên Xô. Chính vì lý do này, sau khi Stalin chết, giới lãnh đạo mới là Chrustchow, Bulganin, Malenkow và Molotov bắt đầu xem Đông Dương là một cơ hội mới, nhờ tham dự hội nghị Geneve 1954 mà Liên Xô có thể tiếp xúc với phương Tây và ngăn trở mọi chủ trương của Liên minh Quân sự châu Âu.

  2. “Tháo gỡ cơ chế CS với hai phương tiện giết người độc hại đó trở thành mục tiêu đầu tiên của tất cả các lực lượng yêu nước trong tiến trình cách mạng dân chủ và phục hưng toàn diện Việt Nam.”
    Trong hoàn cảnh hiện nay, ai có đủ khả năng để tháo gở cơ chế CS, các lực lượng yêu nước đang có bao nhiêu người để làm công việc này? Một vấn đề về tính khà thi cần nghiêm túc đặt ra. Đang có khoảng 300 ngươi trực tiềp tranh đấu cho 100 triệu dân đang bị CS bắt giam có phải là một dấu hiệu lạc quan không?

  3. “Đảng CS chỉ là một nhóm rất nhỏ, và chỉ ra đời vào tháng 3 năm 1930. Cộng Sản thắng chỉ vì họ có mục đích thống trị rõ ràng, dứt khoát, kiên trì và bất chấp mọi phương tiện dù phi nhân và sắt máu bao nhiêu để hoàn thành mục tiêu đã vạch ra. Các chính sách của đảng từ 1975 đến nay một lần nữa chứng minh điều đó.”
    Không đúng hẳn. Đảng CS gặp quá nhiều may mắn đặc biệt. Thí dụ như lúc Bảo Đại thoái vị, trong khi Đảng còn trong trướng nước, có nghĩa là, chưa có một ảnh hưởng nào tại miền Trung hay miền Nam. Nếu Bảo Đại đồng ý cho Nhật can thiệp, tình hình sẽ khác hẳn.

    Hai thí dụ khác trước năm 1975 là Watergate và Nixon từ chức. Nếu không có hai biến cố này liệu CSBV có thể tiếp tục được không? Chính Mao Trạch Đông và giới tình báo Trung Quốc không bao giờ tin là CSBV chiến thắng. Tâm trạng của Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng là cực kỳ hoang mang sau chuyến đi Bắc Kinh của Nixon, cả hai không còn rõ ràng và dứt khoát một cái gì.

  4. Từ khi ăn phải bả của luận cương Lênin, Hồ Chí Minh đã sang Nga và được đào tạo, huấn luyện về những cách thức hoạt động của cộng sản tại đây. Ông đã tự nguyện nhúng toàn bộ con người mình vào những giáo điều cộng sản cho tới khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin”. Những gì ông nói về Tổ quốc, về Dân tộc chỉ là đầu môi chót lưỡi bịp bợm để lôi kéo người dân Việt Nam theo ông, giống như cái chủ nghĩa dân túy mà Donald Trump dùng để mê hoặc người dân Mỹ.

    Sau một nhiệm kỳ tổng thống của Trump, người Mỹ đã tỉnh ngộ. Sau gần một thế kỷ, người Việt ta vẫn mê lú.

Leave a Reply to Lý Thị Thanh Thuỷ Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây