Giữa chừng!

Lê Huyền Ái Mỹ

30-4-2022

Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Báo Tuổi trẻ đưa tin “Chương trình nghệ thuật mừng 30-4 phải dừng giữa chừng do mưa lớn”. Tôi tự hỏi: vì sao từ ngày 26-4, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã thông tin về tình trạng “mưa rào và mưa giông, cục bộ có mưa to” tại TP.HCM cộng với “từ ngày 29-4 đến 1-5, rãnh áp thấp đi qua khu vực Nam Bộ nối với một vùng áp thấp trên khu vực Nam Biển Đông có xu hướng mạnh lên thành xoáy thuận nhiệt đới”, chương trình vẫn tổ chức – dàn dựng duy nhất một phương án biểu diễn ngoài trời, không mái che?

Một phương án dự trù đó là biểu diễn trong nhà hát, vừa truyền hình trực tiếp trên sóng vừa truyền dẫn ra không gian công cộng (cụ thể là tại phố đi bộ Nguyễn Huệ)? Hơn nữa, một chương trình văn nghệ – chính trị tổ chức nhân dịp này, từ tên gọi “Bài ca thống nhất” cho đến cấu từ của 3 chương nào là “Vì miền Nam thân yêu”, “Miền Nam thành đồng”, “Thành phố niềm tin” với bấy nhiêu tên tuổi “của nhà trồng” thì người xem phần nào hình dung được hình dáng lẫn âm sắc!

Chưa kể chi phí sẽ khá tốn kém (đặt trong tình hình khó khăn sau đại dịch, từ nguồn ngân sách lẫn sấp mặt kiếm sống của dân thì sẽ rất rất tốn kém), liệu sau đây có công bố công khai chi phí thực hiện đêm diễn, phần chưa biểu diễn sẽ trả hay giảm như thế nào? Một chương trình mà không đảm bảo tính trình diễn thông suốt, trọn vẹn về mặt tổ chức thì, dù với lý do bất khả, vẫn là… dở, ở khía cạnh không định đoán (dù đã có dự báo), hoặc có nhưng không có giải pháp dự trù.

Đặt trong tình hình thực tế hiện nay, việc thành phố liên tục có những hoạt động như khánh thành cầu Thủ Thiêm 2, động thổ xây nhà ở lưu trú cho công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung; các tính toán, đề xuất ra trung ương để sớm tháo gỡ về mặt cơ chế, thúc đẩy nhanh, đúng quy định, trúng với thị trường trong chủ trương bán đấu giá tài sản công để có được nguồn vốn; xem xét để điều chỉnh cho cân bằng hơn quy hoạch phát triển thành phố từ trục Nam Sài Gòn với modul Quận 7- Nhà Bè -Cần Giờ đến Thành phố phía Đông, trong đó có khu bờ Đông -Tây của sông Sài Gòn, trở lên khu vực Tây Bắc nối dài, mở rộng… Nó có ý nghĩa lớn, thiết thực, thuyết phục hơn nhiều so với màn “cân não” bắn pháo hoa hay cảnh đội mưa ca múa.

Tôi vẫn nghĩ, với động tác tặng món quà Thời xa vắng cho đại sứ Mỹ của ông bí thư thành ủy và đâu đó những cuộc gặp, lắng nghe, trò chuyện, trao đổi với nhiều nhân vật “thầm lặng” thì hẳn, thành phố này đang cần một sự chuyển động, chuyển đổi sâu sắc hơn, tinh tế hơn mà cũng… khôn ngoan hơn về trình diễn văn hóa và văn hóa của các cuộc trình diễn để từ đó mà thuyết phục hơn, tạo ra các giá trị văn hóa-nhân văn vĩnh cửu hơn.

Hãy nghĩ về một Sài Gòn thành phố ngã ba đường để quy nạp lẫn diễn dịch TP.HCM vào trong mô thức văn hóa đa dạng ấy, từ đó tạo dựng những công trình, tác phẩm văn hóa, trong đó có văn hóa biểu diễn vừa phục vụ lễ nghi văn nghệ-chính trị vừa “rộng xài” cho dịch vụ du lịch công cộng. Đừng chỉ nghĩ văn nghệ ca hát luôn dành cho… chiến thắng. Cũng đừng nghĩ mãi về những mất mát của một bên. Đã là sự hàn gắn, chữa lành thì vết thương phía nào cũng nhức nhối cả.

Như mấy hôm nay, tôi cứ không ngừng nghĩ về hình ảnh, là mường tượng thôi, cảnh người mẹ Diệp Tú Anh ở tuổi 91 với nguyện vọng được gặp con trai Diệp Dũng ở phiên tòa xử kín vào ngày 28-4 vừa qua. Chồng và cha họ là liệt sĩ. Ba mẹ con họ, trong thời chiến từng phải lưu lạc ba nơi. Ngày gặp lại giữa Sài Gòn, hai con không nhớ nổi mặt mẹ, con trai đầu nói tiếng Campuchia, con trai út nói tiếng Quảng Nam(do mẹ gửi con ở nhà người thân cho an toàn, mẹ đi hoạt động nội thành). Tôi đã gặp bà, nghe bà nói, tin vào lòng tin sắt son, trung thành với lý tưởng dấn thân của bà và gia đình. Giờ thì…

Đúng sai không hề lẫn lộn. Sai đúng đều có giá để trả lẫn để hưởng. Nhưng nhìn lại những đúng sai, thắng thua, có khi phải từ nơi phi ranh giới, là điểm vô cực, họa chăng mới công bằng một lẽ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đồng chí tiến sĩ Trần Hữu Dũng đưa 1 link có thể dùng để nhắc nhở giới nouveau idiot savants

    https://tienphong.vn/con-trai-cua-chien-sy-biet-dong-sai-gon-20-nam-phuc-dung-can-cu-hoat-dong-cua-cha-post1435032.tpo

    “khi ông Bình bắt đầu phục hồi lại các di tích thì vấp phải những hoài nghi về ý định của ông vì không ai tin người trẻ như ông đi làm cái chuyện này”

    See, người trẻ trong xã hội ta chả ai đủ điên để làm mấy chuyện trời đánh thánh đâm này . Con nhà Cộng Sản đẻ, aka gia đình có truyền thống cách mạng, xì tai bây giờ là chửi cha mắng chú, ẻ vào truyền thống gia đình, không ai làm chuyện tái hiện lại các di tích lịch sử cách mạng bao giờ cả . Nhưng đây đó vẫn có những cá nhân, những người trẻ đang làm những công việc thầm lặng này . Đám nouveau idiot savants các cô, các cậu cần trân trọng họ & đóng góp phần mình, thay vì rước voi về giày mả tổ như Nguyễn Lân Thắng hay Ngô Huy Cương .

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây