Các chính trị gia Đức phản ứng về việc Ukraine từ chối Tổng thống Đức thăm đất nước này

Hiếu Bá Linh, tổng hợp

14-4-2022

Tổng thống Đức Steinmeier (trái) và Tổng thống Ukraine Zelensky. Nguồn: Julian Stratenschulte/ dpa / Ukrinform/ Getty Images

Đây là lời từ chối Tổng thống Đức Steinmeier tới thăm đất nước Ukraine một cách cứng rắn, không khoan nhượng: “Hiện nay Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier không được hoan nghênh ở Ukraine”. Vụ việc gây sửng sốt trong đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức mà ông Steinmeier là đảng viên).

Tổng thống Steinmeier muốn đến thăm Kyiv để bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine, đúng vào lúc căng thẳng giữa Đức và Ukraine gia tăng gần đây, nhưng lãnh đạo Ukraine đã từ chối chuyến thăm của Tổng thống Đức Steinmeier hôm 12/3.

Lý do từ chối rõ ràng là vì chính sách “thân Nga” của ông Steinmeier trước đây trên cương vị Ngoại trưởng Đức. Sự từ chối này là một bước đi nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng mối quan hệ giữa Berlin và Kyiv.

Axel Schäfer, nghị sĩ đảng SPD ở Quốc hội Đức, nói với báo Spiegel: “Sự từ chối của Zelensky là một sự sỉ nhục nguyên thủ quốc gia Đức không thể tưởng tượng nổi. Điều đó thật sự không giúp ích cho ai cả. Trong tình huống này, đào bới lại chuyện cũ là vô trách nhiệm. Không tha thứ, nhắc lại chuyện cũ thì cũng không sao nhưng dùng nó để tấn công là không thể chấp nhận“.

Một sự sỉ nhục?  Đúng. Koll, thuộc kênh truyền hình ZDF, bình luận. Kyiv cố tình tránh gặp mặt tổng thống Đức vì quan điểm trước đây của ông đối với Nga. Quyết định của Ukraine được coi là một hành động sỉ nhục ngoại giao bất thường và là một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn sâu sắc đối với chính sách của Đức về Ukraine.

Với thế giới bên ngoài, giới chính trị Berlin phản ứng một cách lạnh lùng, nhưng bên trong hậu trường thì khác. Các chính trị gia Đức, không riêng đảng SPD, hầu hết các đảng phái lên tiếng chủ yếu chỉ trích Ukraine.

Yêu cầu Ukraine tuân thủ tối thiểu các thông lệ ngoại giao

Theo quan điểm của ông Rolf Mützenich, lãnh đạo Khối nghị sĩ đảng SPD, việc từ chối chuyển thăm của ông Steinmeier là “Không phù hợp đối với mối quan hệ chặt chẽ và lâu đời giữa hai quốc gia của chúng ta“.

Hôm nay 13/4 tại Berlin, Mützenich nói rằng, sự từ chối của chính phủ Ukraine là “đáng tiếc“. Mützenich nói: “Dẫu sao, chúng ta sẽ đảm bảo rằng quá trình này không gây nguy hiểm cho sự hợp tác của chúng ta“. Đồng thời, Mützenich cũng nói rằng ông có sự cảm thông về “mối đe dọa sống còn đối với Ukraine do cuộc xâm lược của Nga gây ra“.

Mützenich mong chờ tất cả các đảng phái dân chủ ở nước Đức sẽ “bảo vệ Steinmeier trước các cuộc tấn công phi lý“.

Mặt khác, Mützenich cũng đưa ra bình luận mà có thể được hiểu là một sự phê bình Andrji Melnyk, đại sứ Ukraine ở Đức, là người đã tấn công chính sách của Đức trong nhiều tuần bằng những lời lẽ thẳng thắng, không ngoại giao. Ông Mützenich yêu cầu “các đại diện ngoại giao Ukraine tuân thủ tối thiểu các thông lệ ngoại giao và không can thiệp quá mức vào chính sách nội bộ của đất nước chúng ta“.

Cố vấn của Zelensky biện minh cho quyết định của Ukraine

Olexey Arestovych, cố vấn tổng thống Ukraine, kêu gọi sự thông cảm về việc chính phủ của ông từ chối chuyến thăm của ông Steinmeier. Arestovych không rõ lý do, nhưng chính sách và các quyết định của Zelensky là rất cân bằng, ông cho biết trong chương trình Morgenmagazin của kênh truyền hình ARD.  “Tổng thống của chúng tôi đang mong đợi Thủ tướng Đức (Olaf Scholz) đến thăm để ông ấy có thể đưa ra các quyết định thiết thực ngay lập tức, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí“.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đi thăm Kyiv?

Một mặt, từ chối Tổng thống Steinmeier; mặt khác Kyiv đang cố gắng gia tăng áp lực lên Thủ tướng Scholz, là người đã nhận được lời mời chính thức tới thăm Ukraine. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, liệu chiến thuật của Ukraine có hữu hiệu hay không. Đúng hơn, Thủ tướng Đức hiện đang chịu áp lực phải thể hiện sự đoàn kết với Tổng thống Đức.

Wolfgang Kubicki, Phó Chủ tịch đảng FDP, loại trừ việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ công du Kyiv. Ông Kubicki nói: “Tôi không thể tưởng tượng Thủ tướng của một chính phủ được đảng FDP liên minh cầm quyền, lại đi đến một quốc gia từng tuyên bố rằng nguyên thủ quốc gia của chúng ta là một người không được hoan nghênh”.

Kubicki giải thích rằng, ông có mọi sự thông cảm đối với giới lãnh đạo chính trị ở Ukraine, rằng đất nước họ đang chiến đấu để tồn tại. Ông nói tiếp: “Nhưng mọi thứ đều có giới hạn của nó. Tôi không tin rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được cố vấn tốt là không nên từ chối một chuyến thăm như vậy từ Đức“.

Chính trị gia đối ngoại của đảng SPD Schmid: “Hoàn toàn không thể hiểu được

Nils Schmid, nhà chính trị phụ trách đối ngoại của đảng SPD cũng chỉ trích sự từ chối của Ukraine.  Schmid nói trên đài phát thanh Deutschlandfunk: “Điều đó còn hơn cả sự tức giận. Chúng tôi là những quốc gia thân thiện và sẽ là một dấu hiệu tốt nếu Steinmeier đến Kyiv với những người đứng đầu chính phủ các nước khác“. Quyết định của Kyiv “nhiều người Đức hoàn toàn không thể hiểu được“.

Chuyên gia về chính sách đối ngoại của liên đảng CDU/CSU, Jürgen Hardt (đảng CDU), mô tả việc bị từ chối là một “gánh nặng” cho mối quan hệ giữa hai nước. Hardt yêu cầu trong chương trình Morgenmagazin của kênh truyền hình ARD, rằng Thủ tướng Scholz nên gọi điện cho Tổng thống Zelensky.

 

Thủ tướng Scholz nên “thảo luận riêng mọi việc với Selenskyj, và đặt mọi vấn đề của cả hai bên lên bàn“, ông Hardt nói. Hardt cho rằng, một “cơ sở mới” cho quan hệ Đức – Ukraine cũng có thể được tìm thấy theo cách này.

Thông cảm Ukraine vì vai trò của Steinmeier dưới thời Thủ tướng Schröder

Hardt cũng bày tỏ sự thông cảm đối với quyết định của Ukraine, từ chối chuyển thăm của Steinmeier. Là Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng dưới thời Thủ tướng Gerhard Schröder (đảng SPD), ông đã giúp làm cho đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 “trở nên khả thi“.

Và ông đã giữ chức vụ Ngoại trưởng trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận Minsk, với việc Ukraine coi đàm phán này vào thời điểm đó chỉ là một “chiến thuật gài bẫy” của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chính phủ Ukraine cáo buộc Đức đã “dung túng cho việc này quá lâu“, ông Hardt nói.

Trên Twitter, các đảng viên SPD cũng bày tỏ sự không hài lòng. Aydan Özuğuz, một đảng viên thuộc Ban chấp hành SPD, viết rằng, ông khó chịu khi chính phủ Ukraine “đòi hỏi hầu như mọi thứ từ chúng tôi, nhưng lại không muốn gặp Tổng thống chúng tôi. Tôi rất thắc mắc. Có lẽ tôi là người ngu dốt lắm“.

Ralf Stegner thuộc đảng Cánh Tả chỉ trích rằng, các cuộc tấn công nhằm vào Tổng thống Đức thiếu “thực chất chính trị“.  Theo Stegner, chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Đức tới Ukraine “sẽ thể hiện tình đoàn kết của Đức với Ukraine đang bị quân đội của Putin xâm lược, đặc biệt là vì chúng ta đang cung cấp những hỗ trợ to lớn về kinh tế, chính trị, nhân đạo và quân sự cho Ukraine“.

Nghị sĩ Quốc hội đảng SPD Isabel Cademartori viết: “Tôi không bị xúc phạm. Tôi không mong đợi sự biết ơn. Tôi đã sẵn sàng xem xét lại chính sách Đức vài năm gần đây. Tôi chấp nhận nếu mọi người ở Kyiv không mong muốn liên hệ trao đổi“. Tuy nhiên, người ta không nên “làm nhục nước Đức một cách cố ý và công khai“, bà Cademartori nói. Điều đó là “không phù hợp và không cần thiết“.

__________

Tham khảo:

https://www.spiegel.de/politik/deutschland/ukraine-lehnt-besuch-von-frank-walter-steinmeier-ab-so-reagiert-die-spd-ein-unfassbarer-affront-a-8f66738f-26db-4a80-bb3e-a2737cf1d961

https://www.zdf.de/nachrichten/politik/selenskyj-steinmeier-kritik-ukraine-krieg-russland-100.html

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Huephan đã phân tích mặt tình , mặt lý -quá đầy đủ . Nếu có thêm thắt , có vẻ Ukraine từ chối tổng thống Đức tới thăm do cá nhân ông ấy hơn là do nước Đức như các ông bà nghị chạm tự ái phát biểu . Họ vẫn thiết tha mời thủ tướng Scholz tới thăm . Họ cần cứu mạng đất nước và nhân dân , trong cuộc chiến bất tương xứng với Nga và hiện tại đang đuối dần , nếu như chỉ có vũ khí tự vệ , thiếu hẳn vũ khí tấn công . Họ cũng thực tế như nước Đức thực dụng . Họ không muốn và không cần cú bắt tay suông tình suông .

  2. Thái độ Ngoại giao của Ukraine không phải không có lý do . 1 Putin thâm hiểm đã dẫn dụ Đức hàng bao năm qua bằng lợi ích kinh tế , để buộc Đức vào thế phụ thuộc . Nay Putin đưa ra lý do vô lý và bây giờ có thể nói là trơ trẽn , để xâm lược Ukraine , thì lý do Ukraine từ chối ngoại giao với 1 nguyên thủ quốc gia mà phần nhiều là vì cá nhân. của ông ấy , thì lý do nào đáng quan tâm hơn ,. Số phận của hàng bao nhiêu triệu người và vận mệnh của 1 quốc gia đang bị đe dọa đáng quan tâm hơn ? hay sự lỡ làng 1 chuyển thăm đáng quan tâm hơn ? Họ cũng đã thiết tha mời thủ tướng Scholz tới thăm, và có khi họ thực dụng hơn người Đức -là để thủ tướng Đức tận mắt nhìn thấy hậu quả của Putin đã gây ra cho họ . Họ đang ở trong bom đạn và sự hủy diệt , chứ họ không ở trong sự thể diện và bắt tay suông .

  3. Những gì có thể nói ngay bây giờ, là Putin rất hả hê với biến cố ngoại giao nầy giữa Ukraine với một thành viên NATO chủ chốt.
    Chắc chắn sẽ rất bất lợi cho kẻ thù!

    Cái khó bó cái khôn là phần của Zelensky. Ông tổng thống xuất thân nghệ sĩ nầy hẳn là có thừa nhạy cảm yêu ghét, vốn giúp ông thành công trong biểu cảm sáng tạo trên sân khấu, lại khiến ông vụng về trong chính trường;
    thay vì lạnh lùng tính toán thiệt hơn của một chính trị gia cáo già, kể cả vì thế mà phải giả dối, đãi bôi, đóng kịch; ông lại đối phó bằng thái độ ăn miếng trả miếng!

    Chính trị của Đức đối với Nga, xưa nay ai cũng biết, vẫn làm cau mày nhiều đồng minh trong NATO, EU, và hiển nhiên nhất là Mỹ.
    Người Đức vốn thực dụng – lợi là chính, lo sợ Nga là tim đen, từ nội tâm đó Đức đã tự tìm môi trường bang giao chính trị an toàn nhất với Nga, nhiều khi mâu thuẫn với các đồng minh, nhất là trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
    Thời cựu thủ tướng gốc người Đông Đức rất hữu hảo với Nga, như tình cũ không rủ cũng về…đã khiến Đức lân la với Putin quá lâu, mãi rồi Đức nhìn Nga như con gấu bông ấm áp dễ thương!

    Khi chiến tranh Nga Ukraine bùng nổ, Đức lấn cấn khó xử, những ngày đầu nói thẳng từ chối viện trợ vũ khí cho nạn nhân bị xâm lược. Dần dà, thấy mọi người ai cũng góp tay vào giúp Ukraine kháng chiến, Đức thấy nhột, cũng gượng gạo góp phần mình, nhưng luôn miệng kêu ca “không mua dầu của Nga sẽ …sụp đổ kinh tế!”
    Giúp chẳng được là bao, mới đây Đức tuyên bố thẳng, sẽ thôi, vì mình đã…cạn vũ khí trong kho!

    Một người trong hoàn cảnh của Zelensky mà không cay đắng bức xúc với giới cầm quyền Đức, thì là thánh!

    Sự căm phẫn đến từ rất nhiều nguyên nhân, từ tình huống vạn nan mà một tổng tư lịnh đang đối mặt: cuộc chiến bất đối xứng của đất nước với lực lượng xâm lăng khổng lồ tàn bạo, chủ tâm phá hoại càng nhiều càng tốt, giết chóc hãm hiếp thường dân nhằm gây kinh hoàng; vụ thảm sát Bucha chưa khô máu vẫn không tranh thủ được công lý quốc tế tương xứng cho nạn nhân; mặt trận Donbas ẩn chứa vô vàn khủng khiếp có thể là bước ngoặc quyết định của tai hoạ lớn nhất Ukraine đang phải đối mặt giữa tự do hay nô lệ!
    Chừng ấy là quá đủ để lòng căm hận, phẫn nộ sẵn sàng tìm chỗ bộc phát khi có dịp, kể cả một cách chẳng khôn ngoan chút nào!

    Điều Ukraine thực sự cần, là lời mời Thủ tướng Đức Olaf Scholz đi thăm Kyiv sẽ được phía Đức chấp nhận: Tt Zelensky muốn và hy vọng, như Boris Johnson, kẻ thực quyền hành pháp của cường quốc Đức sẽ xúc động tại hiện trường máu lửa nầy để may ra sẽ viện trợ Ukraine nhiều hơn và vũ khí sát thương thích ứng hơn để đối phó với chiến trường khốc liệt nầy.
    Thất vọng thay, nước Đức thừa biết ý định đó của Zelensky, đã khéo léo né tránh khó xử bằng cách đẩy nhân vật chẳng có quyền hành gì, Tổng thống Steinmeier, để làm cái việc nhạo báng lên nỗi đau của dân tộc Ukraine, gọi là “để bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine”.
    Trời ạ, máu chết chóc đau thương đang khắp nơi trên đất nước nầy, mà đoàn kết kiểu như này, Zelensky không ham!
    Chưa kể quá khứ thân Nga của con người mà Zelensky sắp phải bấm bụng đón tiếp theo nghi thức ngoại giao. Chịu sao nỗi!

    Tội nghiệp cho dân tộc khốn khổ nầy!

Leave a Reply to Trang Đoan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây