Thật và giả

Blog VOA

Trân Văn

11-4-2022

Tuần này có ba sự kiện riêng biệt được người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ thảo luận và nếu đặt cả ba bên cạnh nhau chắc hẳn sẽ ngẫm được vài điều.

Tuần này có ba sự kiện riêng biệt được người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ thảo luận và nếu đặt cả ba bên cạnh nhau chắc hẳn sẽ ngẫm được vài điều:

– Sự kiện thứ nhất: Liên Hiệp Quốc tổ chức xem xét tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nga sau khi có bằng chứng cho thấy lính Nga thảm sát thường dân tại Ukraine và Việt Nam là một trong 24 quốc gia bỏ phiếu chống (1).

– Sự kiện thứ hai: Chính quyền thành phố Hội An ra lệnh cho công an… truy tìm một cô gái để… nhắc nhở vì cô… ăn mặc hở hang trong lúc ngồi thuyền thả hoa đăng trên sông Hoài và có một số người không đồng tình với tấm ảnh chụp lại cảnh này (2).

– Sự kiện thứ ba: Bà Phan Thị Thanh Thúy (nhà thơ có bút danh Dạ Thảo Phương tố cáo đích danh một Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam) từng cưỡng hiếp bà năm 2000 (3).

***

Trong ba sự kiện vừa kể, sự kiện thứ ba là sự kiện gây nhiều tranh cãi nhất. Một số người chê bà Thúy xới lại câu chuyện đã 23 năm. Một số người nghi ngờ đó là một âm mưu vì Hội Nhà văn vốn dĩ là nơi “đấu đá phức tạp” (4) nhưng cũng có không ít người đồng tình với bà Thúy, ví dụ Vũ Yến: Sáng nay mình hủy kết bạn với một đồng nghiệp cũ, một người từng là sếp nho nhỏ của mình ở một cơ quan cũ, vì trong câu chuyện về một người phụ nữ sau 23 năm mới tố cáo một người lạm dụng tình dục nhiều năm, anh này nói, ý là‘Sao 23 năm giờ mới tố’, rồi ‘Chưa chắc ai mới là thủ phạm’… rồi‘có những cái không phải dạng vừa’… Vì đàn ông và cả phụ nữ vẫn có suy nghĩ như thế này, nên nhiều cô gái dù bị lạm dụng tình dục cũng không dám lên tiếng (5).

Không phải phụ nữ nhưng Đinh Đức Hoàng cũng suy nghĩ tương tự như Vũ Yến: Nhà thơ nữ nói rằng chị muốn tố cáo vì chị đọc được các bình luận trong những vụ bạo lực tình dục gần đây. Những bình luận tấn công nạn nhân và chính là loại dư luận đã làm nhân vật 23 năm trước không dám lên tiếng. Nó làm chị đau lòng và cảm thấy cần lên tiếng. Khoan bàn đến sự thật. Hãy nói về tính hợp lý: đó là một mệnh đề mà tôi hiểu. Vì tôi cũng ngột ngạt khi đọc được, nghe được những bình phẩm về nạn nhân của bạo lực tình dục gần đây. Những luận điểm kiểu ‘Con này thật ra cũng là loại…’, hoặc ‘Lúc đầu toàn tự nguyện, xong đến lúc cơm không lành canh không ngọt mới tố cáo…’, hoặc ‘Làm gì có ai hiếp được, chẳng qua là….

Kinh tởm hơn nữa – và có thể bạn không nhận ra cái u nhọt này trong não mình – là trong các vụ việc mà kẻ bị tố cáo có địa vị chính trị – rất hay có luận điểm “con này gài bẫy”. Gài bẫy chứ, vì từ đầu sao vào phòng với người ta, hay đồng thuận đi hát karaoke với ông kia, vì chẳng qua là chuyện đấu đá chính trị ấy mà, vì thích thì gào to lên lúc đấy là được sao giờ mới tố, và vì cơ bản, là các bạn biết con mẹ nó hết về cuộc đời rồi, làm gì có tình huống nào làm khó được các bạn, các bạn có bao giờ biết chịu nhục trước cường quyền là cái gì đâu.

Nhưng các bạn không nhận ra rằng ngay thời điểm các bạn hạ thấp những cô gái này trong hệ quy chiếu với quyền lực, tiền bạc, nam tính, ngay thời điểm bạn bình phẩm ‘con này gài bẫy (ấy mà)’, chính bạn đã tôn thờ cường quyền đến mức ngu muội. Chính bạn, nói với bản thân: Có cái gì trên đời quan trọng bằng tiền và quyền đâu? … Đầu tao lúc này chỉ nghĩ đến tiền và quyền của ông kia thôi không nghĩ được cái gì khác chúng mày ạ. Đây là gài bẫy, chỉ có thể là gài bẫy”.

Luận điểm này, chính là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể hèn hạ đến mức độ nào khi nghĩ về quyền lực... Tôi cầu khẩn mọi người nghĩ lại về cách ứng xử với những người tố cáo tấn công tình dục. Bạn hỏi rằng tại sao những người bị lạm dụng, bị tấn công không tố cáo? Vì bầu không khí chung của cả xã hội, vẫn đang sẵn sàng ném vào mặt một người phụ nữ thứ giọng điệu kiểu: ‘Chẳng qua là’ và ‘Con này cũng là loại. Người ta có quyền sợ. Và thật ra, họ rất nên sợ. Thứ dư luận này đáng sợ đến mức, nếu có ai đó khuyên nhau thôi nhịn nhục mà sống tiếp, cũng không hẳn là lời khuyên sai.

Làm ơn đi, nghĩ kỹ một chút và nhận ra rằng trong đầu mình – ngay cả khi bạn là nữ giới – vẫn còn định kiến giới, vẫn còn cái tư tưởng nhìn phụ nữ từ trên xuống và nghĩ ‘cũng phải như nào thì thằng kia mới thế’. Bạn có quyền khách quan, và nói thẳng ra rằng lời tố cáo này với tôi không đáng tin – nó chỉ là cáo buộc – và ủng hộ nguyên tắc suy đoán vô tội cho anh kia. Nhưng khách quan không đồng nghĩa với bình phẩm. Không đồng nghĩa với tấn công nạn nhân (6).

Từ sự kiện thứ hai và sự kiện thứ ba, Khanh Nguyen cho rằng: Câu chuyện về một tay tài xế được cất nhắc trở thành cai phó của báo Văn Nghệ, trong quá trình hãnh tiến hắn đã cưỡng bức một nữ nhà văn trẻ suốt nhiều năm, có vẻ lọt thỏm trên báo chí nhà nước Việt Nam cũng như trên công luận của mạng xã hội. Trước đó ít ngày, câu chuyện một nữ người mẫu nước ngoài đến Hội An chụp hình để lộ đồ lót – chỉ trong vài tiếng đồng hồ – được cả hệ thống báo chí sùng sục điên cuồng như tổ quốc bị xúc phạm, đám đông bị dẫn dắt cũng điên cuồng góp lời chửi rủa không chán. Thậm chí công an lập tức vào cuộc để truy tìm như một vụ án hình sự. Vậy mà câu chuyện của một trí thức Việt Nam bị cả một đám người nhân danh trí thức bao che tội ác và thỏa hiệp, bóp méo sự kiện suốt trong nhiều năm trời, không thấy có một cuộc điều tra nào từ báo chí đến công an.

Vụ án này, là phần cặn bã đáng được phơi bày trong hệ thống phân phối quyền lực trong xã hội Việt Nam, không có chỗ đứng cho trí thức, mà chỉ có chỗ cho một tay lái xe – rất biểu trưng- trở thành lãnh đạo chỉ vì kẻ này biết vâng lời, và giỏi làm dân phòng kiểm duyệt chữ nghĩa. Và từ đó quyền lực phát sinh tỷ lệ thuận với thú tính được bảo bọc. Đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2013, một trong những vụ án ép bán dâm nổi tiếng từ một hiệu trưởng trường trung học ở Hà Giang là Sầm Đức Xương, mà những kẻ mua dâm là các quan chức lại được giấu tên nhưng các cô gái nhỏ vị thành niên thì lại bị hài tên và đưa đầy đủ hình ảnh. Đó chỉ là một trong những câu chuyện khác chìm nổi trên khắp đất nước này, trong thời kỳ phát triển rực rỡ hôm nay.

Nhà văn nữ bị cưỡng bức nhiều năm, bị vu oan, bị ép nhận là chuyện “tình cảm riêng tư” để xóa bỏ tội ác, cô ấy không phải là người vô danh, cô là một cái tên quen thuộc trong xã hội văn chương Việt Nam nhưng cô còn bị vùi dập đến vậy, hãy tự hỏi, còn những người không có tiếng nói khác, sẽ như thế nào?.. Hội Phụ nữ, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo… và tất cả những thứ đoàn thể có liên quan khác sao lại câm như hến? Hay họ cũng là những nạn nhân bị cưỡng bức suốt bao nhiêu năm nay nhưng lại không đủ dũng cảm lên tiếng chống lại (7)?

***

Đối với sự kiện thứ hai, tờ Lao động đã lên tiếng với câu hỏi là tựa của một bài viết ngắn: “Truy tìm cô gái ăn mặc hở hang trên sông Hoài để làm gì, thưa ông Hưng?” – ‘ông Hưng’ mà tờ Lao Động đề cập là Tống Quốc Hưng – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Hội An, người tuyên bố với báo giới rằng: Trong khu phố cổ, du khách không được ăn mặc hở mông như thế này. Cơ quan chức năng đang truy tìm chỗ ở của nữ du khách để nhắc nhở. Còn đối với sự kiện thứ ba, nếu đọc đơn tố cáo của bà Thúy – ắt ai cũng có thể thấy, trong câu chuyện mà bà là nạn nhân có rất nhiều nhân chứng, cũng đã có những nỗ lực nhưng cuối cùng nạn nhân vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay”.

Sự kiện thứ hai và sự kiện thứ ba sẽ giúp hiểu hơn tại sao lại có sự kiện thứ nhất, tại sao chính quyền Việt Nam lại dùng lá phiếu của họ để “chống” loại bỏ Nga khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì thảm sát thường dân ở Ukraine. Làm ra vẻ chẳng bao giờ là thực chất. Trong nhận thức của những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam, thường dân tại Ukraine cũng chẳng khác gì thường dân tại xứ sở có hình chữ S, nhân quyền hay phẩm giá chỉ là thứ mà thỉnh thoảng một số viên chức hữu trách lại nhắc đó là được… ăn no, mặc ấm, hạnh phúc, dân chủ theo định hướng (8) và… chỉ thế mà thôi!

Chú thích

(1) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-shoots-itself-in-the-foot-with-a-against-vote-at-the-united-nation-04082022052137.html

(2) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/truy-tim-co-gai-an-mac-ho-hang-tren-song-hoai-de-lam-gi-thua-ong-hung-1031198.ldo

(3) https://www.facebook.com/dathaophuongvn/posts/115695031084310

(4) https://www.facebook.com/100048097861219/posts/489591572654101/

(5) https://www.facebook.com/100001116763500/posts/4926019234111920/

(6) https://www.facebook.com/hoangfaver/posts/10216201075059566

(7) https://www.facebook.com/718643180/posts/10158897573298181/

(8) https://kiemsat.vn/thu-tuong-nhan-quyen-lon-nhat-o-viet-nam-la-lo-cho-100-trieu-dan-am-no-va-hanh-phuc-62840.html

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Im lặng là đồng lõa với cái ác, là ngậm miệng nuốt tiền, là tự sỉ vả vào chính bản thân và gia phả tông môn.

  2. Trong cuộc thảm sát Mậu Thân, cộng sản Việt Nam cũng đã từng giết hại đồng bào mình như quân Nga đã giết hại người Ukraine ở Bucha, rồi chúng cũng gân cổ cãi chày cãi cối y như lũ lợn Nga làm hôm nay. Cố lê lết theo đuôi bọn phát xít Nga Tàu để kiếm chút bơ thừa sữa cặn là chuyên ngành của cộng sản Ba đình từ thời ông cố nội Hồ Chí Minh kia. Lá phiếu chống của Hà Nội không có gì lạ lắm đâu.

Leave a Reply to Bả Chó Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây