Bằng chứng của tội ác?

Thái Hạo

7-4-2022

Tôi biết Dạ Thảo Phương tình cờ qua Facebook, nhờ mấy bài thơ gõ vội và ném lên màn hình. Một hôm Phương bỗng vào Inbox, chị nói thích chúng. Tôi search google thì thấy… à ra là một nhà thơ từng nổi tiếng. Chúng tôi nói chuyện về thơ, mỗi lúc một nhiều. Bỗng một ngày Phương bảo với tôi rằng chị sắp công bố một sự thật chấn động mà bản thân đã giấu kín suốt 23 năm qua. Tôi nghe. Ừ, một nạn nhân của cưỡng hiếp. Nhưng đã 23 năm rồi…

Trong cảm giác của tôi, câu chuyện của 23 năm trước chỉ là một ký ức, giờ là lúc nói ra khi người ta đã bình tâm và an ổn. Chúng tôi chat với nhau, rồi Phương nói “chị call được không”…

– Mình xin lỗi Hạo, mình không gõ được nữa…

Rồi Phương òa khóc. 23 năm rồi còn khóc nấc lên như vậy ư… “Ba ngày rồi mình không ngủ được, từ khi vụ Ngô Hoàng Anh quấy rồi các bạn nữ, nỗi đau của mình sống lại, cơn trầm cảm lại tái phát…”.

– Xin lỗi Hạo, nếu mình nói có lộn xộn khó hiểu, mình bị mất kết nối ngôn ngữ. Phương khóc…

Cuộc điện thoại bị gián đoạn liên tục vì Phương không thể tiếp tục nói. Chúng tôi đã gọi điện cho nhau nhiều lần sau đó, có những lần cuộc thoại kéo dài cả 2 giờ đồng hồ. Lần nào chị cũng khóc. Việc kể lại câu chuyện như tự mình cầm dao mổ lại vết thương đã liền sẹo từ lâu, hay đúng hơn là tự mình chọc vào vết nội thương chưa lành, làm cho nó bị hở miệng, sâu hoắm.

Một tháng nay không mấy khi chị ngủ. Một tháng gần như thức trắng. Chị không ngủ được. Sự đau đớn và cơn trầm cảm làm chị hoảng loạn. Lần nào đang nói chuyện chị cũng òa khóc và không thể tiếp tục.

Tôi đọc những gì chị viết. Đọc được vài đoạn lại phải bỏ máy đứng dậy đi ra sân hút thuốc. Nó quá sức chịu đựng của một con người. Nếu đúng là sự việc đã diễn ra như thế thì đó là một tội ác man rợ, bắt một người con gái yếu đuối làm nô lệ tình dục, khống chế cô ta, cười cợt, nhạo báng và khiêu khích con người trước mắt thiên hạ – một thiên hạ toàn văn nhân thi sĩ danh nổi như cồn. Người con gái bị mang ra làm trò tiêu khiển như một con chuột nhắt trong nanh vuốt của con mèo, giữa thanh thiên bạch nhật, trải suốt mấy năm trường thống khổ.

Phương nói, chị sẽ đưa sự việc ra ánh sáng, nhưng giờ chị không làm được việc gì cả, đầu óc quay cuồng, không biết bắt đầu từ đâu. Rồi một tuần trôi qua, hai tuần… một tháng… Phương loay hoay, vấp té, nhớ nhớ quên quên… Một hôm Phương nhắn “ngày mai”. Rồi ngày mai cũng đi qua, không thấy gì. Chị bấn loạn. Đã biết bao cái “ngày mai” như thế trôi đi…

23 năm! 23 năm rồi, tôi là một người không phải loại vô cảm nhưng cũng không tài nào tưởng tượng được một sự việc đã xảy ra ở 23 năm trước mà lại còn có thể “thao túng” con người ta đến mức khủng khiếp như vậy. Nói chuyện với chị, nghe giọng run rẩy, nghe tiếng khóc và và sự lộn xộn trong ngôn từ, tôi mới dần dần cảm nhận được sự tàn hủy ghê gớm của tội ác cưỡng hiếp.

Đó là một bản án chung thân, là một nhà tù khổ sai vĩnh viễn đối với đời một con người.

Ai có thể hiểu chị? Ai có thể cảm nhận được nỗi đau của những người phụ nữ bị cưỡng hiếp đang khiếp đảm co rúm trong bóng tối ở ngoài kia? Từ bản thân mình mà suy, tôi đã bật ra trong đầu cái câu cay đắng rằng “không ai cả”, không ai có thể hiểu và cảm thấu nỗi đau ấy. Và tôi hiểu tại sao chị đã nhiều lần tự tử, nhiều lần cha mẹ đã phải đưa chị đến bệnh viện để rửa ruột. Và tôi lại càng hiểu vì sao nạn nhân cô độc, không ai có thể cảm nhận được cơn đau ấy. Nó xé nát nạn nhân ra như người ta xé một con cua sống.

Câu chuyện của chị, tôi không chứng kiến, nó cũng chẳng có bằng chứng nào thuyết phục ngoài một bản tường trình của những người như họa sĩ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Việt chiến, Lê Tâm, Phong Điệp… những người đã chạy tới và trực tiếp nhìn thấy Lương Ngọc An đang nằm đè lên chị trong phòng làm việc khi họ nghe tiếng la hét, kêu cứu của chị. Và hình ảnh ấy sau này đã được lãnh đạo báo văn nghệ kết luận là “xô xát, đánh nhau”! Nhưng, qua triền miên mất ngủ, qua sự hoảng loạn, qua nước mắt, qua sự run rẩy, qua cơn loạn thần, qua tiếng nấc nghẹn của chị, tôi biết chắc rằng chị đã phải trải qua một cuộc hành hình tàn bạo nhất trong đời một con người, mà di chứng còn để lại là những cơn trầm cảm, những hồn xiêu phách lạc, những sự ngây ngây dại dại cho tới bây giờ…

Chúng ta đòi bằng chứng của tội ác, đúng vậy, cần bằng chứng. Nhưng chừng ấy chưa đủ, phải đến với nhau bằng sự thấu cảm và lòng tri âm, bằng không ta cũng chỉ thấy kẻ ác và nạn nhân, mà không thấy con người.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Xin lỗi. Hình như câu gần chót, giọng văn của Thái Hạo có vẻ còn “nghi ngờ” sự việc
    thì phải ? Bởi vì giọng văn bình thản vô tình qúa, mặc dù không phủ nhận nhưng lời,
    giọng văn xem ra rất hờ hững đối với một “biến cố” mà phụ nữ không thể nào quên
    trong cuộc đời họ (nó cũng chẳng có bằng chứng nào thuyết phhục ngoài một bản
    tường trình của những người…). Tất nhiên đó chỉ là thiển ý của tôi thôi.
    Tôi cho là có đến ba người chứng kiến cũng coi như có 3 bằng chứng rồi !
    Trân trọng.

  2. “phải đến với nhau bằng sự thấu cảm và lòng tri âm, bằng không ta cũng chỉ thấy kẻ ác và nạn nhân, mà không thấy con người”

    Rất chính xác . Lương Ngọc An dù sao cũng là 1 nhà thơ, là hội viên chính thức của Hội Nhà Văn, hội tụ những tinh hoa của dân tộc . Ngoài ra, anh ta cũng là cựu lính tăng của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, và bây giờ được cử làm phó tổng biên tập báo Văn Nghệ . Tất cả những thứ đó làm anh ta trở thành 1 người đáng kính, đáng trọng trong xã hội Việt Nam hôm nay . Đó, người như thế đó .

    Không lâu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng bị 1 cáo buộc tương tự . Lời bào chữa hay nhất là người như Chủ tịch Trương Tấn Sang mà lại ngó ngàng tới cái loại đó . Con Người Xã hội chủ nghĩa quả là lý luận tuyệt vời! Có thể dùng lại lý luận đó cho vụ này được không ?

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây