Một lời công đạo cho Chu tổng đốc

RFA

Nguyễn Duy Hưng

9-3-2022

Một phụ nữ tập thể dục cạnh tấm biển kêu gọi phòng chống COVID-19 ở Hà Nội hôm 19/10/2021. Nguồn: AFP

Chu tổng đốc thành Hà Nội Chu Ngọc Anh mấy nay đang bị bàn dân thiên hạ đồng loạt đổi tên thành Chu tổng Bung, Chu tổng Toang. Rồi thì trên Tik Tok, trên Facebook, con dân lôi hình ảnh lời hứa “không để Hà Nội bung, toang” của người ra, đai đi đai lại rầm rĩ.

Tội nghiệp ngài!

Hà Nội nhiều ngày nay số ca nhiễm mới khoảng 31.000-32.000 ca/này. Nói như dân ngồi quán nước chè là nên nhốt người âm (kết quả test âm tính, chưa nhiễm) vào để “bảo tồn” (vì hiếm quá), còn người “dương” (dương tính: đã nhiễm) thì đi làm. Có thế mới tránh được thiếu hụt nhân lực lao động.

Con số nhiễm của Hà Nội cao gấp ba lần địa phương xếp ngay sau đó (Nghệ An) và cao gấp trung bình 10 lần các địa phương hạng giữa. So với TPHCM lúc cao điểm dịch (số cao nhất là 17.400 ca/ngày), Hà Nội hiện cao gần gấp đôi. Tuy hầu hết không có triệu chứng nặng giống như TPHCM năm ngoái nhưng số người nhiễm tăng quá nhanh tại Hà Nội cũng có thể dẫn đến quá tải y tế; đặc biệt là gây thiếu nhân lực lao động.

Tuy nhiên để Hà Nội đến cơ sự này, có phải lỗi của mình ngài Chu tổng đốc đâu? Nói một lời công đạo, ngài có được tự thân quyết định mọi việc đâu mà đến khi “bung, toang” thì bắt ngài chịu một mình?

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh. Nguồn: Hanoi Times

Lỗi tại ai?

Thời điểm tháng 11, 12 năm ngoái, khi vùng trọng điểm dịch phía Nam vừa tạm ổn, Thủ tướng Chính phủ đã có những tổng kết về tình hình chống dịch nói chung. Trong đó có các khuyết điểm quan trọng nhất như sau:

-“Lãnh địa hóa”, “cát cứ hóa” việc chống dịch. Tức ngành nào lo giữ ngành ấy, địa phương nào lo giữ địa phương ấy, nên mới có việc rào làng, quây phường, chốt chặn tất cả các giao lộ trong đô thị, cấm người từ địa phương khác vào tỉnh mình bằng rào cản test COVID liên tục. Thậm chí tư duy rào làng lập ấp còn áp dụng cả với việc lưu thông hàng hóa lương thực thực phẩm, thiết bị y tế chống dịch và thuốc men trị bệnh, khiến thực phẩm phải đổ bỏ ở các vùng sản xuất, nông dân khóc ngất còn người dân vùng dịch thì chịu cảnh thiếu thốn, giá cả vọt lên đội trần. Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm đó đã phải trực tiếp kêu gào đến Thủ tướng, các Phó thủ tướng thường trực để nhanh chóng gỡ rối cho doanh nghiệp và người sản xuất, nhưng mãi mấy tháng trời mới được giải quyết. Hẳn người trong nước ai cũng còn nhớ sự ngô nghê chết người của các quy định cấm lưu thông hàng hóa nếu không phải là hàng thiết yếu, đến nỗi mua cục sạc điện thoại cũng bị phạt, mua ổ bánh mì cũng bị phạt.

-Tiếp cận nguồn vắc-xin so với một số nước còn chậm, gặp nhiều khó khăn do khan hiếm trên toàn cầu; việc mua vắc-xin chịu nhiều rủi ro, phải chấp nhận các điều kiện áp đặt của nhà cung cấp.

-Năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể là nhân lực, trang thiết bị y tế, hạ tầng cơ sở chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống đột biến nhiều người nhiễm COVID, dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu.

-Triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly, phong tỏa còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ lên tới hàng chục triệu người.

Tất cả các sai lầm trên là do đâu? Tại sao vùng trọng điểm kinh tế phía Nam lại trở thành vùng trọng điểm dịch?

Chính phủ nói do các địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… ngày thường thì không bộc lộ nhược điểm yếu kém, nhưng khi có dịch thì bộc lộ rất rõ.

Nhưng tất cả các điều này hoàn toàn là đổ lỗi.

Nói ngay, lãnh đạo các tỉnh không được quyền tiếp cận để mua vắc-xin vì Nhà nước không cho phép. Thậm chí cả doanh nghiệp cũng không được.

Vào tháng 11/2020, VNVC-Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam đã bỏ ra 30 triệu USD để đặt cọc mua 30 triệu liều vắc-xin Astra Zeneca ngay khi nó đang còn thử nghiệm. Tháng 2/2021, những liều vắc-xin đầu tiên này về Việt Nam. Nhưng theo yêu cầu của Chính phủ, VCVC đã phải bàn giao phi lợi nhuận toàn bộ 30 triệu liều vắc-xin họ đã mua cho Bộ Y tế để bổ sung quỹ vắc-xin tiêm miễn phí cho nhân dân. Việc này là trách nhiệm của Bộ Y tế, là công việc được toàn dân trả lương cho họ, thế nhưng Bộ Y tế đã không làm được tí gì. Đã vậy, sau khi giành lấy toàn bộ số vắc-xin mà VNVC mua về để kinh doanh thì họ còn bắt doanh nghiệp tự gánh lấy toàn bộ chi phí đầu tư rủi ro, chi phí phát sinh cho quá trình vận chuyển, bảo quản vắc-xin… ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

000_9MJ9AR.jpg
Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở Hà Nội hôm 10/9/2021. AFP

Thật là một hành động cao cả!

Chính vì không có vắc-xin để tiêm chủng trong thời gian đầu nên khi đối phó với chủng Delta lây nhanh và nguy hiểm thì cả quan, cả dân, ai cũng sợ gần chết. Dân sợ chết, còn quan sợ mất chức, vì vô số luật lệnh lúc bấy giờ đều buộc lãnh đạo các tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch ở tỉnh mình. Cá biệt đã có các chủ tịch, bí thư, công an phường xã bị cách chức hay kỷ luật vì dịch lan trong địa phương họ phụ trách. Cộng các yếu tố nói trên lại thì dễ hiểu tâm lý đối phó của các quan chức đầu tỉnh lúc bấy giờ: Cứ đóng thật chặt cổng thành, nội bất xuất ngoại bất nhập, dân bên ngoài không vào được thì con virus cũng chẳng quá giang ai được mà lọt vào. Dân trong thành đói hay thiếu, nhà máy ngừng trệ… Kệ cái đã! Đói có dân tự đi phát gạo cho nhau, doanh nghiệp đóng cửa thì kệ mẹ doanh nghiệp. Miễn sao cái mũ ô sa trên đầu ông vẫn đội chắc cái đã.

Từ đó mới dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối; mà hậu quả là sau dịch nhiều doanh nghiệp đã không thể quay lại thị trường. Vẫn báo cáo của Chính phủ: trong 9 tháng đầu năm 2021, có hơn 45.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 32.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; gần 13.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Một chính phủ thông suốt, mạnh mẽ thực sự chắc chắn sẽ có tầm nhìn xa về diễn biến dịch để quyết định mua vắc-xin ngay từ năm 2020, khi trên thế giới tình hình dịch bệnh đã nóng bỏng và Việt Nam không thể đóng cửa chơi một mình; sẽ kiểm tra xem xét và chuẩn bị các tình huống y tế khi có nhiều người dân bị nhiễm dịch chứ không để nước đến chân mới nhảy. Và nhất là một chính phủ mạnh thì không thể để xảy ra tình trạng cát cứ, trên nói một đằng, dưới làm một nẻo như suốt một năm 2021 dịch hoành hành ở Việt Nam.

Nói tóm lại, một chính phủ mạnh sẽ biết sử dụng quyền lực rất lớn trong tay mình, đồng thời dũng cảm nhìn nhận sai lầm của mình chứ không đi đổ hết lỗi cho cấp dưới.

Nhưng mà…lỗi tại ai?

Song nói đi cũng phải nói lại. Ngay chính Chính phủ Việt Nam cũng không có cái quyền lớn ấy.

Trong phần Quan điểm, Nghị quyết 128 ban hành Quy định tạm thời về thích ứng, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID (ngày 11/10/2021) của Chính phủ nói rõ:

-Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống dịch (…) bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc, đồng thời phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Có nghĩa là tuy thủ tướng chủ trì chống dịch, “ra mặt” trong các phiên họp, quyết định chống dịch, nhưng rõ ràng họ cũng vẫn chưa phải là người quyết định. Quyết định chính là các lãnh đạo Đảng kia. Nhất là TP HCM và Hà Nội thì ngay cả Bí thư Thành ủy cũng chưa phải là người được chủ trương các quyết định chống dịch, mà phải là các vị  Trung ương Đảng. Các tỉnh thì không cần phải nói tới.

Ông Chu Ngọc Anh chỉ là Chủ tịch TP. Hà Nội nên theo đúng Nghị quyết 128, ông chỉ có quyền chủ động sáng tạo trong các giải pháp, nhưng giải pháp ấy có được chấp nhận hay không là tùy vào Bí thư Thành ủy Hà Nội và Trung ương Đảng.

Thế cho nên để cho sòng phẳng thì đừng một mực đổ lỗi việc Hà Nội “bung, toang” cho mỗi mình Chu Tổng đốc nữa nhé hỡi các quý vị! Làm người ai lại làm thế!

000_9FV842.jpg
Đường phố Hà Nội vắng vẻ do lệnh phong toả để phòng chống dịch COVID-19 hôm 24/7/2021. AFP

Cũng may Tổng đốc thành Hồ đã toang sớm

Cùng chung nguyên nhân, cựu Tổng đốc thành Hồ (Chí Minh) Nguyễn Thành Phong đã sớm ra Hà Nội uống trà từ tháng 8 năm ngoái, nếu không thì cũng chịu cảnh như Tổng Chu hôm nay thôi.

Tôi lại phải bênh vực cả hai vị một câu công đạo.

Vào cuối tháng 10/2021, Ủy ban Xã hội của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế đã đánh giá một câu búa bổ: “Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan vẫn chưa có đánh giá một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống COVID-19, chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan (ví dụ như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược, Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp….)  để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung”.

Đấy cả thế giới ra đây mà xem. Một đất nước vận hành bằng luật lệ, nhưng tất cả các luật lệ quan trọng nhất để chống dịch đều thủng lỗ chỗ như thế thì các bác bảo chúng em dựa lưng vào đâu mà chống? Chống không khéo thì lưng chúng em dựa cột đấy các bác!

Chúng ta xem xét tiếp chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội xem các luật lệ trên có được sửa đổi trong năm nay không nào.
KHÔNG! Không có bất cứ luật hay pháp lệnh nào ở trên được đưa ra để sửa đổi bổ sung cả.

Chỉ có các luật sau được đưa ra trong chương trình của cả năm: Luật Cảnh sát cơ động, Luật điện ảnh, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật Thi đua, khen thưởng, Luật sửa đổi một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, Luật dầu khí, Luật thanh tra, Luật thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn, Luật đất đai, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhưng… đấy đều là các luật phục vụ tình trạng bình thường của cuộc sống. Nói theo cụ Tổng Trọng thì là luật cho “bình thường cũ”. Thế nghĩa là “bình thường mới” đã xác lập gần ba năm nay rồi, nhưng là trong tình trạng… vô luật lệ chăng cụ Tổng ơi?

Đấy, bối cảnh chung nó thế thì có tài thánh Chu Tổng đốc nhà ta cũng chẳng đội đá vá trời được.

Do vậy nên các bác đừng khịa Chu Tổng đốc mãi nữa mà tội. Chu Tổng đốc có bị bung, toang khỏi ghế hẳn là do nguyên nhân khác, chứ trách nhiệm cá nhân trong việc này nào có ý nghĩa thật sự gì. Ông ấy chỉ là một ví dụ thôi. Cái đáng để các bác phân tích mổ xẻ là kiểu cách vận hành độc đáo của nước ta cơ, các bác chưa bị bung toang ạ!

_________

Tham khảo:

https://vnvc.vn/ban-giao-hon-1-3-trieu-lieu-vac-xin-covid-19/

https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2021/08/17.signed.pdf

https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2021/10/128.signed.pdf

https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=204272&classid=509

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Một bài def đủ chuẩn để đưa vào sách giáo khoa cho đội ngũ “def thuê” học tập.
    Đủ chuẩn không phải vì cách lập luận, mà là vì def tràn lan, trong 1 bài thôi mà def từ Chu Ngọc Anh sang VNVC, def cho tới chú phỉnh.
    Def mà vẫn trá hình dưới danh nghĩa là chỉ ra bản chất vấn đề.

  2. Nhìn mặt Chu Ngọc Anh là thấy cái chữ nịnh và liếm nó nằm chình ình trên trán, nhìn cái mặt là đã ghét rồi.

  3. Ai bảo NỔ làm chi ???
    Chả lẽ, cụ Trọng ra lệnh cho Chu Tổng đốc “nổ” đi, nếu không tao cho mày về vườn ???
    Mà của đáng tội, các quan kiếm ăn được nhờ “nổ”, thì đến khi xẩy chuyện, “tan xác” là phải rồi, oan uổng nỗi gì ???
    Nếu Chu Tổng Đốc (cũng như các đồng chấy trót nổ) chịu tự rút lui trước khi “tan xác”, thì thiên hạ nào nỡ “mỉa móc Người” ???

Leave a Reply to NCM Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây