Những giá trị tiềm ẩn quý báu

Mạc Văn Trang

9-3-2022

Tuần trước Đại tá Trịnh Văn Trà và vợ là nhà văn Nguyễn Nguyên Bình vào Sài Gòn, rồi rủ vợ chồng tôi đi An Giang chơi.

Đại tá Trà cho biết 47 năm trước (tức vào năm 1975 – 76), ông là Chính trị viên phó Tiểu đoàn, đơn vị của ông đi đánh quân Polpot xâm nhập biên giới, giết hại đồng bào ta. Sau đó rút về đóng quân ở Ấp Bình Quý, xã Bình Thuỷ, huyện Phú Châu, An Giang. Lúc đó bộ đội ở phân tán trong nhà dân, ông ở nhà anh Hai “Hớt tóc” suốt 6 tháng…

Những kỷ niệm ngày đó cứ mờ dần đi trong mớ hỗn độn những ký ức nhiều vô kể của đời lính chiến…

Bỗng cách đây mấy tháng, một người gọi điện cho ông: Con là Tư Hùng đây chú Tư ơi. Kiếm mãi mới được số điện thoại của Chú… Chú có nhớ hồi đó Chú ở nhà “anh Hai hớt tóc” ở ấp Bình Quý không? Con là Tư Hùng, hồi đó 9 tuổi, hay chơi với Chú … Ba con luôn nhắc đến Chú. Ba con mất rồi. Chú ơi, rất mong Chú có dịp vào chơi với tụi con…

Thế là hai chú cháu kết nối được với nhau, chia sẻ bao nhiêu chuyện. Rồi vợ chồng ông thu xếp để vào thăm Tư Hùng, rủ thêm được ông Phùng, một đồng đội, lúc đó là Y tá của đơn vị. Vợ chồng tôi cũng được “ăn theo”…

Từ Sài Gòn vào đến nơi đi xe giường nằm mất chừng 7 giờ. Mọi người xuống xe còn đang ngơ ngác, thì theo hẹn, vợ chồng Tư Hùng đã đi xe máy tới và nhận ra ngay Chú Tư Trà. Chú cháu ôm nhau thật cảm động. Bé Hùng 9 tuổi ngày xưa, giờ đã 56 tuổi, có mấy cháu ngoại rồi, chú cháu mới gặp nhau.

Đứng bên này sông, nhìn sang bên kia sông là ấp Bình Quý. Ông Trà bảo, xưa chưa có cầu, phải đi đò qua sông, mà sông rộng lắm…

Về đến nhà thấy các cháu rồi con gái, con rể, cô Út của Tư Hùng đã tập trung đông đủ đón khách. Ông Trà hỏi, cô Sáu xinh đẹp có thằng cu Mỹ lai rất dễ thương, đâu rồi?

– Cổ đi Mỹ theo diện Con lai rồi. Hình hai má con cô treo kia… Tư Hùng nói.

Mình đùa, chắc chú Tư Trà dạo ấy mê cô Ba nên ấn tượng sâu sắc.

Trà bảo, ngày ấy em chưa vợ. Bộ đội chưa vợ nhát lắm, những anh có vợ rồi mới hay léng phéng…Em ở đây 6 tháng rồi được điều đi công tác khác… Đơn vị ở lại đây lâu, rồi cũng có mấy anh lấy vợ ở ấp này.

Một lúc sau, Hùng gọi điện, hai cựu chiến binh (CCB) con rể của ấp đến. Hai ông CCB bảo, ngày đó xuất ngũ không có lương, về lấy vợ ở đây rồi làm ruộng thôi. Dân thương lắm… Ông Yến bảo, quê mãi Lạng Sơn, hồi đó thương nhau rồi, làm đám cưới mới phức tạp; đưa người yêu từ đây ra Lạng Sơn để tổ chức cưới phải đi tàu, xe, đi bộ, mất 7 ngày! Còn ông Trinh quê ở Kinh Môn, Hải Dương thì lâu lâu sau mới lấy vợ.

Mình ấn tượng nhất với CCB Lê Trọng Trinh. Ông kể, ngày đó em bị thương, rồi xuất ngũ, nhưng em cứ ở đây đi tìm mộ đồng đội đã hy sinh để quy tập về nghĩa trang Liệt sỹ và báo cho các gia đình. Em tìm được 21 hài cốt đồng đội… Ông móc từ túi ngực ra một xấp những mẩu giấy, ghi thông tin về mỗi liệt sĩ, chữ đã nhoà mờ…

Bữa chiều, mọi người cùng ngồi quây quần uống bia với thịt gà, ốc luộc và ăn bún với lẩu cá, tôm… Hùng bảo, gà nhà nuôi thả vườn, cá, tôm bắt ở sông, ốc bắt trên ruộng, các loại rau đầy vườn…

Mình bảo lâu lắm mới được ăn món ốc đá luộc, rất tuyệt. Ốc này nay có nhiều không?

Hùng bảo, hồi Hợp tác xã dùng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu, thì cua, ốc biến đi gần hết, nay lại sinh sôi nhiều lắm, dưới sông, trên ruộng, đâu cũng có…

Hỏi chuyện, được biết nhà Hùng sống chính bằng trồng lúa, nhưng tính ra, cả năm thu về 100 triệu đồng thì 60 triệu chi cho giống, phân, cày, bừa, tưới nước, gặt lúa, sấy lúa… Mình được 40 triệu thôi. Cũng vất vả, nhưng còn hơn những người không có ruộng phải đi làm mướn, ngày 200 ngàn, ngày có việc, ngày không, còn cực lắm…

Mình cứ nghĩ, những người lãnh đạo, các Đại biểu Quốc hội, những nhà làm chính sách, thay vì “Tiếp xúc cử tri chuyên nghiệp” trong hội trường, chỉ cần gặp dân trò chuyện một buổi là hiểu hết mọi điều…

Buổi tối, bọn mình đi dạo quanh ấp. Có một vài tụ điểm cà phê – Karaoke là nơi sinh hoạt văn hoá, có lẽ là chủ yếu ở nông thôn ngày nay.

Sáng hôm sau ông Trà với mình đi thăm nhà cô Út, xem chồng cô Út, một thợ sửa xe máy chuyên nghiệp của ấp đã 50 năm nay. Ông có đủ các đồ nghề như một xưởng cơ khí nhỏ. Ở tuổi 72 ông vẫn “lăn lê, bò toài” ra tác nghiệp rất mềm mại, nhanh nhẹn, khéo léo… Người lao động có tay nghề, tận tâm với công việc cả đời như ông, cũng chỉ đủ ăn, cửa nhà tàm tạm…

Miền quê như thế này mà dân vẫn nghèo. Những câu chuyện về các cô gái bỏ quê đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, gợi một nỗi buồn thăm thẳm…

Nguyên Bình và Kim Chi nhờ Tư Hùng và Lâm Thông (em rể út của Tư Hùng) chở đi ra chợ, rồi đi quanh cồn Bình Thuỷ (cả xã), thấy có Chùa khá đẹp và yên tĩnh; có Cơ sở sản xuất, chữa trị bằng thuốc Nam của một tư nhân rất nổi tiếng và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; có cánh đồng bát ngát, dòng sông mênh mang, vườn tược xanh tươi, cảnh quan rất thơ mộng…

Mọi người bảo, ở Cồn này mà có người biết làm Du lịch miệt vườn, sinh thái sẽ hấp dẫn du khách và kinh tế phát triển tốt. Nhưng người dân ở đây dường như không nghĩ đến. Ngay khu vườn nhà Tư Hùng cũng khá rộng, nhưng chưa biết quy hoạch trồng cây ăn trái một cách hiệu quả, cứ để cho cây mọc tự phát khá thoải mái!

Bữa trưa lại quây quần đông đủ, có món bún ăn với Ốc luộc và Canh chua nấu cá… Nguyên Bình bảo, ốc này mà nấu với chuối xanh thì tuyệt…

Vậy là chiều về, Trời ơi, cả nhà Hùng khuân ra đủ thứ: Một rổ ốc, một buồng chuối già (chuối tiêu) để nấu ốc; mấy nải chuối sáp để luộc; rồi các loại rau…Dường như trong vườn, dưới ao có gì muốn đem tặng hết cho khách… Mà không nhận thì chủ không vui.

Nằm trên xe, những ấn tượng về một chuyến đi ngắn ngủi cứ thao thức trong tôi.

Nước mình khí hậu, đất đai tuyệt quá, quanh năm, trồng cây gì, nuôi con gì cũng mau lớn lạ thường. Đó là một giá trị vô cùng quý báu mà những nước như Nhật Bản, Israel… ước ao biết mấy. Vậy sao dân ta vẫn nghèo, rồi cứ bỏ quê ra đi!? Làm sao giáo dục, đào tạo, có chính sách để người dân biết yêu quý và khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu… để sống hạnh phúc ngay trên quê hương mình?

Tình quân – dân của dân tộc ta hay tình người của dân ta thật quý báu. Những tình cảm như của Tư Hùng và bà con ở đây với Tư Trà, với bộ đội, thật tự nhiên, sâu đậm, tiếp nối truyền thống “quân với dân như cá với nước” từ ngàn đời của dân tộc ta. Tình người – tình quân dân là một giá trị quý báu của dân tộc ta, trải bao thăng trầm vẫn ngầm chảy trong lòng dân tộc, làm sao gìn giữ và phát triển? Quân đội mà không được dân yêu quý, tin tưởng thì hỏng rồi!

Tình đồng đội gắn bó yêu thương như con một nhà của bộ đội ta, thể hiện ngay trong người CCB giản dị Lê Trọng Trinh: Bị thương rồi xuất ngũ, đã ở lại gần chiến trường xưa tìm được hài cốt 21 đồng đội hy sinh; thông tin về từng liệt sĩ của đơn vị ông vẫn giữ nơi gần trái tim, suốt hơn 40 năm. Tình đồng chí, đồng đội trong quân đội ta như vậy là một giá trị vô cùng quý báu, làm nên sức mạnh tinh thần của quân đội, làm sao gìn giữ, phát huy được những giá trị đó trong điều kiện hiện nay?

Chuyến đi đã cách đây hơn một tuần, nhưng mải theo dõi chiến sự ở Ukraine diễn ra, chả bụng dạ nào ngồi viết được. Hôm nay thư thái, tìm lại tâm tư tình cảm nơi quê mình cho thanh thản, nhẹ nhõm trong lòng.

_______

Một số hình ảnh của tác giả:

Các CCB: Trinh, Tiến, Phùng, Trà
Quý khách và gia đình Tư Hùng. Tư Hùng đứng hàng đầu từ bên phải, tiếp đến là vợ.
CCB Lê Quốc TRinh (áo xanh) nói về tìm hài cốt đồng đội
“Phiếu” ghi chép thông tin về từng đồng đội đã hy sinh
Tác giả đứng hàng đầu bên trái, tiếp theo là 4 CCB và Nguyên Bình, phu nhân ông Trà
Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. To Muỗi montauk:
    Ở cuối bài Tác giả đã từng gửi tâm tình .. “làm sao”… và tâm trạng …”chả bụng dạ nào”… đến người đọc:

    (trích)…làm sao gìn giữ, phát huy được những giá trị đó trong điều kiện hiện nay?
    Chuyến đi đã cách đây hơn một tuần, nhưng mải theo dõi chiến sự ở Ukraine diễn ra, chả bụng dạ nào ngồi viết được… (hết trích)

    Nhưng Muỗi montauk bỏ qua điều đó mà lo chụp giựt một cách bẩn thỉu như thường làm, để bẻ.ghi làm nghề đánh lận con đen …khiến cái “quí gia đó” (như bản chất của người Việt, cụ thể trong khoãng1975 – 76 ) thành đầy ắp “ăn mày dĩ vảng” của chính bản thân Muỗi.

    Thiết nghĩ cần phải hiểu Tác giả có lẽ đã bỏ đi, đã từ biệt những gì mà chỉ còn cái “quí gia đó” “.trong điều kiện hiện nay”…mà lo lắng “làm sao.giữ gìn” đây? Điều này tác giả Mạc Văn Trang hay cụ, Nguyễn Trọng Vĩnh
    hay Hoàng Thị Nhật Lệ(?) chăc cũng không khác gì nhau?
    Muỗi mù điếc trước cái lo đó? Muỗi chi phủ mắt với lá bùa “If it ain’t broke, don’t fix it” ?
    Muỗi montauk phải trả lại “quí gia đó” cho Tác giả … một cách trọn vẹn, với lời tạ tội.

    Tác giả đã tạm gác lại “quí gia đó” để “mải theo dõi chiến sự ở Ukraine”, nhưng chắc chắn với “quí gia đó” nên Tác giả không cuồng Nga, cuồng Putin hay cuông “cái gì đó” như Muỗi montauk.
    Đừng bịt phủ mắt với lá bùa “If it ain’t broke, don’t fix it” mà theo “Adolf Putin” về tới cái kết quả an bài của hắn.

  2. Đất nước việt có cần cái đãng cọng sãn ma mỵ không hở các bác,nó đi chết đi thì đất nước mới có cơ hội vươn lên…

  3. Đọc bài này của Giáo Sư Mạc Văn Trang có khác gì bài của các cá nhân hôm nay được/bị xem là bò đỏ đâu . Mọi người nên khoan dung với những người gọi là “bò đỏ” hôm nay . Ngày mai họ lại trở thành trí thức đáng kính trọng của chính mấy bác .

    Bò đỏ có nói theo giọng chính quyền như những trí thức đáng kính trọng của mấy bác hổng có nghĩa họ theo Đảng suốt đời . Ít ra bò đỏ như Hoàng Thị Nhật Lệ chỉ mới có 19, 20s. Giáo sư Mạc Văn Trang theo Đảng thế là gần hết mịa nó đời rùi . Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, lúc về với Bác Hồ cũng thọ 104 tuổi, và theo Đảng cả đời luôn đấy . Hoàng Thị Nhật Lệ, Vũ Duy Linh … chỉ mới khoảng tuổi 20s, chả thấm vào đâu với những vị “lão thành cách mạng” theo Đảng cả đời như những trí thức đáng kính trọng của mấy bác .

  4. Đó, thấy Quân Đội Nhân Dân Việt Nam chưa ? Chớ có phải như lính Ngụy đâu . Đào Văn Tùng nói đúng lắm, ở những vùng cách mạng như thế này, người nào đi lính Ngụy là bị cả xứ khinh cho suốt từ đời ông cho tới đời cháu luôn . Chỉ còn nước bỏ xứ mà đi .

    Việt Nam đưa quân vào giải phóng Cambodia, đặt chính quyền bù nhìn thân Việt, Hun Sen phản phé các bác gọi hắn là thằng phản bội, hoang đàng . Hy vọng Nga làm tốt hơn Việt Nam nếu giải phóng được Ukraine.

  5. A, vậy là thêm một dẫn chứng nữa về tội “đẩy lính đi chết trận” !!!
    Lê Anh Xuân có ghi lại trong một bài thơ : “…Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ. Anh chẳng để lại chi trước lúc lên đường …”
    Hồi ấy, khi học bài thơ này, tôi đã cho rằng, Lê Anh Xuân “bốc phét” để đề cao tấm lòng dũng cảm chiến đấu của “Anh giải phóng quân”. Hoá ra đó là sự thật trần trụi, quái ác và quái đản !
    Bởi nếu quân nhân luôn có thẻ bài theo người như lính Mỹ, thì những người đồng đội sống sót đã không cần thiết phải “tự mình đi kiếm xác đồng đội” !
    Còn những chuyện “râu ria”, mong bà con tự hiểu !
    PS : Tớ là dân Bắc kỳ, sinh ra và lớn lên tại “Thủ đô mến yêu của ta” !

Leave a Reply to Q h le Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây