Đường đến nhận giải Văn Việt: Sự đâu sóng gió bất kỳ

Thái Hạo

3-3-2022

Tôi đã im lặng và định im lặng hẳn, nhưng vì càng lúc càng có nhiều bạn bè lo lắng gọi điện, nhắn tin hỏi thăm tôi về việc vì sao không thể có mặt tại lễ trao giải Thơ của Văn Việt, rồi có cả những thông tin đây đó chưa thật sát thực tế về sự việc của tôi, nên tôi viết mấy dòng này, như một lời phân trần, cho bạn bè đồng nghiệp thầy cô và cũng như một lời xin lỗi vì đã lỡ hẹn cùng nhau, cả vì không có thời gian để trả lời từng bạn một được.

Sáng hôm qua (2/3), tôi từ nhà đi sân bay. Trước đó, nhiều anh em an ninh đã có mặt tại nhà tôi, và “khuyên” tôi không nên đi. Nhưng tôi nói, đây là một chuyến đi chơi, tôi đã hẹn với những người bạn học và thầy cô của tôi ở SG, không thể thất hứa được. Một anh an ninh nói với tôi “anh không đi được đâu”.

Tôi đi. Ra cách nhà được khoảng 1km thì cảnh sát giao thông cùng cảnh sát trật tự (áo xanh) ra chặn lại. Tôi vừa bước xuống xe thì có hai người đàn ông lạ mặt mặc thường phục từ bên kia đường chạy qua, một người giữ, một người đấm liên hồi vào mặt tôi, vừa đấm vừa chửi thề, trước mặt rất nhiều công an. Sau khi bị đánh một hồi, mỗi lúc một thô bạo, tôi mới hướng vào những người mặc quân phục và nói lớn “Tại sao tôi vô cớ bị đánh mà các anh là công an lại không can ngăn hay hành động gì?” Lúc đó, công an mới vào gỡ hai người đánh tôi ra. Hai người đó lại di chuyển về phía bên kia đường, đứng nhìn, chốc lại lại chực xông sang, miệng đe dọa và chửi thề. Khoảng 30 phút sau hai người đàn ông ấy mới rời đi. Mặt và quai hàm tôi còn đau đến hôm nay, nhai cơm khó khăn.

Sau đó, lực lượng cảnh sát giao thông và công an áo xanh tiến hành kiểm tra hành chính và lập biên bản việc điều khiển phương tiện giao thông của tôi, từ khoảng 8h30 – gần 11h trưa. Lúc này tôi đã trễ chuyến bay. Xe tôi bị đưa về đồn vì vi phạm luật giao thông (mất bằng lái, và có nồng độ cồn 0.04xmg – 0.06xmg/l* – theo quy định thì nồng độ này không bị phạt). Sau gần 3 tiếng, xong việc, tôi được người nhà tới chở về. Hủy chuyến đi chơi và nhận giải ở Sài Gòn.

Sự việc làm tôi hết sức bất ngờ. Không biết tại sao mình bị đánh, cũng không biết ai là người đánh mình và đánh vì lý do gì. Ban đầu tôi đã tự hỏi rất nhiều, rằng ai, tại sao…, Nhưng về tới nhà, yên tĩnh, bỗng một nỗi buồn không thể tả được xâm chiếm tôi. Mọi thứ như vỡ nát.

Rồi tôi lại tự hỏi, thơ thì có tội tình gì, những tình cảm con người nơi tôi thì có tội tình gì? Phải chăng tôi phải bỏ đi tất cả những rung động, những thổn thức trong lòng để sống như đá vô tri? Từ nỗi buồn, một niềm tủi hổ và nhục nhã dâng lên. Rồi mọi thứ trống rỗng.

Một người bạn tôi nhắn tin hỏi “Em có tức giận hay oán hờn gì không”, tôi nói “Không, em chỉ buồn thôi, vì chưa bao giờ nghĩ rằng con người có thể đối xử với nhau như thế. Em không hiểu được, và không tin được…”

Xin lỗi và hẹn lại những người tôi yêu quý một ngày khác, chúng ta sẽ gặp nhau và kể cho nhau nghe những chuyện ngày xưa, những chuyện ngày nay. Và sẽ tặng nhau những bài thơ mới viết, về quê hương, về đất nước mình…

* Tôi không nhớ chính xác con số thứ ba (x ở hàng thập phân) là bao nhiêu.

***

Thái Hạo: Phát biểu nhận Giải Thơ Văn Việt lần thứ bảy

Giải thưởng thơ của Văn Việt là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Người làm Thơ như mở một cái van, hay như sự đổ vỡ những bình yên trong nội tâm mà mảnh vỡ là những lời không đoán định, tôi có thể nghĩ gì khi đến bản thân còn không thuộc nổi một bài thơ mà mình đã viết ra?

Tôi chưa bao giờ cấp cho Thơ một ý nghĩa to tát nào. Vì như một kẻ nhút nhát, tôi đã không tìm kiếm nó, là do Thơ tự đến. Tôi chỉ làm một người ghi chép, rối rít trên những ngón tay.

Những sự “chắp nhặt dông dài” ấy, may thay, đã nhiều phen cứu tôi khỏi cơn nguy khốn.

Cách tân ư? Tôi cũng không biết đến điều ấy. Những vần điệu du dương thủa trước không thể nào cất lên được nữa khi trái tim luôn đập những nhịp loạn cuồng. Thơ tự do không phải là một vấn đề kỹ thuật, đó là âm giai của thời thế, của lòng người ly tán hoang mang.

“Điệu ngâm” là một cái gì thật xa xỉ, ai có thể ngồi làm “phu chữ” mà nắn nót gieo vần khi ngoài kia những đoàn người loạng choạng bồng bế dắt nhau đi trong đêm tối hoang vu, khi những mảnh đất bỏ hoang và biển chết, rừng khô?

Khi mà biên giới của Thơ đã không còn, tôi đỏ mặt trước danh hiệu nhà thơ. Tôi đã viết chúng vào lúc mà mọi hình thức ngôn ngữ đều bất lực. Ngay chính trong thời khắc ấy, nó đã đến như một niềm an ủi. Chúng tôi gặp nhau như một cuộc sắp đặt của số phận không hẹn ước thề nguyền. Đến rồi đi, không ai nợ nhau một điều gì. Và tôi đã quên tất cả.

Xin đừng đề nghị tôi đọc những bài thơ của mình, vì chúng đã trở thành kẻ lang thang không nhà sau phút giây chào đời trong nguy nan sinh nở. Tôi có thể không bao giờ làm thơ nữa, cũng có thể viết hàng nghìn câu vào một ngày mai nào đó, không biết được.

Tôi không muốn dùng Thơ như những viên đạn để bắn vào cuộc đời, vì Thơ không phải thuốc súng. Thơ vô can và không cần phải mang vác một sứ mệnh nào. Khi những đau khổ đã chấm dứt thì Thơ cũng giã biệt con người. Không phải vì Thơ đã xoa dịu, nghệ thuật là vô dụng, nó hoàn toàn không biết gì về những sứ mạng cồng kềnh kia. Nếu có một tham vọng nào đó luồn lách trong những dòng Thơ, Thơ đã đánh mất chính mình.

Một khi phải làm Thơ, đó là dấu hiệu đáng thương hại của một con người. Nó nổ ra từ phía trong, đôi khi làm chúng ta đau đến rã rời. Tôi chỉ muốn sống như một bài thơ chứ không muốn sống để làm thơ.

Cứ mỗi khi tôi cúi xuống và hôn lên bông hoa bên thềm nhà, Thơ sẽ vắng mặt.

Nghệ thuật tỉ lệ nghịch với hạnh phúc của con người. Đừng ca ngợi nghệ thuật, vì đó là nước mắt. Làm thơ là một tai nạn của tâm hồn.

Phần thưởng cho Thơ chính là một lời chia buồn, chân thành và xúc động. Và ngay ở chỗ này, chúng ta đã gặp được nhau, Thơ rút lui để nhường lại chiếc ghế cho những hồn cô độc, để nhường chỗ cho những giao cảm vô ngôn. Nếu có sức mạnh nào đó của Thơ, thì đây chính là khuôn mặt của nó – mang chúng ta lại gần nhau. Rồi tan đi cùng với những gánh nặng của nghĩ suy trong cuộc hiện sinh này.

Thái Hạo

* Thái Hạo là bút danh, quê Thanh Hóa, tốt nghiệp sư phạm tại Đại học Sư phạm Huế, ngành ngữ văn. Từng làm giáo viên và hiện đã nghỉ việc. Viết báo, phê bình văn học, làm thơ và làm vườn.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. “Trọng Lú ở Việt Nam
    Mà sao em thấy rất là nước Nga”

    Làm xong bài thơ trên, bỗng giật mình lo ngại rằng bài thơ ý có thể được Hội Nhà văn Việt Nam tặng cho giải thưởng thơ 2022.

    Vậy nên xin có lời cảm tạ trước.

    Và với tính khiêm tốn bẩm sinh, xin được từ chối nhận giải.

  2. “Làm thơ là một tai nạn của tâm hồn”, những rung cảm chân thật trở nên mẫu gai nhọn trong mắt kẻ xấu, kẻ ác mà chế độ độc tài dung dưỡng và như vậy cái đẹp tong thơ trở thành khổ nạn cho tâm hồn và thể xác, bị khủng bố và bị đấm vào mặt vì anh đã để cho trái tim vượt lên những bầy hầy trong đời sống hổ lốn này.
    Anh bị ngăn chặn ra sân bay, bị đánh gần vỡ quai hàm thật tình anh không hiểu vì lý do gì, nhưng bọn an ninh, bọn mặc thường phục chúng hiểu; chúng chỉ muốn anh như con robot làm thơ chứ không yêu thích người làm thơ chân chính, rung cảm chân thật từ trái tim.
    Tôi không qua bất ngờ với “tai nạn” của anh, anh Thái Hạo ạ; Bởi liên tục, kể từ khi VV tổ chức trao giải đến nay không năm nào là không bbij ngăn cản, đấm đá, những cú đánh thô tục và thô bạo vào văn chương, như mấy năm trước, Khuất Đẩu, bạn tôi cũng bị ngăn cản không cho lê tàu vào Sg nhận giải, may chúng chưa đấm vào mặt anh ấy, nhưng chúng đã đấm vào dòng văn chương tự do của chúng ta!

  3. Tớ đề nghị Thái Hạo cho giải Thơ của Văn Việt as a joke, lý do chính thức tớ đưa ra là để cân bằng với giải thưởng của tổng cục chính trị cho tác phẩm làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chớ hổng phải thật sự vì thơ của Thái Hạo . Với Nguyên Ngọc là chánh chủ khảo, the rest is lịch sử cách mạng.

    Thôi thì chúc mừng vậy . i mean seriously, not as a joke.

    Tớ vừa mới nói đùa, mà Thái Hạo được ngay giải thưởng Thơ .

    • Ngày xưa , khi quảng cáo cho chữ quốc ngữ, một đại thần Việt nam có biểu dâng vua, nói rằng : Người Việt nên bỏ không dùng chữ Hán, tất nhiên, cả chữ Nôm, bởi vị đại thần ấy cho rằng, khi quan lại người Việt dùng chữ Hán, thì người An nam không hiểu đã đành, người Hán cũng đ*o hiểu cái vị quan ấy luôn !
      Trong ngôn ngữ, có lẽ chuối nhất, và cũng ngớ ngẩn nhất, là dùng lẫn lộn hai thứ tiếng cùng một lúc, mà nhất là lại dùng những khái niệm mà tiếng Việt đã có sẵn và đã thông dụng !
      Với cá nhân tôi, khi một kẻ phải dùng tiếng nước ngoài ở dạng phổ thông để diễn đạt những điều đơn giản, thì chỉ có hai khả năng :
      – Kẻ ấy quên cmn tiếng mẹ đẻ !
      – Kẻ ấy đang cố che lấp sự thiếu kiến thức của mình !

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây