Tài liệu năm 1991 ủng hộ cáo buộc của Nga

Der Spiegel

Hiếu Bá Linh, biên dịch

19-2-2022

Thủ tướng Đức Kohl, Ngoại trưởng Đức Genscher và lãnh đạo Liên Xô Gorbatschow năm 1990. Nguồn: Reuters

Một tài liệu được phát hiện tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh, được cho là ủng hộ cáo buộc của Tổng thống Nga Vladimir Putin, rằng phương Tây “phản bội” Nga với sự bành trướng về phía đông của NATO. Bài báo của tạp chí Đức Der Spiegel (tuần báo uy tín nhất của nước Đức) dựa trên một phát hiện của nhà khoa học chính trị Hoa Kỳ Joshua Shifrinson. Đó là bản ghi nhớ cuộc họp giữa đại diện cấp cao của các bộ ngoại giao Đức, Anh, Pháp và Hoa Kỳ tại Bonn (Đức) ngày 6/3/1991. Sau đây là bản dịch:

***

Trong nhiều thập niên, Nga đã tuyên bố rằng, sự mở rộng về phía đông của NATO đã vi phạm các cam kết của phương Tây sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Bây giờ một tài liệu đáng chú ý đã xuất hiện.

Cách đây vài tuần, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tỏ ra vô cùng tự tin. Khi được báo SPIEGEL hỏi trong thập niên 1990, liệu Nga có từng được hứa sẽ không mở rộng NATO sang phía đông hay không, người Na Uy này nói một cách dứt khoát: “Điều đó là không đúng, một lời hứa như vậy không bao giờ được đưa ra, không bao giờ có một thỏa thuận ‘cửa sau‘ như vậy. Đó quả thật là sai“.

Thật không?

Tương tự như Stoltenberg, nhiều chính trị gia, quan chức quân sự và nhà báo ở phương Tây cũng tin như thế. Việc kết nạp Ba Lan, Hungary và các nước Đông Âu khác vào NATO không mâu thuẫn với các thỏa thuận với Moscow sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Đó cũng là điều dễ hiểu. Ai muốn bị buộc tội ủng hộ tuyên truyền của Putin? Tại mỗi dịp thích hợp, Tổng thống Nga Vladimir Putin phàn nàn rằng phương Tây đã lừa dối đất nước của ông bằng việc mở rộng NATO về phía đông.

Nhưng, lời nói trên của Stoltenberg và những người khác là đáng ngờ. Một ghi chú từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh chứng tỏ điều đó. Nhà khoa học chính trị người Mỹ Joshua Shifrinson đã phát hiện ra tài liệu, vốn được xếp vào loại “bí mật“. Đó là về cuộc họp của các quan chức chính trị bộ ngoại giao Mỹ, Anh, Pháp và Đức tại Bonn vào ngày 6 tháng 3 năm 1991.

Ghi chú về cuộc họp của nhà ngoại giao Đức Chrobog với các đồng minh vào năm 1991. Nguồn: DER SPIEGEL

Chủ đề cuộc họp là an ninh của Ba Lan và các nước Đông Âu khác. Đề tài thống nhất của nước Đức đã xong xuôi tốt đẹp cách đây 5 tháng, và sự kết thúc của Hiệp ước Warsaw – đế chế Xô Viết – có thể thấy trước mắt. Từ nhiều tháng qua, các chính trị gia ở Warsaw và Budapest đã báo hiệu sự quan tâm của họ đối với liên minh phương Tây. Tuy nhiên, như tài liệu cho thấy, người Anh, Mỹ, Đức và Pháp đều đồng ý rằng, tư cách thành viên NATO đối với các nước Đông Âu là “không thể chấp nhận được“.

Đáng chú ý là sự biện minh (giải thích lý do). Theo bản ghi nhớ, đại diện của Bonn, Jürgen Chrobog cho biết: “Trong các cuộc đàm phán hai cộng bốn, chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ không mở rộng NATO ra ngoài sông Elbe. Do đó, chúng tôi không thể đề nghị Ba Lan và các nước khác trở thành thành viên NATO“. Trong các cuộc đàm phán hai cộng bốn, CHLB Đức và CHDC Đức đã thương lượng về sự thống nhất của Đức với các cường quốc chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ, Anh, Liên Xô và Pháp.

Kể từ năm 1993, rất lâu trước chính thể Putin, người Nga đã tuyên bố rằng sự mở rộng về phía đông của NATO vi phạm tinh thần của hiệp ước hai cộng bốn. Rõ ràng Chrobog cũng đã nhìn thấy nó theo cách đó. Căn cứ vào ghi chú trên, khiếu nại của Nga trùng hợp với quan điểm chính thức của chính phủ Đức dưới thời Thủ tướng Helmut Kohl (đảng CDU) và Bộ trưởng Ngoại giao Hans-Dietrich Genscher (đảng FDP) hồi năm 1991.

Và người Mỹ có lẽ đã nhìn nhận tình hình năm 1991 theo cách mà Putin đang miêu tả nó ngày nay. Theo ghi chú của Chrobog, Đại diện Mỹ Raymond Seitz đồng ý và nói: “Chúng tôi đã nói rõ với Liên Xô – trong các cuộc đàm phán hai cộng bốn cũng như các cuộc đàm phán khác – rằng chúng tôi sẽ không lợi dụng việc rút quân đội Liên Xô khỏi Đông Âu… NATO sẽ không mở rộng chính thức và không chính thức sang phía Đông“.

Phát hiện mới trong kho lưu trữ phù hợp với vô số tài liệu từ những tháng sau khi Bức tường sụp đổ hiện đã có sẵn. Tuy nhiên, phương Tây đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận ràng buộc pháp lý nào với Điện Kremlin nhằm loại trừ việc NATO mở rộng về phía đông. Nói đúng hơn, vào năm 1990, nhiều chính trị gia và quan chức liên quan của cả hai bên đã ứng xử một cách thiện chí.

Người đứng đầu Điện Kremlin vào lúc đó, Mikhail Gorbachev, đã hứa đưa vào thực hiện dân chủ, tôn trọng nhân quyền và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc; Gorbachev thậm chí còn đưa ra ý tưởng rằng Liên Xô có thể gia nhập NATO. Đế chế ở phía đông làm như nó có khả năng cải cách. Và vì vậy Kohl, Genscher và các chính trị gia phương Tây khác thực sự muốn thay đổi NATO thành một liên minh chính trị và coi trọng lợi ích của Điện Kremlin. Đáng lẽ ra không bao giờ có xung đột về sự mở rộng về phía đông của NATO.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. “Hay nói đơn giản hơn nữa, là NGA không có quyền cấm các dân tộc nhỏ hơn xin gia nhập vào một liên minh quân sự nào đó ( cụ thể ở đây là NATO).”

    …hoặc nôm na nói “sư tử không có quyền cấm mấy con hoẵng bám sau mông con voi để xin được sống sót”
    Mẹ kiếp bọn chuyên săn mồi luôn với lý kẻ mạnh!


  2. Hiện trạng Kiev và Unkraina giở khóc dở cười chẳng Hòa bình cũng chẳng Chiến chinh !!
    *******************************

    Chẳng Hòa bình cũng chẳng Chiến tranh
    Biên giới xôi đậu bắn thử đùng đoành
    Sa hoàng Putin còn thương lượng trả giá
    Ván cờ canh bạc đỏ đen chết Dân lành
    Giữa Biên cương làn đạn không Biên giới:
    Chẳng phân biệt Nga-Ukraina chị anh !

    Dù mặt trận biên giới hết yên tĩnh
    Vẫn không Thanh bình không Chiến chinh
    Mặt trận ngoại giao khắp Thủ đô Thế giới
    Từ Ba Lê – Hoa Thịnh Đốn – Bá Linh
    Vũ điệu khứ hồi giữa Viễn cảnh Chinh chiến
    Tình huống không Chiến tranh cũng không Hòa bình
    Kịch bản Putin xâm lăng chinh phục
    Sức mạnh bù nhìn Nga sẽ không phục chinh
    Chiếm thành quách dễ nhưng giữ mới khó
    Khi khát vọng Ukraina yêu Tự do Dân chủ Hòa bình
    Khiến hai Dân tộc càng cách xa nhau nhiều Thế hệ
    Mỹ như tường thành ngăn Nga mở chiến chinh
    Liên kết với Âu châu cản xích sắt xe tăng xâm lược
    Biên cương hiện căng thẳng từng khắc từng li phá toang Hòa bình
    Ukraina qua Giải pháp Phần Lan hóa :
    Vùng phi quân sự trung lập vắng bóng chiến binh …

    TỶ LƯƠNG DÂN
    http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

  3. Phương Tây sai ở 2 điểm:

    – Lên án Putin gây rối vì ông là độc tài, là kẻ xấu: Putin độc tài với dân Nga thì quá đúng luôn. Nhưng chính sách đối ngoại của Putin trong trường hợp này phù hợp với lợi ích của Nga. Nếu không phải là Putin mà là 1 chính phủ dân chủ lãnh đạo Nga thì chính phủ đó cũng phải quyết liệt với phương Tây về vấn đề Nato mở rộng. Phê phán cá nhân Putin chỉ là cách lảng tránh vấn đề.

    – Lên án nước Nga gây sức ép với Ukraine là không tôn trọng quyền tự quyết của Ukraine trong việc chọn gia nhập Nato: Chả có nước nào không tìm cách gây ảnh hưởng hay tạo sức ép với nước khác khi cần cả, miễn là Nga chưa chính thức xâm lược Ukraine thì những chuyện tập trận hay thậm chí nếu cắt đường nhiên liệu của Ukraine cũng chả có gì đáng nói. Nga dùng vũ khí tập trận cũng như Mỹ dùng vũ khí cấm vận thôi. Mỹ có tôn trọng quyền tự quyết của công ty Huawei khi bắt Mạnh Vãn Châu vì Huawei làm ăn với Iran, anh không cho người ta lựa chọn đối tác làm ăn à ? Mỹ có tôn trọng quyền tự quyết của Đức khi dọa cấm vận một số công ty Đức nếu Đức không chịu xem xét việc dừng dự án Nord Stream 2 với Nga ?

    Bản chất của cuộc cờ ở đây là Mỹ muốn dùng Ukraine làm chỗ giằng quân để Putin không rảnh rang mà tiến ra Trung Đông được, không thể mở rộng ảnh hưởng của Nga ở Syria, Iraq và Iran. Thế là bảo toàn thế bá chủ của Mỹ ở Trung Đông.

    Đức và Pháp nhìn thấu chuyện đó nên bằng mặt mà không bằng lòng với Mỹ. Đi làm căng với Putin ở Ukraine thì bảo vệ cho thế lực Mỹ ở Trung Đông chứ báu gì cho Pháp-Đức. Ngược lại nếu phải trả giá bom rơi đạn nổ dân chạy nạn ở châu Âu thì Pháp-Đức hứng là chính chứ Mỹ chịu gì đâu.

    Ukraine và Đài Loan chỉ là 2 con chốt để Mỹ giằng dai cầm chân Nga và Trung Quốc. Khi căng thì sẽ thí chốt thôi. Không ai bỏ vốn bảo vệ chốt làm gì.

  4. Theo ông Robert Zoellick, nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp Ước 2+4 thì trong đó không có điều nào cam kết nào về việc NATO không được bành trướng về phía đông. Ban đầu Gorbachev cáo buộc Mỹ đã hứa rằng NATO không được bành trướng quá nước Đức (sau thống nhất) nhưng sau đó thì lại nói rằng chủ đề “mở rộng NATO” không hề được thảo luận gì cả. Năm 1997, Nga và NATO đã ký một hiệp ước quy định rằng mỗi quốc gia có quyền chủ quyền trong việc tìm kiếm liên minh. Như vậy việc Putin ngăn chặn Ukraine không được gia nhập NATO là một vi phạm hiệp ước họ đã ký.

    • Hai cột trụ nền tảng của những nguyên tắc xây dựng tổ chức NATO là:
      1. Phòng vệ chứ không xâm lăng.
      2. Tôn trọng quyền lựa chọn xin gia nhập của các quốc gia (chứ không bắt buộc).
      Chính nguyên tắc thứ 2 này không thể đáp trả những đòi hỏi của Putin nên mới xảy ra căng thẳng hiện nay. Ukraina tự nhiên trở thành lá chắn chống Nga của khối tự do và dân chủ (như Miền Nam VN ngày trước.)
      Ý đồ của Putin không chỉ là Ukraina, nhưng là muốn tái lập lại đế chế sô viết cũ và phá hoại sự an ninh và thịnh vượng của Châu Âu, do đó những đòi hỏi của ông ta rằng Nato không được đặt chân ở các nước Đông Âu cũ là để phá vỡ nguyên tắc thứ 2 này và rồi muốn dùng sức mạnh quân sự của mình để để dọa nạt, áp đặt lên những quốc gia nhỏ yếu láng giềng như Ukraina. Putin đã vi phạm một hiệp ước Nga ký với Ukraina năm 1991, khi Ukraina giao lại tất cả vũ khí nguyên tử của mình để đánh đổi sự tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của mình và được giữ lại đảo Crimea.

      Tất cả những tranh luận được đưa ra hiện nay về tính chính danh những đòi hỏi của Putin chỉ là tìm cách che đậy sự hung hăng, giận dữ của đám quân phiệt Nga về lòng ganh tị sự thịnh vượng của Châu Âu và sự bất lực trước những chống đối của dân Nga do kinh tế không phát triển và tham nhũng của giới oligark chung quanh Putin.

  5. Đó chính là điều đáng bàn !
    Đáng lẽ sẽ không bao giờ có tranh luận cũng như đối đầu quân sự về đề tài “mở rộng NATO sang hướng Đông”, nếu như Nga thật sự “tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc” như lời hứa của Goocbachew ! Và NATO sẽ không còn là một “liên minh quân sự” nữa, nếu bản thân Nga cũng gia nhập NATO !
    Vậy tại sao hiện tại Nga , đúng ra là Putin, cho rằng Nga “bị NATO lừa” ??? Bởi vì Putin muốn trở lại thời huy hoàng của Đế chế Nga, không chỉ là “tạo vùng ảnh hưởng”, mà còn muốn khôi phục lại lãnh thổ thời Nga Sa hoàng !
    Do đó, không có chuyện “Nga bị NATO lừa với cam kết không mở rộng NATO về phía Đông”, mà đó chỉ là sự ngụy biện của Putin ! Khi các dân tộc “được quyền tự quyết”, thì họ cũng có quyền được “tham gia vào một liên minh quân sự nào đó, để đảm bảo an ninh của chính họ với một kẻ luôn gây hấn và tìm cách thôn tính họ . Đó chính là lý do tại sao Balan và các nước nhỏ vùng Baltik (Esland, Lettland…) phải xin gia nhập NATO ! (NATO không thể cưỡng ép bất cứ một dân tộc nào đó PHẢI THAM GIA liên minh của họ . Cũng như chính vì phải “tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc” nên Liên Bang Sô viết bị tan vỡ vì sau đó, các nước thành viên của Liên bang đã không muốn liên kết với Nga thành một quốc gia !
    Thí dụ rõ nét nhất cũng chính là Tiệp khắc. Sau khi thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Nga, Tiệp khắc đã phải để Slovakia trở thành một quốc gia độc lập .
    Như vậy, ta có thể hiểu đơn giản, rằng NATO bội ước với Liên Bang Sô viết, chứ không bội ước với NGA của Putin !!! Hay nói đơn giản hơn nữa, là NGA không có quyền cấm các dân tộc nhỏ hơn xin gia nhập vào một liên minh quân sự nào đó ( cụ thể ở đây là NATO).
    Hơn nữa, ngay cả khi muốn gia nhập NATO, dân tộc đó phải hội tụ đủ điều kiện do NATO quy định mới được gia nhập. Theo các nguồn báo chí, thì Ucraina còn rất lâu nữa mới có thể thoả mãn các đòi hỏi này để trở thành một thành viên của NATO.

Leave a Reply to Long Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây