Bàn về khái niệm “Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa“

Đỗ Kim Thêm

10-2-2022

Thuật ngữ

Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa (NNPQXHCN) là một khái niệm chỉ có ở Việt Nam sau ngày Đổi Mới năm 1986, và cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh luận về nội dung và dịch thuật, trong khi tinh thần thượng tôn luật pháp là một thuật ngữ được phổ biến sâu rộng ở miền Nam trước năm 1975 và không có liên hệ đến nhà nước pháp quyền.

Về nội dung, khái niệm nhà nước pháp quyền (Rechtsstaatsbegriff) là một học thuyết thuộc luật hiến pháp của Đức mà Liên Xô đã vận dụng và dịch thành Pravovoe gosudarstvo.

Theo trào lưu Đổi Mới, Việt Nam du nhập khái niệm của Liên Xô rồi cải biên thành NNPQXHCN, vì vẫn kiên định tiếp tục theo đuổi con đường XHCN. Do bối cảnh này mà khái niệm đó thành hình.

Về dịch thuật, giới luật người Việt lại dùng “Rule of Law“, một khái niệm của Anh và Mỹ, một bối cảnh văn hoá, lịch sử và truyền thống khác, để dịch thành NNPQXHCN. Rule of Law là một tinh thần thuộc luật hiến pháp và xã hội học luật pháp, không liên hệ đến ý thức hệ XHCN.

Do đó, dịch Rule of Law là NNPQXHCN là không phù hợp, mà có thể tạm dịch là tinh thần thượng tôn pháp luật như miền Nam trước đây.

Lý thuyết

Đảng chủ trương xây dựng một nhà nước chuyên chính của liên minh công nông và tầng lớp trí thức, quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Pháp chế XHCN là một công cụ mà Đảng dùng để lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối nhà nước và tam quyền phân lập chỉ là phối hợp và phân công trong nội bộ.

Thực tế

Cho đến nay, các nỗ lực lý luận của Đảng để cổ vũ cho khái niệm NNPQXHCN vẫn chưa hoàn chỉnh. Đảng chỉ lo nâng cao vai trò của tư bản thân tộc và tạo thành nhóm lợi ích chi phối toàn bộ các hoạt động kinh tế, một hình thức tư bản nhà nước.

Nhìn chung, khái niệm NNPQXHCN có các điểm nghịch lý chủ yếu:

Đảng đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp và luật pháp để điều khiển toàn bộ mọi hoạt động của nhà nước. Đảng tuyên bố là người dân có thẩm quyền tối thượng để quyết định vận mệnh của đất nước, nhưng Đảng lại nhân danh dân chúng mà sử dụng quyền này. Người dân chưa lần nào tham gia một cuộc trưng cầu dân ý mà chỉ đi bầu Quốc hội theo đúng thủ tục Đảng cử Dân bầu.

Hiến pháp là một bản sao nghị quyết của Đảng. Nhà nước cũng không tự đặt mình trong khuôn khổ của luật pháp. Lòng dân, ý chí của nhà nước và quyền tối thượng của Quốc hội phải tùng phục với ý chí lãnh đạo độc tài của Đảng.

Toàn dân có nhiệm vụ phải tuân thủ Hiến pháp, mà không có quyền phản biện như một tố quyền hiến định vì Hiến pháp không công nhận vai trò đối lập trong sinh hoạt chính trị.

Nhiệm vụ của người dân không gì khác hơn là phải đóng thuế cho Đảng và nhà nước sử dụng. Vì không có luật Đảng, nên Đảng không cần đăng ký sinh hoạt theo luật định, nhưng lại có được một số lượng kinh phí khổng lồ để nuôi bộ máy và không ai có quyền kiểm soát.

Trong hoàn cảnh hỗn loạn của một xã hội vô luật pháp hiện nay, khái niệm NNPQXHCN chỉ mang lại một thực trạng thương đau và ô nhục.

Thương đau vì Việt Nam không có biểu tượng tiến bộ nào trong việc xây dựng dân chủ mà tự do báo chí là thí dụ. Ngày nay, toàn bộ hệ thống báo chí cách mạng không thể hiện được quyền tự do ngôn luận tối thiểu, còn thua xa thời Pháp thuộc, mà không ai dám công khai so sánh.

Nhưng thương đau hơn là dân trí. Hãy nhìn hình ảnh người dân quỳ lạy cảnh sát giao thông ngay trên đường phố để xin được chạy về quê trốn dịch bịnh là điển hình. Khi cảnh sát địa phương tự quyền xâm nhập gia cư dân chúng và cưỡng ép xét nghiệm là một thực tế trái ngược cho việc thực thi dân quyền.

Còn ô nhục nào hơn cho sự công minh của luật pháp khi 3000 cảnh sát cơ động được huy động giữa đêm khuya ở Đồng Tâm để công khai sát hại một đảng viên trung kiên trong một vụ tranh tụng đất đai mà chưa có án tòa?

Các thực trạng này chưa hề xảy ra tại bất cứ một nước nào trên thế giới, nhưng chứng minh cho thấy là trong ánh sáng văn minh của thế kỷ XXI, bạo lực cách mạng Việt Nam toàn thắng và hệ thống pháp luật là không hiệu lực. Còn có mấy ai hy vọng được gì về việc cải cách luật pháp cho đất nước?

Vẫn còn có một số người, dù không phải là toàn dân, nhưng luôn tự hào với những thành tựu Đổi mới, trong đó có việc xây dựng hệ thống luật pháp XHCN.

Dĩ nhiên, trong việc xây dựng nền tảng, Việt Nam đã có những thành tích nhất định, đáng kể nhất là 95 trường Luật và các học viện ra đời và cho đến nay đào tạo được 11.607 luật sư đang hành nghề và 4.000 đang thực tập. Luật sư đoàn đã đi vào hoạt động kể từ năm 2009.

Theo kế hoạch dự trù, Việt Nam sẽ hợp tác các đại học quốc tế để đào tạo 10.000 tiến sĩ Luật và 3.000 tiến sĩ Luật trong nước cho tương lai.

Nếu so với các nước phương Tây, trong một đất nước với hơn 94 triệu dân, thì một đội ngũ như vậy cho Việt Nam là còn quá khiêm tốn, nhưng cũng là một hy vọng khởi đầu, nhất là khi luật giới đang từng bước trưởng thành và đóng góp tích cực về chuyên môn.

Nhưng thực tế gây thất vọng hơn vì có nhiều lý do khác.

Một là, về cơ chế tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo độc quyền quản lý và kiểm soát mọi hoạt động. Các đại học không có quyền soạn thảo các chương trình giảng dạy cho phù hợp với thực tế, điển hình là học thuyết Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh không còn có thể áp dụng cho môi trường luật pháp đang được toàn cầu hoá và cần hợp tác quốc tế.

Hai là, các đại học thu lệ phí của sinh viên, nguồn thu nhập đạt đến khoảng 70%, do đó, không đáp ứng nhu cầu trang trải cho nghiên cứu học thuật và trang bị công nghệ hiện đại.

Ba là, tinh thần Đảng trị toàn diện trong các sinh hoạt đại học, mà hậu quả nghiêm trọng là kềm hãm mọi tiềm năng phát triển.

Ba lý do này giải thích tại sao các trường đại học luật Việt Nam không thể lọt vào các bảng danh mục 1000 các đại học tên tuổi quốc tế, không có các công trình nghiên cứu gây được tiếng vang, các luật sư không tham gia được các vụ tranh tụng quốc tế và các học giả không có mặt tại các diễn đàn quốc tế.

Nếu đã không phát triển ảnh hưởng trong các phạm vi quốc tế, thì ngay trong nước, các luật sư đang hành nghề cũng không gây được thành tích.

Ở đâu cũng vậy, luật sư là một nghề cao quý trong xã hội vì đem lại công bình cho người dân cô thế. Thật ra, ở Việt Nam, đấu tranh chống độc tài và mang lại công lý cho xã hội không phải là lý tưởng cao cả và mục tiêu trực tiếp mà toàn thể các luật sư hằng ấp ủ.

Cụ thể là trong 11.607 luật sư đang hành nghề, có mấy người can đảm biện minh cho tính cách vi hiến của điều 4 HP và các điều 79, 88, 258 BLHS? Đa số còn im lặng vì muốn yên thân và tham gia tranh tụng là để chạy án cho thân chủ được “tai qua nạn khỏi”, một thủ thuật mà không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng chuyên môn.

Dù dễ dàng như vậy mà các luật sư cũng còn gặp khó khăn vì không có tự do cho mọi hoạt động nghề nghiệp. Một số vẫn còn bị công an địa phương cản trở khi tiếp xúc thân chủ, bị dùng súng kè ra khỏi phòng xử án, tịch thu máy vi tính và không cho phép tranh tụng trước toà. Đó là một thực trạng quen thuộc mà luật sư còn không dám công khai tranh đấu cho chính mình, thì làm sao họ tìm ra ánh sáng công lý cho dân chúng.

Còn Luật sư đoàn, một tổ chức lo bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp, làm gì trước tình huống này?

Đoàn là một loại mô hình trang sức tốn kém, nhưng bị Đảng khống chế toàn diện, nên không thể hỗ trợ cho các luật sư tranh đấu. Trong các buổi họp của Đoàn, lãnh đạo Đảng đến để tôn vinh “Bác Hồ“ và dạy dỗ về uy lực của Đảng quyền cho các luật sư phải tuân phục. Đặc điểm này không thể tìm thấy bất cứ nơi Đoàn nào trên thế giới.

Triển vọng

Do đó, một triển vọng để thay đổi là Đảng và Bộ phải chấp nhận quy chế tự trị cho Luật sư đoàn, đại học và tự do cho hoạt động nghề nghiệp.

Nếu cải cách đạt được, đại học sẽ có tự do giảng dạy, tạo điều kiện phát triển bộ máy, gia tăng phẩm chất đào tạo và nghiên cứu học thuật.

Vì thiếu can đảm tranh đấu cho chính mình, nên các Luật sư cũng không có thể làm được gì nhiều cho dân trí tiến bộ hơn. Do đó, thảm cảnh của dân chúng quỳ lạy cảnh sát và công an vi phạm nhân quyền sẽ còn tiếp tục.

Nhờ “chiến công hiển hách“ trong hai vụ Trịnh Xuân Thanh và Lê Đình Kình, việc sử dụng bạo lực cách mạng của Đảng sẽ luôn “ổn định và toả sáng“.

Tóm lại, hy vọng về việc một nhà nước pháp quyền nghiêm minh, một chính quyền liêm chính và một đội ngũ luật sư tận tụy để cùng chung lo xây dựng cho một Việt Nam tương lai, là quá mong manh.

Bài liên quan: Tinh thần thượng tôn luật pháp; Hiến pháp Việt Nam: Thực trạng, nguyên nhân vả giải pháp

Bình Luận từ Facebook

13 BÌNH LUẬN

  1. Thoạt đầu Cộng sản hô hào là dùng bạo lực cách mạng chuyên chính để thay đổi xã hội và cho là luật pháp là phương tiện của giới tư sản để bóc lột công nhân và duy trì bất công xã hội. Về sau, Cộng sản thấy là không thể dùng bạo lực cách mạng để đạt mục tiêu và còn phải sống chung với giới tư sản nên mới đề ra chuyện tư sản và vô sản trong luật. Tại Việt Nam, chuyện đóng cửa trương Luật miển Bắc năm 1954 các trường Luật miển Nam sau năm 1975 là một thí dụ.

  2. Hề… hề…, Tịt Pẹ…., ở cái thời mà TS Luật học (tốt nghiệp ở tận Paris cơ đấy) Cù Huy Hà Vũ còn chết ngắc vì vụ án HAI BAO CAO SU, thì, bàn về PHÁP QUYỀN, PHÁP LÝ hoặc DÂN CHỦ hoặc ĐÀO TẠO THÊM NHIỀU LUẬT SƯ…., có hợp thời không?

    • Không thể hỏi “có hợp thời hay không” được bác ạ . Tết người ta vẫn mua Mai, Đào & các loại hoa về trưng . Người mình bình thường còn thế, người giàu có thì lúc nào cũng có hoa, tranh hay những thứ gì đó làm không khí sống đẹp hơn . Đảng cũng cần luật sư, cần trí thức, nhà báo … Vừa làm kiểng, vừa làm trang sức đỏm dáng, lại đôi lúc có công dụng như chó giữ nhà nữa . Không thiếu những trí thức lo lắng tới ngân sách của Đảng, cả RFA cũng lo nữa . Chó này lại không cả dám ẳng . Và tiền chắc chắn rẻ hơn nuôi German shepherds. Tớ mà như Đảng cũng nuôi 1 mớ nhà này nhà nọ cho vui cửa vui nhà, và cho những người khác cứ tưởng lè lưỡi. Nhưng nghe lời tụi chó kiểng phải đầu tư & phát triển cái gì … Có họa là ngu lắm . But then, Đảng Cộng Sản các bác . Cái gì hổng thể xảy ra ngoài này, về tới Việt Nam … Hãy đợi đấy .

    • “Cù Huy Hà Vũ còn chết ngắc vì vụ án HAI BAO CAO SU”
      Ông Vũ ra khỏi Việt Nam không có gì là chết ngắc và cũng không liên hệ gì đến vụ hai bao cao su hay vấn đề khái niệm NNPQ. Đây là một sự thoả thuận ba phía, ông Vũ đồng ý ra đi theo sự thảo thuận ngoại giao của hai chính phủ Việt-Mỹ. Thảo luận nghiêm túc một vấn đề luật học thì lúc nào cũng họp thời và cũng không cần dùng đến ngôn ngữ Đan Mạch để tô điểm cho đậm đà trong việc khai dân trí.

  3. Rechtsstaat là một khái niệm tiếng Đức khi được dịch sang tiếng Việt thì nên dịch là “Nhà nước pháp quyền”, bởi lẽ, Nhà nước ấy ( không dính dáng tới chính phủ, mà thực chất nằm trên chính phủ) được điều hành bởi hệ thống luật pháp đang được thực thi . Trong đó, luật cơ bản (Grundgesetz) Hiến pháp là sợi dây xuyên suốt của hệ thống pháp luật, nghĩa là các bộ luật chi tiết, thí dụ Bộ luật Hình sự , phải tuân thủ các điều kiện và ràng buộc của Hiến pháp . Do vậy , những điều luật nào không tuân thủ các điều kiện ràng buộc của Hiến pháp phải bị vô hiệu hoá .
    Như vậy, khái niệm “Rechtsstaat” không giới hạn “Xã hội Chủ Nghĩa” hay “Tư bản chủ nghĩa”.
    Cũng tương tự như vậy, ta không thể coi “Đảng Cộng sản Việt nam” giống như “Đảng Dân chủ Đức SDP”, mặc dù cả hai đều theo Slogan “Soziale”, vì tư tưởng , đúng ra phải nói là Hệ tư tưởng (vì đó là phương thức để đạt tới mục tiêu điều hành XH). Trước đó, do ảnh hưởng của học thuyết Marx, SPD cũng đã từng lấy Marx làm cơ bản cho các lí luận Chính trị và XH cho tới khi chứng minh được rất rõ ràng rằng, Marx sai lầm trong các nhận định về các mối liên hệ trong XH và quan hệ lao động giữa các thành viên trong XH . ( Ở đây chỉ nói tới khía cạnh quan hệ XH, chứ không đề cập tới ‘phương cách’ xóa bỏ phân cấp XH cũng như sự bất công trong việc phân chia các thành quả lao động trong XH của Marx), thì SPD đã chính thức “chia tay” với Marx (khoảng thập niên 60). Sự áp đặt XH phải sống theo một “khuôn mẫu” định trước do nhà cầm quyền đặt ra ( ở đây là do ĐCS đặt ra, mà điều bốn HP đã ‘đóng đinh’) không thể gọi là “XHCN” như họ tự xưng, vì thực tế, XH không có khả năng điều khiển họ , mà là họ đã “điều khiển XH”. Đó chính là sự khác biệt của “XHCN” với “Xã Hội Dân chủ” . Trong XH dân chủ , thì XH quyết định đường hướng chính trị của một Đảng phái, chứ không thể ngược lại .
    Diễn đạt rõ ràng hơn nữa, thì có nghĩa, một Quốc gia (nơi bao gồm các nhóm XH khác nhau) được quyền cho phép hay cấm đoán một Đảng phái nào đó được hoạt động hay không. Nếu không đạt được khả năng này, thì có nghĩa , Quốc gia đó đang bị Đảng chính trị nào đó lũng đoạn và tiếm quyền .
    Do vậy, khái niệm “Pháp quyền XHCN”,theo tôi, là một khái niệm vô nghĩa và ngớ ngẩn . Nó được đặt ra để ngụy biện cho hành vi tiếm quyền của ĐCS Vietnam đối với dân tộc Việt (trong liên hệ “Quốc gia Việt nam”).

    • Có nhiều lý do để giải thích tại sao các Đảng Dân Chủ Xã Hội tại Tây Âu nói chung là không theo Xã hội Chủ nghĩa.
      Từ những năm của 1960, các gia đình đông con tạo ra một thế hệ thanh niên mới (baby bommers). Đến năm 1970, 1/3 giới trẻ đều có trình độ đại học. Cả hai yếu tố này tạo ra một hiện tượng cách biệt giửa hai thế hệ về các giá trị xã hội.
      Trong khi các bậc phụ huynh đã quen sống thống khổ trong cảnh suy thoái kinh tế thế giới vào năm 1930, thăng trầm của phong trào quốc gia cực đoan theo chủ nghiã xã hội, Đệ nhị Thế chiến và bành trướng quyền lực của Phong trào Cộng sản Quốc tế do Liên Xô lãnh đạo, thì giới trẻ được sinh ra trong một bối cảnh thịnh vượng hậu chiến bắt đầu hình thành và giai cấp trung lưu lần lượt chiếm nhiều ưu thế trong mọi sinh hoạt xã hội.
      Giới trẻ hậu chiến tự cho mình không phải là thành phần của giai cấp công nhân bị bóc lột trong một xã hội công nghiệp theo suy luận của Karl Marx, mà là thuộc cánh tả tân thời, một lực lượng gồm có sinh viên, thanh niên, trí thức, chuyên gia và công nhân. Tất cả cùng muốn làm thay đổi giá trị xã hội.
      Họ không còn tin theo các kinh điển của Mác Lê Nin và cho là các Đảng Cộng Sản lổi thời. Giới trẻ có một cái nhìn lạc quan khác về sự đe doạ của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và mang một nhãn quan đạo đức về ý nghĩa của hoà bình. Với chính sách ngoại giao của Mỹ, họ cho là một chính sách của đế quốc và trật tự xã hội Mỹ mà họ đang sống là thuộc về tư bản chủ nghiã.
      Do lý tưởng này mà các Đảng Dân chủ Xã hội Tây Âu vẫn mang tinh thần chống Mỹ và chống chiến tranh Việt Nam, nhưng sau đó lại tỉnh mộng và quay sang giúp người Việt tỵ nạn.

      • Thời đó (1968), người ta không chống Mỹ, mà người ta “chống chiến tranh”. Liên Bang Sô viết cho tới lúc ấy là kẻ thù của Phương Tây ( chiến tranh lạnh). Do đó, không có chuyện “tỉnh mộng” !
        Đảng SPD Đức luôn luôn là ”
        Sozialdemokratische Partei Deutschlands 🇩🇪”.
        Và chủ nghĩa tư bản vẫn luôn là một phần của nền kinh tế phương Tây, kể cả nền KT Đức ! Do đó, kết luận rằng giới trẻ Đức phản đối Chủ nghĩa tư bản là một kết luận vội vã và thiếu hiểu biết !
        Các đảng XH Dân chủ tại các nước phương Tây không hề đòi hỏi phải “xoá bỏ chủ nghĩa tư bản”. Chính vì vậy, SPD sau khi nhận ra sự sai lầm của Lý thuyết Marx Engel (ở đây chỉ bàn tới quan niệm của Marx về quan hệ giữa giới chủ nhân vs giới lao động), đã không áp dụng các lập luận của Marx về XH trong đường hướng chính trị của Đảng !
        Nước Mỹ cũng không hoàn toàn còn là “chủ nghĩa tư bản”, mà đã tiến thêm bước rất dài khi xây dựng một nền Dân chủ thật sự cho mọi tầng lớp XH, bất kể màu da, tôn giáo . Và điều này, đáng tiếc một phần lớn người Việt thế hệ trước (thế hệ di tản từ 1975 sang Mỹ) không nhận biết rõ nên luôn cho rằng , Đảng Dân chủ (của Joe Biden) là CS. Chính vì không nhận biết được thế nào là Dân chủ, Thế nào là Cộng sản nên họ đã vô tình cổ vũ cho độc tài và những kẻ phá hoại nền dân chủ ( Trump là một điển hình của kẻ phá hoại nền Dân chủ Mỹ)

  4. Những bài của “tiếng dân” nói thẳng bản chất của chế độ và đảng ở Việt Nam, đáng quý !
    Nhưng bao nhiêu người (đếm được) đọc nó ?
    Và bao nhiêu người trong số đó suy ngẫm và cải thiện đc nhận thức – ít nhất cho chính mình – chứ chưa nói có lời nói hay hành vi gây ảnh hưởng cho xhvn ?
    Đảng csvn vẫn, đang “chiến thắng” toàn diện dân tộc Việt Nam !
    …. Cái đêm ấy, đêm dài của dân tộc Việt Nam, cái đêm gì…?

    • Nhận xét của bạn rất chính xác và đáng buồn cho tương lai văn hoá Việt Nam. Không ai có thể làm gì khác hơn khi thời gian trôi lặng lẽ, giáo dục ngu dân tiếp tục làm lạc hướng, nên giới trẻ không được tiếp nối một tinh thần trí thức liêm khiết và dấn thân như các thế hệ thời trước. Hiện nay, chúng ta không còn có thể đào tạo ra ra được những nhà văn hoá như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh trước đây và về sau như Nguyễn Hiến Lê, Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Văn Bông. Một bất hạnh chung cho những người còn tha thiết với vận mệnh chung của văn hoá dân tộc. “Cảnh đấy người đây luống đoạn trường!”

  5. Tình hình hổng đến nỗi tệ nếu các bác nghe lời Trần Văn Chánh mà thay đổi cách nhìn . Đầu tiên, đây là cái chính quyền mà bất cứ ai từ những gia đình có truyền thống cách mạng cần phải tự hào, coz you created the Đamn thing. Tạo ra cái chính quyền này cũng có nghĩa gia đình các bác & chính mình đã có công trong tiêu diệt cái kia . Why complainin now? Có nghĩa các bác chỉ đứng núi này trông núi nọ . Đảng các bác mà có dựng lại cờ vàng thì các bác sẽ thừa cơ đập tan nó mà thui . Cái chính quyền này rất phù hợp với các bác . Đập chết cái kia, you got no choice but learnin to love cái chính quyền you with.

    “Việt Nam sẽ hợp tác các đại học quốc tế để đào tạo 10.000 tiến sĩ Luật và 3.000 tiến sĩ Luật trong nước cho tương lai”

    Chỉ mong vì chúng ta đang xây dựng nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các đại học quốc tế mà ta hợp tác đào tạo cũng là những trường đại học quốc tế Cộng Sản

    “các trường đại học luật Việt Nam không thể lọt vào các bảng danh mục 1000 các đại học tên tuổi quốc tế, không có các công trình nghiên cứu gây được tiếng vang, các luật sư không tham gia được các vụ tranh tụng quốc tế và các học giả không có mặt tại các diễn đàn quốc tế”

    Nhưng nếu thêm 2 chữ “Cộng Sản” vào các “quốc tế” thì checked, checked, checked & checked.

    “ở Việt Nam, đấu tranh chống độc tài và mang lại công lý cho xã hội không phải là lý tưởng cao cả và mục tiêu trực tiếp mà toàn thể các luật sư hằng ấp ủ”

    Vì những thứ đó -độc tài & công lý- hổng có hiện diện ở VN. Cant fight what you cant see. Vả lại, tư duy chung của trí thức nhà mềnh là ủng hộ độc tài cánh hữu, chứ đâu có chống đâu .

    “hy vọng về việc một nhà nước pháp quyền nghiêm minh, một chính quyền liêm chính và một đội ngũ luật sư tận tụy để cùng chung lo xây dựng cho một Việt Nam tương lai”

    Hoàn toàn có thể thực hiện được . Pháp quyền xã hội chủ nghĩa, luật sư xã hội chủ nghĩa, tương lai … about to say xã hội chủ nghĩa, its gonna be a stretch nếu hòa giải hòa hợp dân tộc không thành công để đi tắt đón đầu, thì cuối thế kỷ sau không chắc đã đạt được chưa .

    “Đa số còn im lặng vì muốn yên thân”

    Không nên đòi hỏi nhiều ở họ, lại càng không nên trách họ . Bác đòi hỏi họ như thế nhưng có người cũng xem bác chỉ nói trong mức độ an toàn vì cũng chỉ muốn yên thân . Gà cùng yêu Đảng & muốn yên thân hổng nên chê trách lẫn nhau .

  6. “Nhà Nước pháp quyền” là thuật ngữ khoa học của ngành Luật. Cộng Sản VN buộc phải sử dụng, nhưng chúng cố ý chia thành hai loại:
    – “Nhà Nước pháp quyền” đúng nghĩa (chính xác, lành mạnh) thì chúng gọi là Nhà Nước pháp quyền “tư sản”
    – Còn Nhà Nước pháp quyền (rất lố bịch và phản động) thì chúng gọi là Nhà Nước pháp quyền “xã hội chủ nghĩa”

    Nhiều khái niệm khác cũng bị CS chia thành hai loại như trên (tư sản và XHCN). Chuyện chỉ có vậy thôi

    • Thoạt đầu Cộng sản hô hào là dùng bạo lực cách mạng chuyên chính để thay đổi xã hội và cho là luật pháp là phương tiện của giới tư sản để bóc lột công nhân và duy trì bất công xã hội. Về sau, Cộng sản thấy là không thể dùng bạo lực cách mạng để đạt mục tiêu và còn phải sống chung với giới tư sản nên mới đề ra chuyện tư sản và vô sản trong luật. Tại Việt Nam, chuyện đóng cửa trương Luật miển Bắc năm 1954 các trường Luật miển Nam sau năm 1975 là một thí dụ.

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây