Một người bạn đã đi xa

Nguyễn Thùy Dương

5-2-2022

Tôi người đạo Phật, những chuyến đi xa tới đồng bào dân tộc lại quen biết toàn người đạo khác. Năm ấy, lần đầu tiên tôi đến với biên giới ở KonTum, đón tôi là hai cán bộ địa phương, một người đàn ông trẻ tuổi, chỉ độ hơn tôi một xíu và hai người đàn ông luống tuổi.

Người đàn ông trẻ đó chính là Linh mục Trần Ngọc Thanh bị sát hại mấy ngày gần đây. Tôi xem Linh mục Thanh như một người bạn, tôi ngoại đạo nên không hiểu nhiều về tổ chức của người Công giáo. Ấn tượng của tôi về anh Thanh rất tốt, anh Thanh khiêm tốn, hiền lành. Anh có trình bày rằng giáo dân ở gần biên giới muốn có nhà thờ, nhưng chưa xây được. Tôi có đôi lời tư vấn, anh muốn làm nhà thờ thì lui vào trong, khu vực biên giới phức tạp, khó sinh hoạt tôn giáo lắm. Nhất là anh ở gần ngã ba Đông Dương.

Anh nói chuyện với tôi về người lao động, về bọn trẻ dễ thương, về nhiều ước mơ cho cuộc sống người dân Bờ Y được tốt hơn. Thật sự, anh đáng trân trọng vì những suy nghĩ quá đẹp, cho tới thực tế đi vào đời.

Năm ngoái, giúp việc của anh Thanh nhờ tôi hỏi xem có ai giúp đỡ được các nhà tạm cho trẻ em dân tộc hay không? Các em đi học, nhà xa lắm, ăn ở lại không đủ điều kiện, mà cứ đi về khó khăn thì các em bỏ học. Tôi kêu cứ gửi danh sách, tôi kết nối giúp. Danh sách gửi đến, anh Thanh làm tôi hơi sững lại, danh sách không chỉ bao gồm các nhà ăn của các sơ tự lập mà còn có nhà ăn của các trường học khó khăn gần đó. Tôi hiểu, anh Thanh không chỉ lo cho tôn giáo mình, anh đủ thương xót cho trẻ em khó khăn ở nhiều nơi.

Kết quả của đợt kết nối là không ai chịu hỗ trợ các nhà ăn tự phát của các sơ vì không có giấy chứng nhận. Anh Thanh vẫn nhờ các giáo dân giúp việc cố đưa các ân nhân đến các trường học chính khi họ có lòng tài trợ. Tới giờ, tôi vẫn áy náy vì không trọn lần đó.

Trước khi mất, vào đợt dịch, anh Thanh có nhắn nhờ tôi giúp mở một tủ sách, hoặc kết nối hay xin sách cũ cũng được. Tôi có nói, muốn mở tủ sách thì vấn đề không chỉ vận động tiền, mà còn lập danh sách đầu sách, trình cho An ninh địa phương, Mặt Trận Tổ Quốc, Phòng Giáo dục… Sau khi họ duyệt hết, mới có thể đặt tủ sách. Và phải có người trông coi tránh việc bị nhét vài cuốn sách tuyên truyền vào thì hỏng hết.

Tôi vẫn chưa kịp giúp anh kết nối, vẫn chưa kịp một cái gì cả.

Đêm đó, giáo dân nhắn cho tôi: Cha Thanh nói chuyện với em lúc em lên Bờ Y bị chém đưa vào viện rồi. Lát sau là tin báo anh qua đời. Nhìn bảng phim chụp hình của anh khiến tôi rợn người. Tôi gọi cho giáo dân Bờ Y thì hay anh vừa chuyển đi giáo phận khác cách nơi cũ không xa 10 hôm thì gặp nạn. Đối tượng gây án tại địa phương tâm thần không được bình thường. Thường xuyên bất kính cha mẹ, thậm chí, có lúc cấm cha mẹ đi lễ. Đối tượng thường gây khó dễ cho cha mẹ anh em trong cuộc sống.

Ngay sau khi đối tượng gây án, giáo dân và cả dân không đạo bao vây nhà của đối tượng, công an phải đến giữ trật tự đồng thời đưa đối tượng gây án đi. Nhưng sau đó, sự tức giận của người dân khu vực đó vẫn không hạ nhiệt. Phải qua mấy ngày sau, vừa cán bộ địa phương, vừa các Linh mục phía trên xuống an ủi, nói chuyện thì dân mới bớt bức xúc, tình hình ổn định.

Giúp việc của anh Thanh cho hay, cho tới khi rơi vào hôn mê, anh chỉ nói có một câu duy nhất: Hãy tha thứ cho họ.

Duyên lành được quen biết anh Thanh đối với tôi là một điều tốt đẹp. Nguyện cho anh tới được với nơi anh muốn đến.

***

Qua Tết, tôi sẽ kết nối cho tủ sách ở nhà nguyện Bờ Y nếu còn có thể. Tôi cũng xin thêm sách cũ cho các em có thêm cái để đọc và làm phong phú tủ sách. Anh Thanh không còn, mong rằng ước nguyện tốt đẹp của anh sẽ được thực hiện. Lưu ý: tôi chỉ nhận sách, không nhận tiền, cả sách cũ lẫn mới. Chia làm đôi cho hai nơi khác nhau.

Không cần là tôi, nếu anh chị nào hoặc nhóm bạn nào có khả năng từ khoảng 50-100 triệu đồng đều có thể đứng ra tài trợ mở tủ sách, tôi sẽ kết nối trực tiếp anh chị với các người giúp việc, với bên có kinh nghiệm mở tủ sách để cùng hướng tới điều tốt đẹp.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thi sĩ: BÙI CHÍ VINH

    Mùng 3 Tết cái chết của linh mục Giu Se Trần Ngọc Thanh vẫn còn ám ảnh
    Một người công chính nhất Kon Tum bị những nhát chém vào đầu
    Tội nghiệp cho thị trấn Plei Kần và đám trẻ thơ bất hạnh
    Ánh sáng cuối đường hầm giờ tìm kiếm nơi đâu

    Khi hai từ “đồng chí” nổi lên, người ta quên mất chữ “đồng bào”
    Quên mất bên đạo bên lương, quên mất tình Nam nghĩa Bắc
    Người ta mở miệng ra bằng súng, bằng dao
    Giá trị của đồng tiền cao hơn nước mắt

    Người ta có thể moi cứt mũi để ăn bằng trò chơi kit test
    Người ta có thể bóc lột núm ruột tha hương bằng máy bay giải cứu thần kỳ
    Tỷ tỷ đô la người ta coi như rác
    Trong khi kinh tế nước nhà đang chống nạng tập đi

    Cái chết của vị linh mục hiền lành rồi sẽ bị cách ly
    Như đã từng cách ly bằng lockdown, bằng trại tập trung, bằng hủ tro hủ cốt
    Riêng trận đá banh thắng Tàu sẽ được bơm tận chín tầng mây
    Để quên nỗi nhục đảo Hoàng Sa bị cướp

    Mùng 3 Tết làm bài thơ diệt ác
    Không cứu nổi chính ta, không cứu nổi đồng bào
    Cái chết của vị linh mục thiên thần vẫn còn ám ảnh
    Trên đầu ta như cắm phập một chuôi dao …

    Nguồn mạng!

  2. Một số đông linh mục không khuất phục bạo quyền, không đội nón cối vào lăng viếng người không ra gì thì dù có tâm nhưng lực bất tòng. Ngày bào cái đảng súc vật này xuống mồ cùng với Nguyễn Phú Trọng thì tình hình sẽ khá hơn.

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây