‘Thống nhất’? Vì sao… khó?

Blog VOA

Trân Văn

20-1-2022

Đề nghị của các thành viên trong Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam: Chính phủ cần có chỉ đạo để đạt được sự thống nhất về quy định phòng dịch khi dân chúng về quê đón Tết âm lịch với gia đình… làm thiên hạ… mắc cười!

Việt Nam đã trở thành một quốc gia thống nhất cách nay 47 năm nhưng tình trạng khác biệt trong thực thi công quyền giữa trên với dưới càng lúc càng trầm trọng, đặc biệt là từ khi COVID-19 bùng phát thành đại dịch.

Xem tường thuật cuộc họp mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức để nghe Ban Dân nguyện trình bày “Báo cáo về công tác dân nguyện” ắt sẽ thấy, tại Cộng hòa XHCN Việt Nam, luật pháp là… giấy lộn và công dân chẳng khác gì… “con sâu, cái kiến” (1)!

***

Trong cuộc họp ấy, ông Hoàng Thanh Tùng – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, nhắc lại chuyện chính phủ rồi Bộ Y tế đã yêu cầu chính quyền các địa phương không được buộc dân chúng xét nghiệm khi cần đi lại. Chính quyền các địa phương chỉ được yêu cầu xét nghiệm khi có ai đó đến từ “vùng đỏ” (vùng có tỉ lệ lây nhiễm rất cao). Khi đi từ vùng này đến vùng khác dân không phải cách ly tập trung mà chỉ cần cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú… nhưng vẫn theo lời ông Tùng: Trên thực tế, khi có dân từ nơi khác về quê, mỗi địa phương thực hiện một kiểu, không thèm bận tâm người từ nơi khác về quê đã chích vaccine hay chưa, chích mấy mũi. Thậm chí có nơi như Thái Bình còn mang khóa đến khóa cửa, nhốt gia đình có người từ “vùng đỏ” trở về tới bảy ngày, khiến gia đình này phải nhờ người mua giúp thực phẩm!

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam, kể thêm những điều ông ta “mắt thấy, tai nghe” từ việc đi thăm, tặng quà Tết cho người thiểu số: Từ bản này sang bản kia vẫn có rào chắn. Nhiều nhóm lao động phi chính thức, thậm chí cả lao động có hợp đồng làm việc ở các thành phố cũng phải về sớm để hoàn tất yêu cầu cách ly tại gia đủ bảy ngày. Giống như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam – khẩn khoản… đề nghị… chính phủ… quan tâm – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam cũng… đề nghị: Chính phủ cần có chỉ đạo tổng thể. Nếu không thì người lao động có quê ở miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số sẵn sàng không nhận lương dịp này để được về quê ăn Tết!

Ông Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đề cập tới một vấn đề khác cũng liên quan đến dịch và sự kiện Tết âm lịch đang cận kề: Chính phủ và chính quyền các địa phương cần có giải pháp để hỗ trợ công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp về quê đón Tết an toàn. Ông Bình nhắc thêm: Do chưa có sự nhất quán trong việc chi trả chi phí xét nghiệm cho người lao động, nên xảy ra tình trạng công nhân phải xét nghiệm COVID-19 nhiều lần và chi phí cho tất cả những lần xét nghiệm đó đều bị trừ vào lương. Tại một số địa phương, việc thanh toán chi phí, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động bị nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà đang có vướng mắc vì thiếu “giấy nghỉ ốm”...

Cuối cùng, theo báo chí Việt Nam, ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội, nhất trí cao với những… đề nghị đã dẫn và kết luận: Cách ứng xử của các tỉnh đối với người dân về quê ăn Tết đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết

***

Về lý thuyết, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhất ở Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ngoài lập hiến, lập pháp, Quốc hội còn là nơi quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của quốc gia, đồng thời giám sát hoạt động của nhà nước, chính phủ.

Tuy nhiên giống như trước, cho dù “mắt thấy, tai nghe” hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương hành xử bất nhất trong việc ngăn ngừa đại dịch, làm khó công dân về quê đón Tết, song từ Chủ tịch Quốc hội đến các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rụt rè thay dân kể khổ và thỏ thẻ… “đề nghị”! Không ai dám chất vấn tại sao lại thế, cũng chẳng có ai dám yêu cầu chính phủ phải hành động ngay lập tức để chấm dứt cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này và xác định trách nhiệm để xử lý.

Đáng ngạc nhiên, dù Việt Nam là xứ sở có… quốc pháp nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam không hề bận tâm đến việc chính quyền một số địa phương như Thái Bình, mang khóa tới khóa cửa ra vào tư gia của gia đình có người trở về từ “vùng đỏ” là chà đạp cả hiến pháp lẫn pháp luật. Dân không phải gia cầm, cũng chẳng phải gia súc, tại sao chính quyền các địa phương dám làm như vậy suốt từ năm ngoái (2) đến năm nay (3)?

Câu trả lời nằm ở chỗ ngay cả các thành viên chủ chốt của Quốc hội như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng xem đó là… bình thường, thậm chí… tất nhiên! Chắc chắn chỉ ở Việt Nam mới có chuyện người đứng đầu bộ phận đặc trách về pháp luật của cơ quan dân cử ở cấp cao nhất, không những không phản đối việc chà đạp các quyền căn bản của công dân mà còn biện bạch giúp cho bạo hành hành chính: Có thể lãnh đạo cơ sở sợ dịch bệnh lây lan nhưng biện pháp hơi quá, không thống nhất

Dẫu thực tế cho thấy, chủ trương “truy vết, cách ly, cô lập”, thực thi “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, buộc “xét nghiệm thần tốc trên diện rộng và… thần tốc hơn nữa” hồi năm ngoái vừa xâm hại nhân quyền, vừa là sai lầm nghiêm trọng mà đến giờ vẫn chưa thể khắc phục được hậu quả về kinh tế – xã hội, đặc biệt là hậu quả về sinh mạng – khiến 20.000 người Việt mất mạng nhưng chính phủ không xin lỗi, Quốc hội cũng không xem đó là vấn đề cần điều tra, truy cứu trách nhiệm.

Có đại biểu Quốc hội nào thấy rằng cần xem lại việc phá cửa, xông vào tư gia cưỡng bức xét nghiệm như ở Bình Dương (4) để buộc các viên chức xâm phạm thân thể, xâm phạm chổ ở công dân phải bồi thường thiệt hại? Có đại biểu Quốc hội nào yêu cầu tái thẩm những bản án đã tuyên – phạt tù bà Hoàng Thị Hồng ở Nghệ An (5), ông Nguyễn Hoàng Suốt ở An Giang (6),… chỉ vì họ phản kháng, từ chối cưỡng bức xét nghiệm COVID-19?… Chẳng có đại biểu nào như thế cả!

Khi các đại biểu Quốc hội – những cá nhân mà về lý thuyết là được dân cử làm đại diện cũng… khinh dân thì tới… thiên thu, hệ thống công quyền vẫn tiếp tục bất nhất khi đối xử với dân trong tất cả mọi chuyện chứ chẳng riêng lúc cần ngăn ngừa đại dịch!

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/de-nghi-chinh-phu-chi-dao-thong-nhat-dieu-kien-ve-que-an-tet-4417913.html

(2) https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-ngo-hon-chuc-ho-dan-bat-ngo-bi-khoa-trai-ma-khong-thong-bao-20210908183416447.htm

(3) https://vnexpress.net/ho-dan-bi-khoa-cong-7-ngay-vi-ve-tu-vung-do-4417883.html

(4) https://www.phunuonline.com.vn/cong-an-canh-sat-co-dong-pha-cua-cuong-che-nguoi-dan-di-test-covid-19-a1447017.html

(5) https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/qua-trinh-chong-doi-cach-ly-tap-trung-cua-f1-o-nghe-an-dan-toi-viec-bi-khoi-to-770322.html

(6) https://angiang.toaan.gov.vn/webcenter/portal/angiang/chitiettin?dDocName=TAND188563

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “‘Thống nhất’? Vì sao… khó?”

    Không khó vì cách núi ngăn sông, núi liền núi mà sông thì liền sông, mà khó vì lòng người cách trở, không đồng thuận . Đã vậy, nhiều tư tưởng tưởng là đã bị cách mạng đập tan, được mùa Đổi Mới lại ngo ngoe ngóc đầu dậy, như chủ nghĩa dân tộc cực đoan & chủ nghĩa chống Cộng . Một nhà báo 5C nhột quá cũng nói chệch đi là “… đỏ”. Báo tuyên giáo có bài cảnh giác các “ngụy giá trị”, too little, too late. Bây giờ các “giá trị (của) ngụy” đang mọc lên như nấm sau mưa . Những giá trị đó leo cao luồn sâu vào hàng ngũ Đảng ta nên làm giấc mơ “thống nhất” càng ngày càng trở nên xa vời . Chỉ hy vọng những người đã 1 thời quá đam mê với 2 chữ “thống nhât” vẫn giữ vững ngọn lửa năm xưa .

    Oh, “thống nhất” như nội dung trong bài ? 2 hào của tớ, Việt Nam bây giờ mở cái gì là bục cái đó . Mở rộng dân chủ trong Đảng 1 phát là dẫn tới tình trạng trên bảo, dưới lờ lớ lơ ngay .

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây