Ghi chép thời sự dịch 2021 (Phần 11)

Nguyễn Thông

17-1-2022

Tiếp theo Phần 1 − Phần 2 − Phần 3 − Phần 4 − Phần 5 − Phần 6 − Phần 7 − Phần 8Phần 9Phần 10

Ngày 24.8

Nhiều báo đài lẫn dư luận trên mạng xã hội lên tiếng về chuyện “bom hàng”. Chả là chính phủ, cụ thể Bộ Quốc phòng, điều động rất nhiều binh lính vào Sài Gòn làm nhiệm vụ… chống dịch. Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh lên phây búc úp mở rằng ngoài giúp thành phố dập dịch còn có những trọng trách khác nữa không tiện nói ra.

Bộ đội được giao đủ mọi việc, tham gia trực chốt, canh gác, vận chuyển người chết, giao hài cốt, giữ an ninh trật tự… Ngoài ra, rất nhiều chú bộ đội đi chợ, mua hàng về giao cho dân đang bị nhốt trong khu cách ly. Từ khi dịch bùng nổ đầu tháng 7 tới giờ, Sài Gòn có hàng nghìn khu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” như vậy. Dân, nhất là người ở những khu cư xá cao tầng, không được ra khỏi nhà đi chợ, đành đặt hàng qua mạng, trả tiền trước, nhận hàng sau. Bộ đội căn cứ vào đơn hàng, tới siêu thị (bởi 100% các chợ truyền thống đang bị đóng cửa) mua xong tới từng nhà giao cho dân. Được vài ngày có vẻ không ổn, rồi dậy lên dư luận dân đặt hàng nhưng không nhận, bộ đội gọi khản cổ cũng không thấy ai, đành ôm hàng về. Thịt cá rau cỏ không người nhận nên bị thối, ươn, héo, hư hỏng cả. Người ta gọi đó là bom hàng.

Báo chí mậu dịch phê phán gay gắt, nào là vô ơn, không biết điều, nào là làm khổ chiến sĩ. Bộ đội đã chịu hiểm nguy, gian nan vất vả, lại còn bị gây khó khăn. Bom hàng, thì bộ đội lấy tiền đâu mà đền, dân mình quá tệ… Một vị cục phó Cục Phát thanh truyền hình ở trung ương vào, khi họp nêu đích danh chuyện bom hàng, cho đó là hành động chống phá, gây chia rẽ, cần phải lên án, nghiêm trị, yêu cầu công an điều tra làm rõ, v.v…

Vụ việc căng đến nỗi thủ tướng cũng chỉ đạo công an phải điều tra. Không ai nhanh bằng công an truy tìm thế lực thù địch. Kết quả là không có chuyện ấy, bởi đơn giản hàng đã do người đặt trả tiền, không lấy thì chính mình thiệt, lại đang bị nhốt, giống như giam lỏng, không có gì ăn, bom hàng để chết đói à… Nhiều người bảo, rốt cục chỉ tại cái ông cục phó kia, bom hàng hay không cũng do mồm ông ấy cả.

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt viết trên phây búc bảo lúc dịch dã khốn khổ đã không giúp nhau được thì chớ, chỉ toàn gieo tiếng ác cho dân.

Ngày 13.9

Dịch càng căng, mấy ông lớn càng ăn nói quyết liệt. Ông thủ tướng Phạm Minh Chính, rồi ông phó Đam, ông Tô Lâm, ông Phan Văn Giang… đều yêu cầu mỗi gia đình, mỗi địa phương là một pháo đài, người dân là chiến sĩ. Y hệt thời chiến tranh.

Nhà báo Nguyễn Công Thành, một phó nháy sừng sỏ của báo Tuổi Trẻ phàn nàn thủ tướng nói pháo đài, nhưng pháo lẫn đài chửa thấy đâu, chỉ thấy nhà trường tổ chức học online, sáng nào cũng vậy, rồi cả buổi chiều nữa, nhà cứ như cái lớp học oang oang tiếng cô giáo, ông bà, bố mẹ đến vất vả với kiểu học thì ít mà hành thì nhiều này.

Còn bà Huệ bạn tôi ngoài thủ đô gọi vào, thị chỉ mong pháo đài vỡ để tụi nhóc tới trường, chứ kéo dài thêm vài tháng nữa chắc chết mất.

Ngày 20.9

Một ông ở miền Tây Nam Bộ, nghe dân mạng nói ổng cư ngụ tỉnh An Giang, bút danh Mặc Tuân, tên thật là Trương Minh Hiếu, tự xưng trên phây búc là nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ…, đa tài chả kém cụ Nguyễn Đình Thi khi xưa, đa nhà cũng gần bằng tướng Hữu Ước đang còn sống.

Ông Mặc Tuân khoe vừa viết xong bài hát ca ngợi thủ tướng Phạm Minh Chính, trưng lên phây cho thiên hạ đọc. Đọc xong bài nịnh ca này, mắc cười quá. Nào là “Phạm Minh Chính trái tim của nhân dân”, “Phạm Minh Chính, à ơi, tấm lòng đầy yêu thương”, “Phạm Minh Chính, à ơi, tiếng ca giữa cơn giông”, v.v..

Nhiều người viết trên phây búc, bảo nhau sao nó không biết xấu hổ nhỉ. Lại nhớ thơ ca nhạc họa xứ này đầy những tác phẩm vậy, mới hôm rồi ca ngợi ông Trọng, ông Phúc còn hơn ông trời. Ngượng là ngượng thế nào. Lại có người nhận xét thể chế này hợp với kiểu người ấy, từ hồi ông Lành ông Hoan làm thơ nịnh cơ, chứ không phải chỉ bây giờ.

Ngày 28.9

Báo Tuổi Trẻ rút tít “Người dân TP.HCM cảm ơn, vui mừng khi hàng rào chắn các nơi tiếp tục được tháo dỡ”. Ông anh tôi quăng phẹt tờ báo xuống đất, mắng sao lại phải cảm ơn. Họ lập ra để chắn mình thì lúc không cần nữa họ phải tháo, không mắng cho là may, cảm cảm ơn ơn cái gì. Tôi nhặt tờ báo lên đưa ổng, nói dân mình “ơn đảng ơn chính phủ quen rồi”, không cảm ơn lại thấy thiêu thiếu, kể cả khi họ hành hạ mình.

Ngày 30.9

Ông Vũ Khiêu mất. Già quá rồi, chứ không phải do dịch. Dịch nó cũng không muốn bắt.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây