Một tầng lớp sinh non

Lương Vĩnh Kim

13-1-2022

Doanh nhân Việt Nam là tầng lớp thua thiệt so với doanh nhân nước ngoài về nhiều mặt. Thua về vốn, thua về công nghệ, thua về quản trị, thua về trí tuệ và đặc biệt là thua về văn hóa doanh nhân.

Tâm thư của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh gửi cho ’16 cái gạch đầu dòng’, cho thấy sự nịnh bợ thần thánh này hơn cả những bà lên đồng ‘vái lạy tứ phương’. Nó là đỉnh cao của ‘văn hóa’ nịnh bợ chính quyền của tầng lớp doanh nhân hiện nay.

Tôi có một vài người bạn doanh nhân nịnh bợ quan chức chính quyền một cách lạ lùng. Họ treo hình chụp chung giữa họ với một số ‘ông to bà lớn’ trong phòng tiếp khách, phía trên, ngay sau lưng chỗ ngồi. Hễ có dịp là họ xuất hiện cặp kè bên cạnh nhân vật quan to. Có người thì hầu như ngày nào cũng có mặt ở nhà hàng nào đó để tiếp đãi các công chức, đặc biệt là các công chức đang trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Nhìn cách họ khoe khoang, tiếp đãi quan chức chính quyền, tôi nhận ra một tâm hồn yếu đuối ẩn giấu đằng sau chiếc áo doanh nhân.

Doanh nhân Việt Nam hiện nay là tầng lớp sinh non. Thời kỳ pháp thuộc, tầng lớp doanh nhân Việt Nam rất nhỏ bé. Ở miền Bắc, sau 1954, tầng lớp doanh nhân Việt Nam bị xóa sổ hoàn toàn sau ba năm cải tạo công thương nghiệp. Ở miền Nam, sau năm 1975, tầng lớp doanh nhân cũng bị đánh què, gần như bị tê liêt hoàn toàn, sau các chiến dịch đánh tư sản và cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Từ sau đại hội VI, năm 1986, mới bắt đầu manh nha chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng phải đến sau năm 1990, mới có nhiều người mạnh dạn bỏ vốn ra làm ăn. Thời kỳ từ 1986 đến năm 2000, như là thời kỳ doanh nhân trưởng thành trong bụng mẹ, chưa được khai sinh. Có thể coi ngày 01 tháng 01 năm 2000, luật doanh nghiệp Việt Nam có hiệu lực, là ngày khai sinh tầng lớp doanh nhân Việt Nam mới.

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay là quá ngắn, tầng lớp doanh nhân Việt Nam chưa đủ thời gian để hình thành văn hóa doanh nhân như thế giới phương Tây. Họ không đủ vốn và tri thức để đi vào công nghệ. Họ tích lũy tư bản bằng con đường thân hữu với những quan chức có quyền ban phát nguồn lực quốc gia bằng chính sách và giấy phép. Giấy phép con dẹp hoài mà không hết vì đó là nguồn nuôi sống tư bản thân hữu. Vũ Nhôm tích lũy tư bản nhờ thân hữu với các quan chức nắm nguồn nhà đất, từ chiến lợi phẩm của cuộc chiến tranh. Đất đai thuộc ‘sở hữu toàn dân’ cũng là nguồn đóng góp quan trọng nhất hình thành tầng lớp doanh nhân giàu có hiện nay.

Tầng lớp doanh nhân Việt Nam sinh sau đẻ muộn và là tầng lớp bị sinh non. Phần đông là siêu nhỏ, siêu mỏng, ‘buôn thúng bán bưng’. Một số doanh nghiệp lớn thì hầu hết, hoặc là có bóng dáng nước ngoài thâu tóm, hoặc là có tham gia vào quá trình ăn chia tài sản nhà nước, mà chủ yếu là ăn chia ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân’.

Tầng lớp doanh nhân Việt Nam không đảm đương được sứ mệnh công nghiệp hóa đất nước như tầng lớp doanh nhân Hàn Quốc. Chính sách Công nghiệp hóa đất nước Việt Nam, cho đến nay, là thất bại. Việt Nam không có sản phẩm công nghiệp xứng tầm. Quanh đi quẩn lại chỉ xuất khẩu thô các sản phẩm nông ngư nghiệp. Không cạnh tranh được với nước ngoài bằng trí tuệ, người dân Việt Nam cạnh tranh bằng cơ bắp, với đặc trưng là xuất khẩu lao động tại chỗ. GDP bình quân đầu người Việt Nam có tăng hơn so với trồng lúa nhưng đất nước thì không phát triển.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. “Không có sản phẩm công nghiệp xứng tầm”, tầm gì mà đòi xứng?!?
    Bài viết tìm cách giảm nhẹ, nói tránh bản chất đê tiện của lũ tư bản đỏ thành “sinh non, thiếu văn hóa”.

  2. Nịnh bợ, bưng bô là một nét văn hóa đặc trưng không chỉ của giới doanh nhân mà còn là của giới chóp bu cầm quyền.

    Hãy xem cung cách của những Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Hồng Diên, Chu Ngọc Anh xun xoe với những kẻ bề thế hơn mình sẽ thấy rõ bản tính của loài cộng sản nó ra làm sao.

Leave a Reply to Lambanthesu Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây