Chính đề Việt Nam của Ngô Đình Nhu: Cái nhìn tinh tế và sắc bén về hiểm họa Trung Hoa (Phần 1)

Lê Thiên

10-1-2022

Vào những ngày cuối năm 2021, trang Tiếng Dân có loạt bài đăng nhiều kỳ dưới nhan đề: Biết thêm từ ‘Chính đề Việt Nam’, gồm 8 phần, của tác giả, giáo sư Nguyễn Đình Cống.

Mở đầu loạt bài về Chính Đề Việt Nam, GS Nguyễn Đình Cống xác nhận: “Tôi được biết về ‘Chính đề Việt Nam’ từ rất lâu, nhưng chỉ mới ở dạng các bài giới thiệu hoặc tóm tắt. Gần đây mới có dịp nghiên cứu toàn văn”.

GS Cống cho biết: “Trong những bài giới thiệu, tôi quan tâm nhiều đến bài của GS Tôn Thất Thiện (sinh năm 1924), viết năm 2009 với tựa đề Một Viên Ngọc Quý Trong Kho Tàng Tư Tưởng, Một Đóng Góp Lớn Về Soi Sáng Vấn Đề Phát Triển”.

Theo GS Nguyễn Đình Cống, “GS Thiện là một học giả chuyên nghiên cứu vấn đề phát triển các quốc gia chậm tiến, ông cho rằngChính đề Việt Nam sẽ được coi như là một tác phẩm hết sức độc đáo, một đóng góp lớn, một viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng của nhân loại…, là tài liệu xuất sắc nhứt mà ông đã được đọc trong suốt thời gian gần 70 năm qua’”.

Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng các nhận định cùng những luận bàn của GS Nguyễn Đình Cống về tác phẩm Chính Đề Việt Nam. Ở đây, chỉ xin đưa ra cái nhìn thô thiển về một vài điểm trong cuốn Chính Đề Việt Nam mà chúng tôi đang có trong tay. Sự thật, suốt hơn 350 trang sách Chính Đề Việt Nam, mỗi trang, mỗi dòng, mỗi đoạn, mỗi chương đều hàm chứa tư tưởng sâu sắc, luận cứ sắc bén tỏ rõ sự nhìn xa, thấy rộng của tác giả Ngô Đình Nhu. Chúng tôi hoàn toàn không có khả năng đi sâu vào mọi ngõ ngách của các vấn đề quốc sự mà tác giả Chính Đề Việt Nam đã đưa ra như những lời tiên tri.

Như ghi rõ ở trang bìa, cuốn Chính Đề Việt Nam (Chính Đề Việt Nam) là “tài liệu nghiên cứu dành cho cán bộ quốc gia”. Do đó, nó bao gồm nhiều đề tài về lãnh đạo vừa sâu, vừa rộng. Chúng tôi chỉ tỏ bày ở đây vài suy nghĩ thô thiển về viễn kiến của tác giả Chính Đề Việt Nam trước hiểm họa xâm lăng của Trung Hoa đối với Việt Nam, thông qua chính thể độc tài Cộng sản đang gây nhiễu loạn trên quê hương chúng ta kéo dài suốt hai phần ba thế kỷ, bắt đầu ở Miền Bắc từ thập niên 1950 rồi ập vào Miền Nam kể từ ngày 30/4/1975.

“Chính Đề Việt Nam”, tên gọi quyển sách không nhằm nói lên ý nghĩa về tam đoạn luận gồm tiền đề, chính đề và kết luận. Xuyên qua lời giới thiệu chính thức ở đầu quyển sách, chúng tôi suy rằng, CHÍNH ĐỀ có nghĩa là ĐỀ CƯƠNG CHÍNH TRỊ. Theo định nghĩa, đề cươngbản ghi những điểm cốt yếu về một vấn đề hay một dự án nào (Đại Từ Điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, 1998). Lời Giới thiệu ở đầu cuốn Chính Đề Việt Nam – “tài liệu nghiên cứu dành cho cán bộ quốc gia” nói lên ý nghĩa đề cương chính trị Việt Nam vậy.

Cuốn Chính Đề Việt Nam gồm hơn 350 trang. Chúng tôi chỉ chọn ra vài điểm tâm đắc nhất, kèm theo đó là những chứng liệu cụ thể như một cách “mách có chứng” để người đọc tùy nghi thẩm định đúng-sai.

1. Chính đề Việt Nam: Viễn kiến về hiểm họa Trung Hoa

Bối cảnh lịch sử: Hội nghị Genève 1954

Chúng ta biết, Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc ngày 26/4/1954, và kết thúc ngày 21/6/1954 với sự tham dự của 9 phái đoàn gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng, Quốc gia Việt Nam, Cộng sản Việt Nam, Lào, Campuchia.

Riêng phái đoàn Trung Cộng do Chu Ân Lai (Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng) dẫn đầu là lực lượng đông đảo hùng hậu nhất: 200 người! (Xem quyển “Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954”)[1]. Qua quyển sách về họ Chu này, người ta còn thấy phái đoàn Trung Cộng hoàn toàn chế ngự và thống lĩnh phái đoàn Cộng sản Bắc Việt của Phạm Văn Đồng. Để rồi, cuối cùng, người quyết định tuyến phân ranh (vĩ tuyến 17) là Chu Ân Lai và Pháp, chứ không phải Phạm Văn Đồng.

Điều ấy đủ bộc lộ cái nham hiểm của Tàu Cộng và sự lệ thuộc hèn hạ của Cộng sản Bắc Việt vào người “đàn anh nước lớn” của họ như thế nào. Chưa kể việc Phạm Văn Đồng hạ bút ký Hiệp định, nghiễm nhiên dâng phần đất phía nam vĩ tuyến 17 cho Pháp và đặt phần đất bắc vĩ tuyến 17 vào sự kềm chế và lũng đoạn của Trung Cộng, dọn đường cho những mưu toan xâm lược của bọn bành trướng Bắc Kinh thôn tính nước ta sau này!

Phía Quốc gia Việt Nam do Ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn, sau đó được thay thế bởi Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ.

Ngày 16/6/1954, Chí sĩ Ngô Đình Diệm chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam và chính thức đảm nhiệm vai trò Thủ tướng ngày 7/7/1954.

Tại Hội nghị Genève, ngoại trưởng Trần Văn Đỗ nhân danh chính phủ quốc gia Việt Nam tuyên bố, “đoàn đại biểu quốc gia Việt Nam dứt khoát từ chối ký vào bất kỳ hiệp định đình chiến nào dẫn tới Việt Nam phân trị” (sđd).

Như vậy là Quốc Gia Việt Nam, (sau đó là Việt Nam Cộng Hòa) chưa hề nhìn nhận Hiệp định Genève về Đông Dương nói chung và về Việt Nam nói riêng do các cuờng quốc, đặc biệt là Liên Xô, Trung Cộng và Pháp với Cộng sản Bắc Việt cùng âm mưu áp đặt, chia để trị.

Hội nghị Genève mở cửa cho Trung Cộng xâm nhập Việt Nam

Duyệt lại tình hình đất nước từ Hiệp định Genève năm 1954, tác giả Tùng Phong dành một đoạn dài trong quyển sách để phân tích tiến trình can thiệp của Trung Cộng vào việc phân chia lãnh thổ và chiến tranh Việt Nam với âm mưu tranh thủ phần lợi cho chủ nghĩa bành trướng của họ.

Trước khi đi vào phân tích, Ngô Đình Nhu, nhà chánh trị lão luyện của Miền Nam Việt Nam, cảnh cáo: “Đối với dân tộc Việt Nam, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Nguyên, Tống, Minh là một đe dọa truyền kiếp – (trang 202).

Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu chỉ thẳng rằng, chính thể Cộng sản miền Bắc lúc bấy giờ dưới danh nghĩa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tạo cơ sở cho Trung Cộng thiết lập mối đe dọa của họ trực tiếp và công khai nhắm vào Việt Nam.

Theo tác giả Chính Đề Việt Nam, việc nhà cầm quyền CSVN ngửa tay nhận viện trợ của Trung Cộng làm gia tăng “sự chi phối của Trung Hoa, và sau lưng sự chi phối [là] sự đe dọa xâm lăng của Trung Hoa mà chúng ta đã biết là vô cùng nặng nề, một cách liên tục cho chúng ta trong hơn tám trăm năm, tạm thời đình chỉ trong gần một thế kỷ Pháp thuộc, [nay] đã bắt đầu hoạt động trở lại dưới các hình thức viện trợ và cố vấn quân sự cho quân đội của Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam…” (trang 204).

Nhắc lại biến cố Hội nghị Genève năm 1954, Tùng Phong cho biết, tham dự hội nghị này, Trung Cộng đạt 3 điều lợi, mà điều lợi thứ hai của họ lại là hiểm họa to lớn cho Việt Nam.

Điều lợi thứ hai đó là gì? Tác giả Chính Đề Việt Nam xác quyết: “Điều lợi thứ nhì cho Trung Cộng là một thắng lợi về ranh giới và lãnh thổ”.

Theo Chính Đề Việt Nam, khi Hội nghị Genève đặt vấn đề phân chia lãnh thổ Việt Nam thành hai miền, CSVN ban đầu “yêu sách lấy vĩ tuyến 13 làm ranh giới,” vì họ muốn thâu tóm luôn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… vào miền Bắc. Còn Pháp thì đòi vĩ tuyến 18. Nhưng, “dưới áp lực của Trung Cộng, ranh giới đã lui lại đến vĩ tuyến 17… Những tham vọng đất đai của Trung Cộng đối với Việt Nam đã thỏa mãn” (trang 207). Tùng Phong giải thích: “…vùng đất thiết yếu cho nước Tàu là các vùng hai bên sông Nhị Hà, con đường tháo ra biển, thiên nhiên của vùng Tây Nam Trung Hoa”.

Tác giả Chính Đề Việt Nam quả quyết, “việc ấn định ranh giới ở vĩ tuyến 17, vừa xác nhận tham vọng đất đai, bất di bất dịch của Tàu đối với Việt Nam, vừa chứng minh sự lệ thuộc của chính phủ Bắc Việt đối với Trung Cộng”. (209).

Hiểm họa Trung Hoa: hiểm họa muôn thuở

Ở trang đầu quyển Chính Đề Việt Nam khi đề cập đến Bối Cảnh Của Vấn Đề, ông Ngô Đình Nhu cảnh báo: “Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng phải bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào cũng sống dưới sự đe dọa liên tục của một cuộc ngoại xâm” – (trang 8).

Việt Nam không thoát khỏi số phận ấy, “hết phải chống Bắc, rồi phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc”. Rõ ràng tác giả cố ý nhấn mạnh tới hiểm họa xâm lăng từ phương bắc, một nước láng giềng mà CSVN hết lời tung hô là nước “anh em môi liền môi, răng liền răng, thắm thiết tình đồng chí” với Việt Nam.

Ở phần II và III cuốn Chính Đề Việt Nam, khi bàn về Vị Trí Của Việt Nam và Điều Kiện Nội Bộ, tác giả chỉ rõ hơn chế độ Cộng sản VN là thủ phạm tạo điều kiện như thế nào cho việc bành trướng hiểm họa Trung Quốc đối với Việt Nam.

Ông Ngô Đình Nhu nêu lên mấy câu hỏi: “Trung Cộng giúp khí giới, kỹ thuật và phương tiện cho Việt Nam [Cộng sản] chiến thắng vì Trung Cộng thân Việt Nam hơn là bài Mỹ hay là bài Mỹ hơn thân Việt Nam? Và khi viện trợ như vậy, Trung Cộng xem Việt Nam là đồng chí Cộng Sản hay là một phần đất cũ xưa kia, và nay sắp sửa được gồm thâu vào lãnh thổ của họ?” – (trang 148).

Ôn lại lịch sử ngàn năm đô hộ giặc Tàu, Ông Ngô Đình Nhu sáng suốt nhận ra rằng, “Từ sau năm 972, sau khi nhìn nhận độc lập của Việt Nam rồi, lúc nào Trung Hoa cũng nghĩ rằng đã mất một phần lãnh thổ quốc gia, và lúc nào cũng khai thác mọi cơ hội đưa đến, để thâu hồi phần đất mà Trung Hoa xem là của họ” –  (trang 165).

Tác giả nhận dịnh tiếp: “Trung Hoa, suốt một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như bị tạm mất”. (Chính Đề Việt Nam, trang 165). Ông NĐN nêu lên bằng chứng sử sách: “Trung Hoa đã bảy lần toan chím lại nước Việt Nam. Hai lần do nhà Tống chủ trương, ba lần nhà Nguyên, một lần nhà Minh và một lần nhà Thanh”. Rồi ông nhận định: “Một hành động liên tục như vậy, nhất định có nghĩa là tất cả các triều đại Trung Hoa đều theo đuổi một chính sách, đặt lại nền thống trị trên lãnh thổ Việt Nam” – (trang 165).

Từ chứng cớ lịch sử nêu trên, Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu cảnh báo về tham vọng chính trị của Trung Cộng: “Đã như vậy thì, ngay bây giờ, ý định của Trung Cộng vẫn là muốn thôn tính, nếu không phải hết nước Việt Nam, thì ít ra cũng Bắc phần”. (Chính Đề Việt Nam, 166).

______

[1] Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 là bản dịch cuốn sách “Chu Ân Lai Dữ Nhật Nội Ngoã Hội Nghị”, nhà xuất bàn Trung Cộng Đảng Sử Xuất Bản Xá, 2005, tác giả là Tiền Giang, dịch giả là Dương Danh Dy.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Ông GS Cống thiên về phân tích. Ông mổ sẻ cuốn sách và bình luận vụn vặt: Chỗ này mới, chỗ này cũ, chố này trùng lặp…

    Chưa bao giờ tôi thấy ông này có cái nhìn tổng quát và đúng bản chất của vấn đề

Leave a Reply to cong anh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây