Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (Phần 5)

Lê Nguyễn

5-1-2022

Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3Phần 4

III) MỘT QUÃNG ĐỜI RIÊNG

1) NHỮNG “PHÓ THƯỜNG DÂN” (tiếp theo)

Trong giới xích lô bất đắc dĩ sau 1975, còn có Tô Minh Tâm (1944-2017), một người bạn chí thân của tôi trong suốt 7 năm trung học. Sau khi hết bậc trung học (1962), mỗi đứa một đường đi, Tâm tốt nghiệp ban Triết Đại học sư phạm (1967), dạy Triết học vả Công dân Giáo dục lớp đệ nhất tại trường trung học Cường Để, Qui Nhơn. Hiện nay, có một vài người bạn Facebook của tôi từng học với anh ta.

Tất nhiên, sau tháng 4.1975, triết học duy tâm không có chỗ đứng trong chương trình giáo dục, Tâm còn có chút may mắn, đã không phải đi cải tạo, còn được cho dạy môn sinh vật lớp 6 tại một trường trung học cơ sở ở Gia Định. Lương giáo viên thời bao cấp không đủ sống, hàng ngày anh dành cả buổi sáng để đạp xích lô, trưa về lua vội 1- 2 chén cơm rồi đạp xe đi dạy. Bữa nọ, anh ta nhận đưa một phong thư của ai đó nhờ chuyển đến một địa chỉ lạ, với thù lao trả trước. Tất nhiên là chở một phong thư hời hơn chở một người năm sáu mươi ký, anh ta phấn khởi nhận thư, nhận tiền và lên đường.

Trưa hôm ấy, anh ta không về, và suốt 14-15 ngày, vợ con không biết tìm anh ta ở đâu. Điều này khá vô lý nếu chúng ta gắn với thì hiện tại, song nó là một trong nhiều sự thật của những năm sau 1975. Ngày thứ 16, anh ta đạp xích lô về, kể rằng hôm ấy, trên đường mang phong thư đi, anh ta bị cơ quan an ninh chận bắt. Hóa ra món hàng anh ta nhận chuyển đi là thư liên lạc nội bộ của một băng cướp đang bị an ninh theo sát. Anh ta bị nghi ngờ là thành viên của băng cướp, bị điều tra lên điều tra xuống suốt 2 tuần liền, cuối cùng được thả sau khi cơ quan an ninh xác tín anh ta là người vô can.

Một kỷ niệm khác của Tâm, chỉ nghe kể một lần mà tôi nhớ mãi. Buổi trưa đó, đạp xe mệt quá, anh ta ngồi dựa lên ghế dành cho khách, thiu thỉu ngủ, bỗng dưng có ai đó lại gần khều nhẹ. Anh ta mở mắt ra, thấy một cậu xích lô khác đang đứng nhìn mình trân trân.

Cậu ta lên tiếng trước:

– Có phải thầy Tâm không?

– Tôi là Tâm đây, cậu là ai mà biết tôi?

Cậu xích lô trẻ ôm chầm lấy Tâm, nỗi xúc động làm cho giọng của cậu ta lạc hẳn:

– Em là D. đây, em học với thầy tại Cường Để, Qui Nhơn đây!

Một cuộc tái ngộ thật bùi ngùi, từ đó, trên những nẻo đường xuôi ngược, thỉnh thoảng thầy trò lại gặp nhau, dừng xe lại, kỷ niệm cũ cứ theo đó mà tuôn trào.

Tháng 4.1982, khi vừa trờ về với cộng đồng xã hội, tôi vẫn thường đến thăm Tâm, thỉnh thoảng gặp cậu học trò cũ của Tâm ở đó. Trong cái nghèo, con người còn tìm thấy niềm an ủi ở chút nghĩa thầy trò.

Nhiều đồng môn của tôi không đủ sức chọn lấy một nghề lao lực. Họ tham gia vào chợ trời thuốc tây, đóng đô dài dài từ đường Trần Quang Khải đến chợ Tân Định, mỗi khi cơ quan quản lý thị trường tảo thanh thì ôm thùng thuốc chạy như vịt.

Song không lâu sau, nghề chợ trời thuốc tây cũng lụn bại. Đó là khi tổ chức Vina Paris (Vietnam Diffusion) hoạt động mạnh ở Pháp, người ở nước ngoài chỉ cần mua một thùng thuốc tây đủ loại trị giá khoảng 100 USD gửi về thì người nhận có thể mang ra bất cứ một hiệu thuốc tây nào để bán lại và thu hồi gần đủ khoản tiền này.

Sự xuất hiện của Vina Paris là một bước chuyển hết sức cần thiết, kết thúc cảnh “người bóc lột người” rất phổ biến vào nửa đầu thập niên 1980. Họ bóc lột nhau bằng cách sau đây: Anh A ở Mỹ chuyển 100 USD cho anh B cũng ở Mỹ, người thụ hưởng là C, bạn của A, đang sống ở Việt Nam. Anh B thông báo cho người nhà tại VN trả cho C một khoản tiền Việt, “tương ứng” với 100 USD đã nhận từ anh A. Song điều tệ hại ở chỗ là trong hầu hết trường hợp, số tiền Việt Nam mà những người như C nhận được chỉ bằng hơn 50% trị giá của 100 USD trên thị trường đen lúc đó!

Bản thân tôi không ít lần đi nhận tiền với “tỉ giá” như thế. Lần ấn tượng nhất là vào năm 1986, một người bạn rất thân đang sống ở Mỹ, xa cách nhau mười mấy năm, ngày nọ, anh ta lần ra tung tích tôi qua một người bạn chung, chủ động gửi thư thăm và gửi về cho tôi 100 USD. Người có trách nhiệm giao khoản tiền Việt cho tôi lại là thân nhân cật ruột trong gia đình vợ anh ta, và cuối cùng, khoản tiền tôi nhận được tương đương… 50 USD tính theo giá thị trường đen!

Gọi là thị trường đen – đúng hơn là thị trường bất hợp pháp – là vì vào thời điểm trên, vàng và đô la là hai mặt hàng quốc cấm, mọi mua bán, hoán đổi giữa tư nhân với nhau đều bị cấm chỉ triệt để. Tôi nhớ vào năm 1982, có lần cần bán nửa chỉ vàng để chi xài, tôi phải nhờ người bạn thân dẫn đến ngôi nhà cùa một người quen từng giao dịch mua bán với anh, nhìn thấy anh, họ mới dám mua lại nửa chỉ vàng của tôi. Họ không bao giờ tiếp kẻ lạ, sợ bị gài và bị bắt giữ.

***

Khi nghĩ về bản thân mình cũng như nhiều người cùng thế hệ với mình, tôi đặc biệt ấn tượng với hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên:

Đời vốn không nương người thất thế,
Thì thôi, ô nhục cũng là danh!

Ông viết hai câu thơ ấy trước năm 1975 mà không hiểu sao, nó như một lời tiên tri vận vào số phận của thế hệ mình sau 1975. Tôi nhớ những ngày sống ở trại Xuyên Mộc (1979-1982), trong một buổi xét đồ đạc riêng của từng trại viên, không rõ trao đổi qua lại như thế nào, một anh coi tù khoảng hơn 20 tuổi đã hét vào mặt cụ Cao Xuân Th., lúc ấy đã hơn 60, chỉ 3 từ ngắn gọn: “kệ mẹ anh!”. Cụ Th. từng là một viên chức cao cấp của chế độ cũ, cháu trực hệ của quan đại thần Cao Xuân Dục dưới các triều Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, và là anh ruột ông Cao Xuân Vỹ, nguyên Tổng Giám Đốc Thanh Niên trong chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau khi lãnh đủ 3 tiếng gọn lỏn ấy, cụ Th. im lặng, tiếp tục cúi xuống đống đồ tế nhuyễn của mình, sắp xếp chúng lại. Tôi đứng đó, lặng nhìn cụ. Và tôi khóc trong lòng.

Đúng vậy, đã là người thất thế sa cơ, thôi thì, ô nhục… cũng là danh!

Điều đáng nói ở đây là tôi và nhiều người thuộc thế hệ của mình đã nhẫn nại, chịu đựng, và gượng đứng lên, không để ô nhục làm cho tinh thần mình suy sụp. Vì thế, tôi yêu biết mấy một Tô Thùy Yên, sau 10 năm tù cải tạo trở về, vẫn thản nhiên, hào sảng, nhìn lại cuộc đời mình như một kẻ đạt đạo:

Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời,
Cảm ơn hoa đã vì ta nở,
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi (Ta về)

Tôi hàm ơn anh rất nhiều. Anh đã nói thay cho nhiều người, trong đó có tôi, tâm trạng của một thế hệ đã đi qua chiến tranh, đã chịu đựng rất nhiều sau chiến tranh, song vẫn nuôi dưỡng trong lòng mình tình yêu thương cuộc sống, vẫn tin vào những giá trị tốt đẹp còn tiềm tàng trong cuộc sống.

Ngày 12.4.1982, tôi cầm tấm “Giấy ra trại” trong tay, trở về trong tâm trạng như thế. Lòng không nặng trĩu những oán hờn như nhiều người khác, tôi tự coi đó là vận hạn của mình, mắt cố nhìn về con đường phía trước để dò bước, vì mình còn nặng nợ với bao nhiêu người thân đã gian khổ và hi sinh rất nhiều trong những tháng ngày chia cách.

Giấy ra trại. Ảnh trên mạng

Câu nói “bắt đầu lại cuộc đời từ con số âm” không phải là một cách nói phóng đại hay hài hước, mà là một thực tế, dù có hơi đau lòng. Bởi vì khi người tù cải tạo trở về, ngôi nhà mình từng ở hàng chục năm không còn là nhà của mình nữa. Nói đúng hơn, nhà thì vẫn còn đấy, nhưng mình chỉ được tạm trú ở đó, với sự cho phép và chịu trách nhiệm của những người thân từng sống nhiều năm trong sự bảo trợ của mình.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Người học trò của thầy Tô Minh Tâm còn may mắn hơn tôi rất nhiều là được ôm thầy
    mà khóc với thầy ! Nguyên là tôi nhận ra và chào thầy thì thầy nghiêm mặt lại ngay
    rồi nói ” tôi không phải là thầy giáo ở trường X. mà anh nói” ! Lúc đó, tôi đã nghĩ là
    chắc thây đang hành nghề chui “mua bán” thuốc tây thì phải chối là hợp lý hợp tình
    thôi, chứ không “mặt mũi” nào thú nhận được !
    Theo như tôi biết thì ai ra khỏi trại tù cải tạo trước 1980 đều được cấp “giấy tạm tha”
    và sau 1980 thì “giấy ra trại” như trường hợp tác giả này.

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây