Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (Phần 3)

Lê Nguyễn

25-12-2021

Tiếp theo Phần 1Phần 2

Bà Ba Thi (tên thật Nguyễn Thị Ráo). Ảnh trên mạng

III) MỘT VÀI TRƯỜNG HỢP “ĐỘT PHÁ” VỀ CƠ CHẾ VÀ QUẢN LÝ NHÂN SỰ TẠI SÀI GÒN-TP.HCM

1) CÔNG TY LƯƠNG THỰC TP.HCM

Ai cũng biết rằng vào ít nhất 10 năm đầu tiên sau 1975, cơ chế hoạt động của miền Bắc XHCN được áp dụng trên cả nước, hình thức bao cấp và ở không ít nơi, chủ nghĩa lý lịch, chi phối khá nhiều đời sống cộng đồng. Vào những tháng năm đó, người xuất thân từ một chế độ đã tàn lụi sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn có rất ít cơ hội hòa nhập vào cuộc sống mới, nhất là trong cơ quan công quyền, khi mà mọi ưu tiên được dành cho những ai có công góp phần trực tiếp hay gián tiếp vào thắng lợi sau cùng.

* Bên cạnh các vấn đề chính trị thời hậu chiến, nền kinh tế cũng gặp khá nhiều bế tắc do tình trạng bao cấp trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Hiện tượng “ngăn sông cấm chợ” phổ biến khiến cho không những người dân nông thôn khốn đốn mà người thành thị cũng sống trong cảnh túng thiếu. Mặt hàng quan trọng nhất chi phối mọi mặt của đời sống là gạo đã gây ra bao tình huống cười ra nước mắt, trong đó có câu chuyện chiếc xe chở bao gạo cho một vị lãnh đạo cao cấp bậc nhất bị ách lại trên đường di chuyển.

Từ tháng 4.1975 đến những năm đầu thập niên 1980, mặt hàng gạo được nhà nước phân phối cho từng hộ dân, tính trên từng đầu người, giá rất thấp, vừa bán vừa cho. Hệ quả của tình trạng này là giá thu mua lúa gạo do người nông dân một nắng hai sương làm ra rất thấp. Họ không thể sống được với cơ chế này nên làm mọi cách để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Cách phổ biến nhất của họ là giấu giếm, tẩu tán hay bán chui lúa gạo cho thương lái.

Suốt nửa đầu thập niên 1980, các buổi họp tổ dân phố diễn ra liên tục và một trong những chủ đề chính là phân phối gạo cho dân, mỗi người từ 13 đến 15kg mỗi tháng, nhiều buổi họp bàn qua tán lại tốn cả buổi tối. Bản thân người viết bài này mãi đến năm 1985 mới được nhập hộ khẩu chính thức trong căn nhà mình đã thực sự làm chủ từ trước đó gần 20 năm (1966). Có được “bảo bối” trong tay, việc đầu tiên là chạy ra Cửa hàng lương thực quận Tân Bình nằm trên đường Cách mạng tháng 8 (nay là đường Trường Chinh) để khai báo và được ghi thêm tên vào sổ lương thực.

Vào thời điểm đó, đời sống người thành thị khó khăn một thì đời sống người nông dân khó gấp nhiều lần. Một trong những người lãnh đạo đầu tiên nghĩ đến giải pháp cho vấn đề là ông Võ Văn Kiệt, đó là phải làm thế nào phá vỡ thế bế tắc bị ràng buộc bởi lối suy nghĩ và hành xử giáo điều. Công ty Lương thực TP.HCM ra đời trong hoàn cảnh này.

Ngày nay, không mấy người từng trải qua thời kỳ giữa thập niên 1980 tại Sài Gòn biết hay nhớ đến cái tên Nguyễn Thị Ráo, song khi nói đến cụm từ “bà Ba Thi” thì hầu hết nhận ra ngay. Đó là người Giám đốc đầu tiên của Công ty Lương thực TP.HCM (CTLTTP), người đã thổi luồng gió mới vào thị trường lúa gạo trên cả nước.

Từ sự ra đời của đơn vị này, tình trạng bao cấp về lúa gạo tàn lụi dần. Mối quan hệ giữa Công ty Lương thực TP.HCM với người nông dân miền Tây là quan hệ thuận mua vừa bán và giá gạo bán ra trên thị trường TP.HCM được điều chỉnh sao cho nhà nước có một khoản lãi đủ để nuôi bộ máy điều hành của công ty lương thực. Đời sống nông thôn thay đổi theo hướng tích cực, kéo theo những chuyển biến của thành phố và danh tiếng bà Ba Thi nổi như cồn. Lúc bấy giờ, tuy ông Võ Văn Kiệt đã về trung ương, song khi nhắc đến Công ty Lương thực TP.HCM, người ta thường gắn liền tên tuổi của ông với tên tuổi của bà Ba Thi.

Để thực hiện được một nhiệm vụ vừa quan trọng vừa nặng nề như thế, người lãnh đạo cơ quan không thể áp dụng chủ nghĩa lý lịch xơ cứng như những năm tiếp sau 1975, mà phải dành một khoảng không gian đủ rộng cho những người có năng lực, bất luận xuất thân từ đâu. Những năm 1986-1987, tôi có nhiều lần ghé lại Công ty Lương thực TP.HCM thăm một người bạn đồng môn QGHC đang làm tại phòng Kinh doanh, bộ phận quan trọng bậc nhất của công ty. Tại đây, tôi trố mắt nhìn anh bạn của mình “tả xông hữu đột” trong vòng vây khách hàng là đại diện các công ty cung ứng lương thực đến từ nhiều tỉnh ở miền Tây. Họ thảo luận rôm rả, đôi lúc căng thẳng, về những vấn đề có liên quan, với một tinh thần trách nhiệm cao của mỗi phía.

Có hôm rảnh rỗi đôi chút, người bạn đồng môn, anh Nguyễn H.P., trước 1975 từng là một Phó Thị trưởng (thời đó Phó Thị trưởng và Phó Tỉnh trưởng ngang nhau), kéo tôi ra một quán cà phê nhỏ gần công ty kể lể đôi điều. Anh kể rằng sự hiện diện của anh và một số anh em từng là viên chức chế độ cũ tại công ty lương thực TP.HCM cũng kéo theo không ít lời ra tiếng vào. Một hôm, bà Ba Thi gặp riêng anh và mở đầu bằng câu hỏi: “nghe nói trước đây cậu là Tỉnh phó phải không?”. Biết bà muốn nói đến điều gì, anh Ph. trả lời rất thản nhiên, đại khái là: “lý lịch của tôi, tôi khai đầy đủ trong hồ sơ xin việc, cô Ba xem trong đó thì rõ”.

Thực tình câu hỏi của bà Ba Thi chỉ có ý cho biết bà có nghe lời qua tiếng lại về lai lịch người bạn đồng môn của tôi, song nó không phản ánh mối quan tâm của bà. Bởi vì không lâu sau câu hỏi đó, bà cử nhiệm Ph. làm Phó phòng Kinh doanh của công ty! Việc làm đó của bà Ba Thi chứng tỏ bà biết quan tâm đến hiệu quả của công việc hơn là lý lịch của bản thân viên chức thuộc quyền. Chính điều này góp phần mang lại thành công của Công ty Lương thực TPHCM trong tình trạng đời sống kinh tế của thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Cũng từ sự “thăng tiến” của người bạn đồng môn, sự điều hành nhân sự khá thoáng của bà Ba Thi và sự thành công của Công ty Lương thực TP.HCM, mà tôi suýt trở thành một nhân viên của công ty này, chuyện đó xin kể lại sau.

2) CÂU CHUYỆN NHÂN SỰ Ở XÍ NGHIỆP XÂY LẮP ĐẠI DƯƠNG

Sau tháng 4.1975, đất nước đứng trước nhiều vấn đề phải giải quyết: kẻ thắng người thua, kẻ cũ người mới, bộ máy hành chánh mở rộng gấp đôi, khó khăn về mặt nhân sự càng tăng khi chủ nghĩa lý lịch chưa có dấu hiệu suy giảm. Nó vững mạnh nhất ở thành phần các cơ quan, đơn vị được gọi dưới cái tên “hành chánh sự nghiệp”, hoạt động với sự bao cấp toàn diện của ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, vào nửa đầu thập niên 1980, từ cái trớn của các công ty XNK và tinh thần cởi mở phần nào của cấp lãnh đạo TP.HCM, một số đơn vị được thành lập không bám vào bầu sữa ngân sách mà tự đứng trên đôi chân của mình. Tại những nơi đó, hiệu quả hoạt động là trên hết, nên chủ nghĩa lý lịch phải nhường bước cho những tuyển chọn công tâm dựa vào năng lực chuyên môn và khả năng thích ứng của người công chức đối với những nhiệm vụ đặt ra.Một trong những đơn vị tiêu biểu cho hoạt động tự lập theo cách trên là Xí nghiệp xây lắp Đại Dương, trụ sở đặt tại quận 4 – TP.HCM.

Vào nửa đầu thập niên 1980, xí nghiệp nằm dưới sự điều hành của ông Charles Đức hay Ba Đức (Nguyễn Văn Đức). Ông là phu quân của nữ nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết mà trước 1975, nhiều tờ báo tại miền Nam gọi là “cải lương chi bảo”. Nghe đâu trước 1975, ông Đức là đảng viên hải ngoại của đảng Cộng Sản Việt Nam, có lẽ vì thế mà cách quản lý nhân sự của ông rất thoáng chăng?

Dù muốn dù không, với chức năng của một xí nghiệp xây lắp, tự thu, tự chi, hoạt động gần như hoàn toàn có tính kỹ thuật, bộ máy nhân sự của xí nghiệp phải bao gồm những chuyên viên trong lãnh vực xây dựng, lắp đặt thiết bị, máy móc.

Một sự tình cờ khá trớ trêu là những người làm việc gần gũi nhất với ông Giám đốc Charles Đức lúc bấy giờ lại là… bạn đồng môn của tôi, một thành phần công chức mà hầu hết đều có dịp sống trong các trại cải tạo! Phó Giám đốc xí nghiệp, anh Lữ T.L., là cựu sinh viên QGHC khóa 14; Trợ lý Giám đốc, anh Trần C.L. là cựu sinh viên QGHC khóa 11. Lạ lùng nhất, Phòng tổ chức vốn là bộ phận “trung kiên” nhất của một đơn vị, lại có Trưởng phòng là anh Trần Q.T., cựu sinh viên QGHC khóa 12! Ngoài ra, tại văn phòng xí nghiệp, tôi còn biết có anh Đèo C.M., cựu sinh viên QGHC khóa 17.

Vào những năm 1984-1985, thỉnh thoảng tôi ghé Xí nghiệp xây lắp Đại Dương thăm anh L., vừa là bạn đồng môn QGHC, vừa là bạn học suốt 3 năm trung học đệ nhị cấp (cấp 3). Tại đây, tôi chứng kiến cách làm việc gần gũi, chan hòa giữa Giám đốc và các phụ tá.

Bộ phận chuyên môn của xí nghiệp chia thành các đội công tác mà hầu hết đội trưởng, đội phó là những kỹ sư, cán sự thuộc các ngành công chánh, kiến thiết, điện lực…, làm việc trong chế độ cũ, không ít người trở về từ các trại cải tạo. Khoảng năm 1985, một trong những công tác quan trọng mà xí nghiệp được lãnh đạo thành phố giao thi công là Nhà hát quận 10, một kiến trúc khá bề thế so với qui mô xây dựng lúc bấy giờ.

Khoảng giữa năm 1986, tôi bắt đầu bận rộn với công việc mới ở một xí nghiệp XNK, ông Charles Đức được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty XNK thành phố (Imexco), tôi không có thì giờ theo dõi hoạt động của Xí nghiệp xây lắp Đại Dương nữa.

Qua những năm tháng này, điều đọng lại trong tôi là cung cách sử dụng con người mạnh dạn và có hiệu quả của bà Ba Thi, của ông Charles Đức, và nhiều người nữa, vào thời điểm mà cái mới và cái cũ đan xen nhau, chủ nghĩa lý lịch còn gieo rắc nhiều ngang trái đến đau lòng, và trường hợp cậu học trò Nguyễn Mạnh Huy, thi đậu nhiều trường đại học với số điểm cao mà vẫn không được nhập học mấy năm liền là một vì dụ tiêu biểu.

Một nước Nhật tan hoang sau Thế chiến thứ hai (1939-1945), phải đầu hàng vô điều kiện, vậy mà 15 năm sau đã có mặt trên thị trường thế giới, có đủ điều kiện để tổ chức Thế vận hội Tokyo 1964 và xuất khẩu ra bốn bể năm châu những sản phẩm điện tử hàng đầu.

Chúng ta đã thống nhất đất nước hơn 46 năm rồi, trong một thế giới tiến nhanh như vũ bão, chính những suy nghĩ giáo điều, rập khuôn và sự phân hóa lòng người đã kìm hãm đà đi lên của đất nước, ngăn cản nhiều cơ hội của những người thật sự muốn đóng góp cho xã hội.

Các bài viết sau sẽ xin kể lại đôi chút về một quãng đời riêng, song thiển nghĩ, thân phận của một cá nhân bao giờ cũng gắn liền với xã hội mà anh ta đang sống. Không bao giờ có thể tách rời hai yếu tố con người và xã hội. Sự thành bại, vui buồn, sướng khổ của một cá nhân bao giờ cũng xuất phát từ mối liên hệ giữa anh ta và cộng đồng xã hội. Vì thế tôi vẫn hi vọng bạn đọc tìm thấy trong hồi ức riêng tư đó những gì có ích chung cho mọi người.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Không bao giờ có thể tách rời hai yếu tố con người và xã hội. Sự thành bại, vui buồn, sướng khổ của một cá nhân bao giờ cũng xuất phát từ mối liên hệ giữa anh ta và cộng đồng xã hội”

    Rất chính xác . Có 2 thái độ trước 1 xã hội như nước mềnh, 1 là tiêu cực . Có nhiều mức độ . me, i simply walked away. Thứ nhì là đắm mình vô xã hội đó như tác giả, để xã hội chuyển hóa mình . Rồi dần dà, họ cảm thấy vui buồn cùng xã hội . Những người như tác giả phát triển 1 bản chất mới, identical với bản chất xã hội mà anh ta làm việc và hoạt động .

    Xã hội ta có được sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản . Đây là thứ duy nhất tớ tìm thấy có ích nặng ịch cho tất cả mọi người . Có thể vì tớ vô học . Đành chịu vậy, biết làm sao bây giờ .

    • I totally agree. To the VC, once you are “Nguy”, you are always “Nguy”. Maybe, there were a few “good” sympathized, uneducated commies (most from the South), the rest hunted you and your children down, punished, insulted you until your death if you were not “useful to society”. For me, from the North and South commie to the “30/4 faked commie” as well as the so-called “patriot overseas intellectuals”, who lick commie’s ass any chances they had for fake fames and money. Fook them and fook them all.

      Btw, merry Xmas and happy new year to all.

Leave a Reply to confused guy Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây