Nhìn Asean ngày nay, nhớ Bách Việt thời xưa

Jackhammer Nguyễn

12-12-2021

Theo sử sách Việt ghi lại, năm 111 trước Tây lịch, tướng nhà Hán là Lộ Bác Đức cầm quân chinh phục phương Nam. Phương Nam của “Hoa Hạ” lúc đó đã là phía Nam Ngũ Lĩnh sơn. Vùng đất giữa Ngũ Lĩnh và Trường Giang, nước Sở ngày xưa đã Hán hóa nhiều.

Cả vùng không giang mênh mông Nam Trường giang, kéo dài đến phía Bắc Đông Dương ngày nay, được cho là địa bàn của Bách Việt, những bộ lạc không phải Hán sinh sống. Họ có thể có quan hệ với nhau về huyết thống, văn hóa, nhưng chưa bao giờ thống nhất, cho nên dễ dàng bị các triều đại “Trung Nguyên” chinh phục. Họ bị chinh phục bằng nhiều cách: võ lực, lôi kéo mua chuộc, ly gián để các bộ lạc Bách Việt đánh nhau…

Cuộc chinh phục năm 111 trước Tây lịch cũng không ngoại lệ, sử của người Hán chép là Lộ Bác Đức sử dụng những người Việt để mở đường tiến quân trên vùng đất có nhiều sông rạch, khác xa với khu bình nguyên miền Bắc. Một viên thũ lĩnh của Bách Việt là Cừ Lộc, được ghi lại là kẻ mở đường cho quân đội Hán thực hiện một chiến dịch chinh phục quan trọng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, vì cuộc chinh phục này định hình nên bản đồ Trung Quốc ngày nay, lần đầu tiên các chiến binh Hán đi đến đảo Hải Nam, lúc đó vẫn còn là các bộ lạc Bách Việt.

21 thế kỷ sau sự phản bội của Cừ Lộc và sự chia rẽ của các bộ lạc Bách Việt, người ta chứng kiến những bộ lạc Bách Việt mới là các quốc gia Asean (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), và những viên thủ lĩnh Cừ Lộc thời hiện đại, có thể là Hunsen, vị thủ tướng độc tài cầm quyền lâu nhất thế giới hiện nay, hay Duterte, người từng ra lệnh bắn giết không xét xử nhân danh chống ma túy ở Philippines.

Có lẽ để làm hài lòng “Trung Nguyên”, ông Hunsen vừa mắng ông Hoàng Xuân Chiến, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam về việc ông này, theo lời ông Hunsen, ông Chiến nói  rằng dịch Covid ở Việt Nam là từ Campuchia tràn qua. Ông Hunsen nói là không có chuyện đó vì tỷ lệ tiêm ngừa ở Campuchia rất cao, nhân tiện ông ca ngợi luôn Bắc Kinh về việc giúp cho nước ông vaccine.

Thật ra ông Chiến, lúc còn làm tư lệnh biên phòng, có nói hồi tháng 3/2020 là phải kiểm soát biên giới phía Nam để phòng dịch. Phát biểu của ông Chiến lúc đó không có gì sai cả, trong tình hình Việt Nam đang khống chế được đợt đầu của dịch, bằng những biện pháp hành chánh. Ông Hunsen bới bèo ra bọ, lúc ấy nước ông đã làm gì chủng ngừa tỷ lệ cao, ông đặt lời phát biểu của ông Chiến trong tình hình hiện nay, một kiểu ngụy biện bất lương. Chẳng qua, theo một số nhà quan sát, ông Cừ Lộc thời hiện đại này, đang chuẩn bị nắm ghế chủ tịch luân phiên của Asean, muốn dằn mặt nước láng giềng bằng cách mắng thứ trưởng quốc phòng của người ta.

Mà Đông Nam Á đâu chỉ có Cừ Lộc Hunsen, còn có cả Cừ Lộc Duterte bên Philippines, từng cao giọng ngợi ca “tình hữu nghị thắm thiết” với nhà Hán thời nay. Các viên tướng Miến Điện, Thái Lan, các viên bí thư chi bộ bên Lào, đều là các Cừ Lộc đầy tiềm năng cả, chưa kể một viên tướng Việt Nam, nay đã mất, từng… “tâm tư” vì dân chúng Việt Nam ghét Trung Quốc quá.

Tổ chức các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 quốc gia hiện nay, vốn thoát thai từ sự đoàn kết chống cộng sản thời chiến tranh lạnh, đã làm được nhiều thứ chứ không phải toàn là đáng trách cả, chẳng hạn như họ đã giải quyết được chuyện “biến chiến trường thành thị trường”, một sáng kiến của người Thái, để chấm dứt cuộc xung đột tại Campuchia, kéo ba nước Đông Dương ra khỏi sự cô lập.

Nhưng với nguyên tắc “đồng thuận” 100%, Asean thường không giải quyết được nhanh chóng các vấn đề khu vực nóng bỏng hiện nay, mà quan trọng nhất là thái độ với Trung Quốc. Rất rất nhiều tuyên bố của khối này đều tránh việc làm phật lòng Bắc Kinh, nhút nhát đến nỗi không dám hài tên người Hán ra giấy.

Do thế các cuộc họp Asean thường rất nhiều màu sắc, bấy lâu nay được cho là nơi vui vẻ, ăn ngon, chụp ảnh đẹp… rồi về!

Sau hơn 20 thế kỷ, sự đe dọa của “Trung Nguyên” với Bách Việt ngày trước, biến thành đe dọa của “Trung Quốc” với Asean ngày nay. Bách Việt ngày xưa hay cãi vả nhau, nhận quà cáp của thiên triều để rơi vào kế ly gián, thì ngày nay các món viện trợ bất cần có tham nhũng hay không, các thùng vaccine, các dự án cơ sở hạ tầng hoành tráng… từ Bắc Kinh cũng đóng vai trò tương tự. Ngày xưa Cừ Lộc xẻ núi, đào kênh cho binh lính thiên triều Nam hạ, thì ngày nay các ghềnh thác trên sông Mekong cũng đang được phá đi cho tàu bè Trung Quốc chở hàng xuống bán ở Viên Chăn, Bangkok, Phnom Penh… và đi kèm với các con tàu ấy là hàng đoàn thực dân người Hán, hay những hậu duệ Bách Việt đã Hán hóa.

Cái khác nhau lớn nhất ở hai đầu của hai thiên niên kỷ là ngày xưa Bách Việt phải đối mặt với “Trung Nguyên” một mình, thế giới đối với họ lúc ấy chỉ có như thế, chỉ có Hoa Hạ là văn minh (Ấn Độ ngày xưa xa xôi quá, và chỉ có ảnh hưởng điệu múa lời ca, mà không phải là một mô hình hành chánh xã hội cai trị kiểu Khổng giáo). Ngày nay đằng sau Asean còn có Quad (Ấn-Mỹ-Nhật-Úc), Aukus (liên minh Anh Mỹ Úc nhằm tăng cường hải quân), còn có mô hình kinh tế xã hội tự do thành công nhất của loài người cho đến nay.

Số phận của Asean vì thế nằm trong tay họ nhiều hơn ngày xưa. Ảnh hưởng của Trung Quốc không phải là duy nhất như ngày xưa.

Đã có những tín hiệu mới đáng mừng để Asean thoát khỏi cái bóng Trung Quốc, như là việc không mời các viên tướng Miến Điện dự hội nghị của khối vì việc tiếm quyền bất hợp pháp của họ, viên thủ lĩnh Cừ Lộc Duterte nối lại liên minh quân sự với Mỹ trước khi rời nhiệm sở, tàu chiến Mỹ tăng cường lai vãng các cảng Việt Nam cũng như những thùng vaccine Pfizer, Moderna, AstraZeneca theo nhau đến Hà Nội, Sài Gòn…

Nhưng sự chia rẽ vẫn còn trầm trọng như câu chuyện Cừ Lộc Hunsen ở đầu bài, con đường xe lửa Vân Nam sang Lào đã hoàn tất,…  và trên hết, theo tôi là sự chia rẽ về giá trị xã hội dân chủ vẫn như một đứt gãy giữa Asean, với chỉ một nửa được mời tham gia thượng đỉnh dân chủ thế giới do Mỹ và phương Tây đứng đầu, nửa còn lại bị xem là độc tài phi dân chủ, trong đó có Việt Nam, trớ trêu thay từng là thành trì cuối cùng của Bách Việt ngày xưa, và bây giờ đang là tuyến đầu chống bành trướng phương Bắc của khối Asean.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Cái sai lớn nhất của J. Nguyễn (tịt pẹ… nói nguyên văn tên của tác giả thì trẹo mẹ nó cả lưỡi, nên chỉ nói tắt là Nguyễn nhé, mong thông cảm!) là, Nguyễn coi ngày xưa chỉ có Tầu là THẾ GIỚI, còn bây giờ người Việt không còn coi TẦU là THẾ GIỚI nữa. VẬY THÔI!!!

  2. Husen, hắn mắng mỏ tên tưởng VC hay đám cầm quyền Hà nội cũng vì cái bất lương mà hắn đã học được từ thời Lê Duẫn, Lê Đức Thọ lúc hắn còn mặc quần rách đũng. Nhân nào quả đấy là vậy.

  3. Có một Cừ Lộc ở xứ Đông Lào với mái đầu bạc hiên ngang mà tác giả lại tránh nói tới.

    Còn cái gọi là “tuyến đầu chống bành trướng”, xứ Đông Lào xin kiếu, hổng dám đâu.

Leave a Reply to Lại Việt Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây