Văn hóa (Phần 3)

Nguyễn Thông

8-12-2021

Tiếp theo Phần 1 và Phần 2

Ảnh trên mạng

Không ít người bênh giáo sư Thêm đã về hùa với ông ta, nói rằng bỏ lễ là đúng. Họ cũng như ông Thêm, đánh đồng lễ với nho giáo, với phong kiến, với sự kìm hãm bằng tôn ti trật tự để trói buộc con người. Họ không cần biết người Việt cả nghìn đời nay đã biến lễ vốn từ sự tuân phục, cung kính giáo điều, chấp nhận sự ngoan ngoãn tẻ nhạt, thành đạo đức, văn hóa, lối sống, thái độ sống, hành vi sống tốt đẹp. Có thể nói không ngoa rằng, người Việt hiện nay còn được người nước khác yêu mến, nể trọng, thì phần rất quan trọng là nhờ thứ “lễ-đạo đức-văn hóa” ấy, chứ không phải do giỏi đánh nhau.

Lại kể chuyện hồi tôi qua Thái Lan, mọi người trong đoàn khách Việt sau cuộc chiêm quan đã có những nhận xét khác biệt về đất Thái, nhưng đều nhất trí với nhau rằng người Thái Lan rất đáng yêu dễ mến. Họ luôn đối xử với nhau và với khách nước ngoài bằng sự nhẹ nhàng, mềm mỏng, ân cần, dịu dàng, gần như chẳng thấy cau có, mặt nặng mày nhẹ, lớn tiếng, cục súc, chửi bới bao giờ. Không có bún quát cháo chửi, không hề thấy vênh mặt lườm nguýt du khách… Thái Lan không bị ảnh hưởng nho giáo nặng đậm như Việt Nam nhưng họ có thứ lễ riêng trong mọi mối quan hệ xã hội rất đáng tự hào. Đó chính là thứ tạo nên bản sắc đẹp đẽ cao quý của người Thái, chứ không phải như ai đó là vênh váo về chuyện giỏi đánh nhau, “tự hào đánh thắng ba đế quốc to” này nọ.

Điều rất dễ thấy, ở xứ ta, những tộc họ, gia đình chú trọng đến lễ, nền nếp, lễ giáo để giáo dục con cái luôn được cộng đồng, xã hội kính trọng, bản thân tộc họ, gia đình ấy cũng rất thành đạt, hạnh phúc. Những gia đình vô lễ, có thể vẫn có con cháu giỏi giang thành đạt, giàu có, nhưng nhận được sự kính trọng của xã hội thì dứt khoát không xảy ra. Ở đâu cũng vậy, chứ không phải riêng xứ này. Lễ là thứ mang đặc trưng người nhất trong ngũ thường “nhân nghĩa lễ trí tín”.

Chắc nhiều người đã đọc và ưa thích cuốn truyện nổi tiếng của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Cụ Hoàng Thiếu Sơn dịch là “Những tấm lòng cao cả”, cụ Hà Mai Anh chuyển ngữ thành “Tâm hồn cao thượng”. Để dạy con có tư cách, lớn lên thành người tử tế, trộm nghĩ tủ sách trong mỗi gia đình chỉ cần cuốn này cũng đủ. Sách kể về những tấm lòng, tâm hồn, tình cảm, thái độ, cách đối nhân xử thế của con người, dù là ai chăng nữa, vị bá tước, thầy hiệu trưởng, thầy cô giáo, các phụ huynh, người bán than, những đứa trẻ nghèo… đều toát lên vẻ đẹp của cái mà chúng ta gọi là lễ. Nước Ý từ cổ xưa tới giờ không bị nho giáo thâm nhập, không chịu ảnh hưởng của tư tưởng học thuyết phong kiến phương đông nhưng rõ ràng “lễ” đã thấm sâu vào con người, tạo nên thứ đạo đức, giá trị con người tuyệt vời.

Năm 1977 tôi vào miền Nam nhận việc, bắt đầu cuộc mưu sinh của mình. Điều may mắn là được ném vào đời trong một hoàn cảnh, môi trường, đối tượng tiếp xúc hoàn toàn mới, khác rất nhiều so với cuộc sống, xã hội mà chính mình đã trải qua, chứng kiến. Không mất nhiều thời gian, đám “bên thắng cuộc” chúng tôi nhận ra một sự thật kinh hoàng (tôi dùng chữ kinh hoàng, bởi khi ấy chúng tôi vẫn ngấm ngầm coi mình thuộc phe thắng): người trong này (miền Nam) lễ hơn nhiều so với ngoài mình, dù ở gia đình, nhà trường, nơi làm việc, cộng đồng xã hội. Không thể bảo có được vậy nhờ nho giáo, bởi nho trong Nam nhạt hơn nhiều, trong khi nho xứ Bắc cực đậm. Ngẫm, thứ giá trị tốt đẹp của con người mà chúng tôi giác ngộ được rõ ràng do chế độ, do nền giáo dục nhân bản. Rất tiếc, nền giáo dục ấy đã bị xóa gần sạch và thay thế bằng thứ mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay.

Cuộc “Bắc hóa” mà người cộng sản áp đặt ở miền Nam về tư tưởng, lối sống, cách giáo hóa con người đã làm biến mất rất nhiều giá trị tốt đẹp của miền Nam. Đó là sự thực.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

10 BÌNH LUẬN

  1. Ông Thêm đề nghị bỏ khẩu hiệu THLHHV chứ không phải bỏ học lễ. Hàm ý của ông Thêm là việc để khẩu hiệu đó nó là sự giả tạo giống như nói vậy mà không phải vậy. Vì nếu thực hiện đúng như khẩu hiệu thì ngay trong chương trình giáo dục đã phải có phần học lễ từ lớp học nhỏ nhất cho đến lớp học cao. Quan trọng hơn nữa là phải định hình rõ khái niệm lễ của thời nay là gì chứ không thể nói chung chung để mà ai đó hiểu nhầm hay cố gắng biến các quy định lễ giáo của phong kiến thành quy chuẩn không thành lời trong xã hội hiện nay. Việc định ra các tiêu chuẩn của lễ hiện nay nó phụ thuộc vào thể chế hay ý thức hệ mà điều đó rõ ràng nhất trong việc tìm triết lý giáo dục. Loay hoay mấy chục năm nền giáo dục hiện tại vẫn không đưa ra được một triết lý giáo dục đúng đắn vì bi cái vòng kim cô của ĐCS gắn trên đầu. Trong khi triết lý giáo dục của VNCH : nhân bản, khai phóng và dân tộc rát tiến bộ và phù hợp thì không dám vận dụng vì một nỗi e sợ nào đó ngoài nỗi e ngại kế thừa và công nhận các giá trị của chế độ cũ.


  2. Chiều Đông Paris tưởng niệm sáng Đông Hà Nội !
    *********************************

    Để Tưởng niệm Người Tình chung thủy tuyệt đối của Hà Nội Vĩnh cửu Bất tử : Nhạc sĩ Phú Quang đã sưởi ấm hàng triệu Người Hà Nội vẫn còn mãi đi xa chưa về do bao Biến cố Việt sử thăng trầm ….

    https://www.youtube.com/watch?v=10U6QqBSg8A
    Phú Quang – Em Ơi, Hà Nội Phố

    Thăng Long ! Hà Nội ! Tân Thăng Long !
    Con vẫn còn Sử Việt trong Tâm hồn
    Vẫn còn giữ mãi Mặt gương Hồ Hoàn Kiếm
    Hà Nội Mới ơi ! Hỡi Tân Thăng Long !
    Anh còn Em mái tóc thề Tràng An đen lánh…
    Mùa Thu phân ly Hà Nội chia biệt năm ấy não lòng
    Rồi Sài Gòn Xuân đầu tiên Tự do nắng ấm
    Nội chiến Quốc-cộng trong Chiến tranh Lạnh
    Ý hệ vô tình vô cảm vô ý vô thức vô tâm
    Rồi 30 tháng Tư đen lại giã từ Sài Gòn di tản
    Hà Nội khi ẩn khi hiện trong tiềm thức
    Trong vô thức Sài Gòn khi hiện khi ẩn
    Người du tử tị nạn cô liêu cô đơn

    Thăng Long ! Hà Nội ! Tân Thăng Long !
    Con vẫn còn Sử Việt trong Tâm hồn
    Vẫn còn giữ mãi Mặt gương Hồ Hoàn Kiếm
    Hà Nội Mới ơi ! Hỡi Tân Thăng Long !

    Chiều Đông Paris tưởng niệm sáng Đông Hà Nội !
    Người Nghệ sĩ vừa ra đi mãi mất rồi
    “Em ơi ! Hà Nội Phố !
    Anh còn Em mùi Hoàng Lan

    Anh còn Em mái tóc thề Tràng An…”

    Chiều Đông Paris tưởng niệm sáng Đông Hà Nội !
    Người Nghệ sĩ vừa ra đi mãi mất rồi
    Hà Nội Phố vừa thành Góa phụ đơn côi

    Thăng Long ! Hà Nội ! Tân Thăng Long !
    Vẫn còn mãi Sử Thi vọng động Tâm hồn
    Vẫn còn giữ mãi Mặt gương Hồ Hoàn Kiếm
    Hà Nội Mới ơi ! Hỡi Tân Thăng Long !

    http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  3. Lễ là cái khung,còn nội dung là những phương cách đối nhân xử thế sao cho phải đạo làm người và phù hợp với từng vùng địa lý,từng không gian và thời gian.Ở xứ nào,nơi nào,thời nào cũng có lễ.Lễ trong kinh lễ có cái còn tồn tại vì được xã hội còn chấp nhận,có cái đã bị quên lãng vì không còn phù hợp.Sao các ngài giáo sư lại móc ra dùng,ra dạy những cái lạc lỏng,hết thời của lễ(người bình thường đã lãng quên),rồi trở ngược lại chê bai cái mình đã dạy,đang dùng.Chỉ có những GSTS hâm mới nghĩ,mới làm những trò trái với đời thường như thế.

  4. Thiển nghĩ tác giả NT.viết rất thuyết phục bởi vì 6 chữ THLHHV. không phải bao hàm
    toàn bộ Nho giáo như có người đồng hoá nó với Nho giáo để mạt sát luôn thể !

  5. Cái hình mà tác giả trưng lên ở bài viết (NHÀ VỆ SINH NAM – NỮ) không liên quan tới chữ LỄ của Khổng Tử. Sử dụng nó, chỉ nói lên: Tác giả đã hiểu sai nghĩa gốc của LỄ.

    Tác giả Nguyễn Thông viết:
    Không ít người bênh giáo sư Thêm đã về hùa với ông ta, nói rằng bỏ lễ là đúng. Họ cũng như ông Thêm, đánh đồng lễ với nho giáo, với phong kiến, với sự kìm hãm bằng tôn ti trật tự để trói buộc con người. Họ không cần biết người Việt cả nghìn đời nay đã biến lễ vốn từ sự tuân phục, cung kính giáo điều, chấp nhận sự ngoan ngoãn tẻ nhạt, thành đạo đức, văn hóa, lối sống, thái độ sống, hành vi sống tốt đẹp.

    Nho Giáo gồm 9 tác phẩm cổ điển (4 sách + 5 kinh, trong 5 kinh có kinh Lễ). Các cụ ta ngày xưa học Lễ, chính là học nội dung kinh Lễ. Như vậy, Lễ là một bộ phận “xương thịt” của Nho giáo, chứ không phải chỉ ở mức “đánh đồng” như tác giả viết.
    Bàn về Nho Giáo, tôi tin rằng ông Nguyễn Thông còn ít tuổi, chỉ U70 thôi.

    • Tác giả muốn nói tới cái “hậu học văn” thì phải. Nhìn tấm biển đó tự nhiên nổi da gà.

    • Đây đâu phải độc quyền của mấy lão đồ Nho U90/U80 để mà khinh miệt ai!

      Hậu sinh khả uý, bàn chuyện Nho học không nên có thái độ miệt thị tuổi tác trình độ, kiểu cao ngạo của đám cựu Nho đã vội quên đi hậu quả của “sự nghiệp” nhà Nguyễn “phục tùng văn hoá Tàu, chấn hưng Nho học biến nó thành độc tôn” trong xã hội VN lạc hậu; bế quan toả cảng kỳ thị văn minh Tân học phương Tây, vốn đã là đại hoạ lịch sử dân tộc!

      Nước ta, cũng như vài cựu chư hầu Tàu ở vùng Đông Bắc Á thời phong kiến, chịu ảnh hưởng Nho giáo một thời gian dài nghìn năm, nhưng không hẳn thuần thành theo Nho học của Tàu. Dân tộc tính có phần điều chỉnh nó theo lối sống và phong tục tập quán của riêng mình.

      Ta hiểu Lễ không chỉ là nghi thức, qui ước Lễ của Nho học chính thống, mà Lễ trong đời sống dân tộc đã chi phối cả tâm hồn, tu tâm dưỡng tánh, lập thân của một con người…dần dà mở rộng thành nền nếp đạo đức xã hội qua bao đời. Lễ biến thái thành thuần phong mỹ tục, lễ nhập thể vào nền nếp tâm hồn và lối sống của xã hội, bàng bạc muôn đời khó lòng thay đổi; cho đến khi CS thống trị, phá bỏ, gây rối loạn đứt gãy sâu xa bằng cách áp đặt những thang giá trị mới dựa trên quyền lực và vật dục với chủ trương chiến lược qui mô và dài lâu…gọi là kế hoạch trồng người.

      Quan điểm của Nguyễn Thông về Nho học VN như thế là đúng thực tế, không rập khuôn Nho Tàu thuần kinh điển,
      cho nên dùng sách vở Nho học chính thống để phế phán là lạc điệu.

  6. Chữ LỄ (trong câu Tiên học Lễ) nên được có nội dung xác định, như thời nó ra đời.

    Không nên “tán” rộng để hiểu mỗi người một cách.
    Như vậy, sẽ cãi nhau bất tận
    Ông Nguyễn Thông cãi ông Thêm vì mỗi ông hiểu “Lễ” khác nhau.

    Tôi chỉ đọc tiếp, nếu bài viết dùng “Lễ” như nghĩa ban đầu của nó.

    • Việt Nam bao nhiêu năm qua có dạy Khổng Giáo hay chọn nó làm quốc giáo đâu mà bạn cứ buộc chữ Lễ vào Khổng Giáo? Lễ là một trong các giá trị phổ quát của nhân loại thì Khổng Giáo chẳng độc quyền chữ lễ nào.

      Hai là ông Thêm có thành công trong việc bỏ đi khẩu hiệu hay không thì cũng chẳng có gì thay đồi khi giáo dục VN không thay đổi nội dung và mục đích. Phương pháp giáo dục chẳng áp dụng một cách duy nhất mà sẽ tuỳ theo nội dung và mục đích mà kết hợp.

Leave a Reply to Hoàng Công Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây