Một câu chuyện đẹp… nhưng xạo

Đỗ Hùng

7-12-2021

Ảnh chụp màn hình

Bằng cách nào đó, một cậu bé giết người ở Mỹ mười năm sau lại trở thành một cậu bé ăn trộm và một bài học đạo đức ở một xứ sở bên kia đại dương.

Phía dưới là mình trích một câu chuyện hay ho đang được các facebooker quê ta chia sẻ ầm ầm, có vẻ như coi đây là một bài học để liên hệ tới câu chuyện bé gái bị đánh ở cửa hàng áo quần mới đây đâu ngoài Thanh Hóa.

Cuối bài mình sẽ cho biết tại sao câu chuyện này… xạo.

(Bắt đầu trích)

“PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN MỸ VỀ CẬU BÉ 15 TUỔI ĂN CẮP

Một bé trai 15 tuổi, bị bắt vì ăn cắp từ một cửa hàng ở Mỹ. Khi cố gắng để trốn thoát, cậu bé cũng đã làm hư một cái kệ. Người chủ cửa hàng đã bắt giữ được cậu bé và kiện ra tòa án.

Sau khi thẩm phán nghe được vụ án, ông ấy hỏi cậu bé:

– “Cháu có thật sự ăn cắp gì không?

Cháu ăn cắp bánh mì, phô mai và làm hư cái kệ.”

Cậu bé xấu hổ, cúi đầu xuống, trả lời:

– “Dạ đúng vậy.”

Thẩm phán hỏi:

– “Tại sao cháu lại ăn cắp?”

Đứa bé trả lời:

– “Vì nó cần thiết.”

Thẩm phán lại hỏi:

– “Sao Cháu không mua mà ăn cắp nó.”

Cậu bé nói:

– “Cháu không có tiền.”

Thẩm phán nói:

– “Cháu có thể xin tiền Cha mẹ.”

Cậu bé nói:

– “Cháu chỉ có Mẹ, bà ấy bị bệnh không có việc làm và Cháu ăn cắp bánh phô mai để cho Mẹ ăn.”

Thẩm phán hỏi:

– “Cháu không làm gì à? Cháu không có việc làm sao?”

Cậu bé trả lời:

– “Cháu làm việc ở tiệm rửa xe. Cháu nghỉ để phụ Mẹ bệnh nên bị đuổi việc.”

Thẩm phán nói:

– “Cháu không tìm kiếm thứ gì khác để làm việc nơi khác sao?

Dạ, không.

Sau cuộc trò chuyện với cậu bé kết thúc. Thẩm phán tuyên bố phán quyết:

Ăn cắp đặc biệt là ăn cắp bánh mì là MỘT TỘI ÁC đáng xấu hổ. Và đây tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho tội ác này. Tất cả mọi người trong phòng xử án hôm nay, trong đó có Tôi, đều phải chịu trách nhiệm cho tội ác này. Do đó ai đang hiện diện cũng bị phạt 10 Dollars, không ai đi ra khỏi đây mà không bị phạt 10 Dollars.

Thẩm phán lấy tờ tiền 10 Dollars từ túi áo ông ấy, lấy cây bút và bắt đầu viết.

“Ngoài ra, Tôi còn phạt 1.000 Dollars Chủ cửa hàng vì giao một đứa trẻ đói bụng cho Cảnh sát. Nếu không đóng phạt trong vòng một giờ, cửa hàng sẽ bị đóng cửa.”

Mọi người ở đây đều xin lỗi cậu bé và nộp phạt 10 Dollars. Thẩm phán đã rời khỏi phòng xử án cùng với những giọt nước mắt của cậu bé.

Sau khi nghe phán quyết, tất cả mọi người trong phòng án đã rơi nước mắt. Tôi tự hỏi liệu xã hội, hệ thống Tòa án của nước Pháp chúng ta có thể đưa ra một phán quyết giống như toàn án Mỹ như vậy không?

Thẩm phán nói thêm:

– “Nếu một người bị bắt quả tang ăn cắp bánh mì do bị đói, tất cả thành viên của Cộng đồng, Xã hội và Đất nước này phải xấu hổ.!”

(Nguồn: Tuần báo Paris Match)

(fb:Nguyễn Hải Nhu )

(Hết trích)

***

DƯỚI ĐÂY MÌNH SẼ CHO BIẾT TẠI SAO NÓ XẠO

Câu chuyện này hay ghê.

Nhiều KoL, Facebooker nổi tiếng đã chia sẻ và trầm trồ (“Nước Mỹ là vậy!”, “Chỉ có tại nước Mỹ!”).

Mình thử tìm kiếm thì hóa ra tấm hình và câu chuyện này đã được người Thổ Nhĩ Kỳ, người Indonesia… chia sẻ từ mấy tháng trước. Ai cũng rưng rưng, xúc động, xuýt xoa, thán phục.

Nhưng vấn đề nó không phải vậy.

Báo chí Mỹ cho biết cậu bé trong hình là Cristian Fernandez, một nghi phạm giết người bị đưa ra xét xử năm 2011, lúc đó mới 12 tuổi.

Cậu này bị buộc tội (và sau đó bị kết tội) giết người em 2 tuổi của mình và bị giam mấy năm (hình như được thả cách đây 2-3 năm – chỗ này mình lười kiểm tra).

Chuyện xảy ra ở Jacksonville, Florida.

Bằng cách nào đó, một cậu bé giết người mười năm sau lại trở thành một cậu bé ăn trộm và một bài học đạo đức ở bên kia đại dương.

Như mình đã nói, bí quyết nhận diện fake news rất đơn giản:

– Chuyện có vẻ hay ho, lâm li bi đát, một bài học đạo đức chình ình.

– Nhiều dấu chấm than, dấu hỏi, viết Hoa (HOA), viết thường vô tội vạ

– Không dẫn nguồn cụ thể nào, không có thời gian, địa điểm (bài trên có dẫn nguồn là Paris Match nhưng xem ra bỏ tên lên đó cho có vẻ uy tín, không có đường link nào, do đó vẫn là không dẫn nguồn).

– Nhiều người chia sẻ và xuýt xoa

Câu hỏi là: Liệu có thể khơi gợi thiện tính của con người bằng cách lan truyền một sự giả dối?

Nguồn kiểm chứng (mình để rời ở chỗ dấu chấm ra cho khỏi bị nhận diện là link, các bạn muốn xem thì copy paste vô thanh địa chỉ rồi xóa mấy khoảng trắng đi):

_____

Ghi chú: Tấm ảnh mà người Việt chuyền tay nhau được chụp từ video trong tin này của Fox News:

https://www.foxnews.com/world/child-murder-suspect-cristian-fernandezs-case-sparks-outrage

https://www.cbsnews.com/news/cristian-fernandez-13-year-old-fla-boy-faces-life-in-prison-for-allegedly-murdering-his-2-year-old-half-brother/

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Ca tụng cái đẹp là đúng.Nhưng không nên hư cấu những phán xét phi pháp của quan toà, không thể có trong thực tế ,nếu có là những hành vi xấu xa,để có câu chuyện đẹp này.Nếu không phân tích rõ ràng,không khéo cái đẹp sẽ không được học,mà cái xấu sẽ có hiệu quả trấn áp.

  2. Ở các xứ tạm gọi là văn minh,luật pháp luôn được tôn trọng,sao có chuyện một quan toà kết tội những người không một lời nói hay hành vi trái pháp luật,không theo một quy trình luật định nào,không có cáo trạng bị can,bị cáo.Người bắt kẻ quả tang phạm pháp đưa đến cảnh sát là thi hành đúng bổn phận một công dân.Các người dự khán phiên toà lại càng hoàn toàn vô can.Làm sao phạt những người này được Chuyệ phi lý như thế làm sao xẩy ra.

  3. Tôi ngờ rằng nhiều khi để minh hoạ cho một tin tức có hình ảnh đi kèm nào đó
    thì người ta đưa vào bản tin bởi vì hình minh hoạ không nhất thiết phải đúng
    hoàn toàn với bài viết ? Nếu hình trùng khớp thì dĩ nhiên tốt hơn nhiều !

  4. Cho dù là xạo, nhưng hoàn cảnh đáng thương này rất dễ xảy ra trong đời thường. Cứ tạm tin, để qua đó ta có thêm 1 bài học về tính nhân văn và vị tha với tha nhân.

  5. Một câu chuyện đẹp, đẹp nhói lòng,
    cho dù có hư cấu đi chăng nữa nhưng có tác dụng đánh thức lương tâm xã hội,
    thì vẫn có ích, có tác dụng kêu gọi con người hướng thiện, ngàn lần hơn những câu chuyện độc ác xấu xa dù có thật hoặc chỉ là tiểu thuyết.

    Thiếu gì những chuyện thần tiên cổ vũ cái thiện, bài trừ cái ác, mà ta gọi là ngụ ngôn. Rất nhiều khi những chuyện đó không cần thực tế, chỉ là ẩn dụ.

    Viết cả một bài dài để moi móc đả kích, cáo giác, cố đập tan một câu chuyện vốn chỉ nhằm cổ suý cái thiện làm cho con người cảm động, củng cố tình người,
    thì người viết có tâm địa và mục đích gì?
    Hãy đả kích cái ác, chứ ai lại đập phá cái thiện?

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây