Phản biện quan điểm của Lênin về nhà nước

Nguyễn Đình Cống

2-12-2021

Một thời Lênin được ca ngợi là nhà cách mạng lỗi lạc, là lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản, ông vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác và tạo thành Chủ nghĩa Mác- Lênin. Nhưng cũng có không ít người khẳng định rằng, ông chỉ dựa vào Mác và thực hành những điều sắt máu, khủng bố mà Mác chưa bàn đến, đặc biệt là ông đã thiết lập nên nhà nước chuyên chính vô sản, một hình thức độc tài toàn trị Cộng sản.

Lênin dựa vào sách “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước” của Engels mà cho rằng, một thời khá dài xã hội loài người không có nhà nước, nó chỉ xuất hiện khi xã hội phân chia thành giai cấp. Theo Lênin thì nhà nước là bộ máy của giai cấp này dùng để thống trị giai cấp khác. Bộ máy đó mang nhiều hình thức chính quyền rất khác nhau, nhưng nội dung không thay đổi. Nhà nước tư bản, bề ngoài là tự do, dân chủ, nhưng chỉ cho bọn nhà giàu còn giai cấp vô sản bị đẩy vào vòng nghèo khổ, lệ thuộc.

Lênin kêu gọi vứt bỏ thành kiến cũ kỹ xem nhà nước bình đẳng cho tất cả mọi người. Ông nói rằng luận điệu nhà nước là chính quyền của toàn dân là hoang đường, dối trá.

Theo Lênin thì mục đích của các đảng cộng sản là xóa bỏ giai cấp và đến lúc đó sẽ không còn nhà nước. Nhưng khi chưa xóa bỏ được giai cấp thì phải thiết lập nhà nước vô sản chuyên chính để thống trị, để trấn áp giai cấp đối kháng, để tiêu diệt kẻ thù giai cấp.

Hãy thử xem cách suy lý và kết luận của Lênin sai ở chỗ nào.

Những người tự nhận là học trò của Lênin cho rằng kết luận ông đưa ra là dựa trên khoa học chính xác. Họ đã nhầm. Lênin đã suy lý với luận cứ, luận chứng và luận đề, trong đó luận đề (hoặc luận điểm) là kết luận về vai trò của nhà nước. Phương pháp đúng, biện chứng, nhưng Lênin đã phạm sai lầm khi thực hiện.

Có hai cách tiến hành suy lý. Cách thứ nhất bắt đầu bằng việc thu thập mọi luận cứ, dùng luận chứng để suy diễn và rút ra luận đề. Có luận cứ lý thuyết và luận cứ thực tiễn. Ở đây luận cứ thực tiễn là quá trình lịch sử và chính trị của nhân loại. Phải thu thập một cách khách quan và đầy đủ. Tìm ra kết luận rồi còn phải kiểm chứng bằng cách xem có luận cứ nào mà kết luận ngược lại với nó hay không.

Cách thứ hai là dự đoán trước luận đề (đưa ra giả thuyết) rồi đi tìm luận cứ để chứng minh. Cách này đòi hỏi người nghiên cứu phải thật sự khách quan, trung thực vì rất dễ bị thiên kiến mà chỉ tìm những luận cứ thích hợp, bỏ qua luận cứ trái chiều. Lênin đã theo cách thứ hai và đã chủ động bỏ qua nhiều thứ.

Kết luận cần được kiểm chứng bởi những người phản biện. Cách thứ hai càng cần sự phản biện nhiều hơn. Thế nhưng những người học trò của Lênin đã chỉ nghe theo ông một chiều, đem kết luận ra tuyên truyền rộng rãi và tìm cách áp dụng vào thực tế. Đó là việc thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản với sự độc quyền toàn trị của đảng cộng sản. Đảng này được Milovan Djilas gọi là “Giai cấp mới”.

Cũng đã có những phản biện chống lại luận điểm do Lênin đưa ra, đó là những nhà xã hội dân chủ mà đại biểu là Bernstein (1858-1932, người Đức). Lênin đã vì mù quáng và kiêu ngạo mà không nghe họ, lại cho rằng đó là bọn phản động, chống lại cách mạng vô sản.

Lênin đã dựa vào luận cứ là một phần sự thật của lịch sử. Đó là nhà nước nô lệ, quân chủ và một phần nào đó của nhà nước tư sản để chứng minh luận đề. Mà một phần của sự thật nhiều khi là dối trá.

Trong một quốc gia đâu chỉ có hai giai cấp, mà còn rất nhiều các tầng lớp khác nữa chứ. Nhà nước có nhiệm vụ gì với các tầng lớp này. Cứ tạm cho rằng có hai giai cấp chính là tư bản và vô sản, quyền lợi mâu thuẫn nhau thì họ cần vừa đấu tranh, vừa hợp tác để cùng tồn tại chứ sao vô sản lại đòi tiêu diệt tư bản trong lúc tư bản không bao giờ xem vô sản là kẻ thù. Ngoài cộng sản ra thì chưa có nhà nước nào đòi tiêu diệt cả một giai cấp.

Có hai loại nhà nước: Độc tài và dân chủ. Bản chất của nhà nước độc tài đã được Lênin khai thác. Còn nhà nước dân chủ thì sao. Lênin cho rằng nó chỉ là hình thức. Hoàn toàn không phải như vậy. Nền dân chủ của Hy Lạp cổ đại là không thể bác bỏ. Chính quyền dân chủ ở nhiều nước Cộng hòa và Quân chủ Lập hiến ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước Bắc Âu, là sự thật hiển nhiên, không thể xuyên tạc.

Vậy bản chất của nhà nước nói chung và nhà nước dân chủ là như thế nào, có phải là của giai cấp này để thống trị giai cấp khác hay không? Không, không phải. Điều Lênin cho rằng nhà nước là của giai cấp không thể áp dụng cho mọi nhà nước nói chung mà chỉ là trường hợp riêng cho một vài nhà nước độc tài nào đó mà thôi.

Còn luận cứ lý thuyết? Hình như Lênin chỉ dựa vào quyển sách của Engels mà phần viết về nhà nước cũng chỉ là ý kiến cá nhân chứ chưa khẳng định được là chân lý phổ biến. Thế thì không thể xem là luận cứ đáng tin.

Trong lịch sử nhân loại, nhà nước đã trải qua nhiều hình thái. Trong thời đại hiện nay nhà nước nói chung (dù là độc tài hay dân chủ) có hai chức năng chính là quản trị quốc gia và bảo vệ lãnh thổ. Tạm để riêng việc bảo vệ lãnh thổ, không hoặc rất ít liên quan đến giai cấp.

Quản trị để quốc gia được ổn định và phát triển. Việc này gồm nhiều lĩnh vực như làm Hiến pháp và các đạo luật, thi hành luật, thu thuế, thực hiện các công trình công cộng vì lợi ích toàn dân về phát triển kinh tế, giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của người dân, điều chỉnh những bất hợp lý trong đời sống dân sự, bảo đảm cho mọi công dân bình đẳng trước luật pháp, bình đẳng về cơ hội. Những điều này là cho toàn dân chứ không phải là của giai cấp. Quản trị xã hội có một phần nhỏ là trừng phạt những kẻ vi phạm pháp luật, là giam giữ những kẻ nguy hiểm cho xã hội. Việc này cũng không phải thuộc lĩnh vực giai cấp này thống trị, đàn áp, tiêu diệt giai cấp khác.

Nhà nước dân chủ còn phải tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực thi quyền công dân, chủ yếu bằng những cuộc bầu cử thật sự tự do, dân chủ. Qua bầu cử người dân chọn ra người đại diện xứng đáng, truất bỏ những kẻ kém tài đức, làm mất lòng tin.

Khi đồng ý với những điều vừa nêu thì thấy, rõ ràng luận điểm của Lênin về nhà nước là rất phiến diện, không thể xem đó là chân lý khách quan.

Lênin chết sớm, vào năm 1924, lúc mới 54 tuổi, chưa kịp hoàn thành những ý tưởng vể nhà nước. Lênin bàn giao sự nghiệp lại cho Stalin và rồi ông này đã dựa vào lý thuyết do Lênin vạch ra để tạo nên nhà nước độc tài toàn trị cộng sản.

Stalin đã xây dựng được một nhà nước hùng cường một thời, đã công nghiệp hóa được nước Nga nông nghiệp lạc hậu, đã phát triển được một số ngành khoa học, đặc biệt là về vũ khí và vũ trụ, đã có được lực lượng quân sự và công an mạnh mẽ và hiện đại. Thế nhưng Stalin cùng với đảng Cộng sản Liên Xô đã tạo ra một nhà nước độc tài sắt máu, đẩy nhiều chục triệu người vào thảm cảnh, bị đày đọa, bị giết, đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh bị hạn chế tự do, làm cho nền kinh tế, văn hóa và đời sống của đại đa số người dân bị tụt hậu so với nhiều nước.

Xã hội Liên Xô trong nhiều năm trở thành nhà tù của ý thức hệ, sự tự do tư tưởng và tự do ngôn luận bị loại bỏ. Hễ có ai đó, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng bị tố cáo, bị nghi ngờ có câu nói hoặc ý nghĩ không phù hợp với vô sản chuyên chính hoặc trái ý lãnh tụ là bị theo dõi, bị kết tội, bị thủ tiêu. Không ai dám đụng đến một cái lông chân của lãnh đạo đảng. Với họ chỉ được ca ngợi, ca ngợi và ca ngợi.

Thế rồi Liên Xô bị thất bại ở Afghanistan, bị suy yếu về kinh tế do chạy đua vũ trang, bị các nước XHCN ở Đông Âu xa lánh, bị Trung Cộng phê phán và chống đối, đảng CS và đặc biệt là nhiều lãnh đạo của đảng bị mất niềm tin của dân. Liên Xô bị tan rã, sụp đổ vào năm 1991. Người ta thi nhau phân tích, tìm nguyên nhân của sự sụp đổ. Một trong những nguyên nhân cơ bản là quan điểm sai lầm về nhà nước của Lênin.

Sự sụp đổ của nhà nước Liên Xô được một số người đón nhận bình thường, xem là việc sớm muộn gì cũng xảy ra, nhiều người ngạc nhiên, Trung Cộng vui mừng. Trước tình hình đó Cộng sản Việt Nam, thời kỳ TBT Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười, ban đầu hoang mang, lo lắng, sau đó ôm được chân của Trung Cộng mà củng cố quyền lực thống trị.

Dân Việt có câu: “Một sự bất tín vạn lần chẳng tin”. Quan điểm về nhà nước của Lênin không phải là chuyện bình thường mà là rất lớn. Một việc lớn như thế đã sai rõ ràng, đã bị “bất tín”, thế mà nhiều lãnh đạo cao cấp của cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì theo Lênin. Vì sao vậy? Điều này xin để mọi người luận giải theo sự hiểu biết và đạo lý của bản thân.

Nhân đây xin có vài lời về bộ Lênin toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự Thật đã dịch và in Lê Nin toàn tập nhiều đợt. Đợt gần đây vào năm 2005, in trọn bộ gồm 55 tập nội dung chính và 2 tập hướng dẫn tra cứu. Nội dung chính gồm khoảng dưới 10% là những tác phẩm đã in thành sách (Làm gì, Bút ký triết học, Bút ký về chủ nghĩa đế quốc, Nhà nước và cách mạng, Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán….) còn phần lớn là những bài thuyết trình ở các lớp tập huấn, diễn thuyết tại các mit-ting, báo cáo và phát biểu tại các đại hội hoặc hội nghị, lời kêu gọi, hiệu triệu, trả lời phỏng vấn. Riêng các loại thư từ chiếm 10 tập (từ tập 46 đến 55).

Cộng sản cho rằng Lênin toàn tập là kho tàng vô cùng quý giá của kiến thức nhân loại. Đó là lời tuyên truyền láo khoét, giả dối. Về hình thức đúng là đồ sộ, những 55 tập, mà tập nào cũng dày dặn. Nhưng phần lớn nội dung là những thứ tầm phào. Khi theo phương châm đãi cát tìm vàng thì cũng có thể tìm thấy trong đống ngôn từ đồ sộ ấy một vài ý tưởng có giá trị trong lịch sử. Còn phần lớn nội dung chỉ là những thứ có tác dụng nhất thời, nhiều thứ rơm rác, có thứ là sai lầm, độc hại, thí dụ lý thuyết về nhà nước vô sản chuyên chính.

Còn văn chương của Lênin? Hồi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô tôi đã cố đọc vài bài trong tuyển tập Lênin bằng nguyên bản tiếng Nga, nhưng thấy nó rối rắm, rất khó hiểu. Tôi cứ tưởng vì tiếng Nga còn kém, nhưng khi trao đổi với vài bạn nghiên cứu sinh người Nga và cả với thầy hướng dẫn, tôi biết được nhận xét của mình không sai. Thầy hướng dẫn tôi là đảng viên CS, còn bảo tôi rằng đọc những thứ vớ vẩn ấy làm gì.

Xuất bản Lênin toàn tập với số lượng hàng ngàn bản mỗi cuốn là một sự đại lãng phí vì phần lớn sách đó chẳng mấy ai đọc, chỉ để trang trí tạm thời trên các giá sách rồi được đem bán cho đồng nát tái chế thành bột giấy. Nhiều nơi cộng sản đã tốn công tốn của dựng tượng Lênin rồi nhân dân lại tốn công kéo đổ. Tượng đã như thế thì sách giấy cũng sẽ không có được số phận tốt đẹp gì.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Thế mà anh bạn tôi , nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chỉ vì nhắc lại câu nói của Lê Nin bằng tiếng Pháp “” Que faire ? “” ( Làm gì ? ) mà bị khai trừ Đảng , tước quyền viết văn , đuổi về nhà chăn lợn đấy !

  2. Bàn về cái sọt rác mà có thuê cũng chẳng ai đem đi đổ, cái nhà nước csvn này không lấy nó để che cái con tự do thì biết lấy gì mà lòe dân đen.
    Cái đề tài này bác không nên lao tâm khổ tứ làm gì nhiều khổ xác.

  3. Đúng là con người tuỳ theo tuổi tác mà có những nhận thức cũng như suy nghĩ khác
    hẳn nhau, chứ không chỉ tuỳ hoàn cảnh hay môi trường sống.
    Tuổi trẻ thường hung hăng cực đoan”coi trời bằng vung”, coi mình như “trung tâm vũ
    trụ” nên có những hành động và nhận thức ấu trĩ, nông cạn. Sở dĩ như thế cũng một
    phần do cơ thể khoẻ khoắn, đầy tràn năng lượng nên tỏ ra kiêu căng ngạo mạn,không
    sơ trời sợ đất gì cả. CS. rất “tâm lý” ở chổ này nên đã lợi dụng tuôỉ trẻ “ngựa non háu
    đá” vào việc nổi loạn và lật đổ chế độ cũ với bao khiếm khuyết trước mắt ?
    Chỉ đến khi trưởng thành hơn hoặc tuổi trung niên,bị bệnh hay va chạm với cuộc sống
    thực tế đầy cay đắng thì mới thấy sự hữu hạn và bất lực của con người ! Lúc đó hỡi ôi
    đã muộn, đã lọt vào tròng, như chim vào lồng, như cá cắn câu !!!
    Do đó, Mác về già suy nghĩ khác hẳn thời trẻ là có cơ sở, chứ không phải vớ vẩn ?

Leave a Reply to ba lú Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây