Chính sách của Mỹ đối với miền Nam Việt Nam sau năm 1954

Đỗ Kim Thêm

31-10-2021

Bối cảnh mới

Ngay từ buổi đầu, với tư cách Quan sát viên Hội nghị Genève 1954, Hoa Kỳ đã tỏ ra dè dặt khi tham gia. Khi chính phủ Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký kết Hiệp định ngày 20 tháng 7 năm 1954 về việc ngưng chiến và phân chia tạm thời lãnh thổ Việt Nam, Hoa Kỳ cũng minh xác chỉ tiếp tục quan tâm theo dõi tình hình trong khi Chính phủ Quốc gia Việt Nam cũng không trực tiếp kết ước và chịu một trách nhiệm nào.

Trước tình thế đổi thay nghiêm trọng là Cộng sản Trung Hoa và Việt Nam đã lập ra được một căn cứ địa tại miền Bắc Việt Nam để mở rộng âm mưu bành trướng khắp vùng Đông Nam Á, Hội đồng An ninh Quốc gia tại Washington xem kết quả Hội nghị là một thảm hoạ chung cho chiến lược an ninh khu vực.

Để đối phó, Hội đồng có đề ra một chính sách mới với hy vọng là miền Nam Việt Nam ít ra cũng còn có cơ hội để thoát khỏi ảnh hưởng của Cộng sản. Hai mục tiêu chính cho bối cảnh mới được bắt đầu thảo luận.

Một là, để kịp thời thay thế cho lý tưởng Cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo, miền Nam Việt Nam phải đẩy mạnh việc xây dựng một lực lượng chống Cộng theo một tinh thần quốc gia dân tộc, công việc đầu tiên là phải loại bỏ nhanh chóng ảnh hưởng chính trị của chế độ thực dân Pháp để lại.

Hai là, để ngăn chặn ảnh hưởng của trào lưu Cộng Sản trong toàn khu vực, Mỹ phải tạo ra một cấu trúc mới về an ninh và cần hành động kết hợp với các đồng minh.

Theo đề xuất của Ngoại trưởng John Foster Dulles, ngày 8 tháng 9 năm 1954, Mỹ hợp tác với Anh, Úc, Tân Tây Lan, Pháp, Philippines, Thái và Pakistan để thành lập một tổ chức mang tên Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (Southeast Asian Treaty Organisation, SEATO).

Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia thuộc khối SEATO tại Manila năm 1966. Nguồn: WriteWork

Các quốc gia kết ước trong khối SEATO cùng theo đuổi một nhiệm vụ chung là tham khảo ý kiến trong trường hợp bị Cộng sản đe doạ. Trong một văn kiện riêng biệt có quy định thêm là các thành viên sẽ mở rộng việc áp dụng Hiệp ước đối với các nước Lào, Campuchia và Quốc gia Việt Nam.

Nhìn chung, có sự khác biệt cơ bản của khối SEATO và Tổ chức Liên minh Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organisation, NATO). Các thành viên của khối NATO tự nguyện tham gia để bảo đảm nền an ninh chung cho khối trong khi khối SEATO chỉ đề ra nhu cầu tham vấn hỗ tương và không tạo thêm một trách nhiệm quân sự nào khác.

Dù mở rộng phạm vi áp dụng cho các quốc gia Đông Dương, nhưng khối SEATO lại cấm đoán việc xây dựng liên minh quân sự, vì như vậy sẽ là vi phạm Hiệp định Genève.

Ngoài ra, Tổng thống Dwight D. Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles nhận ra một trở ngại chính trong việc phát huy ảnh hưởng của khối SEATO. Ấn Độ, Miến Điện và Indonesia là những quốc gia đông dân nhất trong khu vực lại không tham gia, vì cho SEATO là một phương tiện cho Mỹ và phần lớn các nước da trắng tìm cách hợp pháp hoá việc can thiệp nội bộ các nước Đông Nam Á.

Mỹ có một quan tâm đặc biệt khác là muốn đưa miền Nam Việt Nam vào trong lĩnh vực ảnh hưởng chính trị của Mỹ mà hợp tác tình báo là phương tiện sử dụng.

Tổng thống Eisenhower, Ngoại trưởng Dulles và người em là Allen W. Dulles, Giám đốc Cơ quan Trung ương Tình báo (Central Intelligence Agency, CIA) cho rằng, trong trường hợp nền ngoại giao Mỹ không thể tiến hành, thí dụ như gặp trở ngại trong phạm vi hiệp ước, va chạm quyền lợi quốc gia, hay diễn biến bất lợi trong tình hình quốc nội, thì cơ quan CIA sẽ âm thầm tham gia để giải quyết và tránh được sự kiểm soát của Quốc hội.

Do đó, các hoạt động tình báo là một phương tiện hữu ích làm cho Mỹ dễ dàng hơn trong việc phát huy thanh thế ngoại giao.

Edward Geary Lansdale và CIA

Trong bối cảnh này, tháng 6 năm 1954, Edward Lansdale, Đại tá Không quân Mỹ, cùng 12 nhân viên khác của CIA đến Sài Gòn nhận việc.

Lansdale là một chuyên gia đã trực tiếp chỉ huy việc đánh bại lực lượng Cộng sản Hukbalahap Philippines. Kinh nghiệm thành công này giúp cho Lansdale tin rằng, khi Mỹ  viện trợ hào phóng trong tinh thần thực dụng và các nước thuộc thế giới thứ ba hợp tác tích cực, thì mô hình theo nền kinh tế thị trường sẽ dần dà hình thành, xã hội dân chủ tự do phát triển, và cuối cùng Cộng sản không thể bành trướng.

John Dulles, Edward Lansdale, Nathan F. Twining và Charles P. Cabell tại Ngũ Giác Đài năm 1955. Nguồn ảnh: Wikipedia

Theo Lansdale, nhiệm vụ cấp thời là các nước phải có chính sách huỷ diệt Cộng sản và các cá nhân phải nêu gương trong hành động cụ thể.

Trước các tướng lãnh Mỹ, Lansdale giải thích: “Chúng ta không nên quên rằng các cán binh Cộng sản ẩn núp trong quần chúng. Khi dân chúng đứng về phía chúng ta, họ không còn che đấu được nửa, chúng ta sẽ nhận ra và bắt họ, thế là xong.”

Trong thập niên 1950, Lansdale là một biểu tượng cao đẹp cho tinh thần dám muốn dám làm của người Mỹ. Hình ảnh của Lansdale đã được Graham Greene tiểu thuyết hoá qua nhân vật Alden Pyle trong tác phẩm Người Mỹ thầm lặng, The Quite American (1954) và William J. Lederer và Eugene Burdick qua nhân vật Đại tá Hillendate trong tác phẩm Người Mỹ xấu xí, The Ugly American (1958). Đó là những chính khách Mỹ am tường nội tình các nước và biết sử dụng khéo léo các phương thức tình báo.

William Colby, Giám đốc CIA, về sau, có nhận định Lansdale là mẫu người đến miền Nam đúng lúc để cứu vãn những gì có thể còn cứu vãn được.

Mục tiêu chính của Lansdale loại bỏ mọi ảnh hưởng của Pháp trong Quân đội và đào tạo các chuyên gia chống du kích chiến. Trước mắt, Lansdale huy động các thủ thuật của CIA về chiến tranh tâm lý, không chỉ nhắm làm cho các cán bộ xa lánh Cộng sản, mà còn cho dân chúng hoang mang.

Cụ thể là CIA tổ chức gởi các toán biệt kích ra miền Bắc để hoạt động phá hoại lẻ tẻ, tung tin giả mạo là nhiều sư đoàn Trung Cộng đang tràn qua biên giới, cướp bóc, hãm hiếp dân chúng và trên đường tiến về thủ đô, bỏ đường vào trong bình xăng xe buýt để làm trở ngại giao thông, bỏ tiền mua chuộc các thầy bói toán để tiên tri tương lai đen tối cho miền Bắc và tổ chức rải truyền đơn trong các khu vực có đông tín đồ Thiên chúa giáo.

Gây ảnh hưởng sôi động nhất trong các hoạt động này là tung tin Đức Mẹ Maria đã vào miền Nam để tránh xa Cộng sản vô thần làm cho gần một triệu người, đa số là Công giáo, tin theo. Hải quân Mỹ cũng tham gia chiến dịch khi gởi chiến hạm đến cảng Hải Phòng giúp cho dân trong việc di cư.

Không những chỉ có nhân viên của CIA mà còn của Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu hoạt động ở Việt Nam. Mục tiêu của cả hai là cố tìm ra một giải pháp lý tưởng cho vấn đề xây dựng miền Nam. Điều kiện cần có cho một đất nước như vậy là dân chúng và chính quyền phải có tinh thần quốc gia dân tộc, có nghĩa là, có các ý thức chống Cộng sản và chống thực dân Pháp; vấn đề ưu tiên là tìm ra những nhân vật lãnh đạo cho phù hợp trong giai đoạn mới.

Phác thảo một mô hình đất nước trong buổi giao thời đã khó, tìm kiếm giới lãnh đạo có đủ các yếu tố lý tưởng này lại càng khó hơn. Trở ngại chính là vì thành phần trí thức người Việt chân chính hay thân Mỹ quá ít; trong quá khứ, họ luôn có ít nhiều hợp tác với Pháp và hưởng được các quyền lợi kinh tế và chính trị. Ngoại trưởng Dulles cho rằng khi tìm ra được ông Ngô Đình Diệm, một người quốc gia không có liên hệ với Việt Minh và Pháp để hợp tác, đó là một trường hợp may mắn đặc biệt.

Ngô Đình Diệm và miền Nam

Vài nét tiểu sử

Ông Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 tại làng Đại Phong Lộc (nay thuộc xã Phong Thuỷ), huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình và xuất thân từ một gia đình Công giáo thuần thành và quan lại.

Sau khi tốt nghiệp Trường Hậu bổ năm 1921, ông Diệm lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ hành chánh cấp địa phương: Tri huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, Tri phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Quản đạo phủ Ninh Thuận và Tuần vũ tỉnh Bình Thuận.

Năm 1933, ông nhận chức vụ Lại Bộ Thượng Thư trong nội các của Bảo Đại, tương đương với Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày nay.

Là một vị thượng thư trẻ tuổi nhất và đầy nhiệt huyết, ngay khi nhậm chức, ông đề xuất hai biện pháp cải cách, một là Trung và Bắc Kỳ phải trở thành một cơ cấu hành chánh duy nhất, hai là dành nhiều quyền tự do chính trị cho Viện Nhân dân Đại biểu Trung kỳ. Vì hai đề nghị không được chấp thuận, nên ông từ chức sau ba tháng nhậm chức.

Về Huế, ông chuyển sang dạy học tại trưòng Thiên Hựu (Providence) và lần lượt tham gia nhiều tổ chức chính trị khác nhau như Đại Việt Phục Hưng Hội, Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội và Uỷ Ban Cứu Quốc. Mục tiêu chung là hỗ trợ cho Hoàng thân Cường Để, dựa vào Nhật để chống Pháp. Các giải pháp này không thành công vì Nhật không ủng hộ Cường Để mà là Bảo Đại.

Đầu năm 1945, Bảo Đại lập chính quyền thân Nhật với quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam và có yêu cầu ông Diệm tham chính, nhưng ông từ chối, người thay thế là Trần Trọng Kim.

Năm 1948, Bảo Đại ký kết Hiệp định với Pháp ở Hạ Long với nội dung là Việt Nam được hưởng một nền độc lập hạn chế. Là người kiên định tranh đấu cho một nước Việt Nam độc lập toàn diện, ông Diệm phản đối giải pháp này và cũng từ chối chức vụ Thủ tướng mà Bảo Đại đề nghị.

Khi chính quyền Việt Minh thành lập, ông Hồ Chí Minh cũng tìm cách vận động cho ông tham gia trong chức vụ Thủ tướng, nhưng không có kết quả. Lý do từ chối xuất phát từ việc một người anh của ông là Ngô Đình Khôi bị Việt Minh bắt và sát hại. Ông Hồ có biện minh là không có trách nhiệm trong vụ thảm sát này, vì đó là hành động nhất thời của cán bộ áp tải đại phương trong lúc hỗn loạn.

Để thể hiện lập trường chống cả Pháp lẫn Việt Minh, ông vận động thành lập Đảng Xã hội Thiên chúa Giáo và lý tưởng theo đuổi là: “một cuộc chiến đấu cho độc lập tổ quốc về phương diện chính trị và là một cách mạng xã hội để đem lại độc lập cho nông dân và thợ thuyền Việt Nam.“

Các nỗ lực này của ông ảnh hưởng chỉ hạn chế trong một thiểu số trí thức, không tạo ra tiếng vang trong xã hội.

Khi nhận định là không có cơ hội trực tiếp tham chính, ông dành nhiều thời giờ để tiếp xúc với chính giới ngoại quốc theo Ky Tô giáo. Đáp các lời mời, ông xuất ngoại để vận động chính trị tại Vatican, Nhật và Mỹ.

Sau đó, ông sống ẩn tại Pháp, Bỉ và lâu nhất là ở các tu viện Lakewood, New Jersey và Ossinng, New York, Hoa Kỳ. Tại đây, cơ hội đến cho ông.

Dù là một người Việt chưa tạo tên tuổi và uy tín trên đất Mỹ, ông Diệm bắt đầu mở rộng tiếp xúc với chính giới Mỹ thông qua Đức Hồng Y Spellman.

Từ năm 1955, một nhóm thân hữu Mỹ cho Việt Nam “American Friends of Vietnam” được thành hình, trong đó một số chính khách nổi danh tham gia gồm có Đức Hồng Y New York Francis Spellman, Chánh án tối cao Wlliam O. Douglas, Đại sứ Joseph Kennedy và con trai là Nghị sĩ John F. Kennedy, Nghị sĩ Mike Mansfield, Tướng Wililam “Wild Bill” Donovan, Chỉ huy trưởng Cơ quan Tình báo Mỹ (OSS) trong thời Đệ nhị Thế chiến.

Nhờ tham gia sinh hoạt trong nhóm này mà Ngoại trưởng Dulles phát hiện ra ông Diệm và tin rằng đã tìm ra được một mẩu người thích hợp cho thời cuộc sắp đến của miền Nam. Sau nhiều lần hội thảo, Mỹ đề xuất cho ông về nước làm Thủ tướng.

Trong thực tế, Mỹ không thể độc quyền và âm thầm đưa ông Diệm về nước như các cáo buộc trong các sách vở. Ông Diệm không phải là một mẩu người háo danh, dể cho Mỹ sai bảo và nhẹ dạ.

Qua nhiều lần từ chức trong chính trường đã thể hiện cá tính khó khăn của ông, chính Bảo Đại cũng đã có nhiều kinh nghiệm với ông. Về sau, kể cả Tổng thống John F. Kennedy cũng không thuyết phục ông Diệm dễ dàng.

Việc ông Diệm về nước chấp chính là một quá trình dài và khó khăn, kết qủa là nỗ lực của nhiều phía mà Vua Bảo Đại và ông Diệm là chủ động.

Tình thế đất nước nguy ngập, nhân tâm ly tán, tương lai mờ mịt, Bảo Đại hoang mang, bất lực và nhiều lần yêu cầu ông Diệm chấp chính, nhưng ông từ chối với lý do là không tin tưởng người Pháp.

Sau khi thất bại tại Điện Biên Phủ, Pháp đàm phán và ngỏ ý là trao trả hoàn toàn độc lập cho Việt Nam.

Ngày 16 tháng 6 năm 1954, ông Diệm gặp Bảo Đại tại Pháp và đồng ý làm Thủ tướng với điều kiện là ông được toàn quyền quyết định về chính trị, quân sự và kinh tế. Bảo Đại đồng ý với yêu cầu này.

Về sau, khi nhìn lại quá trình này, Bảo Đại cho biết: “tôi biết rằng ông Diệm là một người khó tính, … Mỹ có thể trông cậy được ông trong việc chống lại chủ nghĩa cộng sản. Đúng, ông chính là người cần thiết cho hoàn cảnh như vậy.”

Do đó, ông Diệm về Sài Gòn ngày 25 tháng Sáu năm 1954 để chấp chính và chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Ngày 7 tháng 7 năm 1954, ông Diệm thành lập nội các gồm 18 người.

Các chống đối

Nhưng thực tế không như Dulles và Bảo Đại kỳ vọng; sau khi nhận việc, ông Diệm gặp chống đối trong giới ngoại giao Mỹ và nhiều tầng lớp người Việt.

Điển hình là Douglas Dillon, Đại sứ Mỹ tại Paris, cho ông Diệm là một con người thần bí hơn là chính khách; Tướng J. Lawton Collins, Đặc sứ Mỹ tại Sài Gòn, xem ông Diệm như là một Thiên sứ không có tin mừng mà chỉ biết một công việc duy nhất là xin viện trợ Mỹ.

Ngay trong vấn đề nội chính, ông Diệm không có thực quyền, vì hầu hết các viên chức quan trọng trong chính quyền của ông đều lệ thuộc Pháp, nhưng chống đối mãnh liệt nhất là Quân đội và Giáo phái.

Pháp chống ông Diệm vì chủ trương là Tổng tuyển cử vào tháng Sáu năm 1956 phải được xúc tiến. Tài liệu về sau cho thấy là Pháp phải vận động ủng hộ cho giải pháp này vì quyền lợi kinh tế của Pháp tại Đông Dương quá lớn, nên Pháp không thể ra đi và muốn tiếp tục đầu tư và hưởng lợi.

Do đó, cùng trong chiều hướng này, phía Quân đội Việt Nam cũng không nhiệt tình ủng hộ cho ông Diệm vì các tướng lãnh còn bị ảnh hưởng nặng nề của Pháp và nhìn ông Diệm là người có khuynh hướng thân Mỹ.

Điển hình là Tướng Nguyễn văn Hinh, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, xuất thân trong binh chủng Không quân của Pháp, có vợ Pháp và quốc tịch Pháp. Các ràng buộc này khó có thể làm cho ông Hinh có tinh thần quốc gia để hợp tác với ông Diệm. Bất hoà với ông Diệm đến độ ông Hinh âm mưu đảo chính, nhưng không thành, vì các cộng sự viên bị Landsale mua chuộc, hậu quả là ông Hinh phải đào thoát sang Pháp.

Quan trọng nhất trong giai đoạn này là Việt Nam chưa có một nền tài chính độc lập, mọi chính sách tiền tệ đều do Ngân hàng Đông Dương thuộc Pháp điều khiển.

Tình hình phân hoá địa phương là một đặc điểm khác. Hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo là những tổ chức có vũ trang độc lập và sinh hoạt tự trị tại miền Tây và Đông Nam Bộ.

Tại Sài Gòn, tình hình về an ninh cũng không khá hơn và Tổ chức Bình Xuyên là một mối đe doạ trầm trọng. Trong quá khứ, Pháp đã dung dưỡng cho Bình Xuyên tự do hoạt động trong các lĩnh vực trục lợi bất chính như tổ chức mãi dâm, cờ bạc, buôn bạch phiến và bảo vệ an ninh. Tướng Lê văn Viễn, Chỉ huy Bình Xuyên trước đây, khó là người chịu thuần phục ông Diệm và thu mình trong khuôn khổ luật pháp mới.

Cuối cùng, để tránh tranh chấp không cần thiết, Bảo Đại bổ nhiệm Lại văn Sang, chỉ huy Lực lượng Cảnh Sát thay thế. Ông Diệm không đồng ý sự bổ nhiệm này, nhưng không có kết quả. Tranh chấp giữa ông Diệm, Bảo Đại, Bảy Viễn và ông Sang về nguồn tài trợ do nhóm Bình Xuyên bùng nổ mạnh hơn.

Trong bước đầu xây dựng, ông Diệm kêu gọi hai lực lượng Hoà Hảo và Cao Đài hợp tác để thành lập quốc gia, nhưng các thương thuyết với Tướng Trình Minh Thế của Cao Đài và Tướng Nguyễn Giác Ngộ của Hoà Hảo về việc sát nhập các đơn vị vũ trang thuộc về quân đội của chính phủ chưa ngã ngũ.

Đối với Bình Xuyên, ông Diệm chủ trương quyết liệt là phải loại trừ bằng biện pháp quân sự. Do đó, nhiều giao tranh xảy ra. Đến tháng Ba năm 1955, xung đột đẩm máu trầm trọng hơn.

Vì nhiều lý do bất hoà chính kiến, hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo công khai hợp tác với Bình Xuyên làm cho nỗ lực xây dựng của ông Diệm càng khó khăn.

Ngay cả Bảo Đại, dù ở Côte d´Azur, Pháp, cũng thấy là không còn tín nhiệm ông Diệm trong vai trò lãnh đạo vì các biện pháp độc tài. Ngày 18 tháng 10 năm 1955 Bảo Đại tuyên bố cách chức ông Diệm, nhưng lệnh lại không được ông Diệm phổ biến trong công luận. Trong một công điện khác thứ hai, Bảo Đại còn thúc dục ông nên rời khỏi Việt Nam.

Tài liệu về sau cho biết là ông Diệm từ chối sang Pháp để báo cáo tình hình; do đó, dự định của Bảo Đại cách chức ông Diệm và đưa Lê Văn Viễn lên thay bất thành.

Khi định mệnh chính trị của ông trở nên mong manh, thì may mắn lại đến cho ông. Một thế lực duy nhất âm thầm ủng hộ để cho ông duy trì và củng cố quyền lực là cơ quan CIA và người đắc lực cận kề là Tướng Lansdale.

Chống đối ông Diệm công khai nhất là Tướng J. Lawton Collins, Đặc sứ Mỹ tại Sài Gòn, một nhân vật tín cẩn của Tổng thống Eisenhower. Ngay từ buồi đầu nhậm chức tháng 11 năm 1954, Collins nghi ngờ khả năng lãnh đạo của ông Diệm, mà hai cáo giác chính là tham nhũng và thiếu hiệu năng. Tướng Paul Ely của Pháp cũng ủng hộ quan điểm của Collins.

Đến cuối tháng Tư năm 1955, Collins nhận định là nguy cơ cho Việt Nam đã đến và quyết định trở lại Washington để khẩn báo cho Tổng thống Eisenhower về việc ông Diệm không còn thích hợp trong việc lãnh đạo đất nước.

Hai luận điểm của Collins là: Chính quyền không ổn định và quân đội không đủ mạnh. Với hai trở ngại này, ông Diệm không thể xây dựng đất nước thành công.

Collins đã thuyết phục được Tổng thống Eisenhower tìm giải pháp thay thế, trong khi ba người ủng hộ cho ông Diệm tiếp tục nắm quyền là Lansdale và Nghị sĩ Mansfield và Ngoại trưởng Dulles.

Để giải quyết, Eisenhower uỷ nhiệm cho Dulles tìm giải pháp tạm thời, tốt nhất là nên thu xếp để cho ông Diệm đảm nhiệm một chức vụ tương trưng và quân đội phải nắm giử thực quyền cai trị, trong khi Collins hợp tác với Pháp tìm một nhân vật khác.

Tài liệu về sau phổ biến là người được Mỹ dự định chọn là Bác sĩ Phan Huy Quát trong khi Bảo Đại đang phân vân chọn lựa giữa Trần Văn Hữu và Lê Văn Viễn.

Collins đang trên đường trở lại Sài Gòn để thực thi giải pháp của Eisenhower, thì tình thế đổi thay đột ngột. Quân đội của ông Diệm chống trả nhóm Bình Xuyên thành công, đẩy được lui ra khỏi Sài Gòn và tàn quân phải trú ẩn tại Rừng Sát thuộc Cần Giờ.

Tận dụng thời cơ thuận lợi này, ông Diệm tìm cách thu phục hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo về quy thuận quốc gia; uỷ nhiệm cho Lansdale trực tiếp tiếp xúc. Kết quả là hai giáo phái không còn chống đối cá nhân ông Diệm, chấp nhận giải giới và huỷ bỏ các yêu sách về quyền địa phương tự trị.

Theo các tài liệu về sau hé lộ, tổng số tiền CIA sử dụng cho việc quy thuận này lên đến 12 triệu đô la vào thời giá trong năm 1955. Trong suốt một năm sau, lực lượng vũ trang của hai giáo phái không còn gây một khó khăn nào vì lần luợt về quy thuận và được sát nhập và phân tán trong quân đội của chính phủ. Tàn quân của Bảy Viển bị truy sát và Bảy Viển đào thoát sang Lào rồi sang Pháp. Tình hình nội an được vãn hồi.

Thành công ngoạn mục này giúp cho ông Diệm củng cố quyền lực và có thể bắt đầu phô trương thanh thế ra ngoài nước, nhất là tại Washington. Tình thế đổi thay nên Eisenhower đổi ý và ủng hộ cho ông Diệm được tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Trưng cầu dân ý

Nhưng trở ngại cuối cùng cho việc củng cố quyền lực của ông Diệm là Bảo Đại còn tại vị trong chức danh Quốc trưởng.

Ngày 23 tháng 10 năm 1955, ông Diệm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để cho dân chúng chọn lựa vị nguyên thủ quốc gia.

Trưng cầu dân ý miền năm năm 1955. Nguồn: Wikiwand

Thực tế ngoài sự mong đợi. Với 63.017 phiếu, kết quả là Bảo Đại thua, ông Diệm được 5.721.735 phiếu, trong tổng số cử tri toàn quốc là 5.828.907, ông Diệm nhận được 98,5% phiếu bầu.

Ngày 26 tháng 10 năm 1955, ông Diệm trở thành tổng thống đầu tiên của nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ là nước đầu tiên công nhận thể chế mới của miền Nam.

Theo ước lượng của Lansdale, chỉ cần có 60% dân ủng hộ là ông Diệm sẽ có đủ chính danh để xây dựng đất nước, nhưng lại có nhiều bằng chứng cho thấy có gian lận, mà thí dụ điển hình là tại Sài Gòn, nơi chỉ có 405.000 cử tri ghi danh đi bầu, nhưng tổng số phiếu bầu đã lên đến 605.000.

Kết quả gian lận này không làm chính giới Washington quan tâm để phản đối, vì các đặc điểm cá nhân của vị tổng thống tân cử được xem là chọn lựa ưu tiên: tinh thần chống Cộng, chống Pháp, tín hữu Ky tô giáo thuần thành và thân Mỹ.

Thắng lợi này cũng có nghĩa là mọi ảnh hưởng của thời kỳ thuộc địa của Pháp và sự lãnh đạo của vua Bảo Đại tại miền Nam chấm dứt.

Tổng tuyển cử

Nhưng có một điểm quan trọng nhất mà cả ông Diệm và chính giới Mỹ cùng gặp nhau, đó là ngăn trở cuộc Tổng Tuyển cử cho Việt Nam, theo như Bảng Tuyên bố chung sau Hiệp định Geneve đề ra.

Nguyên văn Điều 7 của Bảng Tuyên bố là: “Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức tháng 7-1956”.

Biện minh cho quan điểm này là chính phủ Bảo Đại hay Việt Nam Cộng Hoà không trực tiếp ký kết Hiệp định, nên không có ràng buộc về mặt pháp lý. Hoa Kỳ cũng không có một tuyên bố nào ủng hộ cho giải pháp này.

Thực tế phức tạp hơn. Sau khi ký kết Hiệp định, có khoảng 130.000 cán binh của Việt Minh từ miền Nam tập kết ra Bắc và khoảng 10.000 ở lại để lo xây dựng cơ sở đấu tranh cho thời kỳ mới. Tất cả đều có một niềm tin sắt đá là Tổng tuyển cử vào năm 1956 sẽ xảy ra và Việt Minh sẽ thắng cử.

Dĩ nhiên, niềm tin này có nhiều cơ sở vững chắc: dân số miền Bắc là 16 triệu, nhiều hơn dân miền Nam là 14 triệu và uy tín của ông Hồ lan toả nhiều hơn, được cả nước xem là cha già dân tộc, có công giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, trong khi ông Diệm chỉ là một quan lại của triều đình Huế và tu sĩ Công giáo ở Mỹ, về sau được một thiểu số nông dân, quân đội mới thành lập và người dân Bắc di cư ủng hộ.

Ông Diệm cũng có ý thức về hậu quả của việc tổ chức tổng tuyển cử, ông sẽ thất bại khi Cộng sản có thể tận dụng mọi thủ thuật để chiếm quyền, vì không thể có bầu cử tự do tại miền Bắc mà cuộc bầu cử Quốc hội năm 1946 là thí dụ.

Nhận định của ông Diệm là muốn tổ chức bầu cử tự do phải có quốc tế giám sát và Liên Hiệp quốc đứng ra bảo đảm. Vấn đề là khó khả thi.

Ông tuyên bố: “Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ.

Tuy nhiên nếu những cuộc bầu cử tạo thành một trong những nền tảng cơ bản của nền dân chủ thật sự thì chúng chỉ có ý nghĩa với điều kiện chúng hoàn toàn tự do.

Hiện nay, thực tế phải đối mặt với chế độ áp bức của Việt Minh, chúng tôi nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc.”

Lập luận này cũng được Uỷ ban Kiểm soát Đình chiến, Nga, Trung Quốc và Mỹ ủng hộ.

Cộng đồng thế giới tự do có một nhận định chung là sẽ không có việc tái triệu tập Hội nghị để tổ chức Tổng tuyển cử, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận không có Tổng tuyển cử và hai phía của Việt Nam phải tự chuẩn bị phương án cho chính mình và như vậy có nghĩa là mặc nhiên ủng hộ quan điểm của ông Diệm.

Chia đôi lãnh thổ tạm thời chỉ là kết ước riêng của miền Bắc với Pháp và Tổng tuyển cử là một triển vọng chung được ghi nhận trong Bảng Tuyên bố của Quốc tế về tương lai của đất nước.

Tất cả hình thức này cũng xem như là hợp thức hoá tình trạng của Hiệp định Geneve.

Cuối cùng, ông Diệm sử dụng biện minh pháp lý như là một phương tiện để chống lại Tổng tuyển cử. Lập luận chính của Tổng thống Diệm là:

Miền Nam không ký kết Hiệp định Genève. Nội dung Hiệp định không đề cập Tổng tuyển cử mà là Điều 7 của Bảng Tuyên bố cuối cùng.

Về hình thức, đây là một văn kiện không có chữ ký của bất cừ quốc gia nào.

Về nội dung, điều 7 không có qui định chi tiết thực hiện, tùy hai bên thương lượng trong tinh thần nhiệm ý.

Về mặt thực tế, miền Bắc sẽ không có tự do bầu cử mà dưới sự chỉ đạo độc quyền của Việt Minh. Ủy Hội Quốc Tế không muốn đứng ra tổ chức Tổng tuyển cử và cho rằng không thể có bầu cử tự do.

Với lý do không có căn bản pháp lý do Hiệp định và Bảng Tuyên Bố ràng buộc, chính quyền miền Nam tin tưởng là trong tình hình mới, miền Nam được hoàn toàn độc lập để khởi đầu xây dựng một chính quyền tự do.

_______

Bài liên quan:

Hoa Kỳ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Phần I): Thành Quả Xây Dựng Ban Đầu Của Việt Nam Cộng Hoà (1954-1960) — Hoa Kỳ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Phần II ): Cơ cấu viện trợ Mỹ và chính quyền Việt — Hoa Kỳ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Phần III): Những biểu hiện suy thoái của chế độ Ngô triều — CIA và Ngô Đình Diệm

Bình Luận từ Facebook

9 BÌNH LUẬN

  1. Những lập luận của bài viết, của Đỗ Kim Thêm, không chỉ hàm hồ nông nổi mà còn là đấu tố lẫn nhau, câu sau chửi cha câu trước

    • Đúng là trong vài đoạn nhận định của tác giả cường điệu nhưng toàn
      bài nói chung là gần với thực tế, có thể chấp nhận được và tôi thiển
      nghĩ vấn đề lịch sử thì khó đúng hoàn toàn và tuyệt đói được.

      • Là độc giả, nhưng tôi không nhận ra được trong bài viết có đoạn nào là hồ đồ, tương phản và cường địệu. Xin gúp cho tôi bằng cách dẫn chứng để chúng ta cùng nhau thảo luận thêm. Kết luận nóng vội không thuyết phục được độc giả.

        • Chỉ nêu ra 2 trương hợp : về tuyên truyền “Đức Mẹ đã vào Nam”
          nhưng theo luận điệu của CS.là “Chúa đã vào Nam”. Đây là một
          cách “hề hoá”, biến việc chống CS.vô thần thành trò hề lố bịch
          vì nếu là giáo hữu thật thì họ có niềm tin Chúa ở khắp mọi nơi !
          Và CIA tung biệt kích để tuyên truyền thì việc này chỉ bắt đầu từ
          1958 và thất bại hoàn toàn nên sau đó phải bỏ vì đa số bị bắt
          như Đặng Chí Bình v.v. Di cư trong năm 1954 thì tuyên truyền
          năm 1958 để cho người ta di cư được hay sao ? Cực kỳ vô lý !

          • 95% dân Việt Nam trong năm 1954 là mù chử và không có ý thức chính trị để phân biệt cộng sản hay tự do là gì. Gần một triệu tín đồ Công giáo miền Bắc di cư vào miền Nam là trong hoang mang và hỗn loạn, mà phần chính là do các vị lãnh đạo Công giáo địa phương tổ chức. Niềm tin của giáo dân nơi các cha sở là tuyệt đối.
            Do đó, các khẩu hiệu Chúa đã vào miền Nam, Đức Mẹ đã vào Nam là một thủ thuật của các cha sở làm đơn giản hoá và dể hiểu cho giáo dân trong quyết định di cư. Nếu không có CIA hợp tác thì việc di chuyển cũng không thể thực hiện. Về sau, kể cả ông Diệm hay giới lãnh đạo Công giáo miền Nam không ai còn nhắc đến các khẩu hiệu này.
            Các hoạt động chống phá của các điệp viên CIA đối với miền Bắc là một tiền trình liên tục và đủ loại từ sau khi ký Hiệp định Genẻve 1954 cho đến Hiệp định Paris 1973. Các điệp viên hoạt động bị lộ và bắt bắt giử có rất nhiều là sau này, không liên hệ chuyện di cư 1954, vì đã kết thúc. Vấn đề liên hệ nhân quả của quyết định di cư và hoạt động CIA chống Cộng không thể đặt ra.
            Ngôn ngữ diễn đạt trong bài viết là chừng mực, không cường điệu và khiếm nhã để có thể vội vàng kết luận là hồ đồ và mâu thuẩn. Có thể là một sự hiểu lầm đáng tiếc.

    • “Những lập luận trong bài viết của Đỗ Kim Thêm là hàm hồ nông nổi đấu tố lẫn nhau, câu sau chửi cha câu trước”. Đây là một kết luận mà Nói leo cần chứng minh để độc giả kiểm chứng.

    • Sử dụng ngôn ngữ khiếm nhã và không có chứng minh cho lập luận thô thiển của mình chứng tỏ trình độ tư duy và diễn đạt của nói leo cần phải được cải thiện. Quan trọng nhất là nói leo chưa quen có một thái độ tương kính trong việc trao đổi một vấn đề nghiêm túc. Do đó, một kết luận nóng vội không gây thu hút cho độc giả. Hy vọng đóng góp chân thành này giúp cho nói leo nhận thức vấn đề rõ ràng hơn

  2. Đây là một bài viết khách quan và trung thực của tác giả !
    Một văn kiện mà không có chữ ký nghĩa là gì ? Nghĩa là không cần tuân thủ về việc
    tuyển cử. vì nó không có tinh bắt buộc phải thực hiện. Theo sử gia Trần Gia Phụng
    thì đó là văn bản miệng (oral agreement) ?
    Theo ts. Bùi Kiến Thành, một trong những người sớm nhất ủng hộ cố TT.Diệm thì
    ông Diệm đứng ra tiếp qủan miền Nam mà không có quân đội và cảnh sát của mình
    trong tình hình chính trị lúc đó rất hỗn loạn với nhiều phe đảng lăm le chiếm quyền
    lực lãnh đạo, chứ không chỉ đối phó với thực dân Pháp mà còn với Mỹ.

  3. “Cụ thể là CIA tổ chức gởi các toán biệt kích ra miền Bắc để hoạt động phá hoại lẻ tẻ, tung tin giả mạo là nhiều sư đoàn Trung Cộng đang tràn qua biên giới, cướp bóc, hãm hiếp dân chúng và trên đường tiến về thủ đô”

    Nhiều sư đoàn Trung Cộng có tràn qua biên giới nhưng không phải để cướp bóc & hãm hiếp dân chúng . Họ qua để hỗ trợ những sư đoàn Trung Cộng đã qua trước & đang giúp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ kế tiếtp

    “bỏ tiền mua chuộc các thầy bói toán để tiên tri tương lai đen tối cho miền Bắc”

    Haha, good the Phúc luck. Đa số -nói cho rõ- dân mình từ Nam ra Bắc xem Cải cách ruộng đất là thắng lợi, củng cố niềm tin để dân theo mà chống Mỹ-Ngụy thì … waste of money rite there.

    Trí thức nhà mềnh nói VNDCCH đã theo lời của Chu Ân Lai nên đã nhượng bộ tư bản, chia 2 đất nước sau chiến thắng Điện Biên Phủ . Nếu đúng, more likely chỉ là nửa ổ bánh mì, thì dân Ngụy mình cũng nên nhớ ơn Chu Ân Lai & cũng may là Đảng Ta thời đó rất nghe lời quan thầy Trung Cộng . Cứ thử tưởng tượng Cải cách ruộng đất & xây dựng chủ nghĩa xã hội được mở rộng toàn cõi Việt Nam từ ngày đó, con số nạn nhân không chính thức chắc chắn không dừng ở 170 000.

    Và với Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi tới 1969 mới về với Mác-Lê sau khi nghe bài dân ca Trung Quốc, biên giới Pháp-Thanh chắc chắn đã biến mất từ trễ nhất là 1962-63.

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây