Thi đua ngày nay: Lợi ít hại nhiều

Nguyễn Đình Cống

27-10-2021

Quốc hội bàn việc sửa đổi Luật Thi đua. Đó là việc làm hời hợt, thiếu suy nghĩ nghiêm túc. Trước khi vào bài chính tôi xin kể hai chuyện.

Chuyện 1: Con dao cùn

Cô sinh viên Hoa là con bà Toàn. Trước đây khi Toàn còn trẻ, nhà nghèo, dụng cụ làm bếp có một con dao vừa xấu vừa cùn. Một hôm Toàn nhặt được một con dao rất tốt do ai đó đánh rơi. Bà Toàn rất mừng, nhờ nó mà công việc làm bếp của bà và Hoa được cải thiện rất nhiều. Họ gọi nó là “dao mới”. Con dao ấy truyền đến đời cô Hoa thì đã quá cũ, cùn đi nhiều.

Bây giờ nhà bà Toàn đã khá giả. Hoa mua một bộ dao tốt hơn, nhưng chỉ có Hoa, dùng còn bà Toàn chỉ thích dùng “dao mới” (nay đã cũ nhiều) vì đã quen với nó, xem nó như báu vật. Hoa định loại bỏ nó thì bị bà Toàn chửi cho một trận, mẹ con suýt giận nhau.

Chuyn 2: Chiếc xe đạp Mercier

Anh Nam là cán bộ Việt Minh thời kháng chiến chống Pháp, phải đi bộ rất nhiều. Thế rồi anh được bà con giúp, sắm được chiếc xe đạp Mercier. Nhờ nó mà anh làm tốt công tác, lập nhiều thành tích. Chiếc xe còn được sung vào đội quân xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Anh Nam già đi, trở thành ông, rồi cụ Nam. Trong lúc con cháu cụ bỏ hết xe đạp để đi xe máy, có đứa đã sắm ô tô, thì cụ vẫn dùng chiếc xe đạp, là báu vật của một thời.

***

Thi đua có tác dụng gần giống như con dao của bà Toàn, như xe dạp của ông Nam. Một thời thi đua đã có tác dụng rất tốt, khuyến khích người ta làm việc với năng suất cao, hiệu quả lớn. Nó là động lực mạnh mẽ. Nhưng rồi nó trở nên cũ và hết tác dụng, chỉ còn lại lợi ít, hại nhiều.

Ban đầu (năm 1948) thi đua là để diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; về sau thi đua mở rộng ra khắp các lĩnh vực khác: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua; ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

Để thi đua trở thành phong trào, cần có sự lãnh đạo của trên, lập Ban thi đua từ trung ương đến cơ sở, làm lễ phát động, nêu mục tiêu, phương hướng, các cá nhân hoặc đơn vị làm kế hoạch và hưởng ứng thi đua. Phong trào có sơ kết, tổng kết, làm báo cáo, bình bầu các danh hiệu chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động. Rồi đại hội các cấp và khen thưởng các loại.

Những việc phục vụ cho thi đua như thế tốn khá nhiều công sức và thời gian, nhiều lúc làm cho người ta khó chịu và tạo nên sự dối trá để có thành tích dỏm, để không bị tụt hạng thi đua, để được khen thưởng. Mặt trái của thi đua là rất lớn, đặc biệt trong ngành giáo dục. Ở một số trường, thi đua đã trở thành tai họa, thành nơi khuyến khích và chứa đựng dối trá, làm mất phẩm giá của thầy và trò.

Đáng ra, thi đua đã nên dẹp bỏ từ lâu, nhưng có một số người vì kém trí tuệ hoặc vì quyền lợi riêng mà cố giữ lại. Còn những người khác vì sợ mà không dám phản biện.

Ai vì quyền lợi riêng mà cố duy trì thi đua? Đó là một số cán bộ trong các Ban Thi đua. Làm nghề gì ăn nghề nấy. Họ kiếm ăn được nhờ nhiều người còn phải chạy danh hiệu. Làm ở Ban thi đua chẳng phải suy nghĩ gì nhiều, chẳng phải vất vả gì mà cũng kiếm ăn được, tuy ít thôi, nhưng cũng có vai vế, có quyền hành. Bỏ thi đua thì họ có nhiều khả năng bị thất nghiệp.

Ai ủng hộ duy trì thi đua? Đó là một số cán bộ lãnh đạo kém trí tuệ, họ tưởng nhầm rằng thi đua chỉ có tốt và rất hiệu quả, hơn nữa họ biết thi đua là do lãnh tụ Hồ Chí Minh phát động nên không dám nghi ngờ. Hơn nữa có thi đua, khen thưởng thì họ còn lợi dụng được chút ít, với họ, bỏ thi đua thì không những khó được khen thưởng, mà còn khó sống.

Ai vì sợ mà không dám phản biện? Đó là số đông cán bộ viên chức, học sinh, sinh viên. Đa số họ tham dự thi đua chỉ là đối phó. Có ai tỏ ra nghi ngờ và thờ ơ với thi đua thì sẽ bị quy kết này nọ, bị trù dập. Thôi thì nhắm mắt, bưng tai, ngậm miệng cho lành, người ta tổ chức thi đua thì cứ làm theo cho qua chuyện.

Thi đua trước đây là tốt, có hiệu quả, tại sao bây giờ không còn thích hợp nữa?

Thi đua chủ yếu là để tạo động lực tinh thần, nhưng động lực này đã bị xẹp nhiều rối. Đối với người lao động, mạnh nhất là động lực kinh tế, được trả lương hoặc tiền công xứng đàng với thành quả công việc (xin nhắc lại: Xứng với thảnh quả công việc chứ không phải trả theo bằng cấp hoặc theo lao động tiêu hao). Động viên tinh thần cũng là một loại động lực nhưng thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Trong thời gian dài rất khó duy trì động lực tinh thần mạnh mẽ, nếu có thì chỉ là loại làng nhàng.

Trong kháng chiến chống Pháp, đất nước còn nghèo, Chính phủ chưa thể dùng động lực kinh tế nên động lực tinh thần do thi đua tạo ra có vai trò quan trọng. Hiện nay đã có điều kiện để dùng động lực kinh tế, các công ty tư nhân và nước ngoài đều dùng tốt động lực này thì vì cớ gì mà các cơ quan nhà nước không dùng được. Thì ra nhà nước gặp một điều rất khó là rất nhiều thủ trương không thể đánh giá thành quả công việc của cán bộ, nhân viên. Vậy phải dùng sự bình bầu của tập thể để chọn ra chiến sĩ thi đua.

Có người sẽ hỏi, không có phong trào thi đua thì lấy đâu ra những chiến sĩ thi đua, những anh hùng lao động với những thành tích to lớn được báo cáo và vinh danh ở các đại hội. Xin trả lời rằng, không có thi đua thì vẫn có những con người ấy, có những sáng chế phát minh ấy, họ làm được là tự bản thân chứ không phải vì thi đua. Thế những người nhận giải Nobel thì do phong trào thi đua nào.

Có người sẽ nói: Thi đua tuy không là động lực mạnh, nhưng có thi đua vẫn hơn. Đây là một ngụy biện. Vì có thi đua nên phải lập ra các Ban Thi đua, phải đăng ký, báo cáo, họp bình bầu v.v… , nghĩa là làm tốn thì giờ, phân tán năng lực. Không thi đua mà tập trung năng lực quản lý, dùng đúng động lực kinh tế thì sẽ tốt hơn nhiều.

Về khen thưởng, nó có mặt trái khá xấu, không những xù xì mà còn chứa độc hại. Khen thưởng nhằm đánh giá công lao và động viên tinh thần. Nhưng một xã hội mà khen thưởng tràn lan, quá nhiều, chứng tỏ xã hội đó đang khủng hoảng.

Để làm tốt công việc, đặc biệt là những sáng chế phát minh, những hoạt động lập nghiệp, người ta cần có động lực mạnh thuộc nội lực (động lực kinh tế là từ bên ngoài). Đó là lòng mong muốn đóng góp giá trị cho xã hội chứ không nhằm vào việc được khen thưởng.

Khen thưởng là cần, nhưng phải rất chặt chẽ thì mới có tác dụng tích cực. Việc khen thưởng bằng cách tặng giấy khen, huân huy chương, danh hiệu cao quý một cách tràn lan không những làm hạ thấp giá trị những thứ đó, mà còn tạo cơ hội cho những trò gian lận, dối trá trong báo cáo thành tích, làm xói mòn đạo đức.

Thi đua khen thưởng là con dao hai lưỡi. Với Việt Nam bây giờ, lưỡi tích cực đã cùn mất rồi, người ta đang ra sức mài dũa lưỡi tiêu cực để dùng. Dùng nó mang lại lợi ít mà hại nhiều.

Hỡi những người có lương tri, xin hãy tỉnh ngộ!

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Nhân gs.Cống trong bài có nhắc đến thời chống Pháp nên nhớ bài thơ nói lái sau.
    “Thi đua chi nữa thua đi mãi” là câu thứ 3 trong bài thơ nổi tiếng một thời này vì
    có 4 cặp từ nói lái mà thành :
    Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi !
    chiến khu thu luá chú khiên(g) rồi
    thi đua chi nữa thua đi mãi
    kháng chiến gì đâu khiến (g) chán thôi !

  2. Thi đua chính là nguồn gốc của bệnh thành tích. Nó không chỉ là con dao cùn kém tác dụng mà còn gây nguy hại tốn nhân lực, tài lực, thời gian vào những việc tổ chức, cổ động đánh trống khua chiêng cho thi đua, gây nên tệ nạn chạy danh hiệu, chạy huân chương, tạo dựng thành tích ảo.

    Mọi người cần được động viên làm tốt công việc của mình vì trách nhiệm, vì lợi ích chung chứ không phải vì thi đua giành danh hiệu này nọ.

    Hãy loại bỏ thi đua trong mọi hoạt động xã hội trước khi quá muộn.

  3. Rất đồng ý với ố Cống về chuyện nên dẹp bỏ tất cả các hình thức thi thố có thưởng . Đường lên đỉnh Olympia thì tuyển nhân tài Việt cho … Úc!

    Dẹp hết những kiểu thưởng thì đất nước ta vốn đã thiếu những cảm hứng, chỉ còn có thi đua. Nay nếu Đảng dẹp luôn thi đua thì chỉ còn cảm hứng tìm chỗ khác sống .

    Hỡi những người có lương tri, xin hãy tỉnh ngộ! Get Out, by any means necessary. Việt Nam sẽ thôi là nguồn cảm hứng cho bất cứ cái gì .

  4. ” hỡi những ng có luong tri xin hãy tỉnh ngộ”Chẹp Chẹp, tác giả sống như thía nào thì bọn sống ở nước Đẻn như thế đó. Chà chà HÔ XUNG PHONG NHƯNG LẠI CHUI TỌT XUỐNG GẦM GIƯỜNG. Trí théc nc Đẻn kỳ Zẩy. Đề nghị bác tiến sĩ tâm thần cho ý kiến về tâm loạn thần củ giới trí théc nước Đẻn của bát Hồ

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây