Tư pháp độc lập và Hội đồng khoa học trong các cơ sở đào tạo luật

Ngô Huy Cương

20-10-2021

Cứ đã từng có chức tước to hay “đã từng có học hàm, học vị cao” là được ưu tiên mời chủ trì hay phát biểu trong các hội thảo hay tọa đàm khoa học pháp lý, bất chấp họ có thực sự giỏi hay hiểu biết vấn đề khoa học đang bàn thảo hay không.

Tôi xin lỗi vì dùng cụm từ “đã từng có học hàm, học vị cao” vì chẳng ai tước bỏ cái học hàm hay học vị, thậm chí khi người mang danh đã nghỉ hưu, nhưng trình độ, khả năng của người khoác cái danh đó không còn đủ tiêu chuẩn nữa vì nhiều lý do.

Nếu trong một cuộc tọa đàm vui vẻ ít tính học thuật mà mời các vị đó tham gia chủ trì hay phát biểu những cái gọi là “bài đinh” thì cũng không sao, lại còn tăng thêm đạo đức “uống nước nhớ nguồn”.

Gần đây, trong một cuộc hội thảo khoa học chuyên đề sâu về đổi mới các cơ quan tư pháp hình sự, một vị chủ tọa (nguyên là PGS. TS, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) và một vị nguyên là PGS. TS chuyên về tư pháp hình sự không giải nghĩa nổi “tư pháp độc lập” hay “tòa án độc lập” là gì khi đăng đàn phát biểu, lại còn kích động cho một vị GS “ngoại đạo” kết luận hồ đồ, thiếu chứng minh trước hàng trăm người nghe trong cả nước (vì đó là một cuộc hội thảo trực tuyến mở công khai).

Một vị giảng viên, tiến sĩ (nghe nói là Chủ nhiệm khoa luật hình sự của Đại học Luật Huế) xin phát biểu và “nói mát” sự kém hiểu biết của vị chủ tọa nói trên về sự góp ý của vị chủ tọa này cho chính sách ở một phiên họp nào đấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây và “nói mát” một cách bóng bẩy về sự kém hiểu biết của các diễn giả đang bàn luận về “tư pháp độc lập” tại hội thảo đó.

Vì vậy, nghe nói, nhiều lần xin phát biểu tiếp theo của vị giảng viên, tiến sĩ này đều không được đáp ứng dù không có ai đòi phát biểu.

Trước đó khoảng gần hai tháng, Khoa Luật- ĐHQG HN và Học Viện Khoa học Xã hội cũng đã mở một tọa đàm trực tuyến về chủ đề tư pháp độc lập. Cũng cái vị nguyên PGS. TS nói trên chủ tọa. Cậy mình đã từng làm to trong nghề, một mình “thao thao bất tuyệt” như đang giảng bài không để thời gian cho ai nói nữa.

Bực mình tôi phải gọi điện thoại luôn cho ông Quyền Giám đốc Học viện đang ngồi đó và xin phát biểu.

Lưu ý rằng, trong cuộc tọa đàm đó có hai vị nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đang ngồi cùng ông diễn giả “thao thao bất tuyệt” này.

Khi được phát biểu tôi nói luôn hai bất cập khi vào đề:

+ Thứ nhất, các vị không làm rõ nổi khái niệm tư pháp độc lập là gì; và

+ Thứ hai, trong khi đó cứ nói vô định về tư pháp độc lập mà cũng chẳng giải nghĩa nổi hạt nhân lý luận của tư pháp là gì.

Ở cuối ý kiến nhanh của mình trong khoảng gần 10 phút, tôi nhận định: Vậy mà các vị góp ý được xem là tinh hoa (có người nói là ba hoa) để xây dựng chính sách của Đảng và Nhà nước thì không thể hiểu nổi.

Cơ sở đào tạo luật góp ý được gì cho việc xây dựng chính sách nếu hội đồng khoa học của cơ sở đào tạo bị coi thường và xem như một nét trang sức?

Việc tổ chức cơ sở đào tạo theo chế độ thủ trưởng trong khi chính sách không rõ ràng về vai trò của hội đồng khoa học làm cho hội đồng khoa học chủ yếu là hoạt động cho vui theo đúng nghĩa khiến khoa học pháp lý không phát triển được.

Hệ quả là chính sách của ta có một phần không nhỏ “sặc mùi” cá nhân của những người có chức, có quyền, có học hàm, học vị cao những lại thiếu chất khoa học và phi thực tiễn.

Thậm chí nội dung những hội thảo khoa học lớn, có ý nghĩa quan trọng thì cũng chỉ do thủ trưởng của cơ sở đào tạo quyết, nên có không ít sự lệch lạc. Còn hội đồng khoa học chỉ được họp hình thức về những gì mà trong qui chế bắt buộc phải có ý kiến của hội đồng khoa học.

Hội đồng khoa học tư vấn cho thủ trưởng nhưng thủ trưởng thường thì lại ngồi làm chủ tịch hội đồng khoa học và “đe nẹt” luôn các ý kiến khoa học trong hội đồng.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây