AUKUS và QUAD không thể bảo đảm an ninh cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương

The Diplomat

Tác giả: Hanns W. Maull

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

16-10-2021

Bốn lãnh đạo của Bộ Tứ. Từ trái qua: Nhật, Ấn, Mỹ, Úc. Nguồn: Official White House Photo

Một số chuyên gia lập luận rằng, chúng ta đang “hiện diện trong việc thành lập” một kiến trúc an ninh mới cho Ấn Độ – Thái Bình Dương, bằng cách dựa vào tên cuốn hồi ký của Dean Acheson, một trong những kiến trúc sư chiến lược của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn vào thập niên 1940.

Có lẽ chúng ta cũng như cả khối AUKUS và hội nghị thượng đỉnh của bộ Tứ (Quad) cũng đều không giúp chúng ta tiến rất xa trên con đường đó. Trong khi cả hai đều báo hiệu sự phản kháng ngày càng tăng đối với lập trường ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh, nhưng vẫn còn những khoảng trống đáng kể trong nỗ lực nhằm khai thông các tham vọng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, việc so sánh với lịch sử của Chiến tranh Lạnh ở châu Âu trong thời kỳ đầu là cần thiết. Cho đến nay, ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, những gì còn thiếu là ba thành tố quan trọng: Các cam kết kiên quyết; khuôn khổ đa phương đúng đắn; và hỗ trợ quốc nội vững chắc ở các nước quan trọng cho một trật tự khu vực mới có thể thích nghi một cách xây dựng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ nhất là các cam kết: Trong Chiến tranh Lạnh ở châu Âu, chiến lược của Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên một hiệp ước quy định các cam kết và nghĩa vụ đối với tất cả các quốc gia thành viên.

Trên nền tảng hiệp ước đó, cuối cùng, NATO đã xây dựng một cấu trúc quân sự kết hợp với một bộ chỉ huy duy nhất. Các cam kết được thực hiện bằng việc xúc tiến triển khai cho quân đội, do đó củng cố được lòng tin. Ngược lại, cho đến nay, khối AUKUS và bộ Tứ (Quad) chỉ là những lời tuyên bố về ý định.

Một yếu tố quan trọng của khối AUKUS là việc Úc mua 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Anh-Mỹ vẫn chưa được đàm phán trong chi tiết, cả chi phí và khung thời gian vẫn còn nhiều bất định. Việc Washington rút quân khỏi Afghanistan cũng như cách Pháp bị khối AUKUS lừa đều không phải là ví dụ điển hình về cam kết kiên định, đáng tin cậy với các đồng minh cho Hoa Kỳ.

Thứ hai, Ấn Độ – Thái Bình Dương đang thiếu định dạng phù hợp cho việc hợp tác đa phương. Ở châu Âu trong thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, khối NATO nhanh chóng trở thành khuôn khổ lựa chọn cho tất cả những ai muốn chống lại các tham vọng bành trướng của Liên Xô. Nếu so sánh với khối AUKUS, đó là một cấu trúc khá đặc biệt, nó loại trừ nhiều đối tác quan trọng. Tất nhiên, nó bao gồm cả Anh, nhưng sự hiện diện của Vương quốc Anh phản ánh những ước vọng hơn là nỗ lực nghiêm túc. Sự tham gia của Luân Đôn dường như cho thấy Anh có thể đóng góp các nguồn lực đáng kể cho tình hình an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương , một gợi ý được nhấn mạnh bởi chuyến thăm gần đây của Queen Elizabeth, tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh, khi tới vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương và tham gia các cuộc thao diễn đa phương.

Tuy nhiên, thực tế là Vương quốc Anh không đủ khả năng để xuất khẩu an ninh sang các khu vực khác trên thế giới: Ngân sách quốc phòng eo hẹp, nguồn lực quân sự được mở rộng quá mức, và an ninh châu Âu ngày càng suy yếu so với việc Nga kiên quyết thực hiện xây dựng quân đội. Brexit không có đóng góp gì để tách Anh ra khỏi an ninh châu Âu, chính phủ hiện tại của Anh dường như không muốn quan tâm ràng buộc đó. Vương quốc Anh không có khả năng xuất khẩu an ninh sang Ấn Độ – Thái Bình Dương  dưới bất kỳ hình thức nào ngoài các điều khoản mang tính biểu tượng. Do đó, sự tham gia của Anh vào khối AUKUS phản ánh tinh thần thoát ly của Thủ tướng Boris Johnson hơn là thực tế về chính sách an ninh ở châu Âu và ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Mặt khác, trong cả hai, khối AUKUS và bộ Tứ (Quad), rõ ràng đang thiếu một số nước. Ngay cả khi giả sử rằng có hai khuôn khổ có thể được kết hợp hoặc xây dựng dựa theo cách nào đó, cũng còn thiếu hai thành viên khác của Five Eyes, Canada và New Zealand; các nước Đông Nam Á như Việt Nam; và Pháp, một cường quốc Ấn Độ – Thái Bình Dương quan trọng nhờ tài sản ở nước ngoài và sự hiện diện quân sự của nước này ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tất cả những quốc gia đó đã là đồng minh hoặc là đối tác của Hoa Kỳ, hầu hết đều thông qua các hiệp ước chính thức. Chính sách ngoại giao khôn ngoan của Mỹ (đáng buồn là gần đây đã bị thiếu hụt) nên xoay sở để huy động cho họ tham gia ký kết.

Mặt khác, Ấn Độ là nước không liên kết trong bộ Tứ (Quad), nước đang xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, dường như khó có thể sớm tham gia vào các liên minh chính thức.

Cả bộ Tứ (Quad) và khối AUKUS đều dự kiến các hình thức hợp tác ngoài các chính sách an ninh quân sự, chẳng hạn như về an ninh mạng và trí thông minh nhân tạo (AI). Tuy nhiên, cả hai, bộ Tứ (Quad) và khối AUKUS đều không phải là hình thức phù hợp: Đáng chú ý là các chương trình nghị sự của họ phần lớn trùng lặp nhau, cũng như với chương trình nghị sự được dự kiến cho Hội đồng Công nghệ và Thương mại Âu – Mỹ. Do đó, có nguy cơ một số nguồn lực quý giá nhất của các chính phủ, thời gian và sự chú ý của cấp cao, sẽ bị tiêu hao và do đó bị lãng phí trong các khuôn khổ đa phương chồng chéo và thậm chí có thể cạnh tranh nhau. Do đó, cả khối AUKUS và bộ Tứ (Quad), thậm chí khi cả hai kết hợp nhau, đều không phải là khuôn khổ phù hợp để xây dựng một kiến trúc an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương  vững chắc có thể hạn chế Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng trong thể chế của an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương cần cả chiều sâu và mở rộng.

Khoảng cách thứ ba và là một khác biệt to lớn nữa đối với châu Âu trong thời Chiến tranh Lạnh, nó có liên quan đến chính sách trong nước về đối ngoại và an ninh. Trong cộng đồng Đại Tây Dương, ở Mỹ, cam kết với khối NATO dựa trên sự đồng thuận lưỡng đảng vững chắc và dễ dàng được chấp nhận, cũng như dựa trên nền tảng vững mạnh về chính trị quốc nội ở hầu hết, nếu không nói là tất cả, các nước thành viên. Hiện nay, các chính sách đối ngoại và an ninh ở nhiều quốc gia đang bị coi là con tin cho những mối bận tâm trong nước, sự phân hoá chính trị và phản xạ thuộc về tinh thần dân tộc.

Quan trọng nhất, ở Hoa Kỳ, sự đồng thuận của lưỡng đảng về Trung Quốc bị cáo buộc là lừa dối. Đảng Cộng hòa dường như hoàn toàn có khả năng hạ bệ chính quyền Biden về bất kỳ động thái cụ thể nào đối với Trung Quốc, miễn là đảng này coi đây là một cách làm tổn hại đến triển vọng của ông Biden và Đảng Dân chủ. Tình hình phân hoá chính trị ở Washington có nguy cơ làm suy yếu loại hình chính sách cân bằng và nhạy cảm về Trung Quốc mà Hoa Kỳ và thế giới đang cần.

***

Tác giả: Hanns W. Maull là khách mời cộng tác, Cộng sự viên cấp cao tại MERICS và Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học John Hopkins, Trung tâm Bologna Nghiên cứu Quốc tế. Ông cũng là thành viên cao cấp tại Học Viện về các Vấn đề Quốc tế và An ninh của Đức (SWP) ở Berlin.

_____

Tựa đề bài viết do người dịch đặt.

Bài liên quan: Tại sao tàu ngầm hạt nhân của Úc là một hành động quân sự thông minh và có thể răn đe Trung QuốcBộ Tứ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Bắc Kinh*Bình luận về Hiệp định Đối tác Tăng cường An ninh của Mỹ, Anh và Úc (AUKUS), III

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Một bài phân tích chính trị có giá trị thuyết phục cao dưới nhiều góc nhìn vời những
    luận chứng vững chắc, không dễ bác bỏ được. Một tác giả bậc thầy !
    Từ lời nói đến việc làm là một khoảng cách xa, vì nhiều chính trị gia nói một đường,
    làm một nẻo còn ở đây từ ý định đến việc làm thì còn xa lăng lắc hơn nữa.
    Thiển nghĩ bốn nước đã tạo nên bộ tứ là hay rồi, nay lại đẻ ra bộ tam AUKUS có lẽ
    chỉ làm rối thêm, thậm chí chia rẽ các nước đồng minh chống Tàu cộng ?
    Câu cuối cùng có tinh cảnh giác hợp với thực tế nội tình nước Mỹ. “Một nhà chia rẽ
    thì không thể nào đứng vững được”. Vấn đề là ai đang muốn loại trừ ĐẾ QUỐC Mỹ ?

  2. Aukus và Quad là một bước đi thích hợp, nhằm cảnh báo cách mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Bài học rút ra từ thế chiến thứ hai, khi Đức là nước trổi dậy hùng mạnh hơn hẳn so với phần còn lại của châu Âu, và bài học của châu Âu hiện tại khi mọi khoảng trống an ninh đã được lấp đầy, giữ được hòa bình trong một thời gian dài. Trong bối cảnh đó, ngay sát nách Trung Quốc, Việt Nam không thể tiếp tục chính sách ” khôn ngoan” 4k, tọa sơn quan hổ đấu! Nhưng chính Việt Nam trở thành khoảng trống an ninh, miếng mồi ngon để TQ hổ báo giận cá chém thớt… Trước mắt sẽ là Trường sa, các điều kiện cơ sở đã hoàn thiện, sẳn sàng, tại sao không?

    • Bài viết của Hanns W. Maull có một giá trị cảnh báo thuyết phục. AUKUS và QUAD chỉ là một khởi điểm hy vọng cho việc phòng ngự Đài Loan, nhưng không thể bảo đảm an ninh lâu dài cho Đài Loan và không liên quan đến các biến động tương lai tại Biển Đông, như người Việt hy vọng.
      Khi Trung Quốc tấn công chớp nhoáng để chiếm Đài Loan, Hoa Kỳ cũng không thể chống trà vì quân lực của Trung Quốc mạnh hơn và nội tình của Mỹ đang hỗn loạn, không thuận lợi cho Mỹ trực tiềp can dự cho dù có căn bản pháp lý. Khó khăn nhất cho Trung Quốc là không thể chiếm giử Đài Loan trong lâu dài vì khà năng phong toả Đài Loan của Mỹ, Nhật, Đại Hản và Úc sẽ có kết qủa hữu hiệu.
      Còn AUKUS và QUAD không giúp gì cho Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay khi lãnh đạo của Việt Nam không tự giùp mình và thể hiện ý chí độc lập chánh trị. Kiên cường trong im lặng với Trung Quốc không phải là khôn ngoan của Việt Nam. Với tinh thần nô lệ tự nguyện cho Trung Quốc thì tương lai đen tối cho Việt Nam là khó tránh trong khi kinh tế đang bất ngờ lâm nguy do COVID-19. ASEAN cũng không thể làm gì khác hơn trước sự khống chế toàn diện của Trung Quốc.

Leave a Reply to Grafenberg Nguyen Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây