Ba năm một hành trình ở Mỹ (Phần 3)

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

18-10-2021

Tiếp theo phần 1phần 2. Phần 3: Nước Mỹ: Thách thức và cơ hội

Trên suốt chuyến bay từ Đài Loan sang Mỹ tôi không hề chợp mắt. Điều gì đợi mình ở phía trước khi gia đình tôi rời Việt Nam không hề êm ả, dễ dàng? Một tuần trước ngày máy bay cất cánh, công an tỉnh Khánh Hòa mời mẹ tôi lên làm việc. Họ thông báo sẽ đưa gia đình tôi ra Hà Nội kèm theo lời “nhắn nhủ” rằng: “Bà hãy nói với Quỳnh sang Mỹ rồi hãy sống và lo cho các cháu đi. Đảng và nhà nước luôn khoan hồng với những người biết quay đầu”.

Mẹ tôi cũng đề nghị họ rằng, chuyện gia đình tôi đi Mỹ không một ai được thông báo cả, vì thế nếu có loan tin hay diễn bất cứ trò gì thì đây chính là điều mà công an mong muốn. Sau đó, gia đình tôi cùng một số người nhà và bạn thân của tôi – Võ Trường Thiện đã rời Nha Trang đi Hà Nội trong im lặng. Mọi người tắt điện thoại, không gặp ai và chờ đến giờ phút cuối cùng để tiễn Nấm, Gấu rời Việt Nam. Em tôi – Trịnh Kim Tiến và bạn tôi đi tiễn tôi ở Hà Nội với lý do duy nhất để ủng hộ, dù biết rất khó gặp nhưng ít nhất đó cũng là câu trả lời với công an Khánh Hòa – không phải ai cũng sống hèn. Tôi luôn có những người bên cạnh như vậy trong những thời khắc khó khăn. Tôi biết ơn họ!

Nước Mỹ, nơi mà các cô chú bác, anh chị em chào đón tôi tại Houston dù chuyến bay hạ cánh rất trễ vì thủ tục mất thời gian hơi lâu. Tôi có ngần ngại trước chuyện sẽ phải tiếp xúc đám đông sau 2 năm tù đày nên lúc đầu định sẽ đợi mọi người về hết rồi mới ra cổng. Nhưng anh chị bên ngoài cho biết, mọi người sẽ không về đâu dù đã khuya rồi. Hơn nữa, mẹ và hai con tôi cũng đã thấm mệt sau một chặng đường dài. Cờ hoa, nước mắt và cả những cái ôm cùng nụ cười của những người mà tôi chưa hề quen biết sẽ là thứ mà tôi nhớ mãi khi đặt chân đến Mỹ.

Năm đầu tiên ở Mỹ, thủ đô Washington DC, New York, Louisville (Kentucky), Chicago, Ohio, Orange County, San Diego (California), Dallas… là những địa danh mà tôi có cơ hội đi để nói lời tạ ơn, để kể lại câu chuyện và để viết tiếp hành trình của mình.

Tranh đấu để tự do ở Mỹ là điều mà tôi chưa từng tưởng tượng ra. Như tôi đã phát biểu trong những ngày đầu đến Mỹ trước hàng trăm thính giả trong buổi lễ trao giải của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) Hoa Kỳ rằng: “Bây giờ tôi đã tìm thấy hơi thở của tự do nhưng tôi phải thú nhận rằng tôi không tìm thấy được niềm hạnh phúc trọn vẹn trong tôi bởi vì đi tìm tự do cho riêng bản thân mình ở ngoài đất nước Việt Nam chưa bao giờ là mục tiêu, khát vọng của tôi.” Nếu tôi rời Việt Nam mà khát vọng còn ở lại thì nước Mỹ chính là môi trường tuyệt vời nhất cho bất kỳ nhà hoạt động nào muốn tìm hiểu về phong trào tranh đấu cho dân sự. Và tôi sẽ không bỏ lỡ cơ hội này.

“Tôi sẽ không im lặng” – trong suốt 3 năm qua, tôi luôn giữ lời hứa khi vừa đặt chân đến nước Mỹ với đồng bào mình dù người nghe ít nhiều có thay đổi. Mà chắc cũng chẳng còn mấy ai nhớ, tôi đã từng nói gì ở ngày đầu đến Mỹ.

Tôi không khôn ngoan, đến giờ tôi vẫn nhận như vậy!

Có khá nhiều người muốn tôi trở thành nhân vật của quần chúng, của cộng đồng, nói những điều mà đám đông khao khát và chờ đợi. Nhưng tôi không làm được!

Tôi xin lỗi các anh chị – những người muốn tổ chức cho tôi các buổi ra mắt gặp gỡ theo kế hoạch, kịch bản nhưng tôi lại từ chối và chọn con đường của riêng mình vì tôi thấy tôi đã nhận đủ ân tình của những người yêu quý mình và tôi không sang Mỹ để đi gây quỹ.

Tôi chân thành xin lỗi tất cả những ai đã bị tôi làm tổn thương vì tình cảm và sự ái mộ mà mọi người dành cho tôi để rồi tôi không được như mọi người kỳ vọng.

Tôi xin lỗi vì đã để nhiều người hụt hẫng và giận dữ. Và tôi xin lỗi vì tôi không phải là một nhân vật của đám đông, nói theo kịch bản, diễn theo chỉ đạo mà chỉ là một cô Quỳnh “thích tự do và công bằng” như ngày nào.

Nước Mỹ, giữa đại dịch, thế giới đối diện với nhiều vấn nạn điên cuồng. Tin giả, xu hướng chống lại khoa học và tâm lý thần tượng lãnh tụ đã khiến cho nhiều thứ không còn nguyên vẹn. Và tôi đã học được rất nhiều trong suốt hai năm qua. Tôi trưởng thành hơn, luôn có thể hãnh diện với bản thân vì chưa đánh mất mình một giây phút nào và quan trọng hơn hết giữa phong ba bão tố tôi biết mình đã, đang và sẽ làm gì.

Nước Mỹ đầy thách thức với một người bắt đầu lại từ đầu như tôi nhưng nơi đây cũng chính là mảnh đất đầy cơ hội khi sự công bằng được chia đều cho bất kỳ ai dám tranh đấu, dám khao khát. Vì thế trong suốt hai năm giữa đại dịch, tôi đã gặp nhiều người trẻ trong và ngoài nước – thế hệ nói không với bất công bằng lương tâm và trí tuệ. Chính các bạn đã giúp tôi nuôi dưỡng một niềm tin rằng “rồi nước mình sẽ khác” vì chúng ta đang có một thế hệ dám nghĩ, dám ước mơ và sáng tạo.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng hành trình tranh đấu sẽ chấm dứt khi một ai đó ở nước ngoài. Bởi thực tế trong suốt 10 năm hoạt động, tôi có anh, có chị, có bạn bè chưa một ngày nào ở Việt Nam, nhưng họ hiểu và dành tâm huyết cả đời để học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu cách thay đổi và cách bảo vệ chúng tôi – các nhà hoạt động Việt Nam đang ở trong nước.

Chính họ, anh chị tôi, đã xóa tan cái khái niệm tranh đấu theo biên giới trong đầu tôi khi tôi chọn con đường trở thành nhà hoạt động. Biên giới không phải là rào cản ước muốn thay đổi, chỉ có con người tự giới hạn khát khao của mình bằng cách vẽ ra nhiều lý do khác nhau. Chính vì thế, cho dù tôi sống ở bất kỳ quốc gia nào trên trái đất này, thì hành trình tự do vẫn sẽ được viết tiếp từ hôm nay và ngày mai, từ tôi và bao nhiêu người khác nữa.

Chỉ cần bạn dám mơ ước, và đầu tư thời gian, tâm trí để nghiên cứu, học hỏi nhằm biến ước mơ thành sự thật thì mọi thứ sẽ theo ý bạn chứ không phải là sự sắp đặt của ai hết.

Ba năm ở Mỹ không phải là quá dài, nhưng những gì xảy ra trong suốt ba năm qua đã nhắc tôi nhớ rằng “What doesn’t kill you makes you stronger” – Điều gì không giết chết được bạn sẽ khiến bạn trở lên mạnh mẽ hơn. Tôi trưởng thành nhờ những trải nghiệm để luôn ghi nhớ và biết ơn người thầy luôn chăm sóc sự bình tĩnh cho tôi giữa giông bão.

Xin được gửi lời cảm ơn đến anh chị Vũ Đông Hà, anh chị Đặng Thanh Chi, Human Rights First, Văn phòng Luật sư K&L Gates, các tổ chức nhân quyền quốc tế, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, và tất cả những ai đã quan tâm lên tiếng và ủng hộ hành trình tự do của tôi trong suốt thời gian qua. Trân trọng mọi tấm lòng!

Nước Mỹ – nơi giấc mơ và con đường mới của tôi đã nuôi dưỡng từ những thương yêu và bảo bọc của mọi người – để tôi luôn sống đúng nghĩa là một người yêu chuộng tự do, tranh đấu để bảo vệ lẽ phải và sự thật.

Nước Mỹ – nơi tôi được sống, được yêu thương và được là chính mình!

Tạ ơn Chúa, tạ ơn cuộc đời và tạ ơn những thương yêu gửi gắm đến tôi và gia đình. Mến chúc an lành đến với tất cả!

Tháng 10 năm 2021, viết từ Houston (TX)

Mẹ Nấm

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Cảm kích thật sự về cách sống của chị. Không thể tưởng tượng chị sẽ đấu tranh thế nào trên đất Mỹ, nhưng như chị nói chị đã có cách và hy vong nó hữu hiệu.
    Kính mời mấy bác trí théc trong cái nhóm ” diễn đàn dân sụ, CLB lê hiếu đằng,, nhóm diệt quyền dân….” đọc bài này để tự soi lại mình xem nó tệ hại đến mức không thể sc

Leave a Reply to Lambanthesu Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây