Ba năm một hành trình ở Mỹ (Phần 2)

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

17-10-2021

Tiếp theo phần 1  —  Phần 2: Đài Loan trạm dừng chân và hành trình tuyệt thực trước khi đến Hoa Kỳ

Khi chuyến bay EVA 52 rời đường băng chuẩn bị cất cánh, tôi vẫn nhớ hình ảnh cuối cùng mình cố gắng ghi nhận trong đầu là Việt Nam nhìn từ trên cao. Hà Nội – không biết bao lần tôi đến, và rời đi, nhưng lần này chắc hẳn sẽ rất lâu mới trở lại, và khi trở lại, mọi thứ hẳn cũng sẽ khác.

Đài Loan là nơi tôi dừng chân, và được tiếp đãi rất nồng hậu. Đại diện ngoại giao của Đài Loan đã đích thân ra tận sân bay cùng với anh Hùng – một nhân viên người Việt làm việc cho Hoa Kỳ cùng với đại diện của EVA dành hẳn cho chúng tôi một phòng chờ ở sân bay. Câu chuyện của tôi khiến anh Hùng xúc động, anh cứ nhắc tôi rằng: “Đài Loan tuy nước nhỏ, nhưng họ rất hiểu mình. Họ luôn ủng hộ những ai dám tranh đấu chống lại bá quyền Bắc Kinh”.

Tôi hơi mệt vì không ngủ được và toàn bộ thời gian này tranh thủ có Internet tôi cố gắng nhắn tin, gọi điện cho vài người thân, người thương và anh chị, bà Dzú để họ biết là tôi ổn. Tất cả đều rổn rảng qua điện thoại, nhưng sau đó mọi người đều ngậm ngùi.

Tôi nhớ có người không kìm được cảm xúc mà bật khóc khi hay tin tôi bị bắt, giờ đây cũng chính người đó không nói nên lời khi nghe giọng tôi. Tôi nhớ có người hỏi, có thiệt là ổn không sau chừng đó ngày tuyệt thực trong tù, gọi Facetime chút đi cho đỡ nhớ… Tôi nhớ có người khóc nức nở rồi chửi tôi xối xả như mưa qua điện thoại rằng: “Mẹ bà mày, mày đi chuyến này xa quá làm sao Dzú có thể nấu món ngon cho mày nữa hả con chó con..”. Tôi nhớ hết, những điều đó, và nó là một phần đời không thể nào quên trong tôi.

Tháng 7 năm 2018, có lẽ là tháng khủng khiếp nhất trong cuộc đời tôi cho đến lúc ấy. Khoảng thời gian đầu tháng, sau khi chịu quá nhiều áp lực từ các bạn tù, tôi quyết định tranh đấu để được chuyển buồng giam. Tận dụng cuộc điện thoại 5 phút hàng tháng về nhà ở những giây cuối cùng tôi thông báo cho gia đình rằng tôi sẽ tuyệt thực. Không phải để đòi mở điện, có ti vi, được đọc sách báo, mà là để bảo vệ danh dự của chính tôi khi công an liên tục dùng “chim mồi” kích động tinh thần. 24 tiếng, 48 tiếng rồi 72 tiếng trôi qua… thời điểm khó khăn nhất của hành trình tuyệt thực giúp tôi tỉnh táo hơn. Trước khi bắt đầu tuyệt thực tôi đã không nhận cơm, rau, không nhận thức ăn của trại giam gần 2 tháng sau khi tôi phát hiện ra bạn tù đã bỏ cái gì đó vào nước uống và tôi cảm thấy nó không hề an toàn.

Tuần thứ 1 trôi qua, công an phụ trách tôi trong trại giam hỏi: “Chị Quỳnh, chị phải biết là phân công, sắp xếp ai ở chung với ai là công việc của chúng tôi. Không phải chị ở tù muốn đòi gì cũng được.”.

Tôi trả lời nhẹ nhàng: “Tôi không đòi hỏi gì hơn người khác, nếu kết tội tôi bằng bản án 10 năm thì việc nhốt tôi trong buồng giam và tạo điều kiện để tôi yên tâm mà không bị kích động trong môi trường này cũng là của công an. Tại sao hết công an Mai đến các trực trại như Liên “híp” lại có thể ngang nhiên ra vô xiên xéo kích động tinh thần người khác trong khi chúng tôi đã bị nhốt ở một khu riêng? Tại sao những người khác không mặc quần áo tù lại có thể thoải mái ra vào khu vực giam giữ này? Cứ theo luật mà làm nếu muốn tôi tuân thủ.”

Ngày thứ 10 tuyệt thực, một công an nam khác được cử vào gặp tôi và nói rằng: “Nếu chị muốn tranh đấu, việc tốt nhất là hãy giữ sức khỏe cho mình. Chị cứ ăn uống bình thường, chúng tôi sẽ xem xét nhu cầu khi hợp lý”. Tôi cũng trả lời luôn: “Tôi không muốn gây khó khăn, áp lực cho bất cứ ai, nhưng tôi có nguyên tắc sống và có đủ lý do để yêu cầu chuyển buồng giam khi công an tạo điều kiện cho người khác gây ức chế tinh thần tôi”.

Trong khoảng thời gian tôi tuyệt thực, ngày nào tôi cũng được đưa ra khỏi buồng giam để đi kiểm tra sức khỏe bằng cách đo huyết áp, theo dõi nhịp tim.

Một công an ở trạm xá đã nói: “Nếu chị cứ tiếp tục tuyệt thực, chúng tôi buộc phải truyền nước, đạm để bảo đảm sức khỏe cho chị.”. Tôi cũng nói luôn rằng nếu tôi không đủ sức, tôi sẽ không nằm ở bệnh xá nơi mà giường bệnh sắt rỉ, chiếu nhàu nát. Đó không phải là chỗ dành cho con người. Chúng tôi là tù nhân, nếu có vi phạm pháp luật thì tôi bị xử lý, chứ quyền được sống trong một môi trường tối thiểu dành cho con người vẫn còn đó, Công an nên tôn trọng quyền con người.

Chiều hôm đó trạm xá đã thay giường bệnh mới, bạn tù tôi kể cho tôi nghe đầy phấn khởi. “Thế là sau chừng ấy năm, ‘chúng nó’ (tức công an) cũng đã chịu thay giường rồi chị ạ”.

Tôi tuyệt thực sau 12 ngày, tinh thần rất minh mẫn, người chỉ có cảm giác hơi nhức đầu nếu phải ngồi dậy đột ngột. Và trong suốt khoảng thời gian này, thứ tôi tiếp nhận vào cơ thể là nước lọc. Uống nước để thanh lọc cơ thể, không phải uống nước để no. Khi người ta tuyệt thực trong môi trường tù đày, cảm giác no – đói không còn hiện hữu nữa. Ở đó chỉ còn có niềm tin, mình nhất định phải thắng trận này.

Ngày thứ 13, công an mở cửa buồng giam và bắt đầu đảo buồng. Tôi sẽ chuyển sang phòng của Nguyễn Đặng Minh Mẫn để ở cùng 2 người khác là Hường và Sinh. Trước đó Sinh ở chung với Mẫn, tôi ở cùng với Hường và Tuyết. Bây giờ đảo ngược, Tuyết và Mẫn sẽ ở chung với nhau, tôi ở với 2 người còn lại. Cả 3 trực sinh Tuyết, Hường, Sinh đều là những người được công an giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động của chúng tôi – hai tù nhân chính trị. Nhưng ít nhiều hai trong số họ hiểu, và tôn trọng tôi, nên khi tôi cương quyết phản đối hành vi cố ý gây áp lực cho tôi của Tuyết cùng với Sinh và nhiều tù nhân khác bên ngoài thì công an đành phải chuyển buồng.

Tôi chấm dứt tuyệt thực sau ngày thứ 14. Một ngày sau, ngày 23/7/2018, đại diện của đại sứ quán Hoa Kỳ đi kèm nhân viên phiên dịch là anh Mạnh (người mà tôi có cơ hội trao đổi trực tiếp trước đó) đã vào trại giam gặp tôi. Cùng lúc này, đại diện của phái đoàn châu Âu cũng vào thăm Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Tôi vẫn nhớ ánh mắt thảng thốt của anh Mạnh khi nhìn thấy tôi lần đầu tiên sau hơn 2 năm tôi bị bắt. Sau này nghe mẹ tôi kể lại, anh Mạnh nói: “Cháu không nhận ra Quỳnh nữa cô ạ!”.

Trước khi có cuộc gặp gỡ với đại diện đại sứ quán Mỹ, bên phía công an đã đưa tôi ra khỏi buồng giam và ngồi thuyết phục tôi gần 2 tiếng đồng hồ rằng hãy nhận lời đi nước ngoài. “Chúng tôi đã rất tranh đấu với phía Mỹ để họ nhận cả mẹ và hai con chị. Đây là nỗ lực của anh em ngoại giao đấy, không có ai được như thế đâu. Chị đồng ý đi nhé chị Quỳnh!”.

Trong suốt khoảng thời gian họ nói, tôi vẫn im lặng, nhưng đến đoạn này thì tôi nhỏ nhẹ hỏi lại: “Vậy là anh định nhắc tôi nên biết ơn đảng và nhà nước vì đã tạo điều kiện cho gia đình tôi đi Mỹ đúng không?”.

Anh công an im lặng!

Trong cuộc gặp, đại diện phía Hoa Kỳ sau khi thông báo Việt Nam cho phép Mỹ bảo lãnh tôi cùng gia đình và nhấn mạnh rằng quyết định là ở nơi tôi. Tôi là người chịu trách nhiệm với quyết định này. “Liệu tôi có thể ở lại mà gia đình tôi đi không?”. Câu trả lời là sự im lặng.

Trong khoảnh khắc đó tôi nghĩ đến 8 năm trước mặt, con trai tôi sẽ bước vào tuổi thiếu niên và con gái tôi sẽ trở thành một thiếu nữ mà không có mẹ bên cạnh. Tôi phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của các con tôi. Và tôi đã đồng ý để ra đi, không có bất kỳ cam kết hứa hẹn nào.

Từ tháng 7 đến tháng 10, công an trại giam có vẻ nới lỏng hơn trong các yêu cầu về sách báo, thức ăn.. Nhưng họ quyết định đóng cửa buồng giam không cho chúng tôi ra sân trồng rau nữa với lý do “để bảo vệ an toàn” cho tôi. Đây cũng là khoảng thời gian mà tôi biết nếu mình có mệnh hệ gì thì công an sẽ rất khó ăn nói với bên ngoài, nên tôi cũng cố gắng không khiến họ phải căng thẳng khi họ đã chuyển công an hay gây hấn và đám trực trại hay kiếm chuyện đi chỗ khác.

Dư luận viên khi hay tin có tù nhân lương tâm tuyệt thực thường hay nói: “Nó xạo đó, làm gì nhịn được 14 ngày. Ủa nhịn 14 ngày sao mạnh khỏe quá vậy?!”. Đôi khi với những kẻ chưa một ngày tù đày, chưa một lần nhịn ăn, cuộc sống đơn giản chỉ là có cái gì đó bỏ vào miệng để nhai nuốt, và như thế là tồn tại. Họ quên mất rằng, lòng tự trọng, danh dự có thể giúp người ta đi tới những lằn ranh tranh đấu vượt quá giới hạn của con người. Khi tù nhân tuyệt thực, công an chẳng ngần ngại bắt camera quan sát, siêu âm dạ dày để xem người ta có ăn gì không và luôn có người theo sát 24/24 trong buồng giam, vừa để dụ dỗ ăn vừa để canh chừng. Ai không xác định được tinh thần tranh đấu sẽ rất dễ bị cám dỗ ở đoạn này.

Hành trình vận động cho tự do của tôi, có sự góp sức từ những chữ ký, những buổi vận động, những tấm lòng của bạn bè năm châu bốn bể, của người Việt và cả những người ngoại quốc, của anh em bạn bè và cả những người chưa quen. Những ân tình đó tôi vẫn luôn ghi nhớ và sống sao cho đúng nghĩa với con đường hoạt động mà mình đã lựa chọn. Để chép lại cuộc vận động cho tự do của tôi, xin chia sẻ cùng quý bạn bè hành trình do Mạng lưới Blogger đúc kết lại, sau khi tôi tuyệt thực như sau:

Ngày 7 Tháng Bảy, 2018, Mẹ Nấm bắt đầu cuộc tuyệt thực trong tù trong lúc các thành viên bên ngoài đẩy mạnh cuộc tranh đấu. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, các tòa đại sứ nước ngoài tại Việt Nam, các Ủy ban Nhân quyền của LHQ và các tổ chức quốc tế được thông báo và cập nhật sát sao về tình hình tuyệt thực của Mẹ Nấm. Áp lực đòi hỏi vào tù thăm gặp Mẹ Nấm tới tấp gửi đến nhà cầm quyền CSVN từ mọi phía.

Trước viễn cảnh kinh tế Trung Cộng sẽ bị suy sụp bởi cuộc chiến thương mại, Hà Nội bắt đầu nhượng bộ và tìm cách hàn gắn mối bang giao với Đức, cộng đồng chung Âu Châu và đặc biệt là Hoa Kỳ. Ngày 23 tháng Bảy, 2018, nhà cầm quyền CSVN cuối cùng phải chấp nhận đề nghị và để nhân viên toà đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội vào thăm Mẹ Nấm tại trại giam số 5, Thanh Hóa.

Ngày 11 tháng Bảy, 2018 nhân viên của Toà Đại Sứ và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo cho thành viên của MLBVN là nhà cầm quyền CSVN đã đồng ý trả tự do cho blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng đồng ý để cả nhà sang định cư tại Mỹ. Tuy nhiên, phía nhà cầm quyền không cho biết ngày nào Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra khỏi nhà tù.

Trong khi chờ đợi nhà cầm quyền thông báo ngày đi chính thức của gia đình, MLBVN đã hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ bảo lãnh cho Mẹ Nấm và gia đình với Sở Di trú Hoa Kỳ. Ngày 23 tháng Tám, 2018 bà Tuyết Lan cùng 2 cháu Nấm và Gấu đi Sài Gòn để làm thủ tục Visa nhập cảnh Hoa Kỳ.

Ngày 28 tháng Tám, 2018, gia đình nhận được Visa để nhập cảnh Hoa Kỳ và Visa sẽ hết hạn vào ngày 26 tháng Chín, 2018. Tuy nhiên, đến ngày 20 tháng Chín, 2018, nhân viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam nêu lý cớ là do thiếu nhân sự vì những người phụ trách hồ sơ của Mẹ Nấm phải đi sang Úc tham dự Hội nghị cho nên vẫn chưa có thể xác định ngày trả tự do cho Mẹ Nấm.

Do đó ngày 20 tháng Chín, 2018, gia đình của Mẹ Nấm phải đi gia hạn Visa lần 2 với và ngày hết hạn sẽ là 19.10.2018. Sau đó, Hoa Kỳ thông báo cho VN là ngày trả tự do cho Mẹ Nấm trễ nhất là ngày 26.09.2018.

Vào lúc 16h02 chiều ngày 28 tháng Chín, 2018 nhà cầm quyền CSVN thông báo sẽ thả Mẹ Nấm vào ngày 03.10.2018, và dự kiến ngày rời Việt Nam sẽ là 3 Tháng Mười, 2018 hoặc 4 tháng Mười, 2018 và đây là “sự đồng ý sau cùng đã được phê chuẩn”. Mạng lưới Blogger VN chuẩn bị lấy vé cho Mẹ Nấm và gia đình.

Chỉ 1 giờ sau, lúc 17h04 Bộ Ngoại Giao Việt Nam lại cho biết là có vấn đề trong đối thoại nội bộ và họ không thể xác định ngày nào sẽ trả tự do cho Mẹ Nấm.

Vào lúc 17h59 ngày 11 tháng Mười, 2018, MLBVN nhận được tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết chính thức Mẹ Nấm sẽ được trả tự do vào ngày 17 tháng Mười, 2018, tức chỉ 2 ngày trước khi visa lần 2 của gia đình hết hạn. 6:30 sáng, 17 tháng Mười, 2018, hai xe mang biển số 80 của Bộ Công An và 1 xe 16 chỗ ngồi của trại giam đã chở Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rời trại giam để tống xuất Mẹ Nấm ra khỏi Việt Nam.

Vì vé chuyến bay sẽ cất cánh lúc 12 giờ trưa nên xe công an (CA) cố ý dừng lại ở trạm Cầu Giẽ, Ninh Bình, nghỉ 40 phút để khi đến sân bay Nội Bài là gần sát giờ bay. CA đã hộ tống Mẹ Nấm vào cổng sau dành riêng cho nhân viên. Tại đây Công an chỉ cho phép Mẹ Nấm gặp nhân viên Đại sứ Quán Hoa Kỳ trong vòng 5′. Sau đó Mẹ Nấm đã lên máy bay cùng nhân viên của sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Sau 2 năm 7 ngày, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh gặp lại 2 con trên máy bay.

Trưa thứ Tư, ngày 17 tháng Mười, 2018 Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và gia đình đã đáp chuyến máy bay EVA 398 rời Hà Nội, quá cảnh tại Taipei và sẽ đến Houston trên chuyến bay EVA 52 vào lúc 11 khuya cùng ngày.”

Nguồn: https://danlambaovn.blogspot.com/2018/10/cuoc-van-ong-tu-do-cho-me-nam-nguyen.html

Như vậy có thể thấy, gia đình tôi bên ngoài, phải gia hạn visa tới lần thứ 2 thì tôi mới có thể rời Việt Nam. Và khi tôi đến Mỹ chỉ còn 2 ngày nữa là visa hết hạn. Một hành trình không hề êm ả và dễ dàng.

Tôi rời Đài Loan sau mấy tiếng ngừng chân để tiếp tục bay đến Mỹ. Mặc dù khá ngắn ngủi, nhưng thời gian ở vùng đất này đủ để ghi nhớ, để trân trọng tấm lòng của các nhân viên ngoại giao, của anh Hùng, của đại diện EVA và các tiếp viên – họ là những người đầu tiên mà tôi gặp khi được tự do và tiếp sức cho tôi để tôi biết rằng với hành trình trước mắt, con đường cho tự do, dân chủ đầy chông gai. Tôi không hề cô đơn.

Chào tạm biệt Đài Loan và hẹn ngày sớm gặp lại!

Hết phần 2

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Theo tôi, người phụ nữ xứng danh con cháu bà Trưng bà Triệu hàng đầu là hai người
    nữ trong nước là cô Phạm Đoan Trang và bà Cấn Thị Thêu ! Họ xứng đáng nhất ! NQ
    cũng xứng đáng nhưng không bằng 2 nữ lưu kía.
    Chỉ ở trong nước, dám chấp nhận muôn vàn nguy hiểm và đương đầu với bạo quyền
    mới xứng danh là nhà tranh đấu cho dân chủ (còn phiá nam nhân thì có Trần Huỳnh
    Duy Thức, một biểu tượng đấu tranh bất khuất) !

  2. Phương pháp đấu tranh của Mẹ Nấm rất ” cực đoan” không ” ôn hòa có đùi gà tí nào, làm tổn hại tới cá nhân và gia đình con cái
    Trí théc xhcn, trí théc Đảng, trí théc thế hệ hochomeo chúng tớ là vừa đấu tranh vừa mần ăn với Đảng, luôn biết cách không vượt lằn ranh đỏ để vừa có thể sống và làm giàu vừa có thể đấu tranh.

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây