Ba năm một hành trình ở Mỹ (Phần 1)

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

17-10-2021

Phần 1: Tháng 10/2018

4h30 sáng ngày 17/10

Cổng buồng giam bật mở, công an bước vào nhắc tôi ăn sáng rồi chuẩn bị lên đường.

Cô bạn tù nhìn tôi vừa vui vừa lo lắng. Hôm nay chưa đến giờ đánh kẻng điểm danh như thường lệ, và chuyến đi xa của tôi lần này cũng chẳng giống bất kỳ ai.

Khi tôi đang thu dọn đồ đạc cá nhân, nữ công an Hoàng Thị Ánh Hồng đã nhanh tay chộp lấy quyển nhật ký hàng ngày của tôi rồi truyền ra ngoài và bảo rằng chúng tôi cần kiểm tra trước khi cho chị đem đi. Sách vở để lại tôi đề nghị cho phép các bạn tù khác sử dụng. Tôi rời trại giam mang theo quyển Kinh thánh và hai quyển sách mà gia đình gửi vào và một cái quạt nan tre lồng vải mà bạn tù may tặng cùng khẩu trang chống nắng.

Công an đưa tôi ra ngoài vào khoảng 5h30 sáng, mọi người vẫn chưa ra khỏi khu giam giữ nên không có nhiều người nhìn thấy tôi rời đi. Có mấy người tù nhận nhiệm vụ quét dọn vẫy tay chào tôi “về bình an nhé”.

Ở bên ngoài cổng trại, họ làm thủ tục kiểm tra, bàn giao tiền lưu ký của tôi. Lúc này tôi mới nhắc lại lá thư “xin được giúp đỡ người khác” mà tôi gửi từ tháng 8 nhưng đến nay không có hồi âm. Nguyện vọng của tôi là được đem toàn bộ số tiền mà gia đình gửi hàng tháng vào tù cho tôi để cho 3 người bạn tù ở chung mỗi người 2 triệu, số còn lại gần 15 triệu đồng để cho các cháu bé phải theo mẹ vào ở trong trại giam.

Công an mời 3 người bạn tù ở chung cùng tôi là Tuyết, Hường và Sinh cùng đại diện của các bà mẹ là một nữ tù nhân khác ra chứng kiến việc giao nhận tiền.

Tôi giữ lại 200,000đ tiền lộ phí đi đường mà trại giam cấp theo đúng chế độ dành cho tù nhân của nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Đến lúc này, nữ cán bộ đưa tôi ra xe nói: “Chị thông cảm, chúng tôi không thể để chị mang theo nhật ký khi chúng tôi chưa thể kiểm tra xong”.

Tôi chỉ cười và nói: “Quyển sổ đó chỉ có một vài trang là tâm tư tình cảm của tôi khi nhớ nhà, còn lại toàn bộ là những điều mà tôi nghĩ ai cần đọc để thay đổi thì nên đọc, Tôi cũng đã chuẩn bị cho tình huống này nên những gì cần nhớ đều nằm ở trong đầu tôi cả rồi”.

Trước đó, một công an nam tôi đoán là từ Bộ, đã thuyết phục tôi viết đơn “xin tạm hoãn chấp hành án để đi Mỹ” nhưng tôi từ chối. Bởi sau buổi gặp với đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hồi giữa tháng 7 ở ngay trại giam số 5, tôi biết số phận của tôi đã được quyết định và tôi không phải viết bất kỳ tờ giấy nào. Do một số trục trặc xảy ra khi ông Trần Đại Quang qua đời, công an trại giam cũng liên tục “nhờ” người bắn tin vì tôi không chịu viết thư nên có lẽ tôi không đi Mỹ được, Những người trước đều đi rất nhanh sau khi có người nước ngoài vào gặp, vì tôi lỳ lợm, cứng đầu nên tôi sẽ phải ở lại đây. Tôi im lặng, và chấp nhận những khó khăn đó nhưng một phần thử thách mà tôi phải đối diện vì tôi biết thứ họ cần là tờ giấy xin tạm hoãn chấp hành án phạt tù.

Tôi đã rời khỏi trại giam số 5, Yên Định, tỉnh Thanh Hoá mà không ký bất kỳ giấy tờ nào ngoài biên bản giao nhận tiền lưu ký.

Trên đường từ Thanh Hoá ra sân bay Nội Bài (Hà Nội), đi cùng xe với tôi có 3 người, một lái xe, nữ công an Hoàng Thị Ánh Hồng và một người nữa. Hai chiếc xe khác chở theo 8-10 công an nam, tôi đoán họ được chi viện từ Bộ. Xe dừng ở trạm Cầu Giẽ (Ninh Bình), công an luôn theo sát tôi dù họ thừa biết tôi chẳng thể làm gì để thay đổi tình huống này. Tôi không hề chợp mắt trên suốt quãng đường từ Thanh Hoá ra Hà Nội, thứ cuối cùng mà tôi có thể cố gắng ghi nhớ trong tầm mắt mình là những cánh đồng lúa xanh mướt, những luỹ tre làng và những lời bàn tán, hẹn hò chuẩn bị đón nhau ăn mừng tại Hà Nội của những công an trên xe.

Nữ công an áp giải tôi gọi Messenger với một đồng nghiệp khác (tôi đoán thế) hẹn nhau sẽ gặp ăn trưa ở Hà Nội khi họ “giao hàng” xong. Cô ấy nói với tôi rằng: “Chị Quỳnh sang Mỹ đừng dùng Facebook để nói xấu chúng tôi nhé!”.

Tôi định im lặng, nhưng nghĩ sao lại lên tiếng: “Cán bộ dùng Facbook nói xấu chúng tôi – những người tranh đấu thì được, còn chúng tôi thì không có quyền đó à? Mà đến hôm nay, đã ai chứng minh được tôi nói xấu gì đâu? Nói sự thật cũng là một cái tội!”. Không khí trên xe chùng hẳn lại.

Đến sân bay Nội Bài, tôi được áp giải vào thẳng một phòng riêng chờ ở đó, Hộ chiếu của tôi cũng có một công an khác cầm đi. Có người hỏi tôi có cần đổi từ tiền Việt sang tiền đô la để mang sang Mỹ không? Cô cán bộ áp giải tôi nói: “Chị âý đã để lại toàn bộ tiền lưu ký ở trại giam cho bạn tù và bọn trẻ con rồi!”. Các công an nam ồ lên rồi nhìn tôi!

Đợi khoảng hơn 30 phút, đại diện của đại sứ quán Hoa Kỳ, chị Jessica bước vào phòng gặp tôi, chị ấy bảo hôm nay sẽ đi cùng tôi và gia đình đến Mỹ. Mẹ và các con tôi đã lên máy bay rồi, “mọi người sẽ gặp tôi trong vài phút nữa”. Sau đó chị ấy rời đi.

Tôi ngồi ở đó không biết bao lâu vì tôi nhắm mắt cố không nghĩ thêm. Cửa bật mở, hai công an nam khác tiến vào và bảo: “Đến giờ rồi chị Quỳnh”. Họ đưa hộ chiếu và vé máy bay rồi áp giải tôi đi ra một lối riêng không hề có bất kỳ ai. Tất cả mọi người đều đã ngồi yên, tôi là hành khách cuối cùng trên chuyến bay.

Cậu con trai của tôi, dường như phải chờ quá lâu trong suốt mấy ngày qua nên khi gặp mẹ cứ ôm chầm lấy tôi, hai tay cậu ấy cứ vuốt má tôi rồi hỏi: “Mẹ phải không? Mẹ thật đây phải không?”. Con gái tôi đứng bên cạnh và mọi người trong máy bay im lặng, có ai đó vỗ tay.

Và có ai đó đã chụp hình!

Chúng tôi rời Việt Nam trong khoảnh khắc bên nhau cuối cùng trên chuyến bay EVA52.

(Hết phần 1)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thật sự xúc động. Chúc chị và các cháu ổn định cuộc sống.
    Có một bác trí thức nước Đảng, tên Mai Bá Kiếm có hỏi rằng: “bao giờ csvn mới cởi cái áo cộng sản vứt đi” chị trả lời giúp bác ấy và cho cả bầy đàn trí thức ở nước Đảng
    Câu trả lời không nên nói chung chung chị nhé

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây