Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế

Dương Quốc Chính

15-10-2021

Nghị quyết này bản chất đã phế bỏ 3 cái Chỉ thị 15, 16, 19 của ông Nguyễn Xuân Phúc nhưng chắc vì tế nhị, nể mặt ông Phúc nên CP mới dùng cái gọi là “tạm thời không áp dụng” 3 cái chỉ thị kia. Tại sao là có khái niệm tạm thời? Đó là vì Nghị quyết của CP bản chất là thứ văn bản mang tính thời vụ, nó không như nghị định là văn bản pháp quy ổn định dựa trên luật.

Nghị quyết 128 thực ra đã tiến bộ hơn rất nhiều so với 3 cái Chỉ thị kia. Đầu tiên phải kể đến là thể thức văn bản. Chỉ thị không phải là văn bản mang tính pháp quy, không có giá trị pháp lý với người dân, chỉ mang tính chỉ đạo với cán bộ công chức. Tức là nó vô nghĩa với người dân, nếu căn cứ vào đó để xử phạt là sai luật, nên thường báo chí cách mạng chỉ chém gió là căn cứ Chỉ thị nhưng khi lập biên bản thì cán bộ chống dịch lại phải dùng nghị định 117. Còn cái Nghị quyết này nó là một dạng văn bản hoàn toàn khác với Chỉ thị, nó gần giống 1 nghị định nhưng mang tính tạm thời (trong giai đoạn dịch Covid) dạng khung định hướng cho các Bộ và cấp tỉnh làm căn cứ chung cho việc SỐNG CHUNG VỚI DỊCH.

Nghị quyết này sẽ không được áp dụng trực tiếp cho người dân mà phải dựa trên tối thiểu hai hướng dẫn của một hay vài Bộ và hướng dẫn của cấp tỉnh. Nói chung sẽ tối thiểu cần hai văn bản của Bộ Y tế và cấp tỉnh. Hiện nay Bộ Y tế đã ra QĐ4800 hướng dẫn, cụ thể hoá một số nội dung của Nghị quyết 128, như cách đánh giá cấp độ dịch của mỗi tỉnh (4 cấp với 4 màu xanh, vàng, cam, đỏ) ứng với 4 mức độ ứng xử của các địa phương với dịch bệnh, để quản lý người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Mình đoán là các tỉnh sẽ công bố văn bản hướng dẫn dựa trên NQ128 và hướng dẫn của Bộ Y tế vào cuối tuần này hoặc muộn nhất là đầu tuần sau. Lưu ý một chi tiết này, hồi trước Chính phủ ra chỉ thị thì cấp tỉnh cũng ra chỉ thị chống dịch. Nhưng lần này Chính phủ ra nghị quyết nhưng cấp Bộ lại không được ra nghị quyết và cấp tỉnh cũng vậy nên Bộ Y tế mới ra Quyết định số 4800/QĐ-BYT để hướng dẫn NQ128.

Quyết định là văn bản pháp quy hẳn hoi, hoàn toàn khác với chỉ thị nên hiệu lực pháp lý của nó mạnh hơn với cả công chức lẫn người dân. Xin nhớ rằng chỉ thị chỉ mang tính cảnh báo, không phải VB pháp quy, nên Chính phủ cũng không dựa vào đó để xử lý cấp dưới và cán bộ cũng không căn cứ vào chỉ thị để xử lý người dân. Chính vì thế mà việc chống dịch thời gian qua mới hỗn loạn. Trung ương không chỉ đạo được địa phương và cán bộ chống dịch thì vận dụng Chỉ thị một cách tuỳ hứng và tuỳ độ ngu và hung hãn của anh em!

Lỗi này là thuộc về Chính phủ của ông Phúc. Mình là một trong những người đầu tiên đã phân tích tính pháp lý của CT16 chỉ sau hai ngày kể từ khi nó ban hành và đã nhận biết bao cú húc của anh em bò đỏ và thiện lành! Mình cũng đã viết một mớ status phân tích là việc chống dịch hỗn loạn vừa rồi chính là do mấy cái Chỉ thị không còn phù hợp với tình hình mới, nhất là cách hành văn lủng củng, dùng văn nói (cái lọ cách ly với cái chai, cái chai cách ly với cái bát, bát cách ly với đũa!). Chuyện này mình đã viết ở status phản đối CT16 ngay từ khi nó mới ban hành, không nhắc lại nữa.

Như vậy, về thể thức văn bản, NQ128 đã fix được lỗi cơ bản của đống chỉ thị nói trên.

Về cách trình bày, NQ128 đã soạn một cách khoa học hơn, giống ngôn ngữ văn bản hơn mấy cái Chỉ thị dùng văn nói lòng thòng và ngây ngô kia. Đặc biệt là bằng cách kẻ bảng, nó dễ hiểu và rõ ràng hơn, cũng như để mở cho việc bổ sung thông tin từ các Bộ (Y tế, Giáo dục, GTVT…) và các tỉnh, tránh để xung đột giữa Trung ương với các ngành và địa phương. Nếu còn xung đột thì cũng dễ dàng xử lý, hiện tại Hải Phòng đang có hướng dẫn xung đột với Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Bộ Y tế. Nếu Hải Phòng không bị Chính phủ xử lý thì ông Chính nên từ chức sớm vì trên bảo dưới không nghe!

Về nội dung, NQ128 có điểm sáng là đã tỏ ra là thân thiện với virus hơn! Xác định là con virus nhỏ bé sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Điểm mà mình đánh giá cao nhất và cũng đã từng đấu tranh không mệt mỏi bằng bàn phím từ đầu dịch đến giờ, đó là:

1. Có 4 cấp độ dịch được tính toán được dựa trên công thức toán học do Bộ Y tế hướng dẫn dựa trên số ca nhiễm/dân số, khả năng y tế và tiêm vaccine của mỗi địa phương. Cách tính này khá khoa học và các tỉnh cũng khó tìm được cách để tăng cấp độ dịch nhằm an toàn cho lãnh đạo.

2. Có thể áp dụng thống nhất trong cả nước 1 cách ứng xử (mình không dùng từ chống) với dịch.

3. Hàng hoá không phân biệt thiết yếu hay không đều phải được lưu thông với mọi cấp độ dịch.

4. Các cơ sở sản xuất, công trường XD đều được hoạt động với mọi cấp độ dịch bệnh trong tương lai.

5. Các cơ sở dịch vụ như chợ, siêu thị đều được hoạt động, chỉ cấp độ 4 mới bị hạn chế.

6. Các cơ quan, công sở cũng không bị ngừng hoạt động, chỉ bị hạn chế với cấp độ dịch 3, 4

Ảnh trên mạng

Tóm lại là chỉ có một số dịch vụ nhạy cảm kiểu massage, karaoke, vũ trường, bar hay không nhạy cảm lắm như game, quán net, làm đẹp, cắt tóc mới dễ bị ngừng hoạt động. Có thể bị ngừng ngay từ cấp độ 2, tuỳ địa phương. Nên anh chị em hoạt động trong lĩnh vực vui chơi giải trí nên xác định là khó sống. Trong khi đó rạp chiếu phim hay hoạt động thể thao, văn hoá nghệ thuật (nhạc, kịch…) lại đỡ bị hạn chế hơn, chỉ bị ngừng với cấp độ dịch cao nhất. Điều này cho thấy sự kỳ thị của CP với một số ngành dịch vụ hốt bạc nói trên trong khi nguy cơ lây nhiễm so với việc xem phim hay nghe nhạc trong rạp chẳng khác nhau mấy.

Mình dự là anh chị em hoạt động trong lĩnh vực trên phải có giải pháp thay đổi cách hoạt động để thích ứng với tình hình mới. Ví dụ massage, karaoke dạo, tại nhà nghỉ hay tại nhà. Bay lắc, uống rượu tại nhà nghỉ thay vì vũ trường hay bar.

Đối với cá nhân, khá buồn cười khi NQ128 yêu cầu 5K (không giải nghĩa 5K là gì) với mọi cấp độ dịch. Điều này khá nhảm. Thay vào đó cần có các cấp độ 1-5K với từng cấp độ dịch. Bởi nếu quy định như hiện tại thì người dân phải chung thân với cái khẩu trang và cán bộ có quyền đè dân ra phạt nếu không đeo khẩu trang kể cả với cấp độ dịch thấp nhất? Nếu các tỉnh căn cứ vào yêu cầu 5K này để ra QĐ thì coi như dân bị rọ mõm lâu dài bằng khẩu trang. Các đôi lứa yêu nhau mà hôn nhau nơi công cộng sẽ có nguy cơ bị phạt!

Tương tự với việc áp dụng CNTT với người dùng phone không là bắt buộc với mọi cấp độ dịch. Có thể đây là tiền đề để cán bộ bắt ép dân phải dùng mấy cái app kiểu Bluezone.

Việc đi lại của dân thì điểm sáng là chỉ bị hạn chế với cấp độ dịch cao nhất và bỏ việc test đại trà thay vào đó là test ngẫu nhiên và chỉ bắt buộc với cấp độ cao nhất hay để truy vết. Việc bắt buộc phải test khi người dân đi lại giữa các địa phương đã bị huỷ bỏ với 3 cấp độ dịch đầu tiên (theo QĐ của Bộ Y tế nói trên). Nhưng điểm tối là phải tuân thủ việc tiêm chủng của Bộ Y tế. Bộ Y tế đang áp dụng cái giống như thẻ xanh (điều kiện tiêm 2 mũi). Thực ra đây không phải vấn đề của Nghị quyết mà là vấn đề ở quyết định của Bộ Y tế.

Việc Bộ Y tế dựa trên số ca mắc mới để tính cấp độ dịch là không phù hợp với tình hình sống chung mà cần dựa trên số ca tử vong hoặc phải thở máy. Ca nhẹ thì mặc kệ thôi, coi như cúm mùa.

Về việc điều trị Covid tại nhà, điểm sáng là Nghị quyết đã để ngỏ cho việc điều trị tại nhà trong cả 4 cấp độ dịch, căn cứ theo tình hình của mỗi địa phương và NGUYỆN VỌNG CỦA NGƯỜI NHIỄM COVID, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Vậy nên quả bóng về giải pháp điều trị theo cách nào đã được đá cho Bộ Y tế. Hiện tại Bộ đang hướng dẫn là theo cách hiện hành. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì khả năng bị cách ly tập trung với F1 là vẫn có thể xảy ra nhưng không chắc chắn. Người già, trẻ em, có bệnh nền và phụ nữ mang thai sẽ không bị cách ly tập trung.

Tóm lại, NQ128 và QĐ4800 cho thấy nhiều điểm tiến bộ, thể hiện sự cầu thị và thích ứng với tình hình dịch mới với độ ổn định cao hơn cúm mùa. Tuy nhiên, việc áp dụng với cá nhân vẫn còn nhiều áp đặt mang tính vi phạm quyền tự do lựa chọn. Với nhà nước xã nghĩa thì điều này cũng không bất ngờ lắm. Quy định 5K với mọi cấp độ dịch tỏ ra khá ngớ ngẩn và sẽ có nguy cơ lạm dụng bởi cán bộ nhiệt tình cộng ngu dốt.

Và quan trọng nhất là luật lệ thế rồi nhưng trên bảo dưới có nghe không lại là chuyện khác. Quan lại làm sai luật có bị xử lý hay không? Dân kiện quan lại làm sai có thể thắng hay không là dấu hỏi to. Nếu ông Chính xử lý được mấy vấn đề trên thì may ra mới vớt vát lại được uy tín sau việc chống dịch thất bại vừa rồi.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to nguoiluongthien Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây