Hiện tượng Đinh Văn Nơi: “Dân túy kiểu công an trị”

Phạm Lê Vương Các

5-10-2021

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc CA tỉnh An Giang, có cuộc nói chuyện riêng tư qua điện thoại với cựu Bí thư tỉnh này được tung lên mạng. Dù người trong cuộc nói rằng đoạn ghi âm này bị cắt ghép với ý đồ xấu, nhưng xuyên suốt cuộc nói chuyện người nghe dễ nhận ra, ông Nơi có phát ngôn rất “dân tuý” và sẵn sàng “bật lại” các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trong công tác phòng chống dịch.

Chỉ vì bất đồng quan điểm với Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về vấn đề đón người “chạy dịch” trở về quê nhà, ông Nơi, qua điện thoại nói năng rất vô tổ chức: “…Đứa nào làm thì ra mà làm đi, tui không làm đó… Tui không làm đó, ổng làm gì được tui…”.

Cách nói chuyện của ông Nơi cho thấy ông ta có một thái độ phản kháng, phá vỡ đi nguyên tắc chính trị và quy định pháp luật hiện hành, đó là Công an tỉnh phải chịu sự quản lý và điều hành của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

Sự “bật lại” của ông Nơi đối với Chủ tịch tỉnh là điều đáng lo hơn là đáng khen. Nó thể hiện sự nổi lên của một xu hướng “công an trị”- tức công an luôn muốn vượt ngoài sự quản lý và kiểm soát của hệ thống chính quyền dân sự, không thực hiện hoặc làm trái với các chỉ đạo hay yêu cầu của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp.

Lẽ ra trong trường hợp có bất đồng, ông Nơi cần tham mưu cho Chủ tịch tỉnh, đề xuất ý kiến của mình để có sự thống nhất trong hệ thống chính quyền, và phải chấp hành các quyết định của UBND tỉnh. Chứ không phải khi Chủ tịch tỉnh quyết định “không đón người tự ý về”, còn Giám đốc Công an tỉnh thì bày tỏ thái độ phản kháng mang màu sắc “dân tuý” để lấy lòng dân như vậy.

Phong cách dân tuý của ông Nơi chỉ là dạng kiểu cách như ông Đinh La Thăng và Nguyễn Bá Thanh, chứ không phải là một “phong cách dân chủ” cần có của một người lãnh đạo.

Thực tế cho thấy, nơi nào có những người dân đang khốn cùng, là nơi đó tạo ra cơ hội cho các nhà lãnh đạo dân tuý nổi lên để lấy lòng dân và thủ đắc thêm quyền lực cho chính họ mà thôi.

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. “… ông Nơi, qua điện thoại nói năng rất vô tổ chức: “…Đứa nào làm thì ra mà làm đi, tui không làm đó… Tui không làm đó, ổng làm gì được tui…”.

    Tôi nghĩ lời là phát biểu này là không có tính toán theo kiểu dân túy, có nghĩa là nhằm mục đích sách động dân chúng theo phe Công an và hay gây thêm bất ổn cho xã hội. Người Nam bộc trực, nghỉ sao nói vậy theo tinh thần địa phương hay lãnh chúa địa phưong (rừng nào cọp nấy) nhiều hơn. Sử dụng khái niệm dân túy đang thịnh hành tại các nước phương Tây hiện nay trong tình hình này là không phù hợp.

    • tui có cùng suy nghĩ với bạn, không lẽ tác giả của bài viết này đang làm nhiệm vụ “buộc tội” hay “vu khống” công dân chính trực để lập công??? Cuộc nói chuyện mang tính riêng tư đâu cần phải “trông trước, ngó sau”; hơn nữa, sống trong cái xã hội ngập ngua những phần tử “lạnh máu tanh lòng” thì khó tránh khỏi được chửi bậy!

  2. “Lẽ ra trong trường hợp có bất đồng, ông Nơi cần tham mưu cho Chủ tịch tỉnh, đề xuất ý kiến của mình để có sự thống nhất trong hệ thống chính quyền, và phải chấp hành các quyết định của UBND tỉnh. Chứ không phải khi Chủ tịch tỉnh quyết định “không đón người tự ý về”, còn Giám đốc Công an tỉnh thì bày tỏ thái độ phản kháng mang màu sắc “dân tuý” để lấy lòng dân như vậy.”.
    – Biết đâu đã bàn cài rồi mà vẫn bất đồng thì sao ? Mình không tin ông Nơi muốn lấy lòng dân . Mà thật ra thì, lãnh đạo nào chẳng muốn được lòng dân ??? Nhưng, ông Nơi, được hay mất lòng dân thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cái ghế của ông ấy. bởi dân có bầu ông vào vị trí GĐ Sở CA đâu nhỉ ?!

  3. Nội dung trao đổi trong cuộc điện đàm này rất liền lạc, chặt chẽ và thống nhất, hơn nữa chỉ xoay quanh vấn đề rất mới, rất thời sự. Điều đáng chú ý ở đây là tinh thần “tự diễn biến” trong cán bộ cấp rất cao là có thật và rất mạnh, rất dứt khoát.

  4. Đảng luôn đúng?
    đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối!
    Đề xuất của Đinh Văn Nơi (nếu có) sẽ dễ dàng bị qui kết “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ….
    bài viết không thuyết phục/không đạt hiểu quả với thực tế những gì đã, đang xảy ra ở Vn.

  5. Cá nhân tui, không có nhã ý tìm hiểu những động lực sâu xa của tác giả khi viết bài này nhưng, tôi lại rất quan tâm tới nhân vật giám đốc công an tỉnh An Giang, Đinh Văn Nơi, bởi lẽ, Giám đốc Đinh Văn Nơi không chỉ nói “dõng dạc tiếng người, thửa ấu thơ mẹ dạy” (trích tập thơ chính luận “Hãy Ngẩng Mặt” của người thơ Nguyễn Đắc Kiên) mà ông ta còn ý thức được nhiệm vụ “bảo vệ dân”, và trách nhiệm cũng là “bảo vệ dân” của Người công an đích thực khi: khoác bộ quân phục của “nhân dân”, và khi được nhân dân nuôi ăn, nhân dân nuôi học, nhân dân trả lương!!!
    Đối với cấp trên của giám đốc tỉnh “ăn cơm dân” mà không nói tiếng dân, không hiểu được đạo lý của con người và không hiểu được nhiệm vụ tối thiểu của người cán bộ thì nên bỏ mũ áo về quê (nếu có lòng tự trọng) trước khi bị sa thải bởi một chính quyền thật sự vì dân!
    Nói một cách nghiêm túc thì, suy nghĩ của Đại tá Đinh Văn Nơi đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào niềm tin của dân đối với ngành công an đã từ lâu bị dân phỉ nhổ.
    Kết quả xử lý về vụ việc liên quan tới Đại tá Đinh Văn Nơi sẽ là thước đó khá chuẩn xác về lực lượng công an đã thực sự “vì dân” hay chống lại dân.
    Chúng ta (tui và tác giả) không cùng chung một suy nghĩ cho cùng một vấn đề, âu cũng rất bình thường miễn sao chúng ta tôn trọng nhau là đủ! Trân trọng và chúc sức khỏe.

  6. Đã nói chuyện riêng tư tức chỉ họ nói, biết với nhau chứ đâu phải tuyên bố tuyên mẹ gì đâu mà “lãnh đạo dân túy lấy lòng dân để thủ đắc thêm quyền lực…” TG đừng suy bụng ta ra bụng người! Được nghe câu chuyện của tướng Nơi người dân lại thấy ông là anh hùng đích thực, hiểu dân và vì dân. Răm rắp theo lệnh trên nên 15 ngàn dân đã chết oan uổng còn chưa mở mắt ra sao?

  7. Nghe theo ủy ban tỉnh và thành phố để hành hạ dân nữa sao ? Ít ra trước mắt cũng có một người nghĩ cho dân còn hơn là toa rập. Cái đảng này sớm đã bị đạp đổ nếu không vì dân quá nhu nhược.

Leave a Reply to "Giang hồ" nói gì cũng phải đúng! Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây