Thay trời hành… đạo tặc!

Lê Huyền Ái Mỹ

29-9-2021

Thiệt là tình, mấy tháng trú ẩn pháo đài, chiến binh-tui luyện “chưởng” Huê Kỳ nên hơi lậm. Coi cái clip lóe sáng, cảnh sát ập vào, lôi người phụ nữ xềnh xệch đi qua hành lang, ống kính tiếp tục chếnh choáng ra vùng sáng, tưởng gì, hóa ra lôi đi là để đặt chị ta ngồi xuống bàn… chọt ngoáy!

Ngỡ là phim, tình tiết kết thúc hành động giật gân kia lại bất ngờ đến buồn cười nên vẫn cứ nghĩ là phim hề, mà quên đi tiếng khóc thét của đứa trẻ, quên đi cái hành vi “ào ào như sôi” của một mớ người khoác lên mình bộ sắc phục kia…

Nhưng chẳng ai đùa, lại không phải phim, nó thật từ ông bí thư đảng ủy phường, cán bộ, công an phường cho đến cái cách “đạp cửa xông vào, liều mình như chẳng có”, cái tiếng khóc thét của bé con khi chứng kiến mẹ bị lôi đi, bị giật trái tay…

Sau đây, liệu có tác giả nào, nhà làm phim nào dám, muốn, thôi thúc làm phim từ những câu chuyện thực tế ấy hay không thì tôi không rõ. Nhưng đó là một phần từ hiện thực – những ngày này, ngay tại đây.

Ở đâu, ngành nghề gì, bất cứ ai thì cũng có người này người nọ. Tốt xấu, đúng sai không từ một ai, nhất là chịu nhìn kỹ chính bản thân mình. Để ít nhất, trong phê phán, lên án bất cứ ai, sẽ công bằng hơn.

Nhưng với những người đã mang “hàm” công vụ, là ông bí thư đảng – chắc chắn, ông nằm lòng công tác dân vận. Ông công an càng làu thông “đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”, thế mà họ, cho rằng, hay mượn lấy việc chống dịch, phủi bỏ tất cả.

Nhìn rộng ra, có một bộ phận quan chức, cán bộ, cái máu “quan cách mạng” (chữ của cụ dùng) nó chảy không dừng. Hễ có tí việc mà liên can tới dân tình, được dịp kiểm tra, tra hỏi là lập tức ra oai, là nổi máu trưởng thượng, quan quyền. Cái nơi mà họ cho rằng mình đang tối thượng ấy, điều lệ, mười mấy điều không được làm, trăm mấy điều nhận diện hoàn toàn bay biến; và nhất là luật pháp, thì lại càng chẳng mảy may. Cứ thế ra tay. Cứ thế hống hách. Coi dân như rác.

Sực nhớ, cả trăm năm trước, ông Trần Hữu Trang viết trong Đời cô Lựu, nhân vật Hội đồng Thăng, “ê, Hai Thành, ở đây pháp luật là tao, tao là pháp luật nhe mậy, mầy đi đằng trời cũng hông thoát”.

100 năm sau, trời vẫn cao lồng lộng mà những tay “hội đồng Thăng” còn đầy rẫy khắp nơi. Mùa dịch bệnh, nó lại len cả vào trong chung cư mà thay trời hành đạo… tặc!

Thì đừng hồ nghi, sao “dịch bệnh” ở ta lại lắm trò “biến chủng”?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
    bốn ngàn năm, giờ lại ngót trăm năm.
    hết phong kiến độc tài, đến lũ bạch tuộc thực dân,
    hết quân, hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa.

    bao thế hệ siết rên trong gọng kềm nô lệ.
    chuyên chế dã man đục rỗng chí con người.
    cha tôi, ông tôi, bao thế hệ ngủ vùi.
    tôi chưa thấy một đêm nào dài thế.

    không ánh mặt trời, bóng tối chí tôn,
    lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị,
    khủng bố dã man, reo rắc những kinh hoàng,
    biến lẽ sống thành châm ngôn “mày phải sợ”.

    mày phải sợ mày ơi mày phải sợ,
    sợ nữa đi có sợ mãi được không,
    cốt tủy mục rỗng rồi trí óc cũng tối đen,
    mày lại đẻ ra lũ cháu con “biết sợ”.

    bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ,
    lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau,
    còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
    sống cho xứng danh xưng con người trên mặt đất.

    tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
    cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể.
    vì người ta cần ánh mặt trời,
    tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi!

    Trích: Tập thơ chính luận “Hãy Ngẩng Mặt” của người thơ Nguyễn Đắc Kiên

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây